VIÊM DA TIẾT BÃ

Viêm da tiết bã là gì?

Viêm da tiết bã là một dạng viêm da phổ biến, mạn tính, tái phát, ảnh hưởng chủ yếu đến các vùng nhiều tuyến bã như da đầu, mặt và thân mình.

Có các dạng viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh và người lớn. Tình trạng viêm lành tính này đôi khi liên quan đến bệnh vẩy nến nên được gọi là vẩy nến bã (sebopsoriasis). Viêm da tiết bã còn được gọi là chàm tiết bã.

Gàu là một dạng viêm da tiết bã không viêm trên da đầu. Biểu hiện là các mảng vảy giống như cám lan tỏa ở nang lông của da đầu mà không có đỏ da đi kèm. Gàu có thể không có triệu chứng hoặc chỉ ngứa nhẹ.

Ai bị viêm da tiết bã?

Viêm da tiết bã là một tình trạng viêm da phổ biến, ảnh hưởng 3% đến 12% dân số.

Bệnh gặp ở cả nam và nữ, xuất hiện ở trẻ sơ sinh, thanh thiếu niên và cả người lớn.

Viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh ảnh hưởng đến trẻ dưới 3 tháng tuổi và thường khỏi sau 6-12 tháng tuổi.

Viêm da tiết bã ở người lớn có xu hướng bắt đầu vào cui tuổi thiếu niên. Tỷ lệ  mắc cao nhất ở thanh niên và người già. Bệnh phổ biến ở nam hơn nữ.

Bệnh xảy ra ở cả những người khỏe mạnh. Tuy nhiên, các yếu tố sau đây đôi khi được cho là liên quan đến viêm da tiết bã nặng ở người lớn:

  • Da dầu
  • Người trong gia đình bị viêm da tiết bã hoặc tiền sử gia đình bị vẩy nến
  • Ức chế miễn dịch: người được ghép tạng, nhiễm HIV, ung thư hạch
  • Bệnh thần kinh và tâm thần: Parkinson, rối loạn vận động muộn, trầm cảm, động kinh, liệt mặt, chấn thương tủy sống và rối loạn bẩm sinh như hội chứng Down
  • Sử dụng thuốc an thần
  • Điều trị vẩy nến bằng liệu pháp psoralene và tia cực tím A (PUVA)
  • Thiếu ngủ, stress

 

 

Nguyên nhân

Nguyên nhân của bệnh không hoàn toàn được hiểu rõ.

Một số yếu tố có liên quan đến bệnh như nồng độ hormone, nhiễm nấm, thiếu dinh dưỡng, yếu tố thần kinh. Sự gia tăng của nấm men Malassezia cũng có vai trò trong bệnh viêm da tiết bã. Lipase và phospholipaseđược sản xuất bởi Malassezia– một loại vi nấm thường trú trên da, tách các axit béo tự do từ triglyceride có trong bã nhờn. Điều này có thể gây viêm. Sự khác biệt về hàm lượng và chức năng lipid, hàng rào bảo vda dẫn đến biểu hiện khác nhau ở mỗi người.

Các đặc điểm lâm sàng

  1. Viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh

Viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh gây ra vảy nhờn lan tỏa vùng da đầu (cradle cap). Phát ban có thể lan rộng ảnh hưởng đến nách và háng (hay còn gọi là viêm da tã lót), ban có đặc điểm:

  • Là những mảng hồng ban màu cá hồi (salmon-pink”) kèm bong vảy.
  • Bệnh thường không ngứa, vì vậy em bé thường không quấy nhiều kể cả khi bệnh lan tỏa.
  1. Viêm da tiết bã ở người lớn

Viêm da tiết bã thường ảnh hưởng đến những vùng da có nhiều tuyến bã nhờn như da đầu, nếp mũi má, vùng gian mày, lông mày, râu, tai, sau tai, xương ức và những vùng nếp khác.

Các đặc điểm chính:

  • Bệnh hay bùng phát vào mùa đông, cải thiện vào mùa hè sau khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời
  • Đa số ít ngứa
  • Da dầu ở vùng T và khô ở mặt giữa
  • Các mảng đỏ kèm vảy giới hạn không rõ khu trú hoặc vảy lan toả ở da đầu
  • Viêm bờ mi: rìa mí mắt đỏ có vảy
  • Mảng đỏ màu cá hồi, mỏng, có vảy, bờ không rõ ở các nếp của mặt
  • Các mảng bong tróc hình nhẫn hoặc hình vòng ở rìa chân tóc và phía trước ngực.
  • Ban đỏ ở nách, dưới ngực, nếp bẹn và sinh dục
  • Viêm nang lông do Malassezia (nang lông bị viêm) ở má và thân trên.

Viêm da tiết bã lan toả ảnh hưởng đến da đầu, cổ và thân mình còn được gọi là viêm da tiết bã dạng vẩy phấn (Pityriasiform seborrhoieide).

Đặc điểm của bệnh trên các màu da khác nhau

Viêm da tiết bã phổ biến ở nguời có làn da sậm màu. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng đây là một trong năm bệnh da phổ biến nhất được quan sát thấy ở bệnh nhân da đen.

Những người có làn da sậmm màu có thể xuất hiện những mảng và dát giảm sắc tố bong vảy ở những vùng da bệnh. Nhiều thương tổn dạng mảng hình cung như cánh hoa nên còn có tên gọi viêm da tiết bã dạng cánh hoa.

Trẻ em da màu thường không xuất hiện vảy đầu cổ điển (cradle cap: cứt trâu) của viêm da tiết bã, mà thay vào đó có ban đỏ, bong tróc và giảm sắc tố của các khu vực bị ảnh hưởng và nếp gấp của da.

Biến chứng

Nhiễm trùng hoặc nhiễm nấm thứ phát

Làm mỏng da, giãn mạch máu và giãn mạch liên quan đếnsteroid

Ảnh hưởng tâm lý

Chẩn đoán

Chẩn đoán viêm da tiết bã là chẩn đoán lâm sàng dựa trên vị trí, đặc điểm và tính chấtthương tổn.

Nếu nghi ngờ, sinh thiết có thể được thực hiện. Hình ảnh đặc trưng cho thấy á sừng ở thượng bì, bít tắc nang lông và xốp bào trong trường hợp viêm da tiết bã. Lớp bì tẩm nhuộm tế bào lympho rải rác quanh mạch máu.

Malassezia là vi nấm thường trú trên da nên sự hiện diện của chúng trên vảy da dưới kính hiển vi không phải là chẩn đoán.

Chẩn đoán phân biệt

  • Viêm da cơ địa
  • Nhiễm nấm Candida
  • Viêm da tiếp xúc
  • Phát ban
  • Chốc
  • Lichen đơn mạn tính
  • Viêm da mủ
  • Vảy phấn hồng
  • Vẩy nến
  • Trứng cá đỏ
  • Vẩy nến da đầu
  • Giang mai thứ phát
  • Lupus ban đỏ hệ thống
  • Nấm da đầu, nấm thân

Điều trị

  1. Các biện pháp chung

Giáo dục cho bệnh nhân về tình trạng da và thói quen chăm sóc da phù hợp.

Thay đổi chế độ sinh hoạt như ăn nhiều trái cây giúp ít bị viêm da tiết bã hơn trong khi căng thẳng có thể khiến tăng các đợt bùng phát.

  1. Biện pháp cụ thể

Điều trị viêm da tiết bã thường liên quan đến một số lựa chọn sau đây:

  • Bạt sừng: được sử dụng để loại bỏ vảy như Axit salicylic, Axit lactic, Urê, Propylene glycol.
  • Thuốc chống nấm tại chỗ: giúp giảm Malassezia. Ví dụ dầu gội hay thuốc thoa chứa Ketoconazolehoặc Ciclopirox. Lưu ý, một số chủng Malassezia kháng thuốc chống nấm azole. Có thể dùng kẽm pyrithione hoặc Selen sulphide để thay thế.
  • Corticosteroid ti chỗ nhẹ: trong 1 đến 3 tuần để giảm viêm bùng phát cấp tính.
  • Thuốc ức chế calcineurin ti chỗ: kem Pimecrolimus, thuốc mỡ Tacrolimusđược chỉ định  khi sử dụng corticosteroid ti chỗ thường xuyên, vì chúng có ít tác dụng phụ hơn trên da mặt khi sử dụng lâu dài.

Trong các ca bệnh kháng thuốc ở người lớn, có thể khuyến cáo dùng Itraconazole, kháng sinh Tetracycline hoặc liệu pháp ánh sáng. Isotretinoin uống liều thấp cũng đã được chứng minh là có hiệu quả đối với bệnh nặng hoặc trung bình.

  • Điều trị vùng da đầu
  • Dầu gi chứa Ketoconazole, Ciclopirox, Selensulfide, Kẽm pyrithione, thanđá và Axit salicylic được sử dụng hai lần một tuần trong ít nhất một tháng và có thể duy trì liên tục nếu cần thiết.
  • Các chế phẩm chứasteroidcho da đầu giúp giảm ngứa và nên dùng hằng ngày liên tục trong vài ngày.
  • Các chất ức chế Calcineurin như Tacrolimus có thể được sử dụng làm lựa chọn thay thế steroid.
  • Hoạt chất chứa than đá (Coal tar) được sử dụng cho những vùng nhiều vảy và loại bỏ sau vài giờ bằng dầu gội.
  • Liệu pháp kết hợp thường được áp dụng.
  • Các phương pháp điều trị thay thế như dầu gội chứa tinh dầu trà có thể được dùng.
  • Mặt, tai, ngực và lưng
  • Làm sạch vùng da bị ảnh hưởng 1 hoặc 2 lần bằng sữa rửa mặt không xà phòng.
  • Bôi Ketoconazolehoặc Ciclopiroxmột lần mỗi ngày trong 2 đến 4 tuần, lặp lại khi cần thiết.
  • Kem Hydrocortison cũng có thể được sử dụng, bôi tối đa hai lần mỗi ngày trong 1 hoặc 2 tuần. Đôi khi steroidbôi tại chỗ mạnh cóthể được sử dụng.
  • Các chất ức chế Calcineurin tại chỗ như Pimecrolimus hoặc Tacrolimus có thể được sử dụng thay vì steroid tại chỗ.
  • Một số phương pháp điều trị bằng thảo dược có thể áp dụng tuy nhiên hiệu quả không chắc chắn.
  • Quản lý bệnh ở trẻ sơ sinh

Gội đầu thường xuyên bằng dầu gội trẻ em hoặc gel tắm gội cùng với chải lược mềm để làm sạch vảy.

  • Sáp dầu khoáng trắng (white petrolatum) có thể hữu ích. 
  • Thuốc chống nấm bôi tại chỗthường được chỉ định tùy vào mức độ phát ban ở trẻ.

Diễn tiến

Mặc dù viêm da tiết bã có thể tự khỏi, nhưng mất nhiều thời gian để khỏi. Vảy da đầu ( cứt trâu ) ở trẻ sơ sinh thường cần vài tuần hoặc vài tháng để biến mất. Ở người lớn, tình trạng này thường là mạn tính và cần điều trị duy trì lâu dài.

Nguồn: Seborrheic dermatitis: Causes and treatment — DermNet (dermnetnz.org)

Người dch: Đơn vị Da liễu - Thẩm mỹ da 

Giới thiệu Đơn vị Da liễu - Thẩm mỹ da Bệnh viện Nguyễn Tri Phương

Đơn vị Da liễu - Thẩm mỹ da Bệnh viện Nguyễn Tri Phương được triển khai dịch vụ thăm khám, chăm sóc và điều trị các tình trạng về da như mụn, sẹo, nám, tàn nhang… với tiêu chí đem lại sự thay đổi tích cực về diện mạo cũng như sự hài lòng của khách hàng sau khi sử dụng dịch vụ.

Với nguồn nhân lực chất lượng có chuyên môn cao là các Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ đến từ Bộ môn Da liễu - Đại học Y Dược TPHCM & Bệnh viện Nguyễn Tri Phương có kinh nghiệm nhiều năm trong giảng dạy, nghiên cứu và điều trị Da liễu – Thẩm mỹ da; sẽ trực tiếp thăm khám, lên phác đồ điều trị và trực tiếp trị liệu cho bệnh nhân, đảm bảo hiệu quả cao nhất.

Thông tin liên hệ

  • Đơn vị da liễu – Thẩm mỹ da Bệnh viện Nguyễn Tri Phương

  • Số 468 Nguyễn Trãi, Phường 8, Quận 5, Tp.Hồ Chí Minh.

  • Hotline tư vấn đặt lịch Bác sĩ: 0899777709 / Zalo/Viber

return to top