✴️ Kỹ thuật sử dụng nẹp dạng khớp háng (SWASH)

Nội dung

ĐẠI CƯƠNG

Định nghĩa:

Nẹp dạng khớp háng còn gọi là nẹp ngồi đứng đi (Standing, Walking and Sitting Hip Orthosis – nẹp S.W.A.S.H) là một thiết kế đặc biệt giúp kiểm soát khớp háng ở các tư thế vận động khác nhau. Nẹp giữ cho hai chân dang rộng ở tư thế ngồi (gấp khớp háng) và khép ở tư thế đứng đi (duỗi khớp háng).

Cấu trúc nẹp gồm đai cố định thắt lưng và hai đai cố định ở đùi được liên kết bởi hai thanh nẹp có thể xoay khi trẻ ngồi hoặc đứng.

 

CHỈ ĐỊNH

Trẻ bại não thể co cứng: liệt tứ chi, liệt cứng hai chân, liệt nửa người.

Trẻ thoát vị tủy.  

Trẻ sau chấn thương hoặc phẫu thuật khớp háng. - Sau tiêm Botox...

 

CHỐNG CHỈ ĐỊNH

Trẻ chưa tự dứng đi.

Trẻ bị trật khớp háng bẩm sinh, cứng đa khớp, bệnh lý thần kinh cơ …

 

CHUẨN BỊ 

Bác sỹ chuyên khoa Phục hồi chức năng, kỹ thuật viên Vật lý trị liệu, kỹ thuật viên chỉnh hình.

Nẹp S.W.A.S.H có kích thước phù hợp với trẻ.

Phim chụp Xquang, đèn đọc phim Xquang.

Kiểm tra tầm vận động khớp háng, đánh giá mức độ tăng trương lực cơ các nhóm cơ mông, cơ đáy chậu, cơ khép và cơ tứ đầu đúi.

 

CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

Tâm lý tiếp xúc:

Giải thích rõ cho cha mẹ bệnh nhi và người nhà hiểu được tình  trạng bệnh tật và các bước sẽ tiến hành để tạo ra sự hợp tác chặt chẽ và tuân thủ. 

Đeo thử nẹp S.W.A.S.H

Trẻ được đặt nằm ngửa trên bàn bó bột hoặc bàn thủ thuật.

Cố định đai thắt lưng ngay phía trên mào chậu.

Cố định hai đai vùng đùi ngay phía trên khớp gối hai bên, để hai chân dạng.

Cho trẻ thử ở các tư thế ngồi, đứng và đi. Nẹp sẽ giữ cho hai chân trẻ dang rộng khi ở tư thế ngồi và khép khớp háng ở tư thế đứng, đi.

Thời gian đeo nẹp

Trẻ được chỉ định đeo nẹp hàng ngày khi ở tư thế ngồi, đứng và đi.

Đeo liên tục trong 3-6 tháng.

 

THEO DÕI

Theo dõi sau đeo nẹp tại nhà: yêu cầu cha mẹ và các thành viên gia đình theo dõi  khi trẻ ngồi, quan sát trẻ di chuyển xem có khó khăn, nhất là phòng tránh ngã gây chấn thương khi trẻ chưa quen giữ thăng băng khi di chuyển có đeo nẹp.

Khám và đánh giá tầm vận động khớp háng sau từng khoảng thời gian 3-6-9 tháng.

 

TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ

Ngã khi di chuyển: Xử trí theo thương tổn do ngã gây ra.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top