Vắc-xin có thể được bào chế từ vi khuẩn, virút hay độc tố của chúng hoặc được tái tổ hợp từ các kháng nguyên đặc hiệu. Trước và sau khi tiêm vắc-xin cần phải bảo đảm các quy trình cần thiết theo quy định.
Sau khi tiêm vắc-xin cần phải theo dõi chặt chẽ để chắc chắn người được tiêm vẫn khỏe mạnh và không bị phản ứng. Thông thường phải theo dõi ít nhất 15 phút sau khi tiêm vì hầu hết các tai biến nguy hiểm đến tính mạng xảy ra trong vòng 10 phút sau khi tiêm. Ở trẻ em, phản ứng nguy hiểm nhất là sốc phản vệ có nguy cơ dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện, can thiệp kịp thời.
Biểu hiện của sốc phản vệ là cơn suy tuần hoàn cấp với các triệu chứng chân tay lạnh, mạch nhanh, huyết áp bị tụt hoặc kẹt; bị khó thở, co thắt thanh quản, co rút cơ thành bụng hay tiêu chảy, da xanh. Sau khi phát hiện tình trạng sốc phản vệ, cần đặt trẻ đã tiêm vắc-xin nằm nghiêng sang trái, tiêm ngay một mũi thuốc adrenaline liều 0,01mg/kg trọng lượng vào bắp thịt.
Người lớn có thể tiêm từ 0,5 – 1ml. Nếu không cải thiện có thể tiêm nhắc lại sau 10 phút, cho thở oxygen và nhanh chóng chuyển người bệnh đến bệnh viện nơi gần nhất để hồi sinh cấp cứu và theo dõi, xử trí tiếp tục.
Ở người lớn, phản ứng thường gặp sau khi tiêm vắc-xin là mệt mỏi. Các cơn giảm trương lực cơ ít khi xảy ra sau khi tiêm vắc-xin, nếu có xảy ra phải sau từ 2 – 4 giờ. Đối với những trường hợp có phản ứng nặng sau khi tiêm vắc-xin cần phải được theo dõi và xử trí tại các bệnh viện, không được để theo dõi tại nhà.
Ngoài phản ứng tức thời, các phản ứng phụ của vắc-xin cũng cần được thu thập, ghi nhận để báo cáo cho cơ quan có trách nhiệm mặc dù các vắc-xin thường được thử nghiệm về tính an toàn và hiệu lực trước khi được chỉ định sử dụng rộng rãi cũng như đã được đánh giá trên thực địa.
Do đó, việc giám sát và báo cáo các phản ứng phụ vẫn rất cần thiết. Bất cứ một phản ứng phụ nào của vắc-xin cũng cần được ghi nhận và báo cáo cho trung tâm Y tế dự phòng tỉnh để đơn vị này báo cáo cho những cơ quan có liên quan trách nhiệm ở tuyến trên.
Các thông tin cần thu thập là họ tên, tuổi của đối tượng dùng vắc-xin; các trường hợp có phản ứng sốc phản vệ xảy ra trong vòng 48 giờ; các bệnh cảnh lâm sàng của người bệnh trong vòng 30 ngày sau khi tiêm vắc-xin như người bệnh bị viêm não do vắc-xin, bị co giật, viêm màng não vô khuẩn, giảm tiểu cầu, liệt cấp tính, chết hoặc bất kỳ biến cố nào có liên quan đến việc tiêm vắc-xin phải vào bệnh viện để điều trị.
Đối với trẻ em đã có phản ứng mạnh với lần tiêm vắc-xin trước: cần phải hết sức thận trọng khi tiêm vắc-xin ở những lần tiêm sau đó. Có thể các mũi tiêm phòng vắc-xin sau phải được thực hiện tiêm trong các bệnh viện để trẻ em được theo dõi tốt hơn và dễ dàng xử trí kịp thời khi có phản ứng nặng xảy ra.
Đối với những đối tượng có nguy cơ nhiễm khuẩn đặc biệt: cần chú ý những trường hợp người bệnh bị mắc các bệnh như hen phế quản, bị cắt lách, bị hội chứng Down, nhiễm HIV, bệnh tim hoặc phổi mãn tính, trẻ con sinh thiếu tháng… vì rất dễ có nguy cơ bị phản ứng sau khi tiêm vắc-xin. Ở trẻ em, cần cân nhắc, xem xét và chỉ định tiêm vắc-xin một cách thận trọng. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo không nên sử dụng các loại vắc-xin sống như BCG, bại liệt uống, sởi cho những trẻ em bị nhiễm HIV; những trẻ con sinh thiếu tháng nên tiêm chủng vào tháng thứ hai sau khi sinh.
Đối với phụ nữ có thai: không nên dùng vắc-xin sống vì theo lý thuyết các loại vắc-xin này có thể hại cho thai nhi. Tuy vậy, trong bối cảnh tình hình người phụ nữ mang thai có nguy cơ bị phơi nhiễm nghiêm trọng đối với bệnh sởi hoặc sốt vàng thì có thể vẫn được tiêm phòng. Chưa có bằng chứng nào xác định về vắc-xin chống bệnh rubella có thể gây quái thai nhưng các nhà khoa học đều khuyên rằng phụ nữ chỉ nên có thai sau khi đã tiêm vắc-xin này được 2 tháng.
Đối với phụ nữ đang cho con bú: không có bằng chứng nào xác định về sự nguy hiểm đối với trẻ con còn bú mẹ khi người mẹ được tiêm vắc-xin.
Đối với trẻ con sinh thiếu tháng: việc tiêm vắc-xin cũng thực hiện tương tự như trẻ con sinh đủ tháng vì việc đáp ứng miễn dịch ở những trẻ con sinh thiếu tháng vẫn bảo đảm đầy đủ. Tuy vậy, để tránh khả năng có thể lây bệnh cho người khác, việc sử dụng vắc-xin Sabin chỉ nên dùng khi trẻ con đã được xuất viện.
Một số trường hợp trẻ con sinh thiếu tháng có đáp ứng miễn dịch với vắc-xin viêm gan B và Hib kém hơn trẻ con sinh đủ tháng nên việc tiêm vắc-xin phòng viêm gan B cho những trẻ con sinh thiếu tháng được thực hiện theo hai cách. Cách thứ nhất tiêm liều đầu tiên ngay lúc mới sinh, sau đó tiêm nhắc lại sau 1 tháng, 6 tháng và 12 tháng. Cách thứ hai là đợi cho trẻ nhỏ đến đủ 2 tháng tuổi, tiêm 3 mũi tiêm cơ bản vào lúc 2 tháng, 3 tháng và 8 tháng tuổi.
Nếu trẻ con sinh ra từ người mẹ bị viêm gan B thì chọn cách thứ nhất, đồng thời tiêm luôn cho trẻ globulin miễn dịch. Đối với vắc-xin Hib có thể tiêm cho trẻ con sinh thiếu tháng vào lúc 2 tháng, 4 tháng, 6 tháng và 12 tháng tuổi.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh