✴️ Đau nửa đầu là gì? Triệu chứng và cách phòng ngừa

1. Đau nửa đầu là gì?

Đau nửa đầu hay còn gọi là đau đầu căn nguyên mạch hay đau đầu Migraine. Những cơn đau thường xảy ra ở 1 bên đầu, cảm giác như mạch đập, kèm theo buồn nôn, nôn, tăng nhạy cảm với ánh sáng hoặc tiếng động.

Hầu như tất cả mọi người đều bị đau nửa đầu ít nhất một lần trong đời. Bệnh thường khởi phát từ khi còn đi học nhưng với những biểu hiện thoáng qua. Bệnh thường gặp nhất ở nhóm người trưởng thành ở độ tuổi 30 – 45. Bệnh nhân có thể bị đau nửa đầu trên, trước, trái, phải hoặc đau nửa đầu đỉnh.

Đau nửa đầu là gì là thắc mắc của rất nhiều người bệnh

 

2. Nguyên nhân gây đau nửa đầu

Nguyên nhân của bệnh đau nửa đầu hiện nay chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, các nghiên cứu khoa học đã chứng minh được tác động của di truyền và môi trường đối với bệnh. Trong đó bệnh có liên quan đặc biệt đến sự mất cân bằng một số chất dẫn truyền hóa học trong não, dẫn đến giảm nồng độ serotonin. Từ đó kích thích dây thần kinh sinh ba, đồng thời dẫn đến thay đổi cơ chế vận mạch. Hệ thống mạch máu một bên não co giãn bất thường là nguyên nhân gây ra cơn đau đầu.

 

3. Triệu chứng của bệnh đau nửa đầu là gì?

Đau nửa đầu có thể chia ra thành đau đầu có tiền triệu và đau đầu không có tiền triệu.

Với đau đầu có tiền triệu, trước cơn đau đầu xuất hiện một vài bất thường về thị giác, cảm giác, vận động, phát âm. Người bệnh cảm thấy như thấy tia chớp sáng, thỉnh thoảng có thể có dấu hiệu mất thị lực, kéo dài từ 20 đến 60 phút.

Với đau đầu không có tiền triệu, mặc dù không có những bất thường dễ nhận biết như trên nhưng bệnh nhân có thể có một số dấu hiệu trước cơn đau như chán ăn, lo lắng. Các triệu chứng thường xuất hiện trước cơn đau vài tiếng đồng hồ.

Trong cơn đau người bệnh thường gặp triệu chứng như:

– Đau đầu dữ dội. Cơn đau bắt đầu  từ vùng thái dương và vùng trước trán.
– Buồn nôn, nôn.
– Chóng mặt.
– Đau, giật thót theo nhịp đập của mạch.
– Nhạy cảm, sợ ánh sáng, tiếng ồn.
– Mức độ đau tăng lên khi vận động.

Nếu không được điều trị đúng cách, cơn đau có thể kéo dài từ 4 đến 72 giờ.

Buồn nôn là một trong những triệu chứng của đau nửa đầu

 

4. Đau nửa đầu có nguy hiểm không?

Cơn đau đầu kéo dài trong nhiều giờ ở bệnh đau nửa đầu khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi, lo lắng, căng thẳng. Cơn đau làm đảo lộn nhịp sống sinh hoạt, việc học tập, công việc của người bệnh. Đau đầu kéo dài cũng làm cho người bệnh thêm stress. Từ đó lại càng dễ xuất hiện những cơn đau đầu tiếp theo. Những cơn đau đầu thường xuyên, liên tục dễ gây ảnh hưởng đến tâm lý của người bệnh.

Người bệnh bị cơn đau đầu hành hạ trong thời gian dài nhưng không điều trị sẽ dễ bị các bệnh về tâm lý như trầm cảm, suy giảm trí nhớ… và thực thể như  suy nhược cơ thể, tăng khả năng bị đột quỵ, tuần hoàn máu não kém…

Nếu người bệnh uống thuốc giảm đau không theo chỉ định của bác sĩ sẽ dễ dẫn đến những tác hại do tác dụng phụ của thuốc. Ngoài ra, người bệnh còn có thể bị viêm – loét dạ dày, tá tràng khi sử dụng các thuốc giảm đau chống viêm NSAIDs như aspirin, ibuprofen, natri diclofenac… trong thời gian dài hoặc có thể bị hoại tử gan nếu sử dụng quá liều paracetamol.

 

5. Cách điều trị và phòng ngừa bệnh đau nửa đầu là gì?

Khi có dấu hiệu của bệnh đau nửa đầu, người bệnh nên đến những cơ sở uy tín để khám và được điều trị phù hợp.

5.1. Sử dụng thuốc

Điều trị giảm đau bằng nhóm thuốc hạ sốt – giảm đau – chống viêm không steroid (nhóm thuốc NSAIDs) như paracetamol… Người bệnh không nên tự ý sử dụng thuốc vì dễ dẫn đến tình trạng nhờn thuốc và dễ gặp những tác dụng không mong muốn.

5.2. Các biện pháp điều trị đau nửa đầu không sử dụng thuốc

– Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, ăn nhiều rau xanh, hoa quả, hạn chế uống rượu, bia, cà phê.

– Tập thể dục, thể thao đều đặn nửa tiếng hàng ngày như đạp xe, bơi lội. Ngủ đủ giấc, tránh thức khuya và không hút thuốc lá và hạn chế tiếp xúc với khói thuốc lá.

– Hạn chế căng thẳng, thực hiện các bài tập thực hành giúp giảm bớt căng thẳng như thiền định, yoga, chánh niệm…

– Hạn chế thực hiện những công việc buộc phải động não quá mức hay lao động nặng.

– Hạn chế ăn những loại thức ăn có chứa chất tyramine như trứng, sữa, bia, rượu. Vì tyraime kích thích gây giải phóng serotonin dẫn đến những cơn đau đầu.

– Với phụ nữ, cần đặc biệt chú ý đến giai đoạn có sự thay đổi về nội tiết tố. Đó là giai đoạn đầu của tuổi dậy thì, ngay trước và trong kỳ kinh nguyệt hàng tháng và thời kỳ tiền mãn kinh.

Có thể làm nhẹ cơn đau nửa đầu bằng paracetamol

 

6. Các yếu tố nguy cơ của bệnh đau nửa đầu là gì?

Sau đây là một vài yếu tố liên quan đến bệnh đau nửa đầu:

– Sự thay đổi nội tiết tố ở nữ giới: một số người bị đau nửa đầu trước hoặc ngay trong kỳ kinh nguyệt. Thuốc tránh thai cũng có thể ảnh hưởng đến tần suất của cơn đau. Vì vậy, phần lớn bệnh nhân đau nửa đầu là phụ nữa. Phụ nữ mang thai, đang sử dụng thuốc tránh thai và đang trong độ tuổi mãn kinh là những đối tượng có nguy cơ nhất.

– Một số loại đồ uống như rượu vang, cà phê có thể gây đau đầu.

– Một số loại đồ ăn như chocolate, phomai, các loại thức ăn đóng hộp.

– Stress.

– Đau nửa đầu thường xảy ra khi cơ thể không khỏe, thay đổi thời tiết hay thay đổi áp suất không khí đột ngột.

– Một số người có thể bị đau đầu khi vận động quá mạnh, ngủ quá nhiều hoặc mất ngủ.

Đau nửa đầu là bệnh thường gặp ở nhiều lứa tuổi. Tuy nhiên người bệnh lại thường có tâm lý chủ quan không điều trị, hoặc điều trị không đúng cách. Tất cả những điều này đều dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng. Người bệnh bị đau nửa đầu nên đi khám sức khỏe tổng quát 2 lần/năm để được bác sĩ kiểm tra, tìm ra nguyên nhân và tư vấn điều trị.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top