✴️ Bệnh u não ở trẻ em

Dấu hiệu nhận biết bệnh u não ở trẻ em

Bệnh nhi u não có thể biểu hiện bằng nhiều dấu hiệu do hội chứng tăng áp lực trong sọ, hội chứng tiểu não, hội chứng chèn ép khu trú… Dấu hiệu khác so với u não ở người lớn là đầu to, thóp phồng, thóp giãn, giãn khớp so (hay gặp ở trẻ dưới 2 tuổi) hay bệnh nhi rất hay nôn, dễ nôn (nhiều trường hợp đã được chẩn đoán bệnh lý tiêu hóa và nằm điều trị ở khoa tiêu hóa dài ngày). Dấu hiệu u não có thể khác nhau ở mỗi bệnh nhi do vị trí, kích thước và giai đoạn của khối u.

Hội chứng tăng áp lực trong sọ: hay gặp nhất là đau đầu, buồn nôn, nôn (buổi sáng), thay đổi tính tình, dễ bị kích thích, ngủ gà hay trì trệ, chậm tiếp thu, không tập trung trong lớp học. Một số trường hợp nôn nhiều và rất dễ nôn, có khi được chẩn đoán bệnh lý tiêu hóa và điều trị nhiều tuần lễ trong khoa tiêu hóa. Đôi khi bị rối tuần hoàn (mạch chậm) và hô hấp. Khi bệnh nặng, trẻ lơ mơ, bán mê hoặc hôn mê. Bệnh nhi là trẻ nhỏ có đầu to, thóp rộng, căng, khớp sọ bị toác rộng. Trẻ đầu to quá không nhấc nổi đầu, da đầu xuất hiện nổi mạch máu như trẻ bị não úng thủy điển hình.

bệnh u não ở trẻ em

Rối loạn do chèn ép tiểu não, hành não, thân não và cầu não: Khi bị u ở hố sau (chiếm 50-55% u não trẻ em), trẻ có dấu hiệu tăng áp lực trong sọ và dấu hiệu của chèn ép tiểu não hay cấu trúc lân cận. Bệnh nhi đứng không vững hay không đi được, đi lại loạng choạng, mất điều hòa động tác như quá tầm, sai hướng.

Dấu hiệu thần kinh khu trú: Khối u ở nền sọ, vùng tuyến yên, tuyến tùng… có thể gây ra dấu hiệu như rối loạn nội tiết, đái nhạt, chậm dậy thì, lùn tuyến yên, nhi tính, phát triển không bình thường. U chèn ép dây II gây nhìn mờ, bán manh, đôi khi mù. Hoặc có dấu hiệu parinaud ở bệnh nhân u vùng tuyến tùng, rối loạn thức – ngủ. U chèn ép dây VIII gây ù tai, nghe kém hoặc điếc. 

U vùng trán gây rối loạn hành vi, u vùng ngôn ngữ gây nói khó, nói ngọng hay câm. Bệnh nhi có thể bị động kinh, liệt mặt, khó nuốt. U chèn ép vùng vận động gây liệt chi, liệt nửa người. U ở hố sau, phần trên tủy sống có thể khiến bệnh nhi đau sau gáy, khó quay cổ, liệt tứ chi, rối loạn cảm giác chi, rối loạn cơ tròn…

U não ở hố sau thường có dấu hiệu tăng áp lực trong sọ, não úng thủy, hội chứng tiểu não, liệt dây thần kinh sọ hoặc chèn ép thân não và hành tủy. U ở trên lều thường chỉ có dấu hiệu tăng áp lực trong sọ, động kinh. Hoặc u ở vùng tuyến yên, tuyến tùng hay trong não thất có những đặc điểm riêng.

Tóm lại, dấu hiệu u não ở trẻ em đôi khi rất khó khám. Trẻ có thể chỉ bị nôn hay đau đầu bất thường nên hay bị chẩn đoán muộn. Nếu nghi ngờ u não nên chụp cắt lớp vi tính hoặc cộng hưởng từ.

Các phương pháp chẩn đoán bệnh u não ở trẻ em

Ngày nay chúng ta có nhiều phương tiện chẩn đoán hình ảnh trong chẩn đoán bệnh lý u não. Tuy nhiên, cộng hưởng từ và cắt lớp vi tính là hai thăm dò có vai trò đặc biệt quan trọng để chẩn đoán u não trẻ em. Những thăm dò hình ảnh khác có giá trị gợi ý hoặc bổ sung thêm trong chẩn đoán và điều trị.

bệnh u não ở trẻ em

 

Điều trị bệnh u não ở trẻ em

– Phẫu thuật: Điều trị u não trẻ em chủ yếu dựa vào phẫu thuật. Phẫu thuật triệt để khối u là biện pháp điều trị tốt nhất cho trẻ em, tuy nhiên điều đó phụ thuộc vào nhiều yếu tố như vị trí, kích thước và mức độ xâm lấn khối u, kinh nghiệm phẫu thuật viên, vấn đề gây mê hồi sức và vấn đề di chứng sau mổ. Phẫu thuật lấy u não trẻ em gặp nhiều khó khăn do tư thế khó, khó cố định đầu, tắc mạch do khí nếu mổ tư thế ngồi, mất máu…

– Điều trị não úng thủy: Trên 30% u não hố sau có não úng thủy trước và sau điều trị. Phẫu thuật nội soi não thất đã gần thay thế hoàn toàn phẫu thuật dẫn lưu não thất – ổ bụng kinh điển. Mổ nội soi não thất là phẫu thuật rẻ tiền, ít biến chứng, nhanh, ít di chứng và tái lập tuần hoàn nước não tủy một cách sinh lý hơn. Mổ nội soi não thất còn tránh được di căn khối u ác tính từ não xuống ổ bụng.

– Xạ trị: Có tác dụng trong một số loại u não trẻ em, nhất là Medulloblastoma, Germinoma. Điều trị xạ trị là cần thiết nếu còn sót u sau phẫu thuật. Tuy nhiên, xạ trị có thể ảnh hưởng lâu dài tới sự phát triển của trẻ nên phải cân nhắc kỹ trước khi quyết định xạ trị. Một số trường hợp có thể chờ đợi tới khi trẻ lớn sẽ giảm thiểu được tác dụng phụ do tia xạ.

– Hóa trị: Chỉ định điều trị cho những u ác tính mức độ cao ở trẻ em. Hóa chất có rất nhiều tác dụng phụ, đôi khi hóa chất còn ‘ác tính’ hơn cả khối u não! Chính vì vậy, nên cân nhắc kỹ trước khi sử dụng hóa chất cho u não ở trẻ em.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top