✴️ 10 tác dụng phụ thường gặp nhất của thuốc ngừa thai

Thuốc viên ngừa thai là gì?

Thuốc viên ngừa thai dạng uống là phương pháp ngừa thai bằng nội tiết tố. Nó cũng giúp điều trị kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh hay thống kinh, lạc nội mạc tử cung, mụn trứng cá và hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS).

Thuốc viên ngừa thai hoạt động bằng cách ngăn sự rụng trứng. Không có trứng rụng thì không có sự thụ tinh và thai kỳ không xảy ra. Gần 16% phụ nữ độ tuổi 15 đến 44 sử dụng thuốc viên ở Mỹ, những người có các yếu tố nguy cơ khác nhau cần sử dụng loại thuốc riêng phù hợp.

Có nhiều loại thuốc viên ngừa thai khác nhau. Chúng đều chứa các dạng nội tiết tố tổng hợp estrogen, progesterone hoặc cả hai. Progesterone tônge hợp gọi là progestin. Thuốc viên ngừa thai kết hợp chứa cả progestin và estrogen. Có loại thuốc ngừa thai chỉ chứa progestin, còn được gọi là “mini pill”.

Thuốc ngừa thai 1 pha có các viên chứa cùng lượng hormone. Thuốc ngừa thai nhiều pha có 2 hay 3 loại viên uống mỗi tháng, mỗi loại có lượng hormone khác nhau.

Một lựa chọn khác là thuốc ngừa thai hàng ngày và 21 ngày. Một vỉ thuốc ngừa thai hàng ngày sử dụng trong 28 ngày, nhưng có 7 viên thuốc là giả dược. Thuốc viên hàng ngày sử dụng chính xác dễ dàng hơn vì nó được dùng như một thói quen hàng ngày.

Nếu dùng đúng thì thuốc viên có hiệu quả rất tốt, nhưng vì nhiều người thường không dùng chính xác nên trên mỗi 100 thai kỳ thì có 6 đến 12 thai kỳ xảy ra dù dùng thuốc ngừa thai. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật (CDC) cho rằng tỉ lệ thất bại của cả 2 loại thuốc là 9%.

Thuốc viên ngừa thai không phòng ngừa các bệnh lây qua đường tình dục (STDs). Chỉ có bao cao su là có thể phòng ngừa bệnh lây nhiễm này.

Các tác dụng phụ

Các tác dụng phụ thường gặp của thuốc ngừa thai dạng uống bao gồm:

  • Xuất huyết giữa chu kỳ kinh dạng đốm
  • Buồn nôn
  • Đau vú
  • Đau đầu và đau nửa đầu
  • Tăng cân
  • Thay đổi tâm trạng
  • Trễ kinh
  • Giảm nhu cầu tình dục
  • Dịch âm đạo thay đổi
  • Thay đổi thị lực ở những người sử dụng kính áp tròng

Chúng ta sẽ tìm hiểu chi tiết từng tác dụng phụ này dưới đây.

1. Xuất huyết giữa chu kỳ kinh dạng đốm

 Xuất huyết âm đạo đột ngột thường gặp giữa các chu kỳ, thường hết trong 3 tháng đầu dùng thuốc.

Trong khi chảy máu, thuốc vẫn có hiệu quả nếu vẫn dùng đúng cách và không bỏ lỡ liều nào. Nếu chảy máu trên 5 ngày khi dùng thuốc, hoặc chảy máu nặng trong 3 ngày trở lên, bạn nên liên hệ với một chuyên gia chăm sóc sức khỏe để được tư vấn.

Hiện tượng chảy máu này có thể xảy ra do tử cung đang điều chỉnh để lớp  nội mạc tử cung mỏng hơn hoặc do cơ thể đang thay đổi mức độ các hormone.

2. Buồn nôn

Một số người bị buồn nôn nhẹ khi lần đầu tiên dùng thuốc, thường giảm dần sau một khoảng thời gian. Bạn có thể uống thuốc với thức ăn hoặc vào lúc đi ngủ để giảm triệu chứng này. Nếu buồn nôn nặng hay kéo dài trên 3 tháng, bạn nên tìm đến sự hướng dẫn y tế.

buồn nôn sau khi uống thuốc ngừa thai

3. Đau vú

Thuốc ngừa thai có thể gây phì đại hoặc đau vú, thường hết một vài tuần sau bắt đầu uống thuốc. Nếu bạn sờ thấy khối u ở vú hoặc bị đau dai dẳng hay đau trở nên nghiêm trọng thì nên tìm kiếm sự trợ giúp y tế.

Để làm giảm đau vú bạn nên giảm lượng muối và caffein, mặc thêm áo ngực hỗ trợ.

4. Đau đầu và đau nửa đầu

Các hormone trong thuốc tránh thai có thể làm tăng nguy cơ đau đầu và đau nửa đầu.

Thuốc có các loại và liều lượng hormone khác nhau có thể gây ra các triệu chứng khác nhau.

Sử dụng thuốc liều thấp có thể làm giảm tỷ lệ đau đầu.

Các triệu chứng thường cải thiện theo thời gian, nhưng nếu bạn bị đau đầu dữ dội từ khi bạn bắt đầu uống thuốc thì bạn nên tìm tư vấn y tế.

5. Tăng cân

Các nghiên cứu lâm sàng chưa tìm thấy mối liên hệ giữa việc sử dụng thuốc tránh thai và thay đổi cân nặng. Tuy nhiên, hiện tượng giữ nước có thể xảy ra, đặc biệt là vùng xung quanh vú và hông.

Theo một đánh giá, hầu hết các nghiên cứu đã tìm thấy mức tăng cân trung bình dưới 4,4 pound (2 kg) sau 6 hoặc 12 tháng khi dùng biện pháp tránh thai chỉ có progestin. Các nghiên cứu về các phương pháp ngừa thai khác cho thấy mức tăng tương tự.

Một số loại biện pháp tránh thai nội tiết tố có liên quan đến việc giảm chỉ số khối lượng cơ thể không chứa mỡ (lean body mass).

6. Thay đổi tâm trạng

Các nghiên cứu cho thấy các biện pháp tránh thai đường uống có thể ảnh hưởng đến tâm trạng người dùng và tăng nguy cơ trầm cảm hoặc thay đổi cảm xúc. Nếu bạn cảm thấy thay đổi tâm trạng trong quá trình sử dụng thuốc thì nên liên hệ với các cơ sở y tế.

7. Trễ kinh

Dù cho dùng thuốc phù hợp, đôi khi bạn vẫn có thể bị trễ kinh. Các yếu tố có thể ảnh hưởng đến điều này bao gồm căng thẳng, bệnh tật và các bất thường về nội tiết tố hoặc tuyến giáp.

Nếu trễ một chu kỳ hoặc ra kinh rất ít trong khi sử dụng thuốc, nên thử thai trước khi bắt đầu liều thuốc tiếp theo. Hiện tượng này không hề hiếm gặp, nếu lo lắng, bạn nên tìm đến tư vấn y tế.

8. Giảm ham muốn

Hormone trong thuốc ngừa thai có thể ảnh hưởng đến hoạt động hay ham muốn tình dục ở một số người. Nếu giảm ham muốn tình dục kéo dài và gây khó chịu, bạn nên thảo luận với chuyên gia y tế.

Trong một số trường hợp, thuốc tránh thai có thể làm tăng ham muốn vì  giảm lo lắng về việc mang thai và giảm đau trong thống kinh, hội chứng tiền kinh nguyệt, lạc nội mạc tử cung và u xơ tử cung.

9. Thay đổi dịch âm đạo

Những thay đổi trong dịch âm đạo có thể xảy ra khi uống thuốc như tăng hoặc giảm bôi trơn âm đạo hoặc thay đổi bản chất của dịch tiết. Nếu âm đạo bị khô, dùng thêm chất bôi trơn có thể giúp quan hệ tình dục thoải mái hơn.

Hiện tượng này thường không có hại, nhưng nếu thay đổi màu sắc hoặc mùi có thể là dấu hiệu nhiễm khuẩn. Nếu bạn lo lắng điều này hãy liên hệ với nhân viên y tế.

10. Thay đổi về mắt

Sự thay đổi nội tiết gây ra bởi thuốc tránh thai có liên quan đến sự dày lên của giác mạc. Sử dụng biện pháp tránh thai đường uống không liên quan đến nguy cơ cao hơn mắc bệnh mắt, nhưng đeo kính áp tròng có thể không còn vừa vặn thoải mái.

Người đeo kính áp tròng nên tham khảo ý kiến bác sĩ nhãn khoa nếu họ gặp bất kỳ thay đổi nào về thị lực hoặc khó chịu khi đeo kính trong quá trình sử dụng thuốc.

Nguy cơ

Thuốc ngừa thai kết hợp có thể tăng nguy cơ với các vấn đề tim mạch như cục máu đông, huyết khối tĩnh mạch sâu, huyết khối ở phổi, đột quỵ hay đau tim.

Thuốc ngừa thai cũng có thể liên quan đến tăng huyết áp, hối u gan lành tính và một số loại ung thư.

Các đối tượng không nên uống thuốc:

  • Phụ nữ đang mang thai
  • Hút thuốc trên 35 tuổi hoặc đã ngừng hút trong năm ngoái và trên 35 tuổi
  • Béo phì
  • Đang sử dụng một số loại thuốc nhất định
  • Đã hoặc đang bị huyết khối, đột quỵ hoặc vấn đề về tim
  • Có người thân bị huyết khối trước 45 tuổi
  • Bị đau nửa đầu nặng, đặc biệt nếu trước khi đau bệnh nhân thấy chớp sáng hoặc vầng hào quang
  • Bị ung thư vú hay bệnh về gan hoặc túi mật
  • Bị đái tháo đường ít nhất 20 năm hoặc có biến chứng

Nếu xuất hiện các vấn đề nào dưới đây, người uống thuốc nên tìm gặp bác sĩ.

  • Đau bụng hay đau dạ dày
  • Đau ngực, khó thở hoặc cả 2
  • Đau đầu nặng
  • Các vấn đề về mắt như nhìn mờ hay mất thị trường
  • Sưng phù hay đau nhức chân và đùi
  • Đỏ, sưng hay đau ở bắp chân hoặc đùi

Các triệu chứng này có thể là dấu hiệu của vấn đề nghiêm trọng hơn.

Ảnh hưởng lâu dài

Sử dụng thuốc tránh thai có thể làm tăng nguy cơ các vấn đề sức khỏe  lâu dài sau.

1. Vấn đề tim mạch

Thuốc ngừa thai kết hợp có thể làm tăng nhẹ nguy cơ các bệnh tim mạch như đau tim, đột quỵ và huyết khối. Các bệnh này đều có thể gây tử vong.

Nguy cơ cao hơn với một số loại thuốc, nên bác sĩ sẽ đưa ra lựa chọn phù hợp cho bạn.

Người bị cao huyết áp không kiểm soát hoặc tiền căn bản thân hay gia đình bị huyết khối, nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ nên hỏi chuyên gia y tế các phương pháp ngưa thai thay thế.

2. Nguy cơ ung thư

Nội tiết tố nữ tự nhiên, như estrogen, được cho là ảnh hưởng đến khả năng phát triển một số loại ung thư. Do đó, sử dụng phương pháp ngừa thai chứa hormone có thể có tác dụng tương tự.

Ung thư buồng trứngnội mạc tử cung: Những bệnh này ít xảy ra ở những phụ nữ sử dụng thuốc.

Ung thư vú: Nguy cơ ung thư vú phát triển cao hơn một chút ở những phụ nữ gần đây đã sử dụng thuốc tránh thai và đặc biệt là nếu bắt đầu sử dụng thuốc trong những năm tuổi thiếu niên. Tuy nhiên, sau 10 năm không sử dụng thuốc, nguy cơ dường như giống với người chưa bao giờ sử dụng thuốc.

Các yếu tố khác có thể đóng vai trò, chẳng hạn như một phụ nữ ở độ tuổi bắt đầu dậy thì hoặc mãn kinh, tuổi của cô ấy ở lần mang thai đầu tiên và liệu cô ấy đã có con hay chưa.

Ung thư cổ tử cung: Sử dụng thuốc trong thời gian dài có liên quan đến nguy cơ ung thư cổ tử cung cao hơn so với những người chưa bao giờ sử dụng thuốc. Tuy nhiên, hầu hết các loại ung thư cổ tử cung là do virus HPV gây ra. Liệu HPV có liên quan đến việc sử dụng thuốc tránh thai đường uống hay không vẫn chưa được xác nhận.

Ung thư gan: Các biện pháp tránh thai đường uống có liên quan đến nguy cơ phát triển khối u gan lành tính cao hơn, nhưng chúng hiếm khi trở thành ung thư. Một số nghiên cứu cho thấy nguy cơ ung thư gan cao hơn sau khi sử dụng thuốc tránh thai trong ít nhất 5 năm, nhưng các nghiên cứu khác không cho kết quả tương tự.

Phương pháp thay thế

Nếu bạn không thể sử dụng hay không muốn uống thuốc tránh thai thì vẫn có các sự lựa chọn khác.

1. Bao cao su

Đây là phương pháp ngừa thai ngăn chặn tinh trùng tiếp xúc với trứng. Bao cao su nam là túi trùm dương vật, bao cao su nữ là một túi có một vòng ở mỗi đầu được đưa vào âm đạo.

Bao cao su rất phổ biến, nhưng chúng thường được làm từ mủ cao su, có thể gây dị ứng ở một số người. Vật liệu thay thế bao gồm polyurethane hoặc da cừu.

Đối với cả hai loại bao cao su, tỉ lệ thất bại là 18% hoặc nhiều hơn trong một năm.

2. Màng chắn ngừa thai

Đây là một chiếc cốc cạn có vành hình vòm, được đặt trong âm đạo để che cổ tử cung. Nó được sử dụng với chất diệt tinh trùng, giúp ngăn chặn tinh trùng và trứng gặp nhau.

Nhược điểm của phương pháp này là có thể gây nhiễm trùng đường tiết niệu và kích thích âm đạo. Sự kích thích có thể xuất phát từ phản ứng đối với chất liệu làm màng ngăn hoặc chất diệt tinh trùng.

Có từ 6 đến 12 trường hợp mang thai trên 100 phụ nữ sử dụng phương pháp này trong 1 năm vì lỗi sử dụng của người dùng.

3. Vòng âm đạo (Nuvaring)

Là một vòng nhựa được đưa vào âm đạo, giải phóng hormone để ức chế sự rụng trứng. Mỗi tháng, nó được đặt trong âm đạo 3 tuần và lấy ra trong 1 tuần, lúc đó sẽ xảy ra kinh nguyệt. Hormone của vòng âm đạo giống với thuốc viên, vì vậy các tác dụng phụ tương tự có thể xảy ra.

Hàng năm, có từ 6 đến 12 trường hợp mang thai xảy ra trên 100 phụ nữ sử dụng nó do lỗi sử dụng của người dùng.

Là một phương pháp ngừa thai chứa nội tiết tố, vòng âm đạo có thể có tác dụng phụ tương tự như thuốc viên, bao gồm xuất huyết giữa kỳ kinh nguyệt dạng đốm, đau đầu và giảm ham muốn tình dục.

4. Dụng cụ tử cung (DCTC)

Là một dụng cụ nhỏ làm từ nhựa và đồng được đưa vào tử cung. DCTC có thể chứa hoặc không chứa nội tiết tố.

DCTC chứa nội tiết tố làm dày chất nhầy cổ tử cung và ức chế rụng trứng. DCTC không chứa nội tiết tố tạo ra phản ứng viêm trong tử cung, làm bất hoạt tinh trùng.

Tác dụng DCTC kéo dài đến 10 năm và có hiệu quả ngừa thai gần như 100%.

Tác dụng phụ bao gồm xuất huyết giữa kỳ kinh nguyệt dạng đốm và kinh nguyệt không đều. Một số DCTC có thể làm kinh nguyệt nhiều hơn với thống kinh tồi tệ hơn.

5. Que cấy tránh thai

Là một que nhựa nhỏ được cấy vào cánh tay, tiết ra một loại hormone làm dày chất nhầy cổ tử cung, làm mỏng nội mạc nội mạc tử cung và ức chế sự rụng trứng trong 3 năm. Tác dụng ngừa thai của que cấy gần như 100%.

Tác dụng phụ tương tự như thuốc tránh thai, bao gồm đau bụng, đau lưng và nguy cơ mắc u nang buồng trứng lành tính cao hơn. Nhiều trường hợp bị trễ kinh hay chu kỳ kinh ngắn hơn sau vài tháng sử dụng.

6. Triệt sản

Là phẫu thuật thắt hoặc cắt các ống dẫn tinh trùng từ tinh hoàn đến dương vật ở nam giới hoặc thắt ống dẫn trứng ở nữ giới.

Các biến chứng có thể xảy ra đối với nam giới bao gồm nhiễm trùng, tụ máu, bầm tím và hình thành u hạt tinh trùng - là khối u phát triển trong các mô xung quanh ống dẫn tinh nơi tinh trùng bị rò rỉ ra ngoài.

Đây thường là phương pháp ngừa thai vĩnh viễn.

7. Thuốc tiêm tránh thai

Tiêm hormone tránh thai có thể là cách ngừa thai hiệu quả hơn so với sử dụng thuốc viên, vì người dùng không phải nhớ uống thuốc đúng giờ mỗi ngày.

Tuy nhiên, đây là phương pháp ngừa thai bằng nội tiết tố nên nó cũng có thể có tác dụng phụ.

Thuốc tiêm như Depo-Provera ngăn chặn sự rụng trứng và làm dày chất nhầy cổ tử cung để giảm khả năng tinh trùng tiếp xúc với trứng, giống như thuốc tránh thai. Đây là biện pháp tránh thai chỉ chứa progestin.

Ưu điểm của thuốc tiêm là bạn không phải uống thuốc mỗi ngày, nhưng bạn phải nhớ tiêm thuốc 3 tháng một lần, và phải được thực hiện tại phòng khám của bác sĩ.

Hiệu quả ngừa thai là hơn 99 phần trăm nếu sử dụng đúng cách. Tuy nhiên, vì người dùng đôi khi quên tiêm thêm thuốc, nên có 6 trong số 100 phụ nữ sẽ có thai mỗi năm khi dùng phương pháp này.

Một số tác dụng phụ của thuốc tiêm tương tự như thuốc uống ngừa thai.

Người bị ung thư vú không nên sử dụng phương pháp này. Nó cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh Chlamydia và HIV, nhưng vẫn chưa rõ lí do.

Một số nghiên cứu chỉ ra mối liên hệ thuốc tiêm với huyết khối, hoặc cục máu đông, nhưng những nghiên cứu khác thì không.

Trung tâm Mayo Clinic lưu ý rằng một số nhà sản xuất không khuyến khích sử dụng thuốc tiêm ở những người có tiền sử bệnh tim, tiểu đường hoặc đột quỵ.

Các tác dụng phụ xảy ra cần được báo với bác sĩ bao gồm:

• Trầm cảm

• Đau nửa đầu

• Xuất huyết âm đạo nặng hơn hoặc kéo dài hơn bình thường

• Vàng da hoặc vàng mắt

• Có mủ và đau quanh chỗ tiêm

Các vấn đề khác có thể hết trong vòng một vài tháng bao gồm:

• Đau bụng và đầy hơi

• Giảm ham muốn

• Chóng mặt

• Hồi hộp

• Mệt mỏi

• Tăng cân

Depo-Provera cũng có liên quan đến việc giảm mật độ xương, làm tăng nguy cơ loãng xương và gãy xương sau này.

Ngay cả khi sử dụng đúng cách, khả năng mang thai có thể xảy ra. Sau khi dừng thuốc, có thể mất đến 10 tháng để có thể có thai.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top