Sỏi niệu hay bệnh sỏi thận - đường tiết niệu đã nổi lên như một mối quan tâm nghiêm trọng về sức khỏe trên toàn Thế giới. Với tỷ lệ tái phát cao ở cả nam và nữ cũng như ảnh hưởng đến khoảng 12% dân số trên toàn cầu, sỏi thận hoặc sỏi niệu (sỏi thận) được đánh dấu bằng sự hình thành các cục sỏi trong đường tiết niệu Nguyên nhân chính của bệnh sỏi thận là sự siêu bão hòa của nước tiểu với canxi và oxalat dẫn đến sự khoáng hóa bệnh lý ở thận. Canxi oxalat chiếm tỷ lệ tối đa của sỏi thận (khoảng 75%) trong khi canxi hydroxyl photphat (brushite hoặc canxi hydroxyapatit) magie amoni photphat (struvite hoặc photphat ba), urat và cystine chiếm khoảng 50%, (10-20)%, 5% và (1-2)% sỏi thận tương ứng.
Có hai thuyết chính được đưa ra để giải thích quá trình hình thành nhân sỏi, đó là thuyết “hạt tự do” (free partical) và thuyết “hạt cố định” (fixed partical). Thuyết “hạt tự do” giải thích quá trình sỏi hình thành ở ngoài tế bào (trong lòng ống thận). Thuyết “hạt cố định” giải thích khởi đầu tạo sỏi từ nhu mô thận (trong tế bào hoặc mô kẽ thận). Cả hai thuyết đều chấp nhận, khởi đầu của quá trình tạo sỏi là hiện tượng sinh hóa liên quan đến việc tạo thành các tinh thể của các muối trong nước tiểu, trong những điều kiện thích hợp. Mỗi thuyết nhấn mạnh đến vị trí và cơ chế khởi đầu của quá trình tạo sỏi.
Thuyết “hạt tự do” cho rằng do hiện tượng tăng bài tiết các chất hòa tan vào nước tiểu tới mức bão hòa, làm chúng kết tinh thành các tinh thể. Các tinh thể hình thành trong đường tiết niệu kết dính với nhau để tạo thành nhân, và to dần lên do sự kết dính tiếp tục các tinh thể để trở thành các hạt lớn hơn. Các sạn sỏi này trôi theo dòng nước tiểu và bị “bẫy” lại ở các vị trí hẹp của đường tiết niệu. Tại các vị trí này, chúng tiếp tục lớn lên để tạo thành sỏi. Lý thuyết này dựa trên cơ sở đi kèm với sỏi có tăng nồng độ các ion, các muối, hoặc các acid trong nước tiểu, các chất này có cùng thành phần với sỏi. Sự tăng quá mức các thành phần trong nước tiểu cho thấy có nguy cơ tạo sỏi.
Thuyết “hạt cố định” cho rằng, khởi đầu là sự lắng đọng các muối ở trong mô kẽ thận hoặc trong tế bào ống thận. Các tế bào và các mô vùng này bị phá hủy làm bộc lộ các tinh thể ra đường tiết niệu và chúng trở thành nhân gắn với một vị trí ở ống thận hoặc mô thận. Các nhân này lớn dần lên do sự kết dính tiếp tục các tinh thể, rồi sau đó bong ra đường tiết niệu. Các sạn sỏi này bị bẫy lại ở các vị trí hẹp của đường tiết niệu và tiếp tục lớn để trở thành sỏi. Lý thuyết này có cơ sở là người ta phát hiện thấy có các “hạt” ở trong tế bào ống thận và thực tế có hiện tượng lắng đọng các muối trong mô kẽ thận hoặc ở nhú thận.
Các tinh thể hình thành trong nước tiểu có liên quan với tình trạng bão hòa các chất hòa tan trong nước tiểu, và nồng độ các chất hoạt hóa hoặc ức chế quá trình kết tinh.
+ Tăng nồng độ các chất hoạt hóa quá trình kết tinh để tạo thành các tinh thể: sự có mặt của một số chất, có tác dụng làm tăng hiện tượng ngưng kết các chất khoáng và hình thành các nhân, được gọi là các chất hoạt hóa hay kích hoạt quá trình kết tinh.
+ Giảm bài tiết các chất ức chế tạo tinh thể: trái với thuyết hoạt hóa, lý thuyết này giải thích các tinh thể được hình thành do thiếu các chất ức chế sự kết tinh các tinh thể.
Các tác giả theo lý thuyết này đã kết hợp các yếu tố có vai trò hình thành sỏi để giải thích quá trình tạo sỏi như: tình trạng bão hòa các chất hòa tan trong nước tiểu, tăng nồng độ các chất hoạt hóa và/hoặc giảm nồng độ các chất ức chế kết tinh để tạo thành các tinh thể trong nước tiểu, thể tích nước tiểu giảm, pH nước tiểu kiềm hoặc acid. Các yếu tố trên được coi là các yếu tố nguy cơ tạo sỏi.