Giời leo (còn gọi là bệnh zona thần kinh) là loại bệnh nổi mẩn đỏ có nước và đau nhức trên da mà nhiều người hay gặp. Bài này chỉ ra lý do bệnh, các triệu chứng nguy hiểm, cách chữa trị, và hướng dẫn dùng vaccine ngừa giời leo.
Giời leo có thể xảy ra bất kỳ nơi nào trên cơ thể, nhưng giời leo thường mọc thành một chùm những mụn đỏ, có thể có nước, thường ở một bên cơ thể và kéo dài dọc theo những đám dây thần kinh.
# Bệnh giời leo là gì?
- Bệnh giời leo gây ra bởi virus Varicella-Zoster (VZV), là virus gây ra bệnh thủy đậu (chickenpox). Virus này là virus họ dòng herpes, họ DNA. Đặc tính loại virus này là dễ nhiễm, ở khắp nơi, khó chữa hẳn hoàn toàn, và khả năng tái phát cao.
- Sau khi bệnh nhân bị thủy đậu hay nhiễm virus VZV này thì virus sẽ nằm ngủ yên (inactive) ở bên trong các nhánh dây thần kinh cột sống và não. Sau này, virus có thể sẽ bị kích hoạt (thường là khi hệ miễn dịch của bệnh nhân thay đổi, yếu đi hay tăng lên khi cơ thể nhiễm trùng), khiến cho bệnh giời leo xuất hiện.
# Bệnh giời leo có thể lây cho người khác
- Bệnh nhân đang mắc bệnh giời leo có thể lây cho người khác do tiếp xúc trực tiếp. Các mụn nước khi vỡ có thể chứa virus và khiến cho bệnh lây nhiễm cho người khác. Tuy nhiên, bệnh nhân bị nhiễm virus này sẽ bị bệnh thủy đậu chứ không phải bệnh giời leo. Vì vậy, bệnh nhân mắc bệnh giời leo nên tránh tiếp xúc với người khác trong lúc đang bệnh. Khi các vết mẩn lành hẳn thì khả năng lây nhiễm sẽ ít đi.
# Ai dễ bị mắc bệnh giời leo?
- Nhìn chung, những ai đã từng mắc bệnh thủy đậu hay nhiễm virus Varicella-Zoster đều có thể bùng phát giời leo. Đa số người lớn tuổi tại Mỹ đều đã bị nhiễm virus này trước khi chúng ta có vaccine ngừa thủy đậu cho trẻ em vào năm 1995.
- Các yếu tố khiến cho bệnh nhân dễ có bệnh thủy đậu bao gồm
+ Người lớn tuổi (trên 50 tuổi, như xe Lexus trên 100,000 miles), lúc này hệ miễn dịch bắt đầu yếu đi và khả năng đối phó nhiễm trùng không còn chính xác như lúc trẻ
+ Bệnh nhân có những bệnh mãn tính làm yếu hệ miễn dịch như bệnh HIV/ các bệnh tự miễn, bệnh ung thư, bệnh tiểu đường, cao huyết áp, bệnh phổi
+ Bệnh nhân đang được chữa trị ung thư hay hoặc bệnh nhân đang dùng các thuốc ức chế hệ miễn dịch thường xuyên như Steroid hay các thuốc DMARDs (chữa các bệnh tự miễn)
+ Stress cũng có thể ảnh hưởng đến rủi ro mắc giời leo do tác động lên hệ miễn dịch, dựa trên nhiều nghiên cứu tổng hợp gần đây.
Vì vậy, kiểm soát stress bằng tập thể dục và chế độ ăn uống lành mạnh cũng có thể giảm rủi ro mắc giời leo
# Các triệu chứng của giời leo thường chỉ xuất hiện một bên cơ thể và có thể khiến nhầm lẫn với các bệnh khác:
- Đau nhức hay đau tê tê có thể là triệu chứng đầu tiên của giời leo, có cả trước khi da bị nổi mẩn đỏ. Bệnh nhân có thể bị đau nhức rất nặng từng cơn kèm theo đau tê tê. Nếu đau nhức ở vùng gần tim hay sau lưng bệnh nhân có thể nghĩ rằng mình bị lên cơn đau tim hay viêm thận.
- Vùng da trên cơ thể trở nên nhạy cảm, dễ bị đau hay tê, và ngứa với các đụng chạm nhẹ. Vùng mặt có thể sưng đỏ, mí mắt bị sưng viêm một bên, và thị lực bị giảm hay mờ đi
- Từng chùm mẩn đỏ xuất hiện sau khi da bị tê hay đau nhức, có thể có nước, vỡ ra, và lành ở nhiều dạng khác nhau
- Một số bệnh nhân có thể bị sốt nhẹ, nhức đầu, nhạy cảm với ánh sáng, và mệt mỏi
# Chữa trị
- Chữa trị giời leo bắt đầu bằng chẩn đoán đúng vì một số trường hợp bệnh nhân có thể nghĩ mình bị đau nhức thần kinh, dẫn đến chẩn đoán chậm, và có thể có biến chứng. Chữa trị đúng và sớm giúp giảm thiểu lây lan, triệu chứng, và các biến chứng về sau
- Các thuốc hiện nay dùng để chữa giời leo được dùng kết hợp với nhau
+ Thuốc kháng virus: Acyclovir (Zovirax), Famciclovir, hay Valacyclovir (Valtrex)
+ Thuốc giảm đau thần kinh như Gabapentin (Neurontin) hay Pregabalin (Lyrica)
+ Thuốc chống động kinh hay chống trầm cảm
+ Thuốc xức có thể giảm đau nhức như Capsaicin hay Lidocaine
+ Thuốc bôi giảm ngứa như kem Steroid, Triamcinolone
- Bệnh giời leo thường kéo dài từ 2 đến 6 tuần, trong đó những ngày đầu tiên rất quan trọng trong việc chẩn đoán đúng và dùng thuốc.
# Biến chứng của bệnh giời leo
Tuy rằng bệnh giời leo không gây ra chết người nhưng bệnh có thể để lại những hậu quả rất nguy hiểm. Dưới đây là các biến chứng thường gặp:
- Đau thần kinh mạn tính sau khi hết nổi mẩn trên da. Sau khi các mụn nước lành hẳn và vùng da đã trở lại bình thường, bệnh nhân vẫn còn đau nhức buốt tê tê vùng đã bị giời leo. Thường là do dây thần kinh vùng này bị viêm dẫn đến tổn thương lâu dài. Bệnh nhân có thể cần phải uống kháng viêm thần kinh lâu dài, tập vật lý trị liệu, và chữa các bệnh mãn tính khác có liên quan (như tiểu đường) để giúp dây thần kinh hồi phục nhanh hơn
- Mù mắt là một biến chứng phức tạp khi giời leo ảnh hưởng đến dây thần kinh thị giác và xảy ra trên vùng mặt gần mắt. Thường bệnh nhân sẽ cảm giác đau nhức mắt kèm theo nổi mẩn. Bệnh nhân cần được chuyển qua BS chuyên khoa mắt gấp nếu bất kỳ có dấu hiệu nào liên quan đến mắt.
- Tổn thương lâu dài các vùng dây thần kinh khác ví dụ như mất cảm giác trên da (nếu dây thần kinh cảm giác da), mất cân bằng hay mất thính giác (nếu như dây thần kinh thính giác bị tổn thương)
- Nhiễm trùng da do vùng da bị lở loét, có thể bị nặng hơn với các bệnh mãn tính về da như viêm da cơ địa hay bệnh vảy nến
# Làm sao ngăn ngừa giời leo?
- Do bệnh giời leo xảy có thể xày ra khi hệ miễn dịch chúng ta yếu hoặc thay đổi nên cách ngăn ngừa tốt nhất là giữ hệ miễn dịch khỏe mạnh bằng cách chữa hẳn các bệnh mãn tính hay dùng vaccine
- Có 2 loại vaccine để ngăn ngừa giời leo: Shingrix và Zostavax. Năm 2017, FDA cấp phép sử dựng cho Shingrix và vacine này được xem là tốt hơn Zostavax. Các nghiên cứu chỉ ra Shingrix có thể giúp ngăn ngừa giời leo hơn 5 năm, đặc biệt là có thể giảm được các biến chứng nguy hiểm như viêm đau dây thần kinh hay mù mắt ngay cả khi bệnh nhân bị giời leo
- Shingrix là vaccine làm một phần của virus (không phải virus sống), được chích làm 2 mũi, cách nhau từ 2 đến 6 tháng. Shingrix được chích cho bệnh nhân trên 50 tuổi.
- Zostavax là virus sống (virus đã bị làm yếu) và dần dần ít được dùng tại Mỹ mặc dù cũng có tác dụng ngăn ngừa giời leo trong khoảng 5 năm. Hiện nay bệnh nhân tại Mỹ không còn chích Zostavax
- Cả hai vaccine đều có thể có tác dụng phụ là viêm hay đau vùng chích. Vì vậy, việc chích ngừa thêm những mũi khác sau 2 mũi Shingrix có thể không cần thiết.
Quý vị nên thảo luận với BS để đánh gía về hệ miễn dịch của mình và từ đó xem có cần chích thêm không
# Tóm lại
- Bệnh giời leo thường hay gặp ở người lớn tuổi như các mụn nước và đau nhức thần kinh.
- Chữa trị giời leo càng sớm càng tốt để giảm thiểu các biến chứng
- Giảm stress, chữa hẳn các bệnh mãn tính, tập thể dục, ăn uống đều độ, và chích vaccine là cách tốt nhất để giảm rủi ro mắc giời leo
BS Wynn Tran, Los Angeles, Hoa Kỳ