Sau khi bị bỏng, làm thế nào để phục hồi chức năng hiệu quả?

Nội dung

Giúp họ vượt qua thời kỳ khủng hoảng, thích nghi với tổn thương mới trên cơ thể và góp phần đưa họ trở về với cuộc sống là công việc mà các thầy thuốc chuyên ngành phục hồi chức năng đang thực hiện.

Đối tượng nào được thực hiện phục hồi chức năng trong bỏng?

Trong điều trị bỏng, phục hồi chức năng được thực hiện với tất cả các bệnh nhân bỏng, với các diện tích bỏng khác nhau. Có những trường hợp bỏng chỉ ở ngón 3, ngón 4 trên bàn tay bị sẹo co kéo, ngón tay gấp vào trong. Nếu được điều trị phục hồi chức năng sớm thì có thể khôi phục được chức năng của ngón tay và bàn tay này. Tuy nhiên, nếu không được thực hiện phục hồi chức năng thì ngón tay sẽ bị co kéo và không khôi phục được chức năng vốn có của nó. Đối với các trường hợp nặng hơn như bỏng diện rộng, bỏng sâu, đặc biệt là bỏng ở đầu, mặt, cổ, ở chi thể... thì phục hồi chức năng lại càng cần thiết bởi nếu không được thực hiện, sẹo có thể bị phì đại, trở thành sẹo co kéo, sẹo xấu gây mất thẩm mỹ và mất chức năng do cơ bị teo và cứng khớp.

 

Biện pháp phục hồi chức năng trong bỏng là gì?

Trong lĩnh vực phục hồi chức năng, hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân bỏng có rất nhiều phương pháp. Tùy thuộc vào tình trạng tổn thương của bệnh nhân mà có những phương pháp điều trị thích hợp nhằm đạt hiệu quả cao nhất.

Đối với sẹo vùng mặt: Có thể sử dụng băng thun trong điều kiện sẹo mới, có thể sử dụng tia hồng ngoại, phương pháp paraphin, chườm nóng, làm mềm sẹo, cũng có thể sử dụng phương pháp siêu âm, sử dụng thuốc làm giảm co cứng sẹo, giảm phù nề và sẹo co kéo. Đối với sẹo ở tai có thể điều trị bằng phương pháp laser. Đối với sẹo ở mắt, nếu chưa mổ được thì sử dụng thuốc chống viêm kết giác mạc để mổ tạo hình, hay nếu sẹo ở cổ có thể sử dụng nẹp cổ để cố định, người bệnh phải hạn chế há miệng, mũi, mắt để sẹo không bị co kéo đồng thời được dán silicon.

Đối với các sẹo ngứa: Có thể do cơ địa, do sẹo bị co kéo gây rối loạn cảm giác, sẹo thiếu dinh dưỡng, tuần hoàn lại tiếp xúc với môi trường bên ngoài dễ gây hiện tượng viêm da, phải sử dụng thuốc giảm ngứa. Bên cạnh đó, sẹo ngứa cũng có thể do việc sử dụng băng thun, băng cao su không được vệ sinh tốt nên biện pháp khắc phục là vệ sinh nẹp, băng thun sạch sẽ kết hợp với điều trị bằng thuốc chống viêm da.

Đối với sẹo phì đại: Người bệnh sẽ được phẫu thuật tạo hình kết hợp với đặt nẹp, băng thun và tập vận động. Nếu sẹo phì đại ở mặt, cổ cần được dán silicon, ở ngón tay được băng coban nhằm chống dính các ngón, khi tập gấp duỗi ngón tay sẽ được tháo băng nhưng khi tập xong phải băng lại ngay.

Đối với sẹo lồi: Có thể không do bỏng, được sử dụng một số biện pháp như siêu âm, sử dụng tia hồng ngoại, chườm nóng, xoa day sẹo làm cho sẹo mềm mại, đỡ đau, ngứa...

Đối với sẹo co kéo: Người bệnh có cảm giác đau đớn, khó thực hiện các hoạt động bình thường do đó xoa day sẹo kết hợp với băng thun, tập vận động chủ động và thụ động là biện pháp hết sức cần thiết nhằm giảm sự đau đớn và hỗ trợ vận động cho người bệnh.

Những bệnh nhân bị bỏng vùng ngực, nhất là bỏng diện rộng thường bị sẹo co kéo, gây cản trở hô hấp cần được tập thở, tập ho, khạc nhằm cải thiện chức năng hô hấp. Với người bệnh bỏng vùng bụng, sẹo làm giảm nhu động ruột thì biện pháp chủ yếu là xoa bóp khu đại tràng giúp người bệnh đại tiểu tiện dễ dàng.

Đối với người bệnh bị tháo khớp hay cắt cụt chi thì quá trình chăm sóc mỏm cụt là một vấn đề rất được quan tâm vì nếu không được chăm sóc tốt bằng xoa bóp, băng thun sẽ làm cho vết sẹo lâu lành, mỏm cụt bị biến dạng, hình thành sẹo lồi, sẹo co kéo, gây ra tình trạng rối loạn cảm giác như đau nhức mỏm cụt, không những thế, việc chăm sóc không tốt còn khiến cho mỏm cụt không thon chắc, khó khăn cho quá trình lắp chi giả.

Khi đó, người bệnh phải chịu thêm sự đau đớn và tốn kém thời gian để chỉnh sửa lại mỏm cụt bảo đảm sẹo được mềm mại, không lồi, không dày dính, thon chắc tạo điều kiện cho chi giả được lắp dễ dàng.

Trong thời gian tới, Viện Bỏng Quốc gia sẽ đầu tư, nâng cấp trang thiết bị cho bệnh nhân phục hồi chức năng với dàn tập đa năng, bàn tập 5 khúc giúp người bệnh tập cổ, chi thể, vai, chân, lưng cùng hệ thống ròng rọc kéo và bài tập tổng hợp giúp người bệnh khôi phục tối đa chức năng của chi thể. Bên cạnh đó, bộ thước đo khớp, đặc biệt với các khớp nhỏ như khớp bàn ngón tay, bàn ngón chân sẽ giúp người bệnh nhận thấy được hiệu quả của các phương pháp phục hồi chức năng và có thêm quyết tâm để luyện tập.

 

Lời khuyên với người bệnh phục hồi chức năng

Khi thực hiện phục hồi chức năng phải theo quy trình nhất định, khi người bệnh  luyện tập xong phải được băng thun, đặt nẹp cố định để sẹo không bị co kéo, không bị phì đại bởi đặc tính của da là sự đàn hồi cao, nếu không được cố định, phần da bị sẹo đã được luyện tập lại trở về vị trí ban đầu. Không chỉ thế, quá trình luyện tập phục hồi không những được thực hiện ở bệnh viện mà còn được tiếp tục thực hiện tại gia đình nhưng người bệnh phải tuân thủ tuyệt đối chỉ định của thầy thuốc và tái khám theo định kỳ, đặc biệt khi có biểu hiện bất thường như trật khớp, sẹo co kéo mạnh..., gia đình cần đưa người bệnh đến khám lại ngay phòng tránh biến chứng có thể xảy ra.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top