Tiểu sử Danh nhân Nguyễn Tri Phương

Nội dung

Nguyễn Tri Phương tên thật là Nguyễn Văn Chương, tự Hàm Trinh, hiệu Đường Xuyên, sinh ngày 9-9-1800 tại làng Đường Long, huyện Phong Điền, phủ Thừa Thiên (nay là tỉnh Thừa Thiên Huế).

Ông bắt đầu con đường hoạn lộ với một chức vụ khiêm tốn là thơ lại ở huyện nhà vào năm 1820. Năm 1840, vua Minh Mạng bổ nhiệm ông làm Quyền Tuần phủ Nam Ngãi và giao xem xét việc phòng thủ Đà Nẵng. Ông đề xuất xây dựng vòng phòng thủ quy mô khá lớn và vững chắc cùng với hệ thống thông tin liên lạc từ đồn tiền tiêu về đến Đà Nẵng -  Huế và được vua chuẩn y.

Vua Minh Mạng băng hà, vua Thiệu Trị lên ngôi bổ nhiệm ông giữ chức Tuần phủ An Giang kiêm Tổng đốc An Hà để dẹp loạn ở tỉnh Sóc Trăng thuộc vùng Nam Kỳ. Đánh đâu thắng đó, lần lượt bình định các tỉnh biên giới xứ Nam Kỳ, ông được vua Thiệu Trị phong tặng danh hiệu ‘‘An Tây Trí Dũng Tướng’’ và phong Hiệp biện đại học sĩ, sung vào Cơ Mật viện Đại thần. Đích thân vua Thiệu Trị ban cho ông một áo ấm gọi là ‘‘giải y từ cừu’’, nghĩa là vua tự cởi áo mình để ban cho một người anh hùng xông pha chốn biên cương nguy khốn.

Năm 1847 ông trở về Huế yết kiến vua Thiệu Trị, được nhà vua ban ngự tửu và cho khắc tên vào súng đồng, đồng thời ghi công trạng ở bia đá tại Võ miếu. Trước lúc băng hà, vua Thiệu Trị phong cho ông chức Phụ chánh Đại thần để giúp vua mới.

Vua Tự Đức lên thay, mến phục tài năng của một công thần nên cải tên ông là Nguyễn Tri Phương, lấy ý từ câu thơ: ‘‘Hữu dõng thả tri phương’’ (vừa dũng cảm vừa mưu lược)

Năm 1858, khi quân Pháp bắt đầu xâm chiếm nước ta, lão tướng Nguyễn Tri Phương gần 60 tuổi được triệu ra lãnh chức Tổng thống Quân vụ Đại thần tỉnh Quảng Nam. Ông đốc thúc quân lính ngày đêm tận lực xây đắp hào lũy kiên cố bên trong, còn bên ngoài đào hố dài và sâu cắm đầy tre nhọn rồi phủ cỏ lên bên trên. Sau đó ông cho quân mai phục chung quanh đồng Điền Hải, căn cứ cuối cùng của Đà Nẵng chưa mất vào tay quân Pháp. Trận đó quân triều đình toàn thắng, quân Pháp bị phục binh bao vây phải bỏ chạy tán loạn, mắc bẫy sa xuống hầm chông. Đô đốc Rignault de Genouilly gửi thư đề nghị đình chiến. Nguyễn Tri Phương được triều đình cho trọn quyền thương lượng nghị hòa.

 Năm 1860, quân Pháp tập trung lực lượng vào Bến Nghé với ý định hạ thành Gia Định.Vua Tự Đức bèn phái Nguyễn Tri Phương vào Nam Kỳ chống cự. Trong sáu tháng đầu ông vây hãm quân Pháp, thắng vài trận nhỏ, gây cho chúng nhiều khó khăn. Nhưng cuối cùng cho dù quân lính Việt Nam cũng không sao địch nổi với kỹ thuật chiến tranh tiến bộ của phương Tây lúc ấy.

Cuối năm đó, Pháp tiếp tục đánh chiếm Định Tường và Biên Hòa. Nguyễn Tri Phương lại lên đường vào Nam, nhưng tình thế thay đổi, các tỉnh Nam Kỳ liên tiếp thất thủ, triều đình phái Phan Thanh Giản vào ký hòa ước Nhâm Tuất nhượng đất cho Pháp. Nguyễn Tri Phương được lệnh hồi kinh.

Đầu năm 1862, nhà vua phong Nguyễn Tri Phương làm khâm sai, sung Bắc Kỳ Tổng thống Quân vụ Đại thần cất binh diệt trừ phiến loạn đang nổi lên khắp nơi.

Năm 1879, Đô đốc Dupré, thống lĩnh xứ Nam Kỳ, phái một tiểu đội chiến thuyền ra Bắc Hà, buộc quan Khâm mạng triều đình cho phép người Pháp được quyền thông thương khắp nơi. Nguyễn Tri Phương lúc ấy trấn giữ thành Hà Nội đã cương quyết cự tuyệt và thế là quân Pháp vin vào cớ đó để tấn công vào ngày 20/11/1873.

Thành Hà Nội thất thủ, con của Nguyễn Tri Phương là Phò mã Nguyễn Lâm tử trận còn ông bị trọng thương và bị bắt. Quân Pháp giải ông về giam tại Sài Gòn. Nguyễn Tri Phương mất vào ngày 20/12/1873, thọ 74 tuổi.

Sau khi ông mất, vua Tự Đức truyền ghi tên vào thờ tại đền Trung Nghĩa Từ ở kinh đô Huế, lại xuống dụ lập đền Trung Hiếu từ tại làng của ông, hng năm phái quan sở tại đến tế.

Vua Tự Đức cũng tự tay thảo bài văn tế lời lẽ rất thống thiết, bày tỏ lòng thương tiếc một dòng tộc hy sinh vì nước, vì dân:

Trung thần hiếu tử, lịch đại hữu chi

Nhất môn tam tiết, ô hô kỷ hi!

Thần tắc tử trung, tử tắc tử hiếu

Tại nhân luân thường, vi thế danh giáo

Tạm dịch là:

Tôi trung con hiếu, xưa nay vẫn có

Nhà ba tuẫn tiết, hiếm lắm than ôi!

Tôi chết vì trung, con thời chết hiếu

Là việc luân thường, làm gương lưu danh.

Tượng Danh nhân Nguyễn Tri Phương trong khuôn viên Bệnh viện Nguyễn Tri Phương

return to top