✴️ HIV và các con đường lây truyền

HIV là gì?

Theo quy định tại Điều 2 của Pháp lệnh phòng chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người ( HIV/AIDS), thuật ngữ HIV và AIDS được hiểu như sau:

  • HIV là loại virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người. HIV có thể lây truyền qua quan hệ tình dục, qua đường máu hoặc truyền từ mẹ sang con trong thời kỳ mang thai, sinh đẻ và cho con bú.
  • AIDS là giai đoạn cuối của quá trình nhiễm HIV gây tổn thương hệ thống miễn dịch của cơ thể, làm cho cơ thể không còn khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh và dẫn đến chết người.
  • Nhiễm trùng cơ hội là những nhiễm trùng xảy ra nhân cơ hội cơ thể bị suy giảm miễn dịch do bị nhiễm HIV.

Ở Việt Nam, trường hợp nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện tại TP Hồ Chí Minh vào cuối tháng 12-990 nhưng thực sự dịch bùng nổ từ năm 1993 cũng bắt đầu từ TP Hồ Chí Minh sau đó lan tràn khắp toàn quốc và đến cuối năm 1998, tất cả các tỉnh, thành đều đã phát hiện có người nhiễm HIV.

Tính đến cuối tháng 4-2007, toàn quốc đã phát hiện 125.673 trường hợp nhiễm HIV trong đó 24.275 trường hợp đã diễn biến thành AIDS và 13.755 trường hợp đã bị tử vong do AIDS. Dịch đã bùng nổ trong các nhóm có hành vi nguy cơ cao như nghiện chích ma túy, mại dâm, người mắc bệnh lây qua đường tình dục và bắt đầu lan vào cộng đồng thể hiện tỷ lệ lây nhiễm gia tăng ở tân binh và phụ nữ có thai.

Ước tính năm 2007, toàn quốc có khoảng 280.000 người bị nhiễm HIV trong đó có 29.000-45.000 người diễn biến thành AIDS và 15.000-20.000 người sẽ bị chết do AIDS. Kết quả giám sát trọng điểm tại 40 tỉnh cho thấy xu thế nhiễm HIV vẫn tiếp tục gia tăng trong nhóm người có hành vi nguy cơ cao như tiêm  chích ma túy khoảng 23,2%.

Tuy nhiên, ở nhiều tỉnh, khoảng 80-90% người nhiễm HIV là người nghiện chích ma túy. Sau nhóm nghiện chích ma túy là nhóm nữ bán dâm và khách của họ (tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm mại dâm qua giám sát trọng điểm năm 2006 khoảng 4,14% trên phạm vi toàn quốc song rất cao ở một số tỉnh như tại Hà Nội là 14%, tại TP Hồ Chí Minh: 10,74%, tại An Giang là 9,49% và Cần Thơ là 33,8%.

Ở Việt Nam hiện nay đang có xu thế giao thoa giữa các đường lây vì người nghiện chích ma túy vừa có khả năng bị lây HIV do dùng chung bơm kim tiêm, vừa có nguy cơ bị lây HIV qua đường tình dục vì theo kết quả giám sát hành vi cho thấy hơn 60% số những người nghiện chích ma túy có quan hệ tình dục với gái bán dâm.

Ngược lại, gái bán dâm vừa có nguy cơ bị lây HIV qua quan hệ tình dục vừa có nguy cơ lây HIV qua tiêm chích ma túy. Kết quả giám sát hành vi cho thấy hơn 50% gái mại dâm tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có tiêm chích ma túy.

 

HIV/AIDS lây qua đường nào?

Sau khi xâm nhập vào cơ thể, HIV có nồng độ cao trong máu, trong dịch tiết sinh học (các dịch viêm ở màng bụng, màng phổi, màng tim, dịch não tủy, dịch rỉ viêm do các tổn thương trên da, dịch tiết sinh dục nam và nữ, sữa mẹ) nên HIV có thể lây truyền qua ba đường.

- Quan hệ tình dục (âm đạo – dương vật, miệng – sinh dục, hậu môn – dương vật) với một người bị nhiễm HIV, nếu không dùng bao cao su ngay từ khi bắt đầu quan hệ tình dục.

- Qua đường máu: Do truyền máu không được sàng lọc HIV, do dùng chung các dụng cụ xuyên chích qua da không được vô trùng hoặc không được tiệt trùng đúng cách như dùng chung bơm kim tiêm trong tiêm chích ma túy, dùng chung kim xăm, kim xâu tai... hoặc bị phơi nhiễm do tai nạn rủi ro nghề nghiệp trong khi chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS.

- Mẹ bị nhiễm HIV có khả năng truyền cho con trong quá trình mang thai, khi đẻ và khi cho con bú.

Tuy nhiên, tần suất lây truyền còn tùy thuộc vào lượng virut  của nguồn lây. Nếu càng có nhiều lần có hành vi nguy cơ cao thì tần suất lây nhiễm sẽ càng lớn.

Tỷ lệ lây HIV trên thế giới cao nhất là qua quan hệ tình dục. Mặc dù tỷ lệ lây nhiễm HIV cao qua tiêm chích ma túy song tổng số người nghiện chích ma túy trên thế giới chỉ khoảng 10 triệu người, trong đó số người có quan hệ tình dục trên thế giới là hàng tỷ người nên chỉ một tỷ lệ rất nhỏ cũng sẽ có số người nhiễm HIV rất lớn qua đường tình dục.

Mô hình lây nhiễm HIV phổ biến qua dùng chung bơm kim tiêm trong tiêm chích ma túy gặp ở Trung Quốc. Myanmar, Malaysia và Việt Nam. Tuy nhiên ở Việt Nam, hiện nay, các phương thức lây truyền là hỗn hợp giữa lây qua tiêm chích và lây qua quan hệ tình dục.

Do HIV hầu như không có trong nước mắt, nước tiểu, nước bọt, mồ hôi... nên ngoài ba đường lây nêu trên, HIV không lây qua đường hô hấp, không lây qua đường tiêu hóa. HIV không lây qua các tiếp xúc thông thường như: ở chung một nhà, thở chung không khí, ho, sổ mũi, làm việc chung, chơi thể thao chung, bắt tay, khoác tay, ôm, hôn... không lây khi ngồi chung trong xe ô tô, trong chợ, trong siêu thị, trong trường học, tại nơi làm việc...

HIV cũng không lây truyền khi dùng chung các vật dụng như: nhà vệ sinh, khăn tắm, chậu rửa mặt, bồn tắm, bể bơi, bát đũa, thìa, dĩa, tăm tre, các vật dụng lao động... hoặc khi bị các côn trùng đốt hoặc các con vật cắn (muỗi đốt, mèo cắn, bị các con vật khác tấn công).

Các kết quả giám sát cho thấy chưa có trường hợp nào bị lây nhiễm HIV do dùng chung tăm xỉa răng (thực tế cũng chẳng có ai dùng chung tăm xỉa răng trong bữa cơm), hoặc bị nhiễm HIV do dẫm đạp phải bơm kim tiêm. Về lý thuyết, đây là những tổn thương cơ học và có khả năng phơi nhiễm nhưng với tỷ lệ vô cùng thấp đến nỗi trên thế giới đến nay cũng chưa ghi nhận trường hợp nào bị nhiễm HIV trong những bối cảnh như vậy.

Tuy nhiên, để bảo vệ sức khỏe bản thân phòng lây nhiễm HIV, trước hết, mỗi người cần tìm hiểu các thông tin chính xác về HIV/AIDS không vì những điều mình còn mơ hồ dẫn đến lo sợ vô lý.

Mặt khác luôn áp dụng các biện pháp dự phòng không để mình tiếp xúc trực tiếp với máu và dịch của người khác như luôn dùng riêng bơm kim tiêm vô trùng, tốt nhất là loại dùng một lần, luôn sử dụng bao cao su đúng cách trong quan hệ tình dục, luôn đi găng (hoặc vật liệu thay thế) khi phải tiếp xúc với máu và dịch của người khác, đến các cơ sở tư vấn HIV để được tư vấn kỹ càng nếu bạn có bất cứ điều gì chưa rõ về HIV.

 

HIV có lây qua đường nước bọt không?

Trong lây nhiễm HIV, dịch tiết có nguy cơ lây nhiễm là máu, dịch tiết sinh dục, sữa mẹ. Các dịch tiết khác được xem như an toàn nếu không pha lẫn với các dịch tiết kể trên. Do đó, nếu nước bọt đơn thuần, khả năng lây nhiễm HIV gần như là không thể. Tuy nhiên, khả năng này sẽ thay đổi và gia tăng đáng kể nếu pha loãng trong đó là máu (từ vết thương, viêm nha chu, vết loét).

Các tiếp xúc ân ái qua đường miệng thông thường bao gồm quan hệ xâm nhập bằng đường miệng (oral sex), hôn sâu (có trao đổi nước bọt, tiếp xúc lưỡi). Các tiếp xúc nước bọt khác được kể đến là hôn lên má, môi, sử dụng chung chén, đũa, uống chung ly nước.

Hành vi quan hệ xâm nhập đường miệng được kể là hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV, điều này không cần bàn cãi. Riêng về động tác hôn sâu có trao đổi nước bọt, dịch tiết tiếp xúc chủ yếu là nước bọt, và lo ngại của bạn là dịch tiết này có thể pha loãng với máu do viêm lợi gây chảy máu. Đây là lý do hành vi hôn sâu được cân nhắc trong các đường lây HIV dù nguy cơ thấp hơn so với các tiếp xúc tình dục khác, đặc biệt được lưu ý đối với những bạn tình âm tính sống chung với người nhiễm HIV.

Các tiếp xúc nước bọt như ăn chung mâm, chung chén đũa, uống nước chung ly vốn được xem là tiếp xúc thông thường. Trên thực tế, chưa có ghi nhận nào về trường hợp khai báo lây nhiễm qua các tiếp xúc này. Tuy nhiên, trong tình huống sống chung với người nhiễm HIV, hành vi này được lưu ý cân nhắc vì tính chất tiếp xúc lâu dài, liên tục có thể làm gia tăng nguy cơ, đặc biệt là những lúc bệnh nhân nhiễm HIV có những đợt bệnh cấp tính (nấm miệng, loét, lao phổi,...).

Trường hợp đánh răng sử dụng chung bàn chải với người có HIV được kể là sử dụng chung vật dụng có dính máu vì khả năng chảy máu khi đánh răng là khá phổ biến. Do vậy, đây được xem là hành vi nguy cơ. Rất may, trên thực tế hành vi này không phổ biến, chỉ thỉnh thoảng xảy ra trên những cặp vợ chồng.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top