✴️ Quản lý nhân lực y tế

Nội dung

KHÁI NIỆM VỀ QUẢN LÝ NHÂN LỰC

Tầm quan trọng của nhân lực trong chăm sóc sức khỏe

Thực hiện chăm sóc sức khỏe cần nhiều loại nguồn lực khác nhau nhưng nhân lực là nguồn lực quan trọng nhất trong các nguồn lực. Nguồn nhân lực quyết định toàn bộ số lượng cũng như chất lượng các hoạt động và dịch vụ chăm sóc sức khỏe. 

Các cơ sở y tế, các nhà quản lý nếu không chú ý đến quản lý và phát triển nhân lực đúng mức sẽ không thể hoàn thành được nhiệm vụ của cơ sở mình, vì thế nhiệm vụ quản lý nhân lực cần được mọi cán bộ, đặc biệt là các cán bộ quản lý có nhận thức đầy đủ và quan tâm đúng mức đến công tác quản lý nhân lực.

Quản lý nhân lực chặt chẽ nhằm góp phần thực hiện công tác quy hoạch và phát triển, bồi dưỡng cán bộ ngày càng hợp lý, góp phần đảm bảo số lượng, chất lượng cán bộ, nâng cao chất lượng toàn diện mọi mặt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Mọi cá nhân, mọi cơ sở đều cần thực hiện quản lý nhân lực trong phạm vi trách nhiệm của mình. Quản lý tốt nguồn nhân lực cũng có nghĩa là phải xây dựng kế hoạch phát triển nhân lực hợp lý, xác định các loại hình cán bộ và tổ chức đào tạo, triển khai và sử dụng đúng số lượng, đúng khả năng và trình độ ngành đào tạo của cán bộ.

Một số nguyên tắc trong quản lý nhân lực

Đảm bảo tuyển dụng nhân lực và bố trí nhân lực theo quy định chung 

Thực hiện các quy định về hợp đồng, tuyển dụng nhân lực theo luật lao động của Nhà nước. Tuyển dụng và bố trí cán bộ công chức phải phù hợp với ngành nghề được đào tạo và có quan tâm đến khả năng của họ. Đảm bảo số biên chế theo quy định hiện hành của Nhà nước và nghĩa vụ quyền lợi của cán bộ công chức trong cơ quan, tổ chức. Quy hoạch đội ngũ cán bộ công chức, tiến tới thực hiện đồng bộ tiêu chuẩn hoá cán bộ công chức cho các vị trí công tác để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân.      

Quyết định phân công nhiệm vụ cho cán bộ hợp lý để phát huy tối đa hiệu quả của nguồn nhân lực hiện có

Phân công nhiệm vụ một cách hợp lý là một trong các nội dung cơ bản của quản lý nhân lực y tế. Phân công nhân lực hợp lý nhằm phát huy tối đa khả năng của cán bộ và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của tổ chức, đồng thời đảm bảo tính công bằng, từ đó động viên được cán bộ thực hiện nhiệm vụ của mình. 

Chú trọng quy hoạch bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực

Làm tốt công tác quy hoạch, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực là một yêu cầu nhằm đảm bảo cho quá trình phát triển cơ quan tổ chức. Các nhà quản lý phải thấy được tầm quan trọng của vấn đề này để có kế hoạch bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực hợp lý, vừa đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan tổ chức, vừa tạo điều kiện thuận lợi động viên khuyến khích cán bộ có thể học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và tổ chức quản lý. Cần chủ động trong đào tạo cán bộ, tránh tình trạng hụt hẫng cán bộ trong các giai đoạn chuyển giao cán bộ. Bản thân mỗi cán bộ cũng cần có kế hoạch tự học tập vươn lên để tự khẳng định khả năng, năng lực của mình, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong cơ quan, tổ chức.  

 

CÁC NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA QUẢN LÝ NHÂN LỰC

Nắm chắc tất cả nguồn nhân lực hiện có

Bộ phận quản lý nhân lực trong mỗi đơn vị y tế cần nắm được các loại nhân lực hiện có về các đặc tính cá nhân như tuổi, giới, nghề nghiệp, quá trình đào tạo, năm tuyển dụng, quá trình công tác, vị trí chức năng nhiệm vụ của mỗi cán bộ v.v..., đây là các thông tin cơ bản, cần thiết về nhân lực y tế, cho biết tổng thể về nhân lực, làm cơ sở cho mọi hoạt động quản lý và phát triển nhân lực của cơ quan tổ chức.

Sử dụng tốt nguồn nhân lực hiện có

Một nội dung quản lý nhân lực quan trọng là sử dụng tốt nguồn nhân lực hiện có và có kế hoạch bồi dưỡng nhân lực hợp lý để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức và có thể đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe hiện tại và tương lai. Để sử dụng tốt nguồn nhân lực cần có bản mô tả rõ chức năng nhiệm vụ của mỗi cá nhân, mỗi bộ phận. Sự phân công nhiệm vụ phải cụ thể, rõ ràng, dựa trên nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức và khả năng cán bộ, có cân nhắc đến nguyện vọng cá nhân. Khi phân công nhiệm vụ cần phải trả lời câu hỏi: Ai làm nhiệm vụ gì, chịu sự chỉ đạo, giám sát điều hành của ai. Phân công nhiệm vụ cho cán bộ một cách công bằng và hợp lý cũng là một động lực quan trọng để cán bộ tin tưởng vào lãnh đạo trong tổ chức và làm việc tự nguyện, tự giác. Trực tiếp quản lý, sử dụng cán bộ là thủ trưởng các đơn vị. Cán Bộ Y tế thuộc cơ sở nào thì chịu sự phân công nhiệm vụ của thủ trưởng trực tiếp cơ sở đó. 

Có kế hoạch phát triển nhân lực

Quản lý tốt nguồn nhân lực cũng có nghĩa là phải có kế hoạch phát triển nhân lực hợp lý, bao gồm cả việc bồi dưỡng đào tạo tại chỗ, đào tạo lại cho cán bộ. Cần xác định các hình thức đào tạo phù hợp cho mỗi loại cán bộ. Triển khai và sử dụng đúng số lượng, đúng khả năng, trình độ ngành nghề mà cán bộ đã được đào tạo. Đảm bảo cơ cấu tỷ lệ hợp lý các loại cán bộ như y tá/bác sỹ, kỹ thuật viên y/ bác sỹ, nữ hộ sinh/ bác sỹ, trung cấp, đại học và sau đại học. Mỗi đơn vị cần xác định nhu cầu cán bộ và xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển nhân lực y tế cụ thể. Kế hoạch phát triển nhân lực y tế cần được lồng vào toàn bộ kế hoạch y tế, đảm bảo được sự phát triển cân đối hài hoà giữa số lượng, trình độ cán bộ với cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị. Phát triển nhân lực y tế phải được thực hiện ở tất các cấp khác nhau của dịch vụ chăm sóc sức khỏe và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ sở đào tạo với cơ sở tiếp nhận và cung cấp dịch vụ y tế.

Các cơ quan đào tạo cần nhạy bén trong xác định nhu cầu đào tạo để có thể đáp ứng kịp thời những đổi mới trong hệ thống chăm sóc sức khỏe và thực hiện các hoạt động phù hợp với đường lối kế hoạch phát triển chung của ngành y tế cũng như của xã hội. Chương trình đào tạo của các cơ sở đào tạo cần được sửa đổi, bổ sung, chú trọng đến đào tạo kỹ năng, tạo ra và sử dụng môi trường cho sinh viên học tập giống như môi trường sau này họ hành nghề trong tương lai.  

Xây dựng kế hoạch phát triển nhân lực định hướng cho cán bộ là tạo điều kiện thuận lợi để nhân viên y tế có thể tự rèn luyện nâng cao kiến thức, kỹ năng, thái độ, đáp ứng tối đa đòi hỏi của thực tế trong hoạt động của hệ thống y tế hiện tại và trong tương lai. Xây dựng kế hoạch phát triển nhân lực là một trong các nội dung quản lý nhân lực quan trọng nhằm động viên cán bộ và tạo ra động lực để nâng cao năng lực cán bộ, không ngừng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về công tác chăm sóc sức khoẻ. Yêu cầu của kế hoạch phát triển nhân lực nhằm:

Đáp ứng tối đa nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng.

Xây dựng năng lực cho cán bộ làm việc có hiệu quả, với những kỹ năng chuyên môn và quản lý thích hợp, phù hợp với tổ chức, nhóm  công tác cũng như khi làm việc độc lập.

Đào tạo các cá nhân làm việc có hiệu quả trong các nhóm y tế tổng hợp như một thành viên tích cực hay như một người lãnh đạo trong nhóm.

Nâng cao kỹ năng giao tiếp của cán Bộ Y tế với những người lãnh đạo cộng đồng, cộng đồng và với những người sử dụng dịch vụ để có được sự tham gia của họ vào các chương trình và hoạt động chăm sóc sức khỏe.

Động viên cách sống lành mạnh thông qua việc nâng cao sức khỏe, phòng bệnh và các chương trình giáo dục sức khỏe trên cơ sở cá nhân và cộng đồng cùng chia sẻ trách nhiệm.

Theo dõi và áp dụng những tiến bộ mới nhất của khoa học sức khỏe và đánh giá có phê phán sự thích hợp của các kỹ thuật chăm sóc sức khỏe.

Đưa ra những quyết định chính xác, khả thi phù hợp với thực tế trong lĩnh vực công tác của mỗi cán Bộ Y tế.

Làm cho mỗi cán Bộ Y tế tự phát triển vươn lên, đáp ứng nhu cầu thay đổi khác nhau trong công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Đảm bảo sự đoàn kết nhất trí trong mỗi đơn vị, phấn đấu vì mục tiêu của tổ chức. 

 

MỘT SỐ PHƯƠNG PHÁP QUẢN LÝ NHÂN LỰC

Quản lý theo công việc

Để quản lý theo công việc phải thực hiện phân công nhiệm vụ cho cán bộ một cách hợp lý, đây chính là một nội dung cơ bản của quản lý nhân lực y tế. Khi phân công nhiệm vụ cho cán bộ cần chú ý một số vấn đề sau:

Hiểu rõ chức năng nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức là gì.

Nguồn nhân lực hiện có của cơ sở là bao nhiêu.

Trình độ và năng lực của cán bộ như thế nào.

Các điều kiện có ảnh hưởng đến sự phân công nhân lực (nhu cầu chăm sóc sức khỏe, dịch bệnh, tình hình kinh tế, xã hội, địa lý).

Dự kiến khả năng thay đổi, phát triển của cơ quan, tổ chức trong tương lai gần cũng như tương lai xa.

Nhu cầu về thay thế, bồi dưỡng, bổ sung nhân lực của từng bộ phận trong tổ chức.

Những đơn vị, bộ phận mới sẽ hình thành và phát triển trong tương lai.

Những chủ trương chính sách về nhân lực của Nhà nước và địa phương.

Từ chức năng nhiệm vụ, đặc điểm, số lượng, trình độ cán bộ của cơ sở, thủ trưởng đơn vị sẽ quyết định việc phân công công việc cho từng cán bộ trong một giai đoạn thời gian nhất định, phù hợp với nguồn nhân lực và khả năng cán bộ. 

Mỗi cán bộ cần lập một bản chức trách cá nhân, xác định quyền hạn và trách nhiệm nhiệm vụ của mình, liệt kê các công việc phải làm, phải phối hợp với ai, chịu trách nhiệm trước ai và có bản lịch trình thực hiện công việc. 

Với phương pháp quản lý nhân lực theo công việc thì đánh giá cán bộ chủ yếu là thông qua kết quả hoàn thành công việc đã được giao.

Quản lý nhân lực theo công việc thường đem lại hiệu quả cao, cán bộ có trách nhiệm  trong công việc được giao, phát huy được tính chủ động hoàn thành nhiệm vụ. Tuy vậy quản lý theo công việc đôi khi có thể khó huy động được cán bộ thực hiện các công việc mới phát sinh, khi đã hoàn thành công việc được giao, cán bộ có thể sử dụng thời gian làm các việc khác mà người quản lý không quản lý được.

Quản lý theo thời gian

Quản lý theo thời gian là yêu cầu cán bộ lập lịch công tác của mình dựa trên các nhiệm vụ, chức trách được giao. Thường có các loại lịch sau:

Lịch công tác năm:  Ghi các hoạt động chính của năm.

Lịch công tác theo tháng: Chú ý các công việc cần được ưu tiên thực hiện theo từng tháng.

Lịch tuần: Là loại lịch hay được sử dụng nhất. Lịch tuần có thể ghi chi tiết các công việc được thực hiện các ngày trong tuần. 

Với phương pháp quản lý theo thời gian, việc đánh giá cán bộ thông qua sự chấp hành thời gian theo lịch và kết quả công việc.

Quản lý theo lịch công tác hay theo thời gian giúp người quản lý biết chắc cán bộ đang làm việc gì, ở đâu vào các thời gian cụ thể, nếu phân công công việc thích hợp thì hiệu quả cao, nhưng phương pháp quản lý này có thể làm cho cán bộ cảm thấy gò bó, có thể gây lãng phí thời gian của cán bộ.

Quản lý theo thời gian đặc biệt quan trọng đối với các cơ sở khám chữa bệnh trong ngành y tế, nhất là các đơn vị, cá nhân thực hiện nhiệm vụ thường trực cấp cứu tại các khoa, phòng ở bệnh viện để đảm bảo luôn sẵn sàng phục vụ các yêu cầu chăm sóc sức khỏe đột xuất xảy ra. 

Quản lý thông qua điều hành giám sát

Điều hành và giám sát nhằm nâng cao trình độ cho cán bộ, người điều hành giám sát trực tiếp giúp đỡ, hỗ trợ cán bộ thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. 

Người quản lý phân công nhiệm vụ chính là đã giao trách nhiệm, ủy quyền cho từng bộ phận hoặc cá nhân chịu trách nhiệm các công việc được giao. Tuy nhiên thủ trưởng cần điều hành giám sát công việc một cách định kỳ hoặc đột xuất để đảm bảo là công việc được thực hiện theo đúng kế hoạch, đạt tiến độ và các tiêu chuẩn chuyên môn. 

Giám sát là các hoạt động theo dõi và giúp đỡ cấp dưới hoàn thành tốt các nhiệm vụ. Nó không phải là hình thức kiểm tra hay đánh giá cán bộ mà là quá trình đào tạo liên tục tại chỗ, giúp cán bộ nâng cao trình độ kỹ năng thực hiện nhiệm vụ. 

Thường có hai loại giám sát: giám sát trực tiếp và giám sát gián tiếp. 

Giám sát trực tiếp là giao việc, quan sát quá trình thực hiện việc đó, thảo luận các vấn đề vướng mắc trong thực hiện công việc, uốn nắn bổ sung các sai sót. 

Giám sát gián tiếp là thông qua việc nghiên cứu, phân tích các báo cáo, ý kiến nhận xét về kết quả công việc, từ đó góp ý kiến đóng góp hoặc tổ chức đào tạo huấn luyện lại cho cán bộ.

Điều hành và giám sát là một hình thức quản lý có hiệu quả nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Qua hoạt động này giúp phát triển tốt mối quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới, giữa người lãnh đạo và nhân viên. Yêu cầu là người giám sát phải có khả năng chuyên môn để uốn nắn giúp đỡ cán bộ khi giám sát và có đủ kiến thức, kỹ năng thực hiện giám sát.

Quản lý bằng cách phối hợp các hình thức

Để quản lý sử dụng tốt nguồn nhân lực các nhà quản lý có thể phối hợp sử dụng các phương pháp quản lý nhân lực với nhau, vừa để người quản lý nắm chắc thời gian, công việc của cán bộ, vừa tạo điều kiện phát huy tính chủ động sắp xếp thời gian thực hiện nhiệm vụ cho cán bộ. Ví dụ một trưởng trạm y tế có thể giao một công việc cho một cán bộ nào đó trong trạm y tế và quy định thời hạn phải hoàn thành công việc đó, đồng thời yêu cầu cán bộ đó báo cáo lịch trình thực hiện công việc cho trưởng trạm biết. Dựa vào lịch trình thực hiện công việc mà cán bộ đã báo cáo, trưởng trạm có thể thực hiện giám sát giúp đỡ một công việc nào đó khi cán bộ thực hiện nhiệm vụ được giao. Kết hợp các hình thức quản lý nhân lực đòi hỏi người cán bộ quản lý phải linh hoạt, nắm chắc các loại công việc và đặc điểm của từng cán bộ trong đơn vị của mình để lựa chọn thời gian, công việc thích hợp cho phù hợp với phương pháp quản lý nhân lực thì mới có hiệu quả cao.    

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp      

return to top