Ảnh hưởng của chế độ ăn uống đến sức khỏe trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ và các khuyến nghị dinh dưỡng

Tổng quan về rối loạn phổ tự kỷ

Rối loạn phổ tự kỷ (Autism Spectrum Disorder – ASD) là một tình trạng rối loạn phát triển thần kinh phức tạp, thường khởi phát trong giai đoạn từ sơ sinh đến ba tuổi. Rối loạn này ảnh hưởng đến chức năng của não bộ, đặc biệt là trong các lĩnh vực tương tác xã hội, giao tiếp và hành vi. Biểu hiện lâm sàng điển hình có thể bao gồm: chậm phát triển ngôn ngữ, giảm hoặc tránh giao tiếp bằng mắt, hạn chế giao tiếp xã hội, không đáp ứng với tiếp xúc cơ thể (ôm, bế), cũng như có các hành vi rập khuôn và sở thích hạn chế.

Theo thống kê tại Hoa Kỳ, tỷ lệ trẻ em được chẩn đoán mắc ASD vào khoảng 1 trên 44 trẻ, với tỷ lệ mắc ở nam giới cao hơn nữ giới đáng kể.

 

Tác động của rối loạn phổ tự kỷ đến hành vi ăn uống và tình trạng dinh dưỡng

Trẻ mắc ASD thường có các hành vi rập khuôn, hạn chế và các bất thường về cảm giác, điều này có thể ảnh hưởng đến lựa chọn thực phẩm và thói quen ăn uống, từ đó làm gia tăng nguy cơ thiếu hụt dinh dưỡng và các rối loạn tiêu hóa, bao gồm:

  • Chế độ ăn đơn điệu và kén chọn thực phẩm: Trẻ có thể phản ứng mạnh với màu sắc, mùi, vị hoặc kết cấu của thực phẩm (ví dụ: tránh thực phẩm mềm, trơn hoặc có mùi vị mạnh). Một số trường hợp tránh toàn bộ nhóm thực phẩm như trái cây, rau củ hoặc ngũ cốc.

  • Thiếu hụt vi chất dinh dưỡng: Do kén ăn và chế độ ăn đơn điệu, trẻ có nguy cơ không hấp thu đầy đủ các dưỡng chất thiết yếu như vitamin D, vitamin B12, sắt, kẽm, canxi, axit béo omega-3,...

  • Táo bón: Là một triệu chứng phổ biến, thường do chế độ ăn thiếu chất xơ, ít nước, ít vận động hoặc là tác dụng phụ của thuốc điều trị hành vi. Cải thiện bằng cách tăng dần thực phẩm giàu chất xơ (ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau củ), tăng lượng nước uống và khuyến khích vận động thể lực.

  • Tác động của thuốc điều trị: Một số thuốc như thuốc kích thích (ví dụ: methylphenidate) có thể làm giảm cảm giác thèm ăn, từ đó ảnh hưởng đến khẩu phần và sự tăng trưởng. Một số thuốc khác có thể làm tăng cảm giác đói hoặc gây ảnh hưởng đến hấp thu chất dinh dưỡng. Cần trao đổi với bác sĩ điều trị để đánh giá nguy cơ và điều chỉnh chế độ ăn phù hợp.

 

Chiến lược dinh dưỡng hỗ trợ trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ

Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ phát triển nhận thức, điều hòa hành vi và cải thiện chất lượng sống của trẻ. Dưới đây là một số khuyến nghị lâm sàng:

  1. Can thiệp hành vi trong ăn uống kén chọn

    • Cần hiểu rằng sự kén chọn không chỉ là hành vi mà còn liên quan đến rối loạn cảm giác. Thay vì ép buộc, nên cho trẻ làm quen dần với thực phẩm mới qua các hoạt động như cùng phụ huynh chọn mua thực phẩm, cùng tìm hiểu nguồn gốc, hoặc tham gia chế biến món ăn.

    • Giảm áp lực trong bữa ăn, duy trì môi trường tích cực, không trừng phạt nếu trẻ không ăn món mới.

  2. Duy trì thói quen ăn uống đều đặn

    • Thiết lập thời gian ăn cố định, không gian yên tĩnh, ánh sáng dịu để giảm kích thích cảm giác.

    • Cho phép trẻ chọn vị trí ngồi, hoặc thêm một món ăn quen thuộc vào bữa ăn để tạo cảm giác an toàn.

  3. Cân nhắc đối với các chế độ ăn đặc biệt (như loại bỏ gluten và casein)

    • Một số phụ huynh tin rằng chế độ ăn không chứa gluten (protein trong lúa mì) và casein (protein trong sữa) có thể cải thiện hành vi của trẻ mắc tự kỷ. Tuy nhiên, các nghiên cứu hiện nay không ủng hộ mạnh mẽ giả thuyết này.

    • Việc loại bỏ toàn bộ nhóm thực phẩm có thể làm tăng nguy cơ thiếu hụt dinh dưỡng nếu không có kế hoạch bù đắp hợp lý. Do đó, không nên áp dụng chế độ ăn loại trừ mà không có sự theo dõi của chuyên gia dinh dưỡng lâm sàng.

  4. Tham vấn chuyên gia dinh dưỡng

    • Trẻ cần được đánh giá dinh dưỡng định kỳ để xác định các nguy cơ thiếu hụt hoặc thừa dinh dưỡng.

    • Chuyên gia dinh dưỡng có thể xây dựng thực đơn phù hợp, tư vấn về bổ sung vi chất (nếu cần) và hỗ trợ chiến lược cải thiện hành vi ăn uống.

 

Kết luận

Trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ có nguy cơ cao gặp các vấn đề về dinh dưỡng do ảnh hưởng của hành vi và cảm giác đặc trưng. Việc xây dựng một chế độ ăn cân đối, phù hợp và cá thể hóa, kết hợp với can thiệp hành vi và theo dõi chuyên môn từ các nhà dinh dưỡng lâm sàng, có thể góp phần tích cực vào sự phát triển thể chất, nhận thức và hành vi của trẻ.

return to top