✴️ Đánh giá đau

Nội dung

ĐỊNH NGHĨA

Là công việc hàng ngày khi tiếp xúc với người bệnh bị đau nhằm mục đích: hiểu rõ triệu chứng đau của mỗi cá thể người bệnh và làm căn cứ để điều trị đau được thỏa đáng. 

 

CHỈ ĐỊNH   

Cho mọi người bệnh có biểu hiện đau

 

CHUẨN BỊ

Người thực hiện

Bác sỹ: hỏi bệnh sử đau, khám lâm sàng, đánh giá mức độ, tìm nguyên nhân gây đau, kết luận mức độ và kiểu đau để đưa ra chế độ điều trị đau phù hợp cho từng ca bệnh.

Điều dưỡng: đánh giá mức độ đau hàng ngày, ghi phiếu chăm sóc…

Phương tiện:

Ống nghe, đồng hồ đếm nhịp thở, huyết áp kế, búa phản xạ, dụng cụ khám thần kinh và cảm giác, các thang điểm đánh giá đau…

Người bệnh:

Hợp tác với bác sỹ và điều dưỡng để có thông tin chính xác về triệu chứng đau của mình.

Hồ sơ bệnh án:

Được ghi chép đầy đủ: bệnh sử, mức độ, nguyên nhân, kiểu đau…trước và sau khi điều trị, đáp ứng điều trị đau…

Nơi thực hiện:

Tại bệnh phòng hay tại nhà

 

CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

Bước 1: Hỏi bệnh sử đau

Trình tự thời gian đau: đau từ bao giờ, kéo dài bao lâu

Vị trí đau, đau có lan hay không: yêu cầu người bệnh dùng một ngón tay chỉ r  vị trí đau trên cơ thể

Cảm giác đau: tức, nhức, nhói giật, lâm râm, tê bì, theo mạch đập...khuyến khích người bệnh mô tả cảm giác đau bằng các từ ngữ của chính họ

Yếu tố nào làm cho đau tăng lên hoặc giảm đi: ngủ nghỉ, đi lại, trở mình,  tư thế giảm đau, lo lắng...  

+Những điều trị trước đây: các biện pháp,thuốc và hiệu quả giảm đau…

+Các bệnh liên quan, có sẵn như tiểu đường, viêm khớp, thoái hóa khớp…hay yếu tố tâm lý-xã hội như lo âu, trầm cảm, việc làm, hoàn cảnh gia đình…

Bước 2 : Đánh giá mức độ đau

Người bệnh tự ước lượng mức độ đau của mình theo các thang điểm. Mức độ đau là của riêng từng người bệnh, không có giá trị so sánh với người khác.

Áp dụng 1 trong các thang đau sau cho mỗi người bệnh trong suốt quá trình điều trị:

 Thang điểm số từ 0 đến 10 điểm

Thang từ ngữ: 

Không đau, hơi đau, đau nhẹ, đau vừa, đau nặng, đau khủng khiếp…

Thang nét mặt Wong-Baker (trẻ em và người không nói được)

https://suckhoe.us/photos/174/ungbuou/image163.jpg

Bước 3 : Kết luận mức độ đau

Bước 4 : Tìm nguyên nhân đau (chẩn đoán phân biệt nguyên nhân đau)

Khám tổn thương thực thể¸ khám thần kinh và cảm giác…chẩn đoán định khu tổn thương thần kinh 

Tìm các dấu hiệu tăng cảm, dị cảm, hướng lan của đau…

Đánh giá các yếu tố tâm lý như lo âu, trầm cảm

Chẩn đoán phân biệt các nguyên nhân đau như:

Do viêm nhiễm: apxe...

Do khối u : thâm nhiếm, chèn ép cơ quan, tổ chức, dây thần kinh…

Do điều trị: tác dụng phụ của hóa trị, xạ trị, di chứng phẫu thuật…

Do rối loạn chuyển hoá: calxi, kali, ure...

Do các bệnh đi kèm: thiếu máu cục bộ, nhồi máu, tắc mạch...

Bước 5 : Kết luận kiểu đau của người bệnh để định hướng điều trị như:

Đau thụ cảm 

Đau thần kinh

Đau viêm  

Đau rối loạn chức năng 

 

THEO DÕI

Mức độ đau, đáp ứng điều trị, các tổn thương thoái lui hay tiến triển…

Tác dụng phụ của thuốc giảm đau

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top