Cách chăm sóc trẻ sau thủ thuật sinh thiết da

Sinh thiết da là thủ thuật nhằm lấy một mảnh da kích thước từ 2 đến 5mm để phục vụ cho xét nghiệm mô bệnh học giúp chẩn đoán xác định các bệnh da. Sau khi thực hiện thủ thuật này, việc chăm sóc vùng da sinh thiết cho trẻ tại nhà cũng vô cùng quan trọng.

Cách chăm sóc vùng da cho trẻ

Nếu trẻ được khâu vùng da để đóng vết thương sau khi sinh thiết, chỉ khâu sau đó sẽ dần dần được loại bỏ. Việc này nên được thực hiện bởi cán bộ y tế có chuyên môn và kỹ thuật. Những hướng dẫn về chăm sóc da cho trẻ dưới đây phụ thuộc vào trường hợp trẻ có phải khâu vùng da sinh thiết hay không.

Sinh thiết có khâu da

  • Trong vòng 24 h sau khi khâu, giữ nguyên trạng mũi khâu và giữ cho vùng da này sạch sẽ, khô ráo.
  • Sau 24 h, loại bỏ băng gạc và rửa sạch vết thương bằng xà phòng và nước.
  • Bôi kem hay thuốc mỡ đã được bác sỹ kê đơn.
  • Băng vết thương lại bằng băng gạc vô khuẩn nếu cần.
  • Sau thời gian khuyến cáo của bác sỹ, đưa trẻ tới bệnh viện hoặc trạm y tế để loại bỏ đường chỉ khâu vết thương.

Sinh thiết không khâu da

  • Trong vòng 24 h, giữ nguyên phần băng gạc và giữ vết thương được sạch sẽ, khô ráo.
  • Sau 24 h, loại bỏ băng gạc và rửa sạch vết thương bằng xà phòng và nước.
  • Bôi kem hay thuốc mỡ đã được bác sỹ kê đơn hàng ngày cho tới khi vết thương bong vảy.

 

Khi nào trẻ có thể tắm được

Trẻ có thể gội đầu hoặc tắm sau 24 h sau khi sinh thiết da. Tuy nhiên, không nên để trẻ ngâm nước quá lâu trong bồn tắm.

 

Phải làm gì nếu trẻ bị đau

Con bạn có thể cảm thấy hơi đau và khó chịu tại vị trí sinh thiết khi thuốc tê đã hết tác dụng. Trong hầu hết các trường hợp thì cảm giác đau chỉ thoáng qua và không quá nghiêm trọng.

Nếu cần thiết có thể cho trẻ uống paracetamol 1 hay 2 lần/ngày theo chỉ định của bác sĩ sau khi thuốc tê hết tác dụng. Hãy trao đổi với bác sỹ để lựa chọn loại thuốc khác trong trường hợp trẻ không thể uống paracetamol.

 

Cách giữ cho vùng da sinh thiết không bị nhiễm trùng

Nguy cơ bị nhiễm trùng sau khi sinh thiết là khá hiếm do vùng da đó luôn được che phủ bằng băng gạc và nói chung các vết thương sẽ đóng miệng trong vòng từ 1 đến 2 ngày. Giữ cho vùng da quanh vết sinh thiết luôn sạch và khô sẽ giúp phòng tránh nhiễm trùng. Hãy đưa trẻ đi khám trong trường hợp vết thương ngày càng đau và nóng tại vị trí sinh thiết, đây có thể là dấu hiệu trẻ đã bị nhiễm trùng.

 

Khi nào trẻ có thể quay trở lại cuộc sống sinh hoạt bình thường

Con bạn vẫn có thể tiếp tục các công việc bình thường của trẻ khi trẻ đã có thể đi lại thoải mái và không tác động mạnh đến khu vực da sinh thiết.

Tốt nhất là nên trao đổi với bác sỹ về thời điểm trẻ có thể thực hiện một số hoạt động đặc biệt. Các bác sỹ sẽ đưa ra những khuyến cáo phù hợp cho trẻ, ví dụ như trẻ nên đợi một vài ngày trước khi quay lại bơi lội hay chơi các môn thể thao có tính va chạm có thể tác động đến sự lành lại của da.

 

Khi nào nên đưa trẻ tới bác sỹ

Hãy đưa trẻ đi cấp cứu ngay lập tức nếu trong vòng 48 giờ đầu trẻ có những dấu hiệu sau đây:

  • Sốt cao trên 380C
  • Sưng to hay đổi màu (tấy đỏ) xung quanh vết sinh thiết
  • Xuất huyết hay dịch tiết từ vết sinh thiết
  • Đau dữ dội hay có những thay đổi về cảm giác tại vị trí sinh thiết

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top