Bệnh tim mạch là nhóm các bệnh lý ảnh hưởng đến cấu trúc và chức năng của tim và hệ mạch, bao gồm bệnh cơ tim, rối loạn nhịp tim (như rung nhĩ), bệnh van tim, suy tim, xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Các yếu tố nguy cơ truyền thống đã được xác định bao gồm tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, hút thuốc lá, lối sống ít vận động, chế độ ăn không lành mạnh, đái tháo đường và tiền sử gia đình.
Tuy nhiên, một số yếu tố nguy cơ ít được quan tâm hoặc mới được nghiên cứu gần đây cũng có thể góp phần vào sự tiến triển của bệnh lý tim mạch.
2.1. Ô nhiễm tiếng ồn và giao thông
Tiếp xúc với tiếng ồn giao thông mức độ trung bình – cao (từ 50 decibel trở lên) được chứng minh có liên quan đến tăng huyết áp, suy tim và nguy cơ đột quỵ. Cơ chế được cho là do đáp ứng sinh lý với stress kéo dài, dẫn đến tăng hoạt động thần kinh giao cảm, rối loạn chức năng nội mô và tăng áp lực động mạch.
2.2. Đau nửa đầu có hào quang
Nhiều nghiên cứu quan sát đã cho thấy mối liên hệ giữa đau nửa đầu, đặc biệt là dạng có hào quang, với tăng nguy cơ đột quỵ thiếu máu cục bộ. Ngoài ra, nhóm bệnh nhân này cần lưu ý tránh sử dụng nhóm thuốc điều trị có chứa triptans hoặc ergotamin, do khả năng gây co mạch và làm tăng nguy cơ biến cố tim mạch.
2.3. Sinh sản và các yếu tố phụ nữ
Phụ nữ có tuổi hành kinh sớm (<12 tuổi), mãn kinh sớm (<47 tuổi), tiền sử sẩy thai hoặc từng phẫu thuật cắt tử cung/buồng trứng có nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ cao hơn. Cả nam và nữ có số con càng nhiều thì nguy cơ mắc bệnh tim mạch cũng có xu hướng gia tăng, có thể liên quan đến gánh nặng chuyển hóa hoặc căng thẳng kéo dài trong quá trình chăm sóc con cái.
2.4. Tầm vóc thấp
Chiều cao thấp hơn mức trung bình có liên quan đến tăng nguy cơ bệnh lý mạch vành, có thể do ảnh hưởng của các yếu tố dinh dưỡng, nội tiết hoặc vi môi trường trong giai đoạn phát triển sớm. Một số giả thuyết cho rằng người thấp thường có nồng độ LDL-C và triglyceride cao hơn.
2.5. Cô đơn và ít tương tác xã hội
Cô lập xã hội và cảm giác cô đơn được ghi nhận là yếu tố nguy cơ độc lập đối với bệnh tim mạch và đột quỵ. Cơ chế liên quan đến hoạt hóa hệ thần kinh giao cảm, tăng mức cortisol, tăng huyết áp và rối loạn chức năng nội mô.
2.6. Thuốc điều trị tăng động giảm chú ý (ADHD)
Các thuốc kích thích như dextroamphetamine và methylphenidate có thể làm tăng nhịp tim và huyết áp, làm tăng nguy cơ bệnh lý tim mạch ở một số đối tượng nhạy cảm. Việc sử dụng cần được cân nhắc kỹ ở người có tiền sử tăng huyết áp hoặc bệnh tim mạch nền.
2.7. Làm việc quá sức
Làm việc >55 giờ/tuần có liên quan đến tăng nguy cơ bệnh mạch vành, suy tim và đột quỵ, do tăng mức độ stress, giảm thời gian vận động, chế độ ăn kém lành mạnh và trì hoãn khám sức khỏe định kỳ.
2.8. Viêm nha chu và bệnh lý lợi
Viêm nhiễm trong khoang miệng, đặc biệt là bệnh nha chu mạn tính, có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào tuần hoàn, làm tăng phản ứng viêm hệ thống, góp phần vào quá trình xơ vữa động mạch. Điều trị viêm lợi giúp giảm mức CRP – một chất chỉ điểm viêm liên quan đến nguy cơ biến cố tim mạch.
2.9. Sang chấn tâm lý thời thơ ấu
Những trải nghiệm bất lợi thời thơ ấu như bạo lực, bị bỏ rơi hoặc lạm dụng có liên quan đến nguy cơ tăng huyết áp, béo phì, kháng insulin và bệnh tim mạch ở tuổi trưởng thành. Stress mạn tính trong giai đoạn phát triển có thể ảnh hưởng đến hoạt động trục HPA và điều hòa hệ tim mạch.
2.10. Nhiễm cúm và bệnh cấp tính khác
Các nghiên cứu cho thấy nguy cơ nhồi máu cơ tim tăng lên trong vòng 7 ngày sau nhiễm cúm cấp. Viêm hệ thống, tăng đông và co mạch do cytokine có thể là cơ chế trung gian dẫn đến biến cố tim mạch cấp. Điều này nhấn mạnh vai trò của tiêm phòng cúm hằng năm, đặc biệt ở người có nguy cơ cao.
2.11. Tính khí dễ kích động, nóng giận
Tức giận là yếu tố kích hoạt mạnh mẽ các biến cố tim mạch cấp. Trong vòng 2 giờ sau cơn tức giận, nguy cơ nhồi máu cơ tim tăng gấp 5 lần, nguy cơ đột quỵ cũng tăng đáng kể. Việc quản lý stress, tập thiền, và tham gia liệu pháp hành vi nhận thức có thể giúp kiểm soát cảm xúc và giảm nguy cơ tim mạch lâu dài.
Bên cạnh các yếu tố nguy cơ truyền thống, nhiều yếu tố ít được chú ý – từ môi trường sống, đặc điểm tâm lý – xã hội, đến các thói quen hoặc bệnh lý đồng mắc – có thể góp phần làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Nhận diện và quản lý sớm các yếu tố này có thể đóng vai trò quan trọng trong phòng ngừa và cải thiện tiên lượng của bệnh nhân. Việc tiếp cận điều trị cần toàn diện, bao gồm cả yếu tố sinh học, tâm lý và xã hội.