Nếu bạn đã từng nhìn thấy vết mổ đẻ của mẹ hoặc chị gái, bạn sẽ ngạc nhiên rằng, một số người có vết sẹo ngang, trong khi một số người lại có vết sẹo dọc. Khi mổ đẻ, trước tiên, bác sỹ sẽ rạch phần da dưới bụng, cách phần lông mu từ 2-5cm, sau đó rạch tiếp phần cơ tử cung để tiếp cận đến em bé. Mổ đẻ có thể được thực hiện bởi cách rạch ngang, hoặc rạch dọc.
Vết rạch ngang hiện nay được sử dụng phổ biến hơn cả. Vết rạch sẽ được tạo ra ngay phía trên vùng lông mu, tương ứng với nếp lằn ngang vùng mu. Loại vết rạch này khi lành lại thường sẽ khó có thể phát hiện nếu nhìn bằng mắt thường, do vậy, giúp chị em phụ nữ tự tin với vẻ ngoài của mình hơn. 95% số vết mổ đẻ hiện nay là vết rạch ngang, nguyên nhân ngoài lý do thẩm mỹ như đã nói ở trên, thì chủ yếu là vì phần thấp nhất của tử cung cũng là phần mỏng nhất và ít chảy máu nhất. Ngoài ra, nếu sau lần sinh mổ này, bạn có ý định sinh thường ở lần tiếp theo, thì nguy cơ bị rách vết mổ cũ cũng sẽ thấp hơn.
Vết rạch dọc là cách mổ đẻ truyền thống trước đây. Vết rạch sẽ được thực hiện trên đường chính giữa bụng, từ phía dưới rốn cho tới vùng lông mu. Hiện nay, rất ít người có vết rạch dọc, trừ các trường hợp đặc biệt, ví dụ như bạn có vết sẹo từ một cuộc phẫu thuật khác trước đây hoặc nếu em bé ở vị trí bất thường hoặc nếu bạn bị chảy máu nhiều do rau tiền đạo hoặc suy thai hay sinh non. Vết rạch dọc sẽ cần thời gian hồi phục lâu hơn và có thể gây ra nhiều đau đớn hơn vết rạch ngang.
Loại vết mổ bạn có từ trước sẽ quyết định liệu bạn có thể sinh thường vào lần sinh sau được không. Nguyên nhân là bởi vì, với một số vết mổ, nếu bạn sinh thường lần sau thì sẽ có nguy cơ bị giãn hoặc rách vết sẹo mổ từ trước.
Trong một số trường hợp, bạn có thể sinh thường sau khi bác sỹ đã khám tỷ mỷ và không thấy nguy cơ cho quá trình chuyển dạ của bạn.
Thông thường, vết mổ sẽ lành lại tốt, và bạn chỉ nhìn thấy một vết sẹo mảnh, trắng nhạt dần theo thời gian. Ở một số phụ nữ, vết sẹo mảnh chỉ như một đường lằn mờ trên làn da, trùng khớp với những vết lằn tự nhiên của cơ thể nên rất khó phát hiện.
Nhưng đôi khi, cơ chế lành sẹo hoạt động quá mức tạo nên một sẹo lồi, đặc biệt là ở những phụ nữ dưới 30 tuổi và có làn da sẫm màu. Trong trường hợp này, các mô sẹo có thể sẽ phát triển ra ngoài biên giới của vết rạch và sẽ hình thành các u, cục của mô sẹo xung quanh vết rạch. Vết sẹo lồi sẽ có hình dáng xù xì, màu sắc xấu xí.
1 số ít trường hợp, vết sẹo có thể sẽ cứng hơn, dày hơn và nhô lên cao hơn vết sẹo bình thường, nhưng sẽ không phát triển ra ngoài biên giới của vết rạch ban đầu, thì được gọi là sẹo phì đại.
Thông thường, vết rạch được đóng lại bằng chỉ khâu, kẹp hoặc keo. Dùng kẹp (tương tự như việc dập ghim giấy) là kỹ thuật được áp dụng nhiều ở nước ngoài mà chưa được áp dụng ở Việt Nam. Đây là thủ thuật được nhiều bác sỹ nước ngoài lựa chọn vì là cách nhanh nhất và dễ nhất để khâu vết thương.
Sử dụng chỉ khâu để khâu vết rạch thường sẽ phải dùng đến kim và quá trình khâu có thể sẽ kéo dài khoảng 30 phút. Các chuyên gia tin rằng, việc khâu vết thương sẽ khả thi hơn việc dùng kẹp hoặc keo, bởi việc khâu sẽ giảm khoảng 57% nguy cơ gặp phải biến chứng, so với việc khâu vết thương bằng kẹp.
Bác sỹ cũng có thể sẽ sử dụng keo dán phẫu thuật, sử dụng một loại hồ trong suốt để “khâu” vết mổ. Sử dụng keo dán phẫu thuật sẽ có thời gian lành vết thương nhanh hơn và sẽ ít để lại sẹo hơn. Nhưng các bác sỹ sẽ phải cân nhắc tới rất nhiều yếu tố trước khi áp dụng phương pháp này, ví dụ như loại vết rạch, lượng mỡ và tình trạng da bụng của bạn.
Nếu bạn thấy vết sẹo mổ đẻ của mình bị sưng, đỏ hoặc đau hay nếu vết rạch của bạn tiết ra mủ hoặc dịch, thì đó có thể là dấu hiệu cho thấy vết rạch đã bị nhiễm trùng. Bạn cần phải đến gặp bác sỹ để được can thiệp ngay.
Nếu bạn đã từng bị ngứa khi bị xước da và đóng vảy da, thì bạn sẽ biết rằng, ngứa tại vết sẹo sau khi mổ đẻ là điều bình thường, đó chính là quá trình lên da non. Bạn không nên gãi hoặc cào vết sẹo mổ vì gãi có thể sẽ dẫn đến nhiễm trùng và làm vết sẹo không thể lành lại hoàn toàn được. Một số phụ nữ sẽ ôm một chiếc gối thật chặt tại vị trí vết sẹo, để làm giảm cảm giác ngứa.
Đôi khi, cảm giác ngứa không đến từ vết sẹo mà đến từ việc cạo lông mu trước khi mổ đẻ và giờ đây, lông mu đang mọc trở lại, gây ngứa.
Nếu vết sẹo của bạn có mùi khó ngửi, thì đó có thể là dấu hiệu của tình trạng nhiễm trùng. Hãy trao đổi với bác sỹ ngay lập tức.
Tốt nhất, bạn nên tránh mặc các loại trang phục cọ xát trực tiếp vào vết sẹo mổ. Bạn cũng nên mặc loại quần lót không bó quá sát vào vết sẹo mổ. Bạn có thể quay về mặc quần áo bình thường sau vài tháng, khi mà vết sẹo mổ đã lành hoàn toàn.
Việc giữ cho vết sẹo mổ luôn khô và sạch sẽ là điều rất quan trọng. Bạn có thể sử dụng bông, băng gạc để băng vết sẹo mổ cho đến khi vết sẹo lành hoàn toàn. Cố gắng giữ vùng da có sẹo mổ càng khô càng tốt, sau khi tắm.
Cảm giác tê bì có thể chỉ là tạm thời, nhưng với một số bà mẹ, thì đó có thể là cảm giác vĩnh viễn tại vị trí vết sẹo mổ.
Một vết sẹo mổ đẻ có thể sẽ dài từ 10 – 15cm. Tuy nhiên, độ dài vết sẹo sẽ phụ thuộc vào độ dài vết cắt mà bác sỹ tạo ra để đưa em bé ra.
Mỗi phụ nữ sẽ có thời gian liền sẹo khác nhau, phụ thuộc chủ yếu vào chế độ dinh dưỡng. Nếu bạn bị nhiễm trùng, thì thời gian lành sẹo có thể sẽ lâu hơn. Vết sẹo sẽ lành nhanh nhất trong vài tuần đầu và bạn có thể nhận thấy rõ ràng quá trình lành sẹo bằng mắt thường. Tuy nhiên, sau khoảng thời gian này, quá trình lành sẹo sẽ chậm hơn và bạn gần như sẽ không thấy vết sẹo có sự thay đổi gì rõ rệt.
Phụ thuộc vào loại chỉ khâu mà bác sỹ sử dụng, bạn sẽ được khuyên là nên tránh nước sau khi mổ một ngày hoặc không. Tốt nhất, bạn nên tuyệt đối tuân thủ lời khuyên của bác sỹ.
Bạn cần phải giữ cho vết sẹo mổ luôn sạch sẽ. Bạn có thể sẽ được khuyên nên sử dụng các loại thuốc mỡ kháng khuẩn hoặc thạch khoáng tại vết sẹo.
Không nên mặc quần áo quá chật, nên mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát để không khí được lưu thông. Bạn cũng không nên tự ý luyện tập thể thao trong quá trình vết sẹo đang lành, trừ khi được bác sỹ cho phép. Bạn có thể đi lại nhẹ nhàng để có thể tăng cường lưu thông máu và ngăn ngừa tình trạng huyết khối tĩnh mạch sâu hoặc hình thành cục máu đông.
Bạn có thể trao đổi với bác sỹ về các lựa chọn như sử dụng gel hoặc kem silicon, các tấm silicone và hạn chế để vùng da có sẹo tiếp xúc với ánh nắng mặt trời để làm giảm sẹo (tiếp xúc với ánh nắng mặt trời sẽ làm vết sẹo sẫm màu hơn).
Bạn có thể trao đổi với bác sỹ về việc sử dụng các liệu pháp laser để loại bỏ tình trạng đổi màu và làm mịn vết sẹo. Ngoài ra, bạn có thể tiêm steroid để làm vết sẹo phẳng và khó thấy hơn. Có một lựa chọn khác, là bạn sẽ…lại tiến hành phẫu thuật để loại bỏ lượng mỡ và da thừa tại vết sẹo, sau đó vết mổ sẽ được khâu lại cẩn thận hơn để vết sẹo khó thấy hơn. Tuy nhiên, giải pháp này không phải lựa chọn hàng đầu vì có thể, bạn sẽ có vết sẹo sau lần mổ thứ 2 dài hơn cả vết sẹo mổ đẻ lần đầu.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh