Viêm ruột thừa phải làm sao là câu hỏi chung được nhiều người đặt ra khi bị bệnh. Bài viết dưới đây sẽ giúp độc giả giải đáp thắc mắc này.
Viêm ruột thừa là một cấp cứu ngoại khoa thường gặp với nguyên nhân chủ yếu là do lỗ thông giữa ruột thừa và ruột già bị tắc nghẽn. Hiện tượng này là do phân từ ruột đi xuống kết hợp với dịch nhầy trong ruột thừa lâu ngày tụ lại và kết tủa cứng gây nên hiện tượng tắc nghẽn.
Khi bị tắc nghẽn thì thành ruột thừa bị ép chặt làm máu không thể đi xuống để nuôi các tế bào. Tình trạng thiếu máu nặng dần sẽ hình thành các vi khuẩn và nhiễm trùng bao gồm những vi khuẩn đường ruột, vi khuẩn yếm khí và các vi khuẩn gram… gây nên tình trạng viêm ruột thừa.
Viêm ruột thừa phải làm sao?
Nếu viêm ruột thừa không được điều trị sớm, ruột thừa có thể sẽ vỡ ra. Lúc này các chất của đường ruột và các sinh vật gây bệnh có thể bị rò rỉ vào khoang bụng và gây ra nhiễm trùng ổ bụng (viêm phúc mạc).
Nếu ruột thừa vỡ, nhiễm khuẩn và sự rò rỉ các chất đường ruột còn có thể hình thành áp-xe ổ nhiễm trùng ruột thừa hoặc áp-xe quanh ruột thừa. Vì vậy, ruột thừa áp-xe cần phải điều trị trước khi vỡ ổ áp-xe, gây nhiễm trùng rộng khoang bụng.
Viêm ruột thừa rất nguy hiểm nếu không điều trị sớm có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Chính vì thế ngay khi có dấu hiệu bị viêm ruột thừa, người bệnh cần tới ngay bệnh viện để khám và điều trị sớm. Hiện nay, phương pháp điều trị chính của viêm ruột thừa là phẫu thuật cắt bỏ viêm ruột thừa.
Cần chuẩn bị gì trước khi phẫu thuật viêm ruột thừa
Người bệnh viêm ruột thừa trước khi tiến hành phẫu thuật cắt bỏ viêm ruột thừa cần:
Tránh ăn và uống ít nhất 8 tiếng trước phẫu thuật.
Cần thông báo cho bác sĩ nếu bạn đang mang thai hoặc nghĩ rằng mình có thể đang có thai.
Báo với bác sĩ nếu bị dị ứng với một số loại thuốc nhất định (ví dụ như thuốc gây tê, gây mê).
Có tiền sử rối loạn chảy máu…
Hiện nay có 2 phương pháp phẫu thuật viêm ruột thừa là mổ mở và mổ nội soi. Phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa là một thủ thuật đơn giản và phổ biến nhưng cũng có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm như: chảy máu, nhiễm khuẩn, tổn thương các cơ quan xung quanh, tắc ruột…
Vì thế người bệnh cần lựa chọn các địa chỉ uy tín để được phẫu thuật nhanh chóng, an toàn
Sau phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa, bệnh nhân nên tránh hoạt động gắng sức, cần nghỉ ngơi và vận động nhẹ nhàng, vừa phải. Sau phẫu thuật người bệnh sử dụng thuốc giảm đau mà không thấy hiệu quả thì cần gọi bác sĩ. Cần theo dõi tình trạng bệnh và tái khám định kỳ để bác sĩ kiểm tra quá trình lành vết mổ, xử trí kịp thời biến chứng xảy ra (nếu có).
Viêm ruột thừa phải làm sao là câu hỏi được nhiều người đặt ra khi có dấu hiệu mắc bệnh. Người bệnh không được chủ quan, cần đi khám và điều trị càng sớm càng tốt.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh