✴️ Sử dụng nạng, gậy và khung tập đi an toàn

HÃY LÀM CHO NƠI Ở CỦA BẠN TRỞ NÊN AN TOÀN HƠN

Một số thay đổi nhỏ trong ngôi nhà của bạn sẽ giúp phòng tránh trượt ngã khi bạn sử dụng các dụng cụ hỗ trợ:

– Dẹp bỏ tất cả những thứ như thảm, dây điện hay bất cứ thứ gì có thể làm bạn trượt hay vấp ngã.

– Sắp xếp đồ đạc gọn gàng sao cho bạn có được lối đi thông thoáng từ phòng này sang phòng khác.

– Tránh để đồ đạc bừa bãi ở chỗ cầu thang.

– Chỉ được đi lại trong phòng có đủ ánh sáng, nên lắp thêm đèn chiếu sáng dọc theo lối đi từ phòng ngủ vào nhà vệ sinh.

– Trong phòng tắm, cần phải sử dụng thảm chống trượt, lắp thêm các thanh vịn, sử dụng bồn cầu loại cao.

– Đơn giản hóa vị trí sắp xếp những vật dụng cần thiết trong nhà để tiện sử dụng, những thứ không cần thiết nên dẹp bỏ.

– Khi cần phải mang theo các đồ vật, không nên cầm trên tay mà nên sử dụng ba lô, túi đeo bên hông, hoặc túi treo lên khung tập đi.

NẠNG

Nếu một chấn thương hoặc phẫu thuật ở vùng chân chưa cho phép bạn đi đứng có chịu sức nặng của cơ thể thì bạn cần phải sử dụng nạng.

Tư thế đúng

– Khi bạn đứng thẳng, phần trên cùng của nạng phải cách hõm nách khoảng 3-4 cm.

– Tay nắm của nạng phải ở ngang mức phía trên khớp háng của bạn sao cho khi cầm nạng, khuỷu tay của bạn phải gấp được nhẹ.

– Để tránh gây tổn thương cho các thần kinh, mạch máu vùng nách, bạn cần dùng tay nâng đỡ trọng lượng cơ thể chứ không được tì nạng vào nách.

Đi với nạng

Nghiêng người về phía trước một chút và đặt hai nạng lên phía trước bạn khoảng chiều dài một bàn chân. Bắt đầu bước chân đau lên phía trước như thể bạn đang đi bằng chân này, nhưng thay vì dồn trọng lượng lên chân đau thì bạn dồn trọng lượng vào nạng tại chỗ tay nắm. Di chuyển thân mình từ từ về phía trước giữa hai nạng. Sau đó, bước tiếp chân lành ra trước. Khi chân lành tiếp đất,  bạn  đưa hai nạng về phía trước và cứ thế đi tiếp về phía trước. Bạn phải luôn nhìn về phía trước chứ không được nhìn xuống chân. Mức độ chịu sức nặng của chân đau tùy thuộc vào quá trình hồi phục của bạn và được quyết định bởi bác sĩ điều trị và kỹ thuật viên khoa Vật lý trị liệu. Trong nhiều trường hợp, có thể lúc đầu bạn sẽ được yêu cầu đi với nạng không chịu sức nặng chân đau, có nghĩa là khi đi chân đau sẽ phải co lên hoặc chỉ khẽ chạm nhẹ xuống mặt đất chứ hoàn toàn không được tì mạnh. Sau đó, khi bạn đã hồi phục khá hơn, bạn sẽ được phép đi với nạng có chịu sức nặng chân đau tăng dần cho đến khi có thể bỏ nạng và đi đứng bình thường.

Ngồi với nạng

Khi muốn ngồi xuống, bạn cần đứng quay lưng về phía ghế ngồi và cần đảm bảo rằng ghế ngồi chắc chắn và không bị trượt ra sau. Đưa chân đau của bạn ra trước, một tay giữ hai nạng, tay kia vịn ghế và kiểm tra độ chắc chắn của ghế. Khi cảm thấy ghế vững vàng, từ từ ngồi xuống ghế. Dựa hai nạng vào tường hay vào một cái bàn chắc chắn, quay đầu trên của nạng xuống dưới để nạng không bị đổ. Khi bạn muốn đứng lên: bạn quay lại các nạng rồi nhích người ra phía trước một chút và dùng tay phía bên chân lành để cầm các nạng, dùng nạng hỗ trợ để nhấc thân mình lên và dồn sức nặng cơ thể lên bàn chân lành để đứng lên bằng chân này. Chuyển một nạng sang phía chân đau và giữ thăng bằng qua các tay nắm của hai nạng.

Lên xuống cầu thang với nạng

Để lên xuống cầu thang với nạng, bạn cần phải là người có sức khỏe và có khả năng linh hoạt.

Lên cầu thang (Thứ tự di chuyển: chân lành, chân đau, nạng)

Đối với loại cầu thang có tay vịn: bạn đứng đối diện với cầu thang, tay phía bên chân lành giữ tay vịn cầu thang, tay phía bên chân đau kẹp hai nạng dưới nách. Sau đó bạn bước chân lành lên trước, chân đau lên sau, cuối cùng đưa hai nạng lên.

Đối với loại cầu thang không có tay vịn: bạn cần sử dụng cả hai nạng, mỗi nách một nạng. Bạn cũng bắt đầu bước lên với chân lành, sau đó đến chân đau và cuối cùng là hai nạng.

Xuống cầu thang (Thứ tự di chuyển: nạng, chân đau, chân lành)

Đối với loại cầu thang có tay vịn: bạn đứng hướng xuống dưới cầu thang, tay phía bên chân lành giữ tay vịn cầu thang, tay phía bên chân đau kẹp hai nạng dưới nách. Sau đó bạn đưa hai nạng xuống trước, rồi bước chân đau xuống và cuối cùng là chân lành.

Đối với loại cầu thang không có tay vịn: bạn cần sử dụng cả hai nạng, mỗi nách một nạng. Bạn cũng bắt đầu bằng cách đưa hai nạng xuống trước, sau đó bước chân đau xuống và chân lành bước xuống sau cùng.

GẬY

Sử dụng gậy để hỗ trợ sẽ có ích lợi trong trường hợp bạn gặp phải một vấn đề nào đó gây nên sự mất thăng bằng cơ thể, đi đứng không vững hoặc một chấn thương gây đau hay yếu ở chân. Đối với những người lớn tuổi, sử dụng một cây gậy sẽ giúp họ đi đứng thoải mái, an toàn hơn và có được một cuộc sống độc lập hơn.

Tư thế đúng

– Khi bạn ở tư thế đứng thẳng, đầu trên của gậy phải ngang nếp gấp cổ tay sao cho khuỷu tay của bạn có thể gấp được nhẹ khi bạn cầm vào đầu trên của gậy.

– Bạn phải cầm gậy ở bên đối diện với bên cần hỗ trợ. Ví dụ: nếu chân trái của bạn bị đau thì bạn phải cầm gậy bằng tay phải.

Đi với gậy

Để bắt đầu, bạn đưa gậy ra trước khoảng chiều dài một bước chân rồi bước lên bằng chân đau. Sau đó bạn tiếp tục bước chân lành lên phía trước.

Lên xuống cầu thang với gậy Để bước lên cầu thang, bạn phải cầm gậy trong tay phía bên chân lành, tay phía bên chân đau nắm lấy tay vịn cầu thang, sau đó bước chân lành lên trước, chân đau bước lên sau, cuối cùng là gậy. Để đi xuống cầu thang, bạn cần đưa gậy xuống trước, sau đó bước chân đau xuống và cuối cùng là chân lành.

KHUNG TẬP ĐI

Nếu bạn vừa được làm phẫu thuật thay khớp gối  hay  khớp  háng hoặc gặp phải bất kỳ một vấn đề nghiêm trọng nào khác, bạn có thể cần phải sử dụng khung tập đi để giúp có được sự thăng bằng và khả năng đi đứng tốt hơn so với sử dụng nạng hay gậy. Khung tập đi với 4 điểm tựa sẽ giúp bạn có sự thăng bằng tốt hơn. Khung tập đi sẽ giúp nâng đỡ một phần hoặc toàn bộ sức nặng của cơ thể khi bạn bước đi. Khi sử dụng khung tập đi, bạn phải dùng sức của hai tay để nâng đỡ trọng lượng cơ thể. Khi sức lực và khả năng chịu đựng của bạn trở nên tốt hơn, dần dần bạn sẽ có thể chịu sức nặng nhiều hơn trên hai chân của mình.

Tư thế đúng

– Khi bạn ở tư thế đứng thẳng, phần trên của khung tập đi phải ngang nếp gấp cổ tay sao cho khuỷu tay của bạn có thể gấp nhẹ khi bạn cầm vào tay nắm của khung tập đi.

– Bạn phải giữ cho lưng thẳng, không khom cúi lưng trên khung tập đi.

Đi với khung tập đi

Đầu tiên, đặt khung lên phía trước, cách bạn khoảng một bước chân và phải đảm bảo là cả bốn chân của khung đều tiếp đất. Sau đó, hai tay nắm lấy khung, dùng khung làm điểm tựa, bước chân đau lên phía trước đến phần giữa của khung. Tiếp tục bước chân lành lên trước ngang mức với chân đau.Bạn nên di chuyển từng bước nhỏ và chậm rãi, nhất là khi xoay người.

Ngồi với khung tập đi

Để ngồi, đầu tiên bạn dịch chuyển người ra sau, đến khi chân chạm ghế thì mới từ từ ngồi xuống. Khi đứng lên, hai tay bạn cầm lấy khung, sau đó dùng chân lành và sức của hai tay nâng người lên. Không được kéo hoặc nghiêng khung trong khi đứng lên.

Lên xuống cầu thang

Không được sử dụng khung tập đi khi lên hay xuống cầu thang bộ hoặc cầu thang cuốn mà phải sử dụng thang máy.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top