Tiêm phòng vaccine cúm mùa là một trong những biện pháp dự phòng hiệu quả, được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyến nghị áp dụng rộng rãi cho toàn bộ dân số từ 6 tháng tuổi trở lên, đặc biệt đối với các nhóm nguy cơ cao như người cao tuổi, phụ nữ mang thai, người có bệnh nền mạn tính và nhân viên y tế. Ngoài tác dụng phòng ngừa bệnh cúm và giảm thiểu biến chứng do virus cúm gây ra, ngày càng có nhiều bằng chứng khoa học chỉ ra các lợi ích toàn thân khác của vaccine cúm, bao gồm khả năng làm giảm nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch, đặc biệt là đột quỵ.
Một nghiên cứu quan sát quy mô lớn do nhóm chuyên gia tại Đại học Calgary (Canada) thực hiện đã phân tích dữ liệu trên hơn 4 triệu người trưởng thành trong thời gian 9 năm, trích xuất từ hệ thống chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm tỉnh Alberta. Dữ liệu được thu thập trong suốt 10 mùa cúm liên tiếp, với hệ thống y tế nhất quán, giúp hạn chế đáng kể các sai số hệ thống.
Nghiên cứu đã hiệu chỉnh cho nhiều biến số gây nhiễu như tuổi, giới, tiền sử bệnh tim mạch, tình trạng dùng thuốc kháng đông và các yếu tố nguy cơ đi kèm (như đái tháo đường, tăng huyết áp…). Kết quả chỉ ra rằng:
Tiêm vaccine cúm làm giảm nguy cơ đột quỵ đáng kể, với hiệu quả được quan sát rõ rệt sau khoảng 6 tháng kể từ thời điểm tiêm.
Lợi ích này được ghi nhận không chỉ ở các cá nhân có nguy cơ tim mạch cao, mà còn ở những người trưởng thành có sức khỏe bình thường.
Ngoài giảm nguy cơ đột quỵ, việc tiêm phòng cúm cũng có liên hệ với giảm nguy cơ nhập viện do nhồi máu cơ tim và các biến cố tim mạch cấp khác.
Các giả thuyết sinh lý bệnh được đưa ra để giải thích cho mối liên hệ này bao gồm: vai trò của vaccine cúm trong việc giảm tình trạng viêm hệ thống và phản ứng miễn dịch quá mức, giảm nguy cơ nhiễm trùng hô hấp cấp – một yếu tố kích hoạt cơn đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim ở bệnh nhân có bệnh lý nền tim mạch.
Từ những bằng chứng dịch tễ vững chắc, các tác giả khuyến nghị nên xem xét việc tiêm vaccine cúm như một chiến lược y tế công cộng khả thi nhằm giảm thiểu gánh nặng bệnh lý tim mạch, đặc biệt là đột quỵ – nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn tật toàn cầu.
Đây là một bước tiến đáng kể trong nhận thức y học về vai trò mở rộng của các chương trình tiêm chủng phòng bệnh, không chỉ giới hạn ở việc ngăn ngừa tác nhân nhiễm trùng mà còn hướng tới phòng ngừa các biến cố mạch máu nghiêm trọng thông qua việc kiểm soát viêm và các cơ chế sinh bệnh liên quan.
Các tổ chức y tế quốc tế và chuyên gia y tế khuyến cáo tiêm vaccine cúm định kỳ hằng năm đối với các nhóm dân số sau:
Người trưởng thành ≥ 50 tuổi;
Người có bệnh nền mạn tính: bệnh tim mạch, đái tháo đường, hen phế quản, COPD, suy giảm miễn dịch…;
Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú;
Trẻ em ≥ 6 tháng tuổi;
Nhân viên y tế, giáo viên, người chăm sóc người bệnh.
Lợi ích lâm sàng và cộng đồng của vaccine cúm bao gồm:
Phòng ngừa hiệu quả bệnh cúm mùa, với hiệu lực bảo vệ có thể đạt tới 90% đối với các chủng virus phù hợp.
Giảm tỷ lệ nhập viện và tử vong liên quan đến biến chứng cúm ở người già và trẻ nhỏ.
Giảm nguy cơ đột quỵ và các biến cố tim mạch cấp tính ở đối tượng nguy cơ và cả ở người khỏe mạnh.
Bảo vệ phụ nữ trong thai kỳ khỏi biến chứng do cúm, đồng thời gián tiếp bảo vệ thai nhi và trẻ sơ sinh trong những tháng đầu đời.
Tạo miễn dịch cộng đồng, góp phần ngăn chặn sự lây lan virus cúm trong cộng đồng, đặc biệt quan trọng trong môi trường tập thể.