✴️ Xét nghiệm Troponin trong chẩn đoán nhồi máu cơ tim

Nội dung

Troponin là gì?

Troponin là phức hợp protein có hình cầu nằm trong các sợi mảnh của sợi cơ tim, tham gia vào quá trình điều hòa sự co cơ tim. Phức hợp troponin gồm ba thành phần là troponin C, troponin I và troponin T, trong đó troponin C gắn kết với canxi và hiện diện ở cả cơ tim lẫn cơ xương, còn troponin I và troponin T là dạng đặc hiệu của cơ tim. 

Khi có hoại tử cơ tim, troponin được phóng thích vào máu, do đó xét nghiệm phát hiện troponin I hoặc T trong máu đóng vai trò quan trọng trong chẩn đoán nhồi máu cơ tim

Kiểm tra troponin khi nào?

Xét nghiệm troponin có thể giúp phát hiện các tổn thương ở tim. Bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm nếu một người gặp phải các triệu chứng gợi ý cơn đau tim chẳng hạn như:

  • Đau ngực
  • Khó thở
  • Nhịp tim nhanh
  • Chóng mặt
  • Mệt mỏi

Không sử dụng đơn độc kết quả nồng độ troponin tăng cao để chẩn đoán bệnh tim. Cần kết hợp các triệu chứng và các kết quả thăm dò chức năng khác như kiểm tra thể chất hoặc điện tâm đồ (ECG) từ đó có thể chẩn đoán, đưa ra các quyết định điều trị và các phương pháp phù hợp.

chẩn đoán nhồi máu cơ tim

Phạm vi troponin bình thường là bao nhiêu?

Nồng độ Troponin thường thấp đến mức các xét nghiệm máu bình thường không thể phát hiện ra. Vì vậy, ngay cả sự gia tăng nhỏ của troponin đã cho thấy có những tổn thương ở tim.

Nồng độ tăng đáng kể, đặc biệt nếu tăng và giảm trong một thời gian ngắn là một dấu hiệu gợi ý lớn đến đau tim.

Phạm vi cho mức độ troponin bình thường có thể khác nhau giữa các phòng xét nghiệm, vì vậy tốt nhất nên trao đổi kết quả xét nghiệm với bác sĩ điều trị. Thông thường nồng độ troponin được tính bằng nanogam trên mililit máu (ng/ml).

Khoa Y học thuộc Đại học Washington cung cấp các mức độ troponin như sau:

  • Bình thường: dưới 0,04 ng/ml
  • Đau tim có thể xảy ra: trên 0,40 ng/ml

Có kết quả trong khoảng 0,04 đến 0,39 ng/ml thường cho thấy có vấn đề với tim. Tuy nhiên, một số người khỏe mạnh bình thường vẫn có nồng độ troponin cao hơn mức 0,04 ng/ml. Vì vậy, nếu kết quả nằm trong phạm vi này, bác sĩ có thể kiểm tra các triệu chứng khác và yêu cầu xét nghiệm thêm trước khi đưa ra chẩn đoán.

Theo Lab Tests Online, nhiều phòng thí nghiệm tại Hoa Kỳ hiện đang sử dụng phiên bản độ nhạy cao của xét nghiệm troponin, được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt năm 2017. Phương pháp này có thể phát hiện ra mức tăng troponin nhạy hơn các xét nghiệm trước.

Trong đó, bác sĩ thường yêu cầu một loạt các xét nghiệm troponin để theo dõi mức độ thay đổi của một người theo thời gian.

Nguyên nhân gây ra nồng độ troponin cao

Nồng độ troponin tăng cao có thể là do nhiễm trùng huyết, suy thận, suy tim hoặc chấn thương ở tim.

Nồng độ rất cao thường gợi ý một người đã bị đau tim, điều này có thể xảy ra nếu máu nuôi cơ tim đột nhiên bị chặn lại.

Một số nguyên nhân gây tăng nồng độ troponin có thể bao gồm:

  • Nhiễm trùng huyết, là một phản ứng nghiêm trọng và có khả năng đe dọa đến tính mạng.
  • Suy thận hoặc bệnh thận mãn tính
  • Suy tim
  • Tổn thương liên quan đến hóa trị
  • Thuyên tắc phổi
  • Nhiễm trùng tim
  • Viêm cơ tim.
  • Tổn thương tim do sử dụng thuốc kích thích, chẳng hạn như cocaine
  • Chấn thương chẳng hạn như từ một cú đánh mạnh, bất ngờ vào ngực.

Điều trị

Thăm khám và điều trị cần tập trung vào việc tìm kiếm và giải quyết nguyên nhân cơ bản. Nồng độ troponin rất cao thường gợi ý rằng một người gần đây bị đau tim. Điều trị cơn đau tim phụ thuộc vào việc tắc nghẽn dòng máu đến nuôi tim là một phần hay toàn bộ. Một số phương pháp điều trị phổ biến của cơn đau tim bao gồm:

  • Thuốc làm tan máu đông
  • Nong mạch vành.
  • Đặt stent
  • Phẫu thuật cầu nối chủ - mạch vành.
  • Loại bỏ chọn lọc một số vùng tim hoại tử bằng sóng radio

Để ngăn ngừa các cơ đau tim hơn nữa cần thay đổi lối sống như bỏ thuốc lá, giảm cân, tập thể dục và chế độ ăn uống lành mạnh hơn.

Tóm lược

Xét nghiệm troponin để đánh giá liệu có tổn thương tim của một người hay không. Nồng độ rất cao của chất troponin có thể gợi ý một cơn đau tim gần đây. Ngoài ra, mức troponin cao hơn bình thường của cũng có thể chỉ ra các chấn thương và tình trạng khác ảnh hưởng đến tim.

Tuy nhiên, không chỉ sử dụng đơn độc kết quả nồng độ troponin tăng cao để chẩn đoán bệnh tim. Cần kết hợp xét nghiệm, thăm dò chức năng và các triệu chứng lâm sàng để chẩn đoán, kết luận.

Điều trị nồng độ troponin cao phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra. Đối với những người bị đau tim, cần điều trị nhanh chóng và kịp thời nhằm tái thông mạch máu nuôi tim.

Tìm hiểu về: Năm loại nhồi máu cơ tim và tiêu chuẩn chẩn đoán

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top