Còi xương và suy dinh dưỡng ở trẻ em là những tình trạng lâm sàng phổ biến, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển thể chất, miễn dịch và tâm thần vận động của trẻ. Trong đó, thiếu hụt vitamin D và canxi là hai nguyên nhân dinh dưỡng thường gặp nhất. Tuy nhiên, không ít trường hợp trẻ vẫn có biểu hiện còi xương dù đã được cha mẹ chủ động bổ sung hai vi chất quan trọng này. Vấn đề thường nằm ở liều lượng, thời điểm, hình thức và cách thức bổ sung chưa phù hợp.
2.1. Thiếu hụt vitamin D và canxi vẫn phổ biến
Vitamin D có vai trò điều hòa chuyển hóa canxi và phospho, thúc đẩy quá trình tạo xương, tăng hấp thu canxi ở ruột non và tái hấp thu ở thận. Canxi là thành phần cấu trúc chủ yếu của xương, răng, đồng thời tham gia vào dẫn truyền thần kinh và chức năng miễn dịch.
Thống kê cho thấy chỉ khoảng 20% trẻ uống sữa công thức và dưới 5% trẻ bú mẹ hoàn toàn đạt đủ nhu cầu vitamin D khuyến nghị. Trong bối cảnh trẻ ít được tắm nắng hoặc không được bổ sung đúng cách, nguy cơ thiếu hụt càng tăng cao.
2.2. Lạm dụng hoặc bổ sung sai cách
Một số phụ huynh có quan điểm sai lầm rằng "bổ sung nhiều là tốt", dẫn đến việc sử dụng liều vitamin D hoặc canxi vượt mức khuyến nghị trong thời gian dài mà không có sự chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa. Việc này không những không cải thiện tình trạng phát triển thể chất mà còn gây nhiều tác dụng bất lợi, làm giảm khả năng hấp thu, chuyển hóa và sử dụng vi chất tại cơ thể trẻ.
3.1. Bổ sung vitamin D không đúng cách
Việc sử dụng vitamin D liều cao không có chỉ định chuyên môn có thể dẫn đến:
Tăng calci máu, gây mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, nôn, đau xương, tiêu chảy, tiểu nhiều, tăng huyết áp.
Tổn thương thận, vôi hóa nhu mô, rối loạn chức năng lọc cầu thận.
Nguy cơ ngộ độc vitamin D, đặc biệt khi dùng liều ≥50.000 IU/ngày trong thời gian dài, có thể dẫn đến rối loạn nhịp tim, co giật, thậm chí tử vong.
Vitamin D có thể được tổng hợp tự nhiên qua da dưới tác động của tia UVB từ ánh sáng mặt trời. Do đó, tắm nắng đúng cách vẫn là biện pháp bổ sung hiệu quả: trẻ nên được phơi nắng từ 15–30 phút mỗi ngày vào buổi sáng sớm (trước 9 giờ), bắt đầu từ tuần thứ hai sau sinh. Nên để lộ các vùng da như lưng, cánh tay, bụng; không nên cởi toàn bộ quần áo vào mùa lạnh để tránh cảm lạnh.
Việc bổ sung vitamin D bằng thuốc nên áp dụng cho:
Trẻ sinh vào mùa đông, không được phơi nắng đầy đủ.
Trẻ bú mẹ hoàn toàn.
Trẻ thừa cân hoặc béo phì (giảm sinh khả dụng vitamin D).
Trẻ có biểu hiện rối loạn giấc ngủ, đổ mồ hôi trộm, rụng tóc vùng chẩm (chiếu liếm), chậm phát triển vận động (lẫy, ngồi, mọc răng...).
Trong những trường hợp này, cần khám chuyên khoa Dinh dưỡng để được chỉ định loại vitamin D, liều lượng và thời gian dùng phù hợp.
3.2. Bổ sung canxi không đúng cách
Bổ sung canxi quá liều có thể gây:
Tăng calci niệu, nguy cơ hình thành sỏi thận, vôi hóa mô mềm.
Giảm hấp thu các vi chất khác như sắt, kẽm, magiê do tương tác cạnh tranh hấp thu tại ruột.
Chán ăn, buồn nôn, rối loạn tiêu hóa, giảm tăng trưởng.
Một số triệu chứng như rụng tóc vùng chẩm, vặn mình, ra mồ hôi trộm có thể là sinh lý bình thường của trẻ sơ sinh và không nhất thiết phản ánh tình trạng thiếu canxi. Ngược lại, các dấu hiệu như co giật nhẹ, co rút cơ (tetany), đau xương, chậm tăng chiều cao... cần được đánh giá chuyên sâu.
Canxi nên được bổ sung qua:
Thực phẩm tự nhiên: sữa, chế phẩm từ sữa, cá nhỏ nguyên xương, trứng, đậu nành, rau lá xanh.
Chế phẩm bổ sung: chỉ dùng khi có chỉ định. Canxi hữu cơ dễ hấp thu hơn canxi vô cơ, nhưng liều lượng cần điều chỉnh theo tuổi và tình trạng sức khỏe.
Vitamin D và vitamin K2 đóng vai trò hỗ trợ hấp thu và gắn kết canxi vào xương, do đó cần đảm bảo đủ các vi chất này trong chế độ ăn hoặc từ nguồn bổ sung phối hợp.
Không tự ý sử dụng chế phẩm vitamin D hoặc canxi liều cao cho trẻ mà không có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Ưu tiên bổ sung từ thực phẩm và ánh nắng tự nhiên.
Đánh giá toàn diện về tình trạng phát triển, chế độ dinh dưỡng, tiền sử sinh – nuôi dưỡng và các yếu tố nguy cơ để có hướng can thiệp chính xác.
Khám chuyên khoa Dinh dưỡng hoặc Nhi khoa khi trẻ có biểu hiện: chậm tăng trưởng, chậm phát triển vận động, các dấu hiệu nghi ngờ thiếu vi chất.
Việc bổ sung vitamin D và canxi là cần thiết trong dự phòng và điều trị còi xương ở trẻ em. Tuy nhiên, việc sử dụng không đúng liều lượng, không đúng thời điểm hoặc sai đối tượng có thể gây tác dụng ngược, làm trầm trọng thêm tình trạng rối loạn dinh dưỡng. Sự phối hợp giữa đánh giá chuyên môn và giáo dục sức khỏe gia đình đóng vai trò quan trọng trong tối ưu hóa hiệu quả can thiệp.