✴️ Chạy thận nhân tạo là gì - chức năng của chạy thận

Chạy thận là gì?

Thận của một người khỏe mạnh lọc khoảng 120-150 lít máu mỗi ngày. Nếu thận không hoạt động hiệu quả, chất thải sẽ tích tụ trong máu. Tình trạng này có thể dẫn đến hôn mê và tử vong.

Nguyên nhân thận hoạt động không hiệu quả có thể do một tình trạng suy giảm chức năng mãn tính hay một vấn đề cấp tính chẳng hạn như chấn thương hoặc bệnh ngắn hạn ảnh hưởng đến chức năng thận.

Lọc máu ngăn việc các chất thải trong máu để ngăn đạt đến mức nguy hiểm. Phương pháp này cũng có thể loại bỏ độc tố hoặc thuốc trong máu trong trường hợp khẩn cấp.

Các dạng lọc máu

Có nhiều dạng lọc máu khác nhau, trong đó 3 phương pháp chính là:

  • Chạy thận nhân tạo không liên tục (IHD);

  • Lọc màng bụng (PD);

  • Liệu pháp thay thế thận liên tục (CRRT).

Lựa chọn sẽ phụ thuộc vào các yếu tố như tình trạng sức khỏe, các phương pháp sẵn có và chi phí của bệnh nhân.

     chạy thận nhân tạo là gì

Chạy thận nhân tạo không liên tục

Trong chạy thận nhân tạo, máu lưu thông bên ngoài cơ thể, đi qua một máy với các bộ lọc đặc biệt. Máu từ bệnh nhân được đưa ra ngoài bằng một ống nối phù hợp thông qua đường nối động - tĩnh mạch. Giống như thận, các bộ lọc loại bỏ các chất thải từ máu, máu được lọc sau đó quay trở lại cơ thể thông qua một ống thông khác. Hệ thống hoạt động giống như một quả thận nhân tạo.

Những người sắp chạy thận nhân tạo cần phẫu thuật để mở rộng mạch máu, thường là ở cánh tay. Việc mở rộng tĩnh mạch giúp việc chèn ống thông được dễ dàng hơn.

Chạy thận nhân tạo thường được thực hiện 3 lần một tuần, mỗi lần kéo dài từ 3 đến 4 giờ. Tùy thuộc vào chức năng thận còn lại và lượng máu, chất thải lọc được qua các lần điều trị.

Chạy thận nhân tạo có thể được thực hiện tại một trung tâm lọc máu đặc biệt trong bệnh viện.

Lọc màng bụng

Trong khi chạy thận nhân tạo loại bỏ tạp chất bằng cách lọc máu, lọc màng bụng hoạt động thông qua khuếch tán. Trong lọc màng bụng, một dung dịch lọc máu vô trùng giàu khoáng chất và glucose được đưa qua một ống vào khoang phúc mạc có màng bán thấm, màng phúc mạc.

Lọc màng bụng sử dụng khả năng lọc tự nhiên của phúc mạc để lọc các chất thải từ máu. Chất lọc được để lại trong khoang màng bụng một thời gian để có thể hấp thụ chất thải. Sau đó được dẫn lưu ra ngoài qua một ống. Quá trình thực hiện này thường được lặp lại nhiều lần trong ngày và có thể được thực hiện qua đêm với một hệ thống tự động.

Việc loại bỏ dịch không mong muốn hoặc siêu lọc, xảy ra thông qua thẩm thấu, dung dịch lọc máu có nồng độ glucose cao gây ra áp suất thẩm thấu. Áp lực làm cho chất lỏng di chuyển từ máu vào chất thẩm tích.

Lọc màng bụng kém hiệu quả hơn thẩm phân máu do phải mất thời gian dài hơn, nhưng vẫn loại bỏ một lượng tổng chất thải, muối và nước tương đương như chạy thận nhân tạo.

Lọc màng bụng giúp bệnh nhân thoải mái hơn do có thể được thực hiện tại nhà thay vì đến các cơ sở y tế nhiều lần mỗi tuần. Trước khi bắt đầu lọc màng bụng, bệnh nhân cần một thủ thuật phẫu thuật nhỏ để đặt ống thông vào bụng.

Có hai loại lọc màng bụng chính:

  • Lọc màng bụng cấp cứu liên tục (CAPD): không cần máy móc, bệnh nhân hoặc người nhà có thể tự thực hiện. Chất lọc được để trong bụng tối đa 8 giờ và sau đó cần được thay thế bằng một liệu trình mới. Phương pháp này thực hiện mỗi ngày từ 4 đến 5 lần.
  • Lọc màng bụng theo chu kỳ liên tục (CCPD): hoặc lọc màng bụng tự động sử dụng máy để trao đổi chất lỏng thường được thực hiện mỗi đêm trong khi bệnh nhân ngủ. Mỗi phiên kéo dài từ 10 đến 12 giờ. Sau khi thực hiện một liều trình vào ban đêm, hầu hết mọi người đều giữ chất lỏng bên trong bụng vào ban ngày. Một số bệnh nhân có thể cần thực hiện các liệu pháp khác trong ngày.

Lọc màng bụng là một lựa chọn phù hợp cho những bệnh nhân không đủ sức khỏe để chạy thận nhân tạo thường xuyên, chẳng hạn như người già, trẻ sơ sinh và trẻ em. Phương pháp này có thể được thực hiện trong khi đi du lịch, vì vậy thường thuận tiện hơn cho những người hay di chuyển.

Liệu pháp thay thế thận liên tục

Chạy thận có thể gián đoạn hoặc liên tục. Trong khi một phiên lọc máu gián đoạn kéo dài đến 6 giờ, các liệu pháp thay thế thận liên tục (CRRT) được thiết kế để thực hiện 24 giờ tại đơn vị chăm sóc đặc biệt (ICU).

Có nhiều loại CRRT khác nhau có thể liên quan đến lọc hoặc khuếch tán. Phương pháp này được dung nạp tốt hơn so với lọc máu gián đoạn do việc loại bỏ các chất hòa tan hoặc chất lỏng chậm hơn, từ đó ít có biến chứng xảy ra hơn.

Lọc máu tạm thời

Đôi khi lọc máu được thực hiện trong một khoảng thời gian giới hạn. Những đối tượng có thể cần được lọc máu tạm thời bao gồm:

  • Có một tình trạng gây ảnh hưởng chức năng thận đột ngột, hoặc cấp tính;
  • Đã dung nạp các chất độc hại hoặc dùng thuốc quá liều;
  • Bị chấn thương thận;
  • Bị bệnh tim mãn tính.

Nguy cơ và biến chứng bao gồm:

  • Huyết áp thấp;
  • Chuột rút;
  • Buồn nôn và ói mửa;
  • Đau đầu, tức ngực;
  • Đau lưng, ngứa ngáy;
  • Sốt và ớn lạnh.

Trong một số trường hợp, thận phục hồi và không cần điều trị thêm.

Liệu lọc máu có thay thế thận?

Lọc máu có thể giúp bệnh nhân bị suy thận nhưng chắc chắn sẽ không hiệu quả như thận bình thường. Bệnh nhân được lọc máu cần phải chú ý hơn việc ăn  uống và cần phải uống thuốc hỗ trợ điều trị. Nhiều người đã lọc máu có thể làm việc, và sinh hoạt bình thường miễn là vẫn thực hiện điều trị lọc máu định kỳ.

Phụ nữ chạy thận thường gặp khó khăn khi mang thai do sẽ có một lượng chất thải trong cơ thể cao hơn so với người có thận bình thường. Điều này gây cản trở khả năng sinh sản. Khi đó phụ nữ có thai có thể sẽ cần lọc máu nhiều lần hơn trong thai kỳ. Nếu được ghép thận thành công, khả năng sinh sản sẽ trở lại bình thường. Lọc máu có một số ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nam giới, nhưng ít hơn so với nữ giới.

Triệu chứng suy thận

Suy thận mãn tính xảy ra dần dần. Ngay cả khi chỉ một bên thận hoạt động, hay cả hai thận chỉ hoạt động một phần, vẫn có thể thực hiện chức năng thận bình thường. Tình trạng này có thể diễn ra trong một thời gian dài trước khi các triệu chứng của tình trạng suy thận xuất hiện.

Các triệu chứng suy thận biểu hiện khác nhau ở mỗi người khiến cho việc chẩn đoán suy thận sớm trở nên khó khăn hơn. Các triệu chứng của suy thận có thể bao gồm:

  • Mệt mỏi, khó thở, buồn nôn;
  • Nhu cầu đi tiểu ngày càng thường xuyên, đặc biệt là vào ban đêm;
  • Da ngứa;
  • Rối loạn cương dương;
  • Cơ thể giữ nước, dẫn đến sưng chân, tay và mắt cá chân;
  • Máu trong nước tiểu;
  • Protein trong nước tiểu.

Chấn thương bất ngờ có thể gây suy thận. Khi đó, các triệu chứng có xu hướng xuất hiện và tiến triển nhanh hơn.

Thiếu máu thường gặp ở những người mắc bệnh thận mãn tính xảy ra khi mức độ erythropoietin (EPO) thấp. EPO là một sản phẩm của thận giúp cơ thể sản xuất các tế bào hồng cầu.

Phản ứng phụ

Những bệnh nhân lọc máu có thể gặp các triệu chứng như:

  • Chuột rút cơ bắp;
  • Ngứa da;
  • Huyết áp thấp, đặc biệt ở những người mắc bệnh tiểu đường;
  • Vấn đề về giấc ngủ, đôi khi do ngứa, tê chân hoặc do vấn đề hô hấp (ngưng thở khi ngủ);
  • Quá tải dịch lỏng vì vậy bệnh nhân phải dung nạp một lượng chất lỏng cố định mỗi ngày;
  • Nhiễm trùng hoặc phồng rộp tại vùng can thiệp để lọc máu;
  • Trầm cảm và rối loạn tâm trạng.

Suy thận là một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng. Ở những người bị suy thận mãn tính, thận không có khả năng phục hồi, lọc máu có thể cải thiện tình trạng sức khỏe và kéo dài tuổi thọ lên đến 20 năm hoặc hơn.

Tìm hiểu về biến chứng có thể gặp trong chạy thận nhân tạo

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top