HUẤN LUYỆN VỀ GIAO TIẾP SỚM VÀ NGÔN NGỮ
Nguyên tắc
Can thiệp sớm về giao tiếp và ngôn ngữ được bắt đầu ngay sau khi trẻ được phát hiện là chậm PTTT.
Can thiệp sớm về giao tiếp và ngôn ngữ phải đồng thời với các biện pháp khác như tạo thuận vận động thô, hoạt động trị liệu.
Chương trình can thiệp sớm về giao tiếp và ngôn ngữ phải dựa vào đánh giá chức năng của trẻ.
Huấn luyện về giao tiếp sớm bao gồm
Huấn luyện kỹ năng tập trung
Kích thích trẻ nhìn:
Bế trẻ gần sát mặt mình nói chuyện, nựng và thể hiện các nét mặt cười, vui, buồn... cho trẻ quan sát.
Đưa các đồ chơi màu sắc khác nhau, hình dáng khác nhau cho trẻ nhìn theo.
Chơi ú oà với trẻ, đợi trẻ dõi nhìn theo mặt bạn.
Lăn bóng về phía trẻ để trẻ nhìn theo và nói trẻ giơ tay ra bắt bóng.
Giấu đồ chơi, đồ vật quen thuộc (thìa, cốc...) vào một cái rổ đựng đồ và nói trẻ đi tìm.
Kích thích trẻ nghe:
Lắc các đồ chơi có phát ra âm thanh (xúc xắc, chút chít), bắt chước tiếng các con vật... cho trẻ nghe.
Chơi trò chơi tạo ra tiếng động: bắt chước tiếng kêu của con vật cho trẻ nghe → trẻ phát âm theo. Ta vỗ tay cổ vũ trẻ.
Nói chuyện, hát hoặc bật nhạc trẻ em cho trẻ nghe. Quan sát nét mặt của trẻ khi nghe các âm thanh khác nhau.
Trò chơi lần lượt: bỏ viên sỏi vào lon côca gây nên tiếng động cho trẻ nghe → đợi trẻ bắt chước làm theo.
Cho trẻ chơi theo nhóm: gọi tên từng trẻ → trẻ giơ tay khi được gọi tên.
Huấn luyện kỹ năng bắt chước và lần lượt
Bắt chước:
Trẻ học mọi thứ thông qua bắt chước. Trẻ bắt chước nét mặt, cử động cơ thể (giơ tay chào, tạm biệt...), hoạt động với đồ chơi, phát âm âm thanh và từ ngữ (nói)...
Lần lượt:
Lần lượt là một kỹ năng quan trọng mà mọi trẻ đều học khi giao tiếp (trẻ khóc → mẹ đến dỗ dành; trẻ đói kêu, chỉ tay đòi → mẹ đến cho trẻ ăn; trẻ chỉ tay vào đồ vật nó muốn → mẹ đưa cho trẻ...). Trẻ chậm PTTT thường không có kỹ năng lần lượt (không biết đáp ứng lại việc dạy của ta). Vì vậy huấn luyện kỹ năng lần lượt rất quan trọng đối với trẻ chậm PTTT.
Nựng trẻ bằng âm thanh, cù bụng → đợi trẻ cười →nựng và cù tiếp → đợi trẻ phản ứng.
Trẻ phát âm → ta bắt chước âm thanh của trẻ → đợi trẻ đáp ứng.
Ta làm mẫu một hành động: vỗ tay, giơ tay →bảo trẻ làm theo →đợi trẻ làm theo.
Chơi trò ú oà: Ta che tay vào mặt nói “ú”, bỏ tay ra và nói “oà”→ đợi trẻ cười.
Lăn bóng về phía trẻ và nói “của con”→ đợi trẻ bắt lấy bóng, lăn về phía ta và nói “của mẹ”. Vỗ tay khen ngợi trẻ.
Chơi giả vờ: Con tắm cho bé, mẹ nấu cơm → đợi trẻ đáp ứng với việc nhận lượt của mình.
Huấn luyện kỹ năng chơi
Thông qua chơi trẻ học được nhiều về:
Kỹ năng giao tiếp sớm. Kỹ năng ngôn ngữ.
Kỹ nặng vận động thô (bò, trườn, đứng, đi).
Kỹ năng vận động tinh (cầm nắm đồ vật, với cầm).
Kỹ năng sinh hoạt hàng ngày (rửa tay, mặc quần áo...). Cảm giác (nhìn, nghe, sờ).
Khám phá thế giới xung quanh. Giải quyết vấn đề.
Các hoạt động chơi gồm:
Trò chơi mang tính xã hội:
Trò chơi cảm giác. Trò chơi vận động.
Huấn luyện giao tiếp bằng cử chỉ + tranh ảnh
Cử chỉ là một phần quan trọng của giao tiếp. Hàng ngày ta hay dùng cử chỉ điệu bộ để giao tiếp với người khác.
Giao tiếp bằng cử chỉ bao gồm:
ánh mắt: đưa mắt nhìn về phía đồ vật trẻ muốn.
Cử động của cơ thể: giơ tay ra xin, cúi đầu xin thứ trẻ muốn.
Chỉ tay, với tay: về phía vật trẻ muốn, giơ tay đòi bế, giơ tay vẫy khi chào tạm biệt.
Giao tiếp bằng tranh ảnh gồm:
Sách, truyện trẻ em.
Thẻ tranh dạy trẻ mẫu giáo: nhận biết con vật, vật trong tranh, tìm thẻ tranh có con vật trẻ biết trong 2, 3...thẻ tranh khác nhau.
So cặp: tranh với tranh, đồ vật với tranh, người thật với ảnh... Hội thoại qua tranh ảnh.
Huấn luyện kỹ năng ngôn ngữ bao gồm
Huấn luyện kỹ năng hiểu ngôn ngữ.
Huấn luyện kỹ năng diễn đạt bằng ngôn ngữ.
Diễn đạt qua dấu hiệu, tranh ảnh, biểu tượng.
Diễn đạt bằng lời nói.
Huấn luyện kỹ năng học đường:
Huấn luyện kỹ năng trước khi đến trường Huấn luyện kỹ năng học đường.
Nguyên tắc dạy ngôn ngữ:
Trẻ phải hiểu, biết ý nghĩa của âm thanh, từ và câu trước khi nói. Nói chuyện nhiều với trẻ, dùng ngôn ngữ đơn giản, nói chậm, to. Sử dụng dấu hiệu để giúp trẻ hiểu (vừa nói vừa dùng dấu).
Sử dụng một vài đồ vật hoặc tranh ảnh, chỉ vào vật vừa nói vừa dùng dấu. Động viên khen thưởng đúng lúc.
THUỐC
Thuốc kháng động kinh: nếu trẻ bị bệnh động kinh cần uống thuốc kháng động kinh theo chỉ định của bác sỹ, hàng ngày.
Các thuốc khác như bổ não, canxi, hoocmon giáp trạng...được dùng theo chỉ định của bác sỹ.
Giáo dục trẻ và tư vấn cho gia đình
Giáo dục mẫu giáo, phổ thông giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất và trí tuệ tạo điều kiện cho trẻ chậm phát triển trí tuệ hội nhập xã hội ở mức cao nhất.
Ban điều hành chương trình PHCN dựa vào cộng đồng (y tế, giáo dục, các ban ngành khác) và cha mẹ trẻ có trách nhiệm trong việc cho trẻ đi học mẫu giáo, phổ thông.
Các hình thức giáo dục cho trẻ chậm phát triển trí tuệ: Giáo dục hoà nhập, giáo dục đặc biệt, lớp học tình thương, học tại nhà.
Cha mẹ có thể liên hệ với bác sỹ PHCN, kỹ thuật viên PHCN tại các Khoa PHCN của các bệnh viện trung ương-tỉnh, các trung tâm chỉnh hình và PHCN để có được các thông tin về PHCN cho trẻ bị chậm phát triển trí tuệ.
Hướng nghiệp
Các công việc người chậm phát triển trí tuệ có thể làm: nội trợ, chăn nuôi gia súc, trồng cây, nghề thủ công đơn giản...và thậm chí một số công việc có thu nhập tốt như vi tính, bán hàng, bán báo...
Các tỉnh thường có các trung tâm hướng nghiệp cho người khuyết tật mà người chậm phát triển trí tuệ có thể tham gia. Gia đình có trách nhiệm liên hệ với các trung tâm này để người chậm phát triển trí tuệ có thể học các việc phù hợp với hoàn cảnh của địa phương.
Hỗ trợ về tâm lý
Trẻ em, người lớn bị chậm PTTT không được PHCN sớm có thể có những vấn đề về tâm lý cần được cán bộ tâm lý hỗ trợ.
Gia đình cần giải thích cho trẻ hiểu về tình trạng bệnh tật của trẻ, chấp nhận và vượt qua mặc cảm của bệnh tật.
Nhà trường cần giải thích cho các học sinh trong trường hiểu về tình trạng bệnh tật của trẻ chậm PTTT để có sự thông cảm và giúp đỡ.
Các câu hỏi cha mẹ hay hỏi
Con của tôi có thể đi học bình thường không?
Có thể, nếu trẻ chậm PTTT mức độ nhẹ, vừa và được can thiệp sớm PHCN và giáo dục mẫu giáo.
Chậm phát triển trí tuệ có lây truyền hoặc di truyền không? Không lây truyền. Không phải tất cả mọi trường hợp chậm PTTT đều có tính di truyền song một số gia đình có trên 2 người bị chậm PTTT.
NGƯỜI CHẬM PTTT CÓ THỂ XÂY DỰNG GIA ĐÌNH VÀ CÓ CON ĐƯỢC KHÔNG?
Một số người bị chậm PTTT có thể không có con. Nên tham khảo thêm bác sỹ nội tiết - chuyển hoá - di truyền và sản khoa về vấn đề này.
Các cơ sở cung cấp Dịch vụ cho trẻ chậm pttt
Trung tâm PHCN tại các thành phố lớn, các tỉnh.
Các khoa PHCN của các bệnh viện trung ương-tỉnh.
Các trường giáo dục đặc biệt tại các thành phố lớn, tỉnh.
Các trung tâm giáo dục đặc biệt tư nhân tại các thành phố.
Một số tỉnh có trung tâm hỗ trợ giáo dục trẻ khuyết tật.
CHẬM NÓI DO CHẬM PHÁT TRIỂN NGÔN NGỮ Ở TRẺ EM CHẬM PHÁT TRIỂN TRÍ TUỆ
Khái niệm:
Bình thường trẻ bắt đầu bập bẹ một số từ đơn lúc 12 - 18 tháng. chậm nói là sau 2 tuổi rưỡi trẻ chưa nói được từ nào, hoặc mới nói bập bẹ được vài từ đầu hoặc tre chỉ phát ra một số âm thanh như nguyên âm: a..a….a; e…e…e. Trẻ cũng có thể bắt đầu nói muộn hơn khi bắt đầu nói từng từ đơn lúc 5 - 6 tuổi. Những từ đầu tiên của trẻ nhiều khi không rõ, ngòng nghịu. Trẻ càng bị chậm phát triển trí tuệ thì học nói càng muộn.
(Đề nghị tham khảo các mốc phát triển ngôn ngữ bình thường ở trẻ, được trình bày ở cuối tài liệu này)
Các Dấu hiệu phát hiện:
Trẻ bị chậm nói, nguyên nhân do chậm phát triển trí tuệ thì khả năng nghe vẫn bình thường. Nhưng khi nói chuyện, trẻ thường không hiểu nội dung câu chuyện, nói câu ngắn, từ ngô nghê, trật tự các từ trong câu bị đảo lộn. Những từ thường nói thì nói rõ, những từ mới khiến thì trẻ nói ngọng. Trẻ cùng lúc vừa có khó khăn về hiểu, vừa có khó khăn về nói
Đánh giá khả năng hiểu của trẻ
Ngồi đối mặt với trẻ.
Yêu cầu trẻ chỉ vào các đồ vật xung quanh (hoặc sai trẻ đi lấy đồ vật). Lưu ý, không nhìn vào vật đó khi nói.
Yêu cầu trẻ làm một số cử động (đứng lên, chạy, gắp…) hoặc nói tên tranh để trẻ chỉ vào một số tranh có hành động.
Nếu hiểu ít, trẻ ngơ ngác, làm không đúng mệnh lệnh; hoặc phải nhắc đi nhắc lại nhiều lần yêu cầu.
Đánh giá khả năng nói của trẻ:
Nói chuyện với trẻ, hỏi về những sở thích, trò chơi, đồ chơi mà trẻ thích, yêu cầu trẻ kể về lớp học, về bạn bè, kể một câu chuyện hoặc hát một bài hát.
Đánh giá xem những từ, câu từ cách ăn nói của trẻ phù hợp với độ tuổi của trẻ, có giống trẻ khác hay không. Nếu chậm nói trẻ thường nói câu ngắn 1- 2 từ, vốn từ ít, nói chậm; không dùng từ so sánh, mô tả không biết dùng các từ để hỏi như, cài gì đây, đang làm gi đấy ? hoặc tại sao? … ( So sánh với mốc phát triển ngôn ngữ của trẻ bình thường trong bảng)
Can thiệp:
Y học - phục hồi chức năng:
Cần huấn luyện để trẻ độc lập trong sinh hoạt hàng ngày. Việc dạy trẻ giao tiếp phải gắn với những hoạt động này.
THỜI ĐIỂM DẠY TRẺ GIAO TIẾP
Khi để trẻ tự xúc ăn, có thể dạy trẻ những từ chỉ tên thức ăn, các loại đồ uống, tên hoa quả, tên các đồ vật hàng ngày của trẻ.
Khi trẻ tắm giặt, rửa ráy: dạy chúng những từ gọi tên quần áo, đồ dùng, xà phòng, xô chậu, gáo…
Khi trẻ giúp mẹ làm nội trợ, dọn dẹp nhà cửa… Hãy gọi chúng tên gọi các đồ vật trong nhà, tên các vật nuôi, tên các dụng cụ sản xuất.
CÁCH THỨC TĂNG VỐN TỪ VÀ GIÚP TRẺ NÓI NHIỀU HƠN
Lúc đầu chỉ nên dạy những từ đơn, nhắc đi nhắc lại để trẻ nhớ. Nói các câu ngắn và đơn giản để trẻ dễ nhớ.
Muốn cho trẻ dễ nhớ từ hơn, có thể vừa nói với trẻ vừa ra hiệu bằng cử chỉ, điệu bộ vì trẻ chậm phát triển nhớ các cử động bằng mắt dễ hơn nhớ các âm thanh lời nói.
Tăng dần vốn từ cho trẻ, giúp trẻ nói các từ thành câu ngắn, rồi câu dài hơn. Hãy nói với trẻ mọi nơi, và nói mọi điều mà trẻ được chơi, được làm điều trẻ thích.
Nếu trẻ nói đúng hoặc sử dụng các từ mới vừa học, hãy động viên trẻ bằng cách mỉm cười, vỗ về trẻ hoặc thưởng cho trẻ được chơi, được làm điều trẻ thích.
TUỲ THEO KHẢ NĂNG HIỂU VÀ NÓI CỦA TRẺ MÀ DẠY Ở MỨC ĐỘ PHÙ HỢP
Nếu trẻ mới bập bẹ nói được vài từ:
Hát và tạo âm thanh để trẻ bắt trước: Để trẻ lên đùi hoặc ngồi bao lấy trẻ, vừa hát vừa lắc lư. Hát chậm vài lần sau đó vừa hát vừa dừng lại chờ để trẻ kết thúc câu hát đó.
Chỉ cho trẻ những vật gây tiếng động như tiếng ô tô, chó sủa, nước chảy…, làm những tiếng động đó để trẻ bắt trước.
Khi làm nội trợ: Bảo trẻ cùng làm, ví dụ: “ mẹ nấu cơm, còn con mang rau lại đây hoặc quét nhà”… Chơi với đồ vật.
Giấu đồ vật: Chỉ cho trẻ những thứ quen thuộc như: Bát đĩa, thìa cốc, giấu đi và bảo trẻ đi tìm.
Sử dụng đồ vật: Để một số vật như nồi, bát đĩa … trước mặt trẻ, khi quấy cơm, múc canh hãy nói về những điều bạn đang làm để trẻ nhắc lại.
Làm mẫu cho trẻ: Bạn cầm lược, nói tên “ lược”, rồi chải lên đầu mình nói “chải” sau đó đưa trẻ tự chải và nhắc lại “ chải đầu” để trẻ nhắc lại lời bạn.
Vừa nói vừa dùng dấu.
Dấu là những cử động của tay, thân thể ví dụ: ta hay xua tay tỏ ý “ không được” hoặc vẫy vẫy tay để tỏ ý “ lại đây” … Trẻ dễ nhớ từ dễ hơn nếu bạn vừa nói vừa dùng dấu. Càng nhiều càng tốt. Hãy nghĩ ra thật nhiều dấu.
Hãy dậy trẻ các đồ vật, tên mọi người, các hành động… để tăng từ của trẻ.
Nếu trẻ nói được nhiều từ hơn, câu ngắn:
Trẻ có thể hiểu bạn nhưng ít nói, thường dùng các từ đơn mà không nói được thành câu. Khi ấy trước hết bạn hãy tăng vốn từ của trẻ, sau đó mới có thể giúp nói thành câu được. Hãy sử dụng một số cách sau:
Để trẻ tự chọn câu trả lời:
Hãy hỏi trẻ trong bất kỳ tình huống nào để trẻ phải lựa chọn câu trả lời. Ví dụ: Trong bữa ăn: bạn hỏi: “ con ăn bằng đũa hay thìa?”, “ ăn cá hay ăn canh?”…Khi trẻ tắm xong bạn hỏi:“ con muốn mặc áo xanh hay áo vàng?”… Như thế trẻ phải nhớ các từ để trả lời.
Có thể trẻ không chọn đúng từ, hãy nhắc trẻ. Tương tự như vậy, hãy nói chuyện nhiều với trẻ, bình luận hoặc nhận xét về đội dép mới mà trẻ đi, cái áo, con gà… Hãy nhờ trẻ giúp bạn các việc vặt càng nhiều càng tốt. Trẻ sẽ có nhiều cơ hội học nói hơn. Hãy khen khi trẻ nói hoặc làm được một điều tốt.
Phân loại đồ vật
Là cách dậy trẻ các từ mô tả: to nhỏ, dài ngắn… Ví dụ: Khi trẻ gấp quần áo, bạn hỏi: quần của ai? Cái nào màu xanh? cái nào to hơn?…
Phân loại theo số lượng và kích thước:
Nhiều ít, To - nhỏ, Dài - ngắn …
Theo chất lượng: màu sắc, cứng - mềm .. Theo sử dụng: để nấu, để cắt, khâu …
Theo vị trí: trên dưới, trong ngoài, bên cạnh, đằng trước- đằng sau. Theo sở hữu: của mẹ, của bố, của anh…
Dạy trẻ cách so sánh: sưu tầm các tranh trong hoạ báo hoặc vẽ tranh có kích thước mỗi tranh có hình vẽ và các từ để mô tả đối lập nhau.
Ví dụ tranh mô tả:
cao/thấp béo/ gầy rách/ mới lạnh/ nóng.
mùa đông/ mùa hè sáng /tối.
Hãy để từng cặp tranh trước mặt trẻ và hỏi: “ anh nào béo?” để trẻ chỉ vào tranh đó. Khi trẻ đã thuộc hết tên tranh, hãy hỏi câu hỏi khác: “ anh này thế nào?” hoặc “ anh này béo, còn anh này…?”
Kể chuyện theo tranh
Khi trẻ nói được khá nhiều từ chỉ vật và chỉ hành động, bạn hãy giúp trẻ ghép các từ thành câu bằng cách kể cho trẻ để trẻ kể lại. Lúc đầu kể từng câu một, chờ trẻ nhắc lại, sau có thể kể vài ba câu hoặc một chuyện ngắn rồi hỏi lại trẻ, Khi đi chơi với trẻ trong làng, hãy nói về những điều đang diễn ra xung quanh. Sau đó yêu cầu trẻ kể lại những gì trẻ đã trông thấy, đã ăn, đã làm…
Hãy dùng các câu hỏi: cái gì đây ? ở đâu? đang làm gi?
Khi trẻ đã biết trả lời tốt các câu hỏi này; hãy hỏi khác đi : “ Như thế nào? và Tại sao?
Giáo dục:
Trẻ có thể học cùng lớp với các trẻ em bình thường khác. Cha mẹ hoặc cộng tác viên PHCN cần gặp gỡ với các giáo viên mầm non hoặc tiểu học, trao đổi với họ về những khó khăn của trẻ. Khó khăn chính của giáo viên ở lớp là khó giao tiếp với trẻ, kiểm soát hành vi cư xử của trẻ trong giờ học. Cộng tác viên và cha mẹ cần thảo luận với giáo viên để lập kế hoạch dạy trẻ cho phù hợp với khả năng của trẻ.
Một số trẻ bị chậm nói nặng, hiểu ít, giao tiếp kém có thể lưu lại vài ba năm ở lớp mẫu giao lớn để học thêm nhiều kỹ năng, trong đó có kỹ năng giao tiếp của chúng. Có thể chọn các hình thức giáo dục khác như: học lớp mẫu giáo tư thục, học với một nhóm trẻ em tại nhà. Dù hình thức nào, thì đi học cũng là một trong những biện pháp tăng cường giao tiếp, kỹ năng xa hội và giúp kiểm soát hành vi của trẻ tốt hơn.
Xã Hội:
Tăng cường hoạt động vui chơi: là một trong những biện pháp phát triển ngôn ngữ cho trẻ. Tuỳ theo khả năng chơi của trẻ mà cộng tác viên và cha mẹ chọn lựa hoạt động chơi cho phù hợp.
Hình thức chơi tốt nhất để phát triển giao tiếp và ngôn ngữ là chơi đóng vai và chới nhóm. Thay đổi thường xuyên các hoạt động chơi và chủ đề chơi sẽ phát triển được ngôn ngữ. Ví dụ:
Chơi đóng vai bố - mẹ - em bé: chăm sóc em bé sẽ cung cấp cho trẻ các từ ngữ liên quan đến xưng hô, từ về các hoạt động hàng ngày trong gia đình, mô tả trạng thái: đói, no, yêu, ghét, tối, sáng…
Chơi nhóm: một nhóm trẻ chơi trò lớp học, giáo viên, hoặc chơi bán hàng, chơi đi siêu thị… sẽ giúp trẻ bổ xung từ vựng liên quan đến các sinh hoạt xã hội…
MỐC PHÁT TRIỂN VỀ NGÔN NGỮ VÀ GIAO TIẾP Ở TRẺ BÌNH THƯỜNG
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh