Các bài luyện tập cho người bệnh COPD

Nội dung

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là một bệnh hô hấp mạn tính do đường thở bị tắc nghẽn một phần và là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế và tử vong ở nhiều nước trên thế giới.

Cho tới nay, vẫn chưa có bất cứ bằng chứng khoa học nào chứng minh rằng các bài tập luyện có thể giúp phổi phát triển. Tuy nhiên, một số bài tập đã được các chuyên gia tin rằng có thể phát triển những mô xung quanh phổi và có thể giúp bạn ngăn chặn tình trạng hết hơi, thở không ra hơi.

Tập luyện thở sâu

Bạn thường hít vào và và thở ra từ 12 đến 15 lần mỗi phút trong khoảng thời gian nghỉ ngơi, không hoạt động mạnh. Do đó, hãy tận dụng những khoảng thời gian này để tập luyện những bài tập thở sâu trong ngày. Hãy bắt đầu bằng cách thư giãn và thả lỏng toàn bộ cơ thể, nhất là cơ mặt. Tiếp đó, hít vào bằng mũi sâu hết mức có thể của bạn, sau đó thở ra bằng miệng. Hít sâu sẽ mở rộng khoang ngực và cho phép phổi của bạn phân phối oxy đều khắp có thể và loại bỏ lượng khí thải CO2 – chất khí mà chúng ta đều biết là có thể gây hại cho các cơ quan nếu chúng không được đào thải ra khỏi cơ thể. Hít thở sâu thêm vài lần sau khi bạn rời khỏi giường vào buổi sáng hoặc trước khi đi ngủ và ban đêm để thư giãn tâm trí và giảm căng thẳng cơ thể. Bài tập thở này cũng có thể là một bài yoga nhẹ nhàng và là một cách tuyệt vời để bắt đầu ngày mới của bạn.

 

Đi bộ 20 phút

Đi bộ là một bài tập đơn giản giúp bạn bơm máu đến và “xây dựng” nên các cơ bắp của chân. Bạn sẽ thấy rằng các bác sĩ thường khuyên những bệnh nhân ở giai đoạn phục hồi của các bệnh liên quan đến phổi, nhất là các bệnh COPD, nên thường xuyên đi bộ hoặc tập luyện những bài tập đi bộ. Nếu bạn làm cho tất cả những mô xung quanh cơ quan có vấn đề hoạt động tối ưu, những mô này sẽ gây áp lực và thúc đẩy cơ quan đó trong quá trình chữa lành. Trong trường hợp này, tăng cường hoạt động của các mô xung quanh phổi của bạn sẽ giúp phổi hoạt động tốt hơn. Để tận dụng và thu được lợi ích tối đa từ việc đi bộ, hãy đi bộ một cách thoải mái, bước đều, giữ cho cả cơ thể thư giãn nhưng vẫn giữ cột sống thẳng như khi bạn đứng thẳng. Việc giữ cho khung người của bạn thẳng sẽ giúp bạn tận dụng được tối đa khoang ngực, cho phép phổi mở rộng tối đa có thể. Khi đã quen với bài tập đi bộ, bạn có thể tăng cường độ bằng các tăng tốc độ bước chân hoặc đi bộ leo dốc, leo đồi, và thậm chí bạn còn có thể kết hợp với hít thở sâu để tăng lượng trao đổi không khí và bơm máu đến các mô và cơ quan.

 

Tập Pilates

Những bài tập Pilates giúp tăng cường cơ hoành và kiểm soát hơi thở của bạn bên cạnh những tác động lên cơ bắp hoặc cải thiện tình trạng đau lưng. Hãy bắt đầu bằng việc nằm ngửa trên mặt sàn, đầu gối co lên và toàn bộ bàn chân đặt trên mặt sàn. Bạn cần đảm bảo giữ cho cánh tay thẳng theo chiều cơ thể và lòng bàn tay úp xuống. Từ từ nâng đầu, cổ và vai lên khỏi mặt sàn trong khi hít vào sâu hết mức có thể. Khi bạn đang ở tư thế nửa ngồi, nhấc đầu gối lên và duỗi chân cho đến khi chân và mặt sàn tạo thành một góc 45 độ. Nâng tay lên và hạ xuống 10 lần trong khi hít vào và thở ra 10 lần tương ứng. Hãy bắt đầu với 10 lần và dần tăng lên thành 100 lần mỗi lần tập.

 

Baby push-up

Bài tập này nhìn qua thì có vẻ giống chống đẩy nhưng trên thực tế nó không làm cho vai bạn bị đau nhức, giúp thả lỏng những cơ bắp đang bị căng và cải thiện tư thế, là chìa khóa cho khả năng sử dụng phổi ở khả năng tối đa của nó. Hãy bắt đầu từ tư thế bắt đầu của bài tập chống đẩy khi bạn nằm úp sấp trên mặt sàn. Nhấn tay xuống sàn và hít một hơi thật sâu khi bạn từ từ nhấc đầu, cổ và vai. Giữ cánh tay của bạn hơi gập ở khu vực khuỷu tay khi bạn nâng mình lên khoảng 60 độ so với mặt sàn. Hạ mình xuống trở lại mặt sàn trong khi thở ra chậm. Lặp lại động tác này 10 lần. Mỗi lần bạn hít vào, nó sẽ mở rộng khoang ngực và làm tăng thể tích mở rộng tối đa của phổi.

 

“Dọn sạch” phổi của bạn

“Dọn sạch” phổi của bạn để đảm bảo được phổi được nạp vào không khí hoàn toàn mới. Để thực hiện được bài tập này, bạn cần đứng thẳng, gập người xuống và thở ra toàn bộ không khí trong phổi mà bạn có. Hít vào càng sâu càng tốt khi bạn đưa dần cơ thể trở lại vị trí thẳng đứng. Giữu trong vòng 20 giây và đưa hai cánh tay lên cao. Thở ra từ từ, thả lòng và đưa hai tay trở về vị trí ban đầu. Hãy thực hiện bài tập này 4 lần.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top