Phân biệt: Đau ngực - Đau thắt ngực

Nội dung

1. Các nguyên nhân khởi phát đau ngực

1.1 Đau ngực không do nguyên nhân tim mạch

  • Do chấn thương, căng cơ, xương sườn hoặc xương ở ngực: thường do luyện tập, vận động sai tư thế, đau nhói khu trú tại một điểm.
  • Do bệnh phổi: bệnh nhân viêm phổi có thể cảm thấy đau ngực, thường đi kèm với sốt, ho có đờm. Nếu cơn đau khởi phát đột ngột kèm theo triệu chứng khó thở, có thể do có cục máu đông làm tắc mạch phổi và cần cấp cứu y tế.
  • Do bệnh màng phổi, màng tim: thường do viêm màng phổi hay màng tim. Người bệnh cảm thấy đau nhói, rát, cơn đau tăng lên khi ho hoặc hít thở sâu.
  • Do hệ tiêu hóa: thường liên quan đến trào ngược dạ dày thực quản hoặc viêm loét dạ dày tá tràng. Khi mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản, các axit trong dạ dày trào ngược lên làm bệnh nhân cảm thấy nóng rát sau xương ức, có triệu chứng kèm theo như ợ chua, ợ nóng và đắng miệng.

 

1.2 Đau thắt ngực do nguyên nhân tim mạch

  • Đau thắt ngực: Ở những bệnh nhân bị bệnh tim mạch, các động mạch cung cấp máu cho tim bị thu hẹp thậm chí tắc nghẽn do sự tích tụ các mảng chất béo hoặc cục máu đông ở lòng mạch, do đó làm giảm dòng máu về nuôi tim và gây nên đau thắt ngực.

Triệu chứng điển hình:

  • Đau siết chặt, đau bóp nghẹt, đau đè nặng, cơn đau thường kéo dài từ 2 phút đến 20 phút
  • Thường khởi phát khi bệnh nhân gắng sức và giảm khi nghỉ ngơi
  • Cơn đau lan ra cả hai cánh tay, lưng, cổ, hàm hoặc xuống bụng trên rốn
  • Khó thở (thường đi kèm hoặc trước khi khó chịu ở ngực)
  • Đổ mồ hôi lạnh, buồn nôn hoặc choáng váng

Đối với bệnh nhân có tiền sử bệnh mạch vành hoặc bệnh tim mạch, khi có cơn đau thắt ngực xuất hiện cần đến cơ sở y tế thăm khám và theo dõi.

  • Nhồi máu cơ tim: Là tình trạng tắc nghẽn hoàn toàn hay gần như hoàn toàn động mạch vành, gây thiếu hụt nghiêm trọng dòng máu nuôi dưỡng tim.

Triệu chứng điển hình: cơn đau thắt ngực dữ dội kèm khó thở, buồn nôn, choáng váng, đổ mồ hôi lạnh.

Nếu xuất hiện triệu chứng đau ngực kèm lo sợ và vã mồ hôi, có thể bệnh nhân đang gặp phải cơn nhồi máu cơ tim cấp, lập tức gọi cấp cứu và nhập viện ngay.

Cho dù là cơn đau ngực do nguyên nhân tim mạch hay nguyên nhân khác, nếu cơn đau nghiêm trọng, tiến triển nặng kéo dài và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống thì bệnh nhân nên đi thăm khám tại cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị thích hợp, không nên tự sử dụng thuốc giảm đau tại nhà để tránh các biến chứng trầm trọng hơn.

 

2. Đau thắt ngực

2.1 Những đối tượng có nguy cơ cao Đau thắt ngực

  • Người bệnh tăng huyết áp: Tăng huyết áp làm giảm tính đàn hồi của động mạch, khiến nó ngày càng yếu đi và dễ bị tổn thương. Điều này sẽ tạo điều kiện hình thành các mảng bám hoặc cục máu đông, gây hẹp động mạch vành, thiếu máu cơ tim.
  • Người bị rối loạn mỡ máu: Rối loạn mỡ máu tạo thành mảng bám trong lòng động mạch vành, gây nên bệnh mạch vành.
  • Người cao tuổi: Do sự thoái hóa, lão hóa các cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là mạch máu gây tình trạng xơ vữa.
  • Người bệnh đái tháo đường: Biến chứng của bệnh đái tháo đường là tổn thương mạch máu và thần kinh. Tổn thương mạch máu lớn dẫn đến xơ vữa động mạch và nguy cơ bị nhồi máu cơ tim
  • Người béo phì, hút thuốc lá, lối sống thiếu lành mạnh: Có nguy cơ cao bị đau thắt ngực, bởi họ thường bị rối loạn chuyển hóa, nên không khó gì để tạo ra các mảng xơ vữa động mạch vành.

 

2.2 Lưu ý dành cho bệnh nhân

  • Tuân thủ tất cả các điều trị bệnh kèm nếu có: Tăng huyết áp, Đái tháo đường (Tiểu đường), Rối loạn lipid máu,…. để không làm các biến chứng trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Xây dựng chế độ ăn uống khoa học: tránh xa mỡ động vật, hạn chế ăn mặn, không ăn nhiều tinh bột và đồ chiên rán sẵn. Nên ăn nhiều rau củ quả chất xơ và ăn nhiều cá.
  • Không hút thuốc lá, không uống rượu bia và chất kích thích
  • Duy trì luyện tập thể dục ít nhất 30 phút/ngày: Với những bệnh nhân có bệnh lý tim mạch, nên tham vấn bác sĩ điều trị các hình thức vận động phù hợp với điều kiện sức khỏe của mình
  • Khám sức khỏe định kỳ: siêu âm tim, đo huyết áp, đường huyết… 6 tháng – 1 năm/lần để theo dõi sức khỏe tốt nhất và sớm chẩn đoán điều trị thích hợp.

 

Nguồn tham khảo:

  1. UpToDate, “Patient Education: Chest pain”
  2. UpToDate, “Patient Education: Angina Treatment”
  3. CCHCS, “Chest Pain Care Guide”

 

https://ngaydautien.vn/

return to top