Phục hồi sau phẫu thuật cấy máy tạo nhịp tim

Sau khi về nhà nên hạn chế những gì?

Khi tiến hành đặt máy tạo nhịp tim, các đầu dây sẽ được đặt tại các buồng tim, tùy thuộc vào loại máy tạo nhịp tim mà bạn được cấy. Bạn sẽ cần hạn chế các hoạt động thể chất để đảm bảo rằng các mô xung quanh có đủ thời gian để lành lại và các đầu dây không bị di chuyển.

Đó là lý do tại sao bác sĩ thường khuyến cáo giảm các hoạt động thể chất, mang vác vật nặng và di chuyển sau khi phẫu thuật. Đôi khi, bạn có thể được về nhà ngay trong ngày hoặc có thể phải ở qua đêm để theo dõi sau khi phẫu thuật. Trước khi ra viện, bác sĩ hoặc điều dưỡng cũng có thể sẽ hướng dẫn bạn một số việc nên làm và không nên làm để thực hiện sau khi phẫu thuật đặt máy tạo nhịp tim. Bao gồm:

Nên:

  • Cầm theo hướng dẫn sử dụng của loại máy được đặt, bao gồm tên nhà sản xuất và buồng tim nơi máy được đặt
  • Cố gắng thư giãn phần vai và chỉ cử động với biên độ nhỏ để dự phòng tình trạng rách các cơ
  • Uống thuốc theo đơn được kê
  • Trao đổi với bác sĩ về việc kiểm tra máy thường xuyên và có cần điều chỉnh thuốc không, nếu cần
  • Duy trì chế độ dinh dưỡng bình thường
  • Gọi cho bác sĩ ngay nếu bạn xuất hiện bất cứ phản ứng phụ nào cho thấy máy tạo nhịp tim không hoạt động tốt, bao gồm chóng mặt hoặc gặp khó khăn khi thở.
  • Gọi điện cho bác sĩ nếu vị trí đặt máy tạo nhịp tim bị đỏ, nóng hoặc bạn bị sốt.

Không nên:

  • Không nên để vị trí cấy bị ướt nếu chưa được bác sĩ cho phép. Thường phải 1 tuần sau phẫu thuật.
  • Không nên mặc quần áo chật ở vị trí vết mổ để tránh kích ứng da
  • Không tham gia các hoạt động thể chất quá sức, bao gồm các hoạt động sử dụng cách tay hoặc giơ tay qua đầu hoặc ra đằng sau
  • Không chà xát vùng ngực quanh hoặc gần vết mổ
  • Không nâng vật nặng, kể cả việc bế thú cưng, đặc biệt là ở bên đặt máy tạo nhịp tim
  • Không lái xe hoặc vận hành máy móc nặng cho đến khi bác sĩ cho phép

 

Khi nào có thể trở về hoạt động bình thường?

Bác sĩ thường sẽ khuyên bạn nên tránh hoạt động thể chất nặng trong khoảng 2 tuần sau khi phẫu thuật. Các hoạt động thể chất nặng bao gồm bất cứ hoạt động gì làm tăng nhịp tim và cần di chuyển cơ thể quá nhiều. Chạy bộ, đi bộ nhanh hoặc tham gia lớp tập thể thao là những ví dụ về các hoạt động thể chất nặng. Bạn cũng nên tránh bơi lội, tắm bồn nước nóng hoặc bất cứ hoạt động nào sẽ có khả năng làm ướt máy hoặc vị trí mổ.

Bạn sẽ cần tránh nâng vật nặng trong khoảng 6 tuần sau khi mổ, bao gồm cả việc mang các túi đồ như đi siêu thị. Nếu bạn ra khỏi nhà, bạn có thể sẽ cần có người hỗ trợ đi cùng.

Bác sĩ có thể cho bạn tập luyện thể thao nhẹ hoặc vừa, ví dụ như đi bộ. Những hoạt động này không chỉ có lợi cho sự hồi phục của bạn mà còn có lợi cho tim mạch và sức khỏe thể chất nói chung. Nếu bạn không gặp phải bất cứ biến chứng nào sau 6 tuần, bác sĩ có thể sẽ cho phép bạn trở lại mức độ hoạt động bình thường.

 

Sẽ cần phải theo dõi gì sau phẫu thuật?

Bác sĩ có thể sẽ cần phải kiểm tra các yếu tố sau:

  • Nhịp tim
  • Hoạt động của máy tạo nhịp tim
  • Dung lượng pin

Với sự phát triển của công nghệ thông tin, bác sĩ hoàn toàn có thể thực hiện những việc này thông qua điều khiển từ xa. Tuy nhiên, bạn vẫn cần đến gặp bác sĩ để kiểm tra định kỳ. Bác sĩ sẽ giúp bạn kiểm tra hoạt động của máy tạo nhịp tim, kiểm tra sức khỏe tim mạch nói chung của bạn và kiểm tra đơn thuốc xem có cần điều chỉnh gì không.

Bác sĩ cũng sẽ giúp giải đáp các thắc mắc, lo ngại của bạn về máy tạo nhịp tim nếu có. Tần suất khám lại sẽ phụ thuộc và tình trạng sức khỏe của bạn. Bạn có thể phải đi khám lại 1 năm 1 lần hoặc 6 tháng 1 lần.

 

Lời kết

Theo thống kê, mỗi năm, trên toàn thế giới có khoảng 1.25 triệu máy tạo nhịp tim được cấy. Hồi phục sau phẫu thuật cấy máy tạo nhịp tim sẽ yêu cầu bạn hạn chế vận động, không chỉ do tim bạn chưa thể dung nạp được quy trình này mà còn do cơ thể bạn cần thời gian để vị trí mổ lành lại. Nếu bạn gặp phải bất cứ biến chứng nào, hãy gọi cấp cứu hoặc liên lạc với bác sĩ ngay lập tức.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top