✴️ Nhiệt hay lạnh: Liệu pháp nào hiệu quả nhất?

Nội dung

Trong liệu pháp nhiệt có thể sử dụng một chai nước nóng, miếng đệm nhiệt hoặc bồn tắm nước ấm thì ngược lại, đối với liệu pháp lạnh có thể sử dụng một chai nước chứa nước lạnh hay một miếng đệm làm lạnh trong tủ đông.

Trong một số trường hợp, nhiệt và lạnh xen kẽ có thể hữu ích giúp làm tăng lượng máu đến vị trí chấn thương.

Liệu pháp lạnh

Điều trị lạnh làm giảm lưu lượng máu đến vùng bị thương. Điều này làm chậm tốc độ viêm và giảm nguy cơ sưng tấy và tổn thương mô.

Phương pháp này cũng giúp làm tê các mô bị đau, hoạt động như một chất gây tê tại chỗ và làm chậm các tín hiệu đau được truyền đến não. Nước đá có thể giúp điều trị khớp hoặc cơ bị sưng và viêm mang lại hiệu quả nhất trong vòng 48 giờ sau khi bị thương.

Nghỉ ngơi, chườm đá, băng nén và nâng cao vùng bị thương (RICE) là một phần của phương pháp điều trị tiêu chuẩn cho các chấn thương thể thao.

Lưu ý rằng thông thường không nên chườm đá trực tiếp lên da.

liệu pháp lạnh

Các loại liệu pháp lạnh

Một số phương pháp sử dụng liệu pháp lạnh bao gồm:

  • Chườm lạnh lên vùng bị viêm trong 20 phút, cứ sau 4 đến 6 giờ, trong 3 ngày.
  • Ngâm vùng bị thương trong nước lạnh;
  • Chườm nhẹ khu vực bằng một viên đá hoặc túi nước đá theo chuyển động tròn từ 2 đến 5 lần một ngày. Lưu ý tối đa là 5 phút để tránh bị bỏng lạnh.

Tác dụng của điều trị lạnh

Điều trị lạnh có thể mang lại hữu ích trong các trường hợp:

  • Viêm xương khớp;
  • Một chấn thương gần đây;
  • Bệnh gout;
  • Căng cơ;
  • Viêm gân hoặc kích ứng ở gân sau hoạt động

Đắp mặt nạ lạnh hoặc quấn quanh trán có thể giúp giảm cơn đau nửa đầu. Đối với bệnh thoái hóa khớp, nên mát-xa bằng đá lạnh hoặc chườm lạnh trong 10 phút và nghỉ 10 phút.

Khi nào không sử dụng điều trị lạnh

Phương pháp điều trị lạnh không phù hợp nếu:

  • Người có nguy cơ bị chuột rút, vì lạnh có thể làm cho tình trạng này trở nên nghiêm trọng hơn
  • Người đang trong trạng thái hạ nhiệt hoặc khu vực này đã bị tê liệt
  • Có vết thương hở hoặc da bị phồng rộp
  • Người đó có một số loại bệnh, chấn thương mạch máu hoặc rối loạn chức năng giao cảm, trong đó rối loạn thần kinh ảnh hưởng đến lưu lượng máu
  • Người quá nhạy cảm với lạnh

Không nên sử dụng điều trị lạnh ngay trước khi vận động. Không nên thoa trực tiếp lên da vì có thể làm tổn thương các mô cơ thể.

Các vận động viên chuyên nghiệp có thể sử dụng phương pháp mát-xa bằng đá, ngâm nước lạnh và phòng áp lạnh toàn thân để giảm tổn thương cơ do luyện tập (EIMD) có thể dẫn đến đau cơ khởi phát muộn (DOMS) thường xuất hiện từ 24 đến 48 giờ sau khi tập luyện.

Một nghiên cứu được công bố vào năm 2012 cho thấy rằng tắm nước lạnh sau khi tập thể dục có thể giúp ngăn ngừa đau cơ khởi phát muộn so với việc nghỉ ngơi hoặc không làm gì.

Những người tham gia đã thực hiện tắm trong nước lạnh 10-15 độ C trong từ khoảng 5 – 24 phút. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu không chắc chắn liệu có thể có tác dụng phụ khác xảy ra hay không cũng như chưa có nghiên cứu so sánh tính hiệu quả với các phương pháp khác.

Phương pháp áp lạnh chủ yếu có tác dụng giảm đau mà không có công dụng giúp hồi phục các mô bị tổn thương.

Nước đá và tình trạng đau lưng

Nước đá được sử dụng tốt nhất cho những vết thương mới hình thành, đặc biệt là các vết thương đang sinh nhiệt gây nóng đỏ. Ngoài ra, nước đá cũng có thể có ít tác dụng hơn đối với đau lưng, bởi nhiều trường hợp đau lưng là mạn tính và nếu như đau lưng do tình trạng viêm đi nữa thì vùng mô ảnh hưởng cũng nằm sâu bên trong.

Ngoài ra, đau lưng do căng cơ có thể trầm trọng hơn khi điều trị bằng phương pháp lạnh. Đối với chứng đau lưng, điều trị bằng nhiệt có thể là một lựa chọn tốt hơn.

Liệu pháp nhiệt

Chườm nóng lên vùng bị viêm sẽ làm giãn mạch, tăng cường lưu thông máu, giúp các cơ bị đau và căng được thư giãn.

Cải thiện tuần hoàn có thể giúp loại bỏ sự tích tụ của chất thải axit lactic xuất hiện sau một số trường hợp vận động. Sức nóng giúp trấn an tâm lý cũng như có thể tăng cường các đặc tính giảm đau của nó.

Liệu pháp nhiệt thường hiệu quả hơn lạnh trong việc điều trị đau cơ mãn tính hoặc đau khớp do viêm khớp.

Các loại liệu pháp nhiệt

Các loại liệu pháp nhiệt bao gồm:

  • Áp dụng các thiết bị chườm nhiệt an toàn cho khu vực như miếng đệm sưởi điện, bình nước nóng, túi chườm nóng hoặc băng quấn nhiệt.
  • Ngâm khu vực trong bồn tắm nước ấm từ 33 - 37,7 độ C
  • Sử dụng sáp parafin đun nóng
  • Các loại thuốc như thuốc xoa hoặc miếng dán có chứa ớt chuông.

Túi giữ nhiệt có thể ở dạng khô hoặc ẩm. Túi nhiệt khô có thể được áp dụng đến 8 giờ, trong khi nhiệt ẩm có thể được áp dụng trong 2 giờ. Túi nhiệt ẩm được cho là tác động nhanh hơn.

Nên chườm nóng lên khu vực này trong 20 phút, tối đa 3 lần một ngày, trừ khi có chỉ định khác của bác sĩ. Đối với miếng dán nhiệt có thể sử dụng với thời gian lên đến 8 giờ.

Nhiệt có ích cho điều gì?

Nhiệt rất hữu ích để giảm bớt các tình trạng như:

  • Viêm xương khớp
  • Căng cơ và bong gân
  • Viêm gân, cứng gân và các kích ứng mãn tính
  • Làm ấm cơ hoặc mô cứng trước khi vận động
  • Giảm đau hoặc co thắt liên quan đến chấn thương cổ hoặc lưng.

Chườm nhiệt ở vùng cổ có thể làm giảm co thắt gây đau đầu.

Năm 2006, một nhóm các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những bệnh nhân bị đau thắt lưng tập thể dục và sử dụng liệu pháp chườm nhiệt mức độ thấp liên tục (CLHT) ít bị đau hơn những người không sử dụng phương pháp này.

Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng, đối với một số người, chườm nhiệt mức độ thấp liên tục giúp giảm đau hiệu quả hơn thuốc giảm đau uống, acetaminophen và ibuprofen.

Tuy nhiên, hiệu quả của điều trị nhiệt có thể phụ thuộc vào độ sâu của mô bị ảnh hưởng bởi cơn đau hoặc chấn thương. Một số người sử dụng phương pháp nhiệt, thường ở dạng tắm nước nóng để ngăn chặn đau cơ khởi phát muộn. Có một số bằng chứng cho thấy điều này có thể mang lại hiệu quả nhưng nhiệt chỉ được áp dụng trong 5 đến 20 phút có thể kém hiệu quả hơn do không có cơ hội tác động đến các mức mô sâu hơn.

Một số nhà nghiên cứu cho biết rằng túi nhiệt hóa chất ẩm có thể được sử dụng trong 2 giờ là cách tốt nhất để ngăn chặn đau cơ khởi phát muộn thông qua liệu pháp nhiệt.

Khi nào không sử dụng liệu pháp nhiệt

Nhiệt không phải lúc nào cung thích hợp cho tất cả các loại chấn thương. Bất kỳ chấn thương nào gây sưng nóng sẽ không mang lại tác dụng khi chườm nhiệt. Các chấn thương này bao gồm nhiễm trùng, bỏng hoặc vết thương mới. Không nên sử dụng liệu pháp nhiệt nếu:

  • Da nóng, đỏ hoặc viêm
  • Người bị viêm da hoặc có vết thương hở
  • Khu vực đang bị tê liệt hay mất cảm giác
  • Người đó có thể không nhạy cảm với nhiệt do bệnh thần kinh ngoại vi hoặc tình trạng tương tự

Trước tiên, hãy hỏi bác sĩ về việc sử dụng nhiệt hoặc lạnh đối với người bị huyết áp cao hoặc bệnh tim đồng thời cần tránh sử dụng nhiệt độ quá cao.

Lạnh và nóng luân phiên

Khi chườm lạnh gây ra hiện tượng co mạch khiến tuần hoàn giảm, từ đó giúp giảm đau.

Khi không chuyển sang chườm nóng, các mạch máu trở được giãn ra, tuần hoàn máu được cải thiện và dòng máu đến mang theo chất dinh dưỡng để giúp các mô bị thương lành lại. Nhiệt và lạnh luân phiên có thể hữu ích cho:

  • Viêm xương khớp;
  • Chấn thương do tập thể dục hoặc đau cơ khởi phát muộn.

Liệu pháp nước tương phản (CWT) sử dụng cả nhiệt và lạnh để điều trị cơn đau. Các nghiên cứu cho thấy rằng phương pháp này hiệu quả trong việc giảm giảm tổn thương cơ do luyện tập và ngăn chặn đau cơ khởi phát muộn.

Một đánh giá của các nghiên cứu đã gợi ý rằng, đối với các vận động viên chuyên nghiệp, liệu pháp nước tương phản tốt hơn trong việc giảm đau cơ sau khi tập luyện so với không làm gì hoặc nghỉ ngơi.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu chưa có đánh giá so sánh hiệu quả với các phương pháp khác như chườm nóng, chườm lạnh, kéo giãn hoặc băng nén.

Lời khuyên

Không nên sử dụng liệu pháp nhiệt cho vết thương mới, vết thương hở hoặc nếu người đó đang sốt cao. Nhiệt độ sử dụng cần phù hợp, tránh tình trạng bỏng.

Không nên dùng liệu pháp lạnh nếu người đang bị hạ nhiệt độ. Chườm lạnh lên vùng cơ bị căng hoặc cứng ở lưng hoặc cổ có thể khiến cơn đau trầm trọng hơn.

Điều trị bằng nhiệt và lạnh có thể không phù hợp với những người bị bệnh thần kinh do tiểu đường hoặc một tình trạng khác làm giảm cảm giác nóng hoặc lạnh, chẳng hạn như hội chứng Raynaud, trẻ sơ sinh hoặc người quá cao tuổi hay gặp khó khăn về nhận thức hoặc giao tiếp. Những đối tượng này có thể không cảm nhận được nhiệt độ quá cao hoặc quá lạnh.

Hiện vẫn chưa có một nghiên cứu chính xác nào kết luận về mức độ tác dụng của liệu pháp nhiệt và lạnh. Tuy nhiên nếu sử dụng đúng cách thì hai liệu pháp này không gây ra bất kì tác dụng phụ nào. Những người bị đau mãn tính hoặc chấn thương không nghiêm trọng có thể thử một trong hai phương pháp và lựa chọn giải pháp tốt nhất cho riêng mình.

 

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top