Chăm sóc răng miệng là một quá trình cần được duy trì suốt đời nhằm bảo tồn chức năng, thẩm mỹ và phòng ngừa các bệnh lý liên quan đến răng và mô quanh răng. Ngay cả khi đã có một hàm răng khỏe mạnh, việc tuân thủ các nguyên tắc vệ sinh răng miệng hằng ngày vẫn đóng vai trò thiết yếu trong phòng ngừa sâu răng, viêm nha chu và các bệnh lý răng miệng khác.
Khuyến cáo của Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ (ADA) là đánh răng ít nhất 2 lần/ngày. Đặc biệt, đánh răng vào buổi tối trước khi đi ngủ là cần thiết để loại bỏ mảng bám, vi khuẩn và cặn thực phẩm tích tụ suốt cả ngày. Việc bỏ qua thói quen này làm tăng nguy cơ sâu răng và viêm nướu.
Đánh răng không đúng kỹ thuật có thể làm giảm hiệu quả làm sạch hoặc gây tổn thương nướu. Hướng dẫn kỹ thuật:
Sử dụng bàn chải lông mềm
Di chuyển bàn chải theo chuyển động tròn nhỏ, nhẹ nhàng
Làm sạch tất cả các bề mặt răng: mặt ngoài, mặt trong và mặt nhai
Mỗi lần đánh răng nên kéo dài ít nhất 2 phút
Mảng bám không được loại bỏ sẽ khoáng hóa thành cao răng, góp phần gây viêm nướu và viêm nha chu.
Vi khuẩn và mảng bám cũng tích tụ trên bề mặt lưỡi, gây hôi miệng và tiềm ẩn nguy cơ viêm nhiễm. Bệnh nhân nên chải lưỡi nhẹ nhàng bằng bàn chải đánh răng hoặc dụng cụ chải lưỡi sau mỗi lần chải răng.
Fluor đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa sâu răng thông qua cơ chế:
Ức chế chuyển hóa vi khuẩn gây sâu răng
Tăng cường tái khoáng hóa men răng
Làm men răng bền vững hơn trước tác động của acid
Do đó, nên lựa chọn kem đánh răng có chứa fluor với nồng độ phù hợp lứa tuổi.
Chỉ nha khoa giúp làm sạch mảng bám và cặn thức ăn tại các kẽ răng – vị trí mà bàn chải đánh răng khó tiếp cận. Lợi ích của việc sử dụng chỉ nha khoa:
Ngăn ngừa viêm nướu và viêm nha chu
Giảm nguy cơ sâu kẽ răng
Kích thích tuần hoàn nướu
Chỉ nên dùng một lần mỗi ngày, tốt nhất là vào buổi tối trước khi đi ngủ.
Nước súc miệng có thể hỗ trợ:
Làm giảm số lượng vi khuẩn trong khoang miệng
Làm sạch vùng nướu khó tiếp cận
Trung hòa acid và hỗ trợ tái khoáng hóa men răng
Cần lựa chọn loại nước súc miệng phù hợp theo hướng dẫn của nha sĩ, đặc biệt ở người có răng nhạy cảm hoặc trẻ em.
Nước không chỉ tốt cho sức khỏe toàn thân mà còn hỗ trợ làm sạch khoang miệng, giảm sự lưu giữ của cặn thức ăn và acid sau bữa ăn. Nên uống nước sau khi ăn để giảm thiểu tác hại của thực phẩm có tính acid hoặc dính.
Rau quả tươi, giàu chất xơ không chỉ tốt cho tiêu hóa mà còn giúp làm sạch bề mặt răng khi nhai. Các thực phẩm chế biến mềm, nhão làm giảm phản xạ nhai, dễ bám dính và khó làm sạch. Trẻ nhỏ nên được tập ăn thức ăn cứng, giòn phù hợp theo độ tuổi để phát triển chức năng nhai và hàm.
Đường là nguồn dinh dưỡng chính cho vi khuẩn sinh acid gây sâu răng. Các loại thực phẩm và đồ uống như nước ngọt, trái cây chua, cà phê, trà có thể làm mòn men răng. Do đó:
Hạn chế ăn vặt có đường, đặc biệt vào ban đêm
Tránh chải răng ngay sau khi ăn thực phẩm/đồ uống có tính acid (đợi 30 phút)
Thăm khám nha sĩ định kỳ giúp:
Làm sạch cao răng chuyên sâu (lấy vôi răng)
Phát hiện sớm và điều trị các bệnh lý răng miệng như sâu răng, viêm nha chu, rối loạn khớp cắn
Hướng dẫn vệ sinh răng miệng đúng cách, phù hợp từng cá nhân
Sức khỏe răng miệng có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe toàn thân và chất lượng cuộc sống. Duy trì vệ sinh răng miệng hàng ngày đúng cách kết hợp với chế độ ăn hợp lý và khám răng định kỳ là nền tảng quan trọng giúp phòng ngừa bệnh lý răng miệng và bảo tồn răng thật lâu dài.