Phục hồi chức năng cho thị giác

Theo nghiên cứu, 80% thông tin từ bên ngoài được con người tiếp nhận thông qua hệ thống thị giác, khi hệ thống này không hoàn chỉnh sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới những hoạt động trong cuộc sống, làm giảm đáng kể chất lượng sống. Việc phục hồi chức năng thị giác cho người khiếm thị rất cần thiết và không nên chậm trễ vì càng được phục hồi sớm thì cuộc sống của họ càng được cải thiện.

Một người được gọi là khiếm thị khi chức năng thị giác của người đó bị giảm nặng, thậm chí ngay cả khi đã được điều trị hoặc điều chỉnh tật khúc xạ tốt nhất nhưng thị lực ở mắt tốt chỉ ở mức dưới 6/18 (khoảng 3/10) cho đến còn phân biệt sáng tối (ST+) và/hoặc thị trường bị thu hẹp dưới 100 kể từ điểm định thị.

Khi thị giác bị tổn hại sẽ gây rất nhiều khó khăn trong cuộc sống độc lập hàng ngày của người khiếm thị, cản trở những hoạt động như đọc, viết, ăn, khâu vá, đi du lịch, giao tiếp và tiếp xúc với người khác. Việc trợ thị cho những người khiếm thị giúp họ có thể sử dụng phần thị giác ít ỏi của mình tốt hơn, giúp họ bớt khó khăn trong cuộc sống độc lập.

Thế nào là phục hồi chức năng thị giác cho người khiếm thị?

Khiếm thị có thể do rất nhiều bệnh lý hay những bất bình thường của con mắt gây ra. Một số nguyên nhân thường gặp như: cận thị nặng, sẹo giác mạc, đục thể thủy tinh, bệnh võng mạc sắc tố, võng mạc đái tháo đường, thoái hóa hoàng điểm, bệnh glôcôm, bệnh bạch tạng… Tuỳ thuộc vào mức độ của bệnh có thể gây khiếm thị ở mức độ nhẹ, vừa, nặng và rất nặng.

Phục hồi chức năng thị giác cho người khiếm thị bản chất không phải là một phương pháp điều trị để làm thay đổi tình trạng thị giác cho bệnh nhân mà thực chất là dùng các kính trợ thị để cải thiện sức nhìn, hướng dẫn luyện tập cách sử dụng từng loại trợ thị cho từng hoạt động trong cuộc sống và hướng dẫn cho họ cách cải thiện môi trường nhìn, cách định hướng di chuyển… để có thể độc lập trong sinh hoạt.

 

Các thiết bị trợ giúp người khiếm thị

- Các kính trợ thị quang học phóng đại: đây là loại trợ thị phổ biến nhất và cho hiệu quả cao nhất được ứng dụng trong phục hồi chức năng thị giác cho người khiếm thị, bản chất cấu tạo của nó dựa trên cơ chế phóng đại của các thấu kính hoặc hệ thống thấu kính, gồm các loại kính: Kính có tác dụng trợ thị gần: kính gọng phóng đại (high plus glasses), kính hiển vi nhìn gần (microscope), kính lúp (magnifiers); Kính có tác dụng trợ thị xa hoặc mở rộng trường nhìn: kính viễn vọng (telescope).

- Các thiết bị trợ thị phi quang học:  kính lọc màu; sách in cỡ chữ to; máy phóng đại: CCTV, projector, máy vi tính…; đèn chiếu sáng; giá đọc sách…

- Các thiết bị hỗ trợ ngoài thị giác: hỗ trợ xúc giác (gậy, điện thoại phím nổi…), hỗ trợ thính giác (đài, vô tuyến, máy tính phát âm…).

Đối với trẻ khiếm thị, việc chăm sóc khiếm thị lại càng cần phải được quan tâm bởi trẻ em dù khiếm thị vẫn có quyền đến trường, học tập như những đứa trẻ khác. Việc chăm sóc cho chúng đòi hỏi sự phối hợp giữa xã hội - nhà trường - gia đình - y tế.

Không thể chậm trễ việc phục hồi chức năng cho người khiếm thị. Đừng để cho người khiếm thị bị thiệt thòi bởi chất lượng cuộc sống bị giảm sút!  

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top