✴️ Viêm thanh quản mạn tính có nguy hiểm không?

Nội dung

Viêm thanh quản mạn tính thường diễn ra từ từ, kéo dài trên 3 tuần, người lớn gặp nhiều hơn trẻ em. Đây là nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng khàn tiếng, mất tiếng. Nếu không được điều trị dứt điểm, bệnh sẽ trở thành mạn tính, làm thay đổi giọng nói, ảnh hưởng đến công việc, giao tiếp.

 

Nguyên nhân gây viêm thanh quản mạn tính

Thanh quản bao gồm hai chức năng: hô hấp và phát âm. Những nguyên nhân như nói to, nói nhiều, nhiễm lạnh, nhiễm vi khuẩn, virus, thói quen hút thuốc lá, uống rượu bia, làm việc trong môi trường ô nhiễm… đều dẫn tới viêm thanh quản. Triệu chứng cơ bản nhất của viêm thanh quản là khản tiếng, mất tiếng.

viem-thanh-quan-man-tinh

Viêm thanh quản mạn tính thường diễn ra từ từ, kéo dài trên 3 tuần, người lớn gặp nhiều hơn trẻ em

 

Viêm thanh quản thường gặp ở những người thường xuyên sử dụng tiếng nói là công cụ làm việc chính như giáo viên, bán hàng, dẫn chương trình, diễn giả… Các trường hợp này, viêm thanh quản ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động nghề nghiệp, thậm chí có người phải nghỉ việc, bỏ nghề. Do đó, việc phát hiện và điều trị sớm bệnh rất quan trọng, giúp ngăn ngừa nguy cơ bệnh tiến triển thành viêm thanh quản mạn tính.

 

Triệu chứng viêm thanh quản mạn tính

Theo các chuyên gia, viêm thanh quản thường có triệu chứng ban đầu như nhức đầu, mệt mỏi, sổ mũi, ngấy sốt, sau đó chuyển sang đau họng, có cảm giác nóng và khô hoặc vướng như có dị vật trong cổ họng, kích thích ho. Sau vài ngày, giọng nói người bệnh bị khàn, thậm chí mất tiếng, ho khan chuyển dần sang có đờm.

 

Chẩn đoán viêm thanh quản mạn tính

Soi họng thanh quản thấy: Chất nhầy đọng lại ở dây thanh quản, dây thanh bị sung huyết đỏ, niêm mạc hồng.

Chụp X-quang tim phổi.

Xét nghiệm đờm.

Xét nghiệm đường tiết niệu, xét nghiệm máu.

 

Điều trị viêm thanh quản

Thông thường, để điều trị viêm thanh quản, bác sĩ thường kê cho bệnh nhân thuốc nhóm chống viêm corticoid, kháng sinh và sử dụng nước muối sinh lý súc họng. Song song đó, bệnh nhân cần giữ ấm vùng mũi, họng, ngực, mặc ấm, cần tránh để thanh quản phải làm việc quá sức. Nếu bị viêm mũi, viêm xoang, viêm nướu răng, bệnh nhân cần chữa sớm để tránh vi khuẩn di cư sang họng và tấn công thanh quản.

Với những người sử dụng giọng nói liên tục, cần uống nhiều nước để làm ẩm thanh quản, nên ngắt quãng khi nói để có thời gian cho thanh quản nghỉ ngơi. Nếu bị viêm thanh quản mạn tính kéo dài, bệnh nhân nên đến cơ sở y tế, bệnh viện có chuyên khoa Tai mũi họng, để bác sĩ thăm khám và tư vấn điều trị.

Nếu bị viêm thanh quản mạn tính có liên quan với các chứng bệnh khác như bệnh trào ngược dạ dày thực quản, hút thuốc lá hoặc uống rượu, cần điều trị bệnh nguyên nhân. Ở người nghiện thuốc lá, khàn giọng dai dẳng có thể là một dấu hiệu của ung thư vòm họng, cần được khám và phát hiện càng sớm càng tốt.

 

Phòng bệnh viêm thanh quản

Ngay từ khi bị viêm thanh quản cấp người bệnh cần điều trị triệt để.

Điều trị các viêm nhiễm ở họng, mũi, xoang…

Tránh tiếp xúc với các chất hơi, hoá chất độc.

Sử dụng giọng hợp lý, hạn chế nói khi có viêm nhiễm mũi họng và viêm đợt cấp.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top