✴️ Nhiễm trùng đường tiết niệu cần được phát hiện và điều trị

Các dạng nhiễm trùng đường tiết niệu

Bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu thường xuất hiện đầu tiên ở phần thấp, ví dụ như niệu đạo, bàng quang. Nếu có những dấu hiệu của bệnh thì cũng không nên chủ quan vì nếu không được điều trị kịp thời thì bệnh có thể nặng hơn và dẫn tới nhiễm trùng đường tiểu trên (niệu quản, thận).

Sau đây là 3 dạng điển hình của bệnh:

Viêm niệu đạo

Nhiễm trùng đường tiết niệu có thể gây biến chứng nguy hiểm

Đây là dạng viêm hoặc nhiễm trùng niệu đạo, người bệnh có cảm giác bỏng rát mỗi khi đi tiểu, đôi khi xuất hiện mủ. Đối với nam giới xuất hiện cả hiện tượng chảy mủ ở lỗ sáo (lỗ niệu đạo) dương vật. Ví dụ điển hình là bệnh lậu, nam giới mắc bệnh có mủ ở lỗ sáo.

Viêm bàng quang

Là dạng nhiễm trùng đường tiết niệu thường gặp nhất, gây nên hiện tượng đau tức bụng dưới, nước tiểu khai, đôi khi là tiểu ra máu.

Viêm thận – bể thận cấp

Có thể nguyên nhân do nhiễm trùng ngược dòng từ bàng quang lên hoặc do từ máu. Bệnh này dễ làm suy giảm chức năng thận, có thể dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời.

Biến chứng nguy hiểm do nhiễm trùng đường tiết niệu

Bệnh có thể gây ra các biến chứng dưới đây:

  • Viêm thận bể thận cấp
  • Áp xe quanh thận
  • Nhiễm trùng huyết
  • Suy thận cấp
  • Trẻ em có trào ngược bàng quang niệu quản có thể gây nhiễm trùng thận nhanh chóng đưa đến suy thận mạn
  • Phụ nữ có thai bị nhiễm trùng đường tiết niệu trên có thể gây đẻ non, sẩy thai, nhiễm trùng sơ sinh.

Điều trị bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu như thế nào?

Trong trường hợp viêm bàng quang dạng nhẹ có thể lành mà không cần điều trị, nhưng chúng đều có thể gây ra biến chứng nặng nề do đó các bác sĩ khuyến cáo dù bị nặng hay nhẹ cũng nên điều trị kĩ càng. Liệu trình cũng như loại thuốc tùy thuộc vào loại vi khuẩn cũng như vị trí nhiễm trùng.

Khi điều trị, bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu có thể khỏi trong vài ngày nhưng điều trị cần từ 10 – 15 ngày đề phòng viêm thận bể thận.

Nhiễm trùng đường tiểu do bất thường giải phẫu hoặc có biến chứng tạo ổ mủ sâu cần phải phẫu thuật.

Nhiễm trùng đường tiểu tái diễn (3 hoặc nhiều lần trong 1 năm) có thể điều trị kéo dài đến 6 tháng đôi khi đến cả 2 năm.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top