✴️ Bạch tạng là gì?

# Bạch tạng là gì?

- Là bệnh khiến một vùng da trên cơ thể bị mất màu (đổi thành màu trắng) do mất chất hắc tố da (melanin). Vùng da mất màu (bạch tạng) này có thể tăng theo thời gian khiến bệnh nhân thêm lo âu và mất tự tin về làn da của mình. Bệnh này có thể ảnh hưởng đến bất kỳ vùng da nào trên cơ thể, kể cả vùng da bên trong vòm họng hay lông tóc.

- Bệnh bạch tạch không lây nhiễm và không phải là bệnh ung thư. Tuy nhiên, vùng da bị bạch tạch, do thiếu hắc tố da, nên không thể bảo vệ trước tia tử ngoại khiến vùng da này tăng rủi ro mắc ung thư da. Đây là lý do vì sao bệnh nhân bạch tạng cần phải dùng kem chống nắng (SPF 45) để bảo vệ làn da mỏng manh của mình.

- Bệnh nhân bị bạch tạng thường bị lo lắng tâm lý, tăng rủi ro về bị bỏng da do ánh nắng (thiếu melanin bảo vệ), các bệnh về mắt, hay các bệnh về lỗ tai.

# Bạch tạng được phân làm nhiều loại

- Tùy vào vùng da bị ảnh hưởng mà bạch tạng được chia ra làm nhiều loại khác nhau. Khi bạch tạng khắp cơ thể, ảnh hưởng phần lớn mọi vùng da, thì được gọi là bạch tạng tổng quát (generalized vitiligo). Khi ảnh hưởng chỉ một phần cơ thể gọi là bạch tạng một phần (segmental vitiligo), hay chỉ một phần nhỏ cơ thể (localized), hay bị chỉ ở mặt và tay (bạch tạng mặt và tay). Tùy vào loại bạch tạng mà BS da liễu có thể có cách chữa trị cũng như tiên lượng khác nhau. Thường bạch tạng nặng (khắp nơi) cần chữa trị và theo dõi thường xuyên hơn so với bạch tạng nhẹ.

# Vì sao bị bệnh bạch tạng?

- Màu da của chúng ta được quyết định bằng số lượng hắc tố da (Melanin) được tạo ra. Các tế bào hắc tố da (Melanocyte) là các tế bào sản xuất ra hắc tố. Điểm thú vị là hầu như mọi người đều có số lượng tế bào hắc tố da bằng nhau, nhưng lượng hắc tố da được sản sinh ra khác nhau, dẫn đến màu da khác nhau. Một người châu Phi và châu Âu có thể có cùng số lượng tế bào hắc tố, nhưng lượng hắc tố ở người châu Phi nhiều hơn rất nhiều người châu Âu, dẫn đến làn da đen hơn.

- Bạch tạng xảy ra khi tế bào hắc tố da không sản sinh ra hắc tố da nữa hoặc các yếu tố khác dẫn đến dây chuyền sản xuất và phân phối hắc tố da bị gián đoạn. Melanin thường được chứa trong các túi bên trong tế bào (Melanosome), sau đó được đóng gói, chuyển đến các tế bào sừng ở vùng biểu bì (Keratinocyte) để "nhuộm" màu da (xem hình). Mỗi tế bào hắc tố da có thể kết nối khoảng 40 tế bào sừng. Vì vậy, có thể có nhiều thay đổi làm ảnh hướng đển dây chuyền sản xuất này, dẫn đến da bị mất màu.

- Bệnh tự miễn (autoimmune) là một trong những lý do hay dẫn đến bạch tạng do các kháng thể và tế bào miễn dịch tấn công tế bào hắc tố da. Các bệnh khác như ung thư, stress, hoặc di truyền từ gia đình cũng khiến cho tế bào hắc tố bị tổn thương. Các lý do khác như bị phỏng, tiếp xúc hóa chất, tổn thương da do tai nạn cũng dẫn đến bạch tạng do tế bào hắc tố bị tổn thương.

# Cần phân biệt bạch tạng, bạch biến và nấm

- Một bệnh hay gặp mà có thể dễ nhầm lẫn với bạch tạng là bệnh nấm trên da (tinea) hay còn gọi là lang ben. Vùng da bị nấm nên các tế bào hắc tố da và tế bào sừng bị tổn thương, khiến việc phân bổ sắc màu bị ảnh hưởng. Vùng da bị nấm ăn có thể có màu trắng, thường hay ngứa, có thể viêm sưng đỏ trong khi vùng da bạch tạng không bị ngứa hay viêm sưng. Da bị nấm cũng có các vảy trắng li ti do tế bào sừng bị chết. Chữa trị nấm da bằng các thuốc kháng nấm. Trong vài trường hợp, có thể uống thuốc kháng nấm để chữa trị nếu da bị nấm nhiều.

- Chẩn đoán nấm da có thể xem bằng cách cạo lớp da mỏng, nhỏ dung dịch KOH rồi xem dưới kính hiển vi, sẽ thấy tế bào nấm.

- Bạch biến là một bệnh da mất sắc tố melanin không rõ nguyên nhân, tổn thương là những vùng da không có tế bào hắc tố tạo nên những dát mất sắc tố nhưng không mất cảm giác. Phân bổ sang thương thường đối xứng; lông, tóc ở vùng da bệnh cũng bạc màu.

Sang thương bạch biến thường xuất hiện ở mặt, cổ, ngực, cơ quan sinh dục ngoài, quanh các lỗ thiên nhiên, niêm mạc, mặt duỗi bàn tay bàn chân. Bệnh có thể khu trú chỉ với một hoặc vài tổn thương hay lan toả với tổn thương rộng hơn, nhiều hơn và có thể chiếm đến trên 80% diện tích cơ thể. Do có tình trạng mất sắc tố melanin, vùng da bạch biến rất dễ bị bỏng nắng và bệnh nhân có nguy cơ cao bị ung thư da. Bệnh thường kết hợp với những bất thường ở mắt, đặc biệt là viêm mống mắt.

# Chẩn đoán bạch tạng

- Bạch tạng có thể chẩn đoán bằng mắt thường. Đôi khi BS sẽ dùng một loại đèn đặc biệt (Wood lamp) để xem có nấm hay các bất thường khác trên da. Bạch tạng hiếm khi cần làm sinh thiết. Tuy nhiên, trong trường hợp nghi ngờ chẩn đoán ung thư tế bào lympho T cell ( Cutaneous T cell lymphoma) thì BS sẽ làm sinh thiết vùng da bị đổi màu để tìm ra lý do chính xác.

- Các xét nghiệm khác gồm xét nghiệm máu cho các bệnh tự miễn (ANA, dsDNA, ESR/CRP) và thyroid (TSH/F4) để tìm ra lý do bạch tạng.

# Chữa trị bạch tạng phức tạp và cần thời gian

- Chữa trị bạch tạng tùy vào vùng da bị tổn thương ít hay nhiều, vùng da bị bạch tạng phát triển nhanh hay chậm, và ảnh hưởng thế nào đến tâm lý bệnh nhân. Các phương cách chữa trị hiện nay gồm thuốc xức, thuốc uống, và dùng ánh sáng dải hẹp Narrow band UVB.

+ Dùng thuốc xức: Kem bôi Steroid cho những ca nhẹ và vùng da ít, mới bắt đầu. Thường kem Steroid có thể dùng loại loại mạnh (class 6,7). Kem steroid có tác dụng tốt nhất vùng da mỏng (như mặt) và ít có tác dụng ở tay chân (da dày hơn). Lưu ý không dùng keo steroid lâu dài. Kết hợp kem steroid với các kem khác ức chế hệ miễn dịch như Tacrolimus 0.1% có thể có tác dụng tốt.

+ Dùng thuốc uống: Thuốc steroid có thể dùng trong trường hợp bệnh lan nhanh và rộng.

+ Dùng ánh sáng UVB và kết hợp UVA/thuốc Psoralen: trị liệu ánh sáng dải hẹp UVB được dùng nhiều hơn gần đây sau khi có những hiệu quả trong nghiên cứu. Dùng ánh sáng UVA kết hợp thuốc uống/xức psoralen có thể có tác dụng đến 70%. Trị liệu ánh sáng cần liên tục, khoảng 2-3 lần tuần, có hiệu quả từ sau vài tuần liên tục. Bạch tạng có thể xuất hiện trở lại khi ngưng trị liệu ánh sáng.

+ phẫu thuật cấy ghép da trong trường hợp da bị lâu dài và các trị liệu khác thất bại.

# Thuốc mới cho bạch tạng?

- Gần đây, các nghiên cứu chỉ ra JAK inhibitor, là thuốc ức chế chuỗi viêm JAK thường dùng trong viêm xương khớp, vảy nến, và covid-19, có thể là thuốc tiềm năng chữa bạch tạng. Nghiên cứu chỉ ra bệnh nhân dùng xem xức tofacitinib and ruxolitinib có thể giảm đến 50% vùng da bạch tạng.

# Tóm lại

- Bệnh tạng là bệnh hay gặp do thiếu sắc tố da. Bệnh được chia làm nhiều loại tùy vào mức độ nặng nhẹ.

- Chẩn đoán bạch tạng cần phân biệt với nấm da và các bệnh nguy hiểm khác

- Chữa trị gồm kem xức, thuốc uống, trị liệu ánh sáng UVB/UVA và phẫu thuật. Dùng kem chống nắng SPF 45 trở lên ở vùng bị bạch tạng. Thuốc JAK có thể là một hướng chữa trị bạch tạng trong tương lai.

Bs Wynn Tran, Los Angeles, Hoa Kỳ

return to top