Tác dụng của các biện pháp làm giảm áp đĩa đệm

Do tư thế trong sinh hoạt và nhất là lao động, đĩa đệm thường xuyên bị nén ép với áp lực cao và kéo dài, vì vậy dinh dưỡng đĩa đệm luôn nghèo nàn. Theo thời gian, thiểu dưỡng kéo dài sẽ dẫn đến thoái hóa đĩa đệm và thoái hóa đĩa đệm là khởi đầu cho các tổn thương tiếp theo của các cấu trúc khác của cột sống như các khớp liên mấu, thân đốt sống, các dây chằng…

Để đánh giá mức độ lực tác động lên đĩa đệm cột sống thắt lưng, Wilke HJ và cộng sự (1998) đã đã cấy một con chíp đo áp lực có đường kính 1,5mm vào nhân nhầy đĩa đệm L4 - L5 của một người đàn ông tình nguyện 45 tuổi nặng 70kg. Áp lực đĩa đệm được ghi lại trong một ngày với các tư thế khác nhau: nằm, ngồi ghế không tựa, ngồi ghế có tựa, đứng thẳng, đứng cúi, nhấc vật nặng 20kg lên khỏi mặt đất ở các tư thế, ho, hắt hơi, cười, đi bộ, leo cầu thang và ngủ 7giờ… Kết quả tóm tắt được chỉ ra ở biểu đồ. Áp lực được tính theo tỉ lệ phần trăm so với áp lực đĩa đệm khi đứng thẳng. Như vậy khi đứng thẳng, áp lực đĩa đệm L4 - L5 là 100%. Ở tư thế nằm ngửa thư giãn, áp lực tác động lên đĩa đệm L4 - L5 là 25%, nghĩa là chỉ bẳng ¼ so với tư thế đứng thẳng. Nằm nghiêng, áp lực là 75%. Đứng cúi, áp lực tăng lên 150%. Đứng cúi, nhấc một vật 20kg lên khỏi mặt đất, áp lực tăng 220%. Ngồi tựa, áp lực tăng 140%. Ngồi cúi, áp lực tăng 185%. Ngồi cúi, nhấc vật 20kg lên khỏi mặt đất, áp lực tăng 275%. Kết quả nghiên cứu của Wilk cũng tương tự nghiên kết quả nghiên cứu của Nachemson (1966) cho thấy đĩa đệm cột sống thắt lưng phải chịu một tải trọng tăng lên gấp 1,5 - 2 lần ở các tư thế đứng cúi và tăng lên 3 lần hoặc hơn khi mang xách vật nặng. Rất tiếc, trong nghiên cứu này các tác giả không đo áp lực đĩa đệm ở tư thế ưỡn cột sống.

Áp dụng các biện pháp giảm áp đĩa làm tăng lượng dịch thấm vào đệm giúp tăng cường dinh dưỡng cho đĩa đệm, đĩa đệm căng phồng trở lại, làm chậm quá trình thoái hóa đĩa đệm. Giảm áp đĩa đệm đúng kỹ thuật còn là một biện pháp hữu hiệu để điều trị thoát vị đĩa đệm, đây là kỹ thuật điều trị bảo tồn duy nhất có thể làm thu nhỏ khối thoát vị.

  Tác dụng lâm sàng của các biện pháp giảm áp đĩa đệm:

- Làm tăng thấm dịch nuôi dưỡng đĩa đệm và phục hồi chiều cao đĩa đệm.

- Đặt lại diện khớp liên mấu, điều chỉnh lại tình trạng bán sai khớp liên mấu.

- Thu nhỏ khối thoát vị nếu có thoát vị đĩa đệm.

- Làm tăng đường kính dọc của lỗ ghép do đó làm giảm chèn ép rễ thần kinh.

- Giãn cơ thụ động.

Lưu ý: lượng dịch thấm vào đĩa đệm phụ thuộc vào mức độ giảm áp và thời gian giảm áp đĩa đệm. Nếu lượng dịch thấm vào quá mức sẽ gây phù nề đĩa đệm lại gây ra tác dụng xấu, vì vậy phải tuân thủ đúng kỹ thuật của các biện pháp giảm áp đĩa đệm.

Các nghiên cứu lâm sàng đã chứng minh điều trị bảo tồn thoát vị đĩa đệm thì phác đồ phối hợp sau mang lại hiệu quả tối ưu: Dùng thuốc + Tiêm ngoài màng cứng + Kéo giãn cột sống

 

1. Các biện pháp không dùng máy

- Thực hiện đều đặn hàng ngày các bài tập vận động cột sống:

Lực cơ học vừa phải tác động lên cột sống thời gian ngắn, lặp đi lặp lại có tác dụng như bơm hút và đẩy làm tăng lưu thông dịch nuôi dưỡng đĩa đệm. Vì vậy, vận động cột sống giúp cho dinh dưỡng đĩa đệm tốt, duy trì được sự trẻ trung của đĩa đệm. Các bài tập phải được áp dụng ngay từ trước tuổi 40 và duy trì đều đặn sau tuổi 40. Mỗi ngày nên tập ít nhất 1 lần, mỗi lần 30 - 60 phút, mỗi tuần tập ít nhất 5 ngày.

- Ưỡn thắt lưng bằng đệm gối:

Dùng một chiếc gối có chiều cao 5 - 10 cm, rộng 20 - 30 cm hoặc dùng một vỏ chăn bằng vải mềm, gấp thành một chiếc gối cao ở giữa 5 - 10 cm, rộng 10 - 20 cm, cũng có thể dùng một gối ôm hình trụ dài. Người bệnh nằm ngửa, luồn gối vào giữa thắt lưng để thắt lưng ưỡn ra phía trước, điều chỉnh gối sao cho cảm thấy dễ chịu, thoải mái, không gây đau thắt lưng tăng. Nằm thả lỏng cơ như vậy 20 - 30 phút, hết thời gian từ từ lăn nghiêng người lấy gối ra rồi nằm ngửa trở lại thư giãn 20 - 30 phút, mỗi ngày một đến hai lần. Lưu ý không ưỡn cột sống quá lâu có thể làm tăng thấm dịch nhiều gây phù nề đĩa đệm.

- Ưỡn thắt lưng bằng dụng cụ:

Làm một dụng cụ hình cánh cung có bản rộng 40 cm bằng gỗ hoặc tre ép như trong hình, người bệnh nằm ngửa trên cánh cung thả lỏng người 20 - 30 phút. Mỗi ngày vài lần, có thể thực hiện sau khi phải ngồi lâu hoặc đau mỏi thắt lưng sau lao động để giúp giảm áp lực đĩa đệm, tăng dinh dưỡng cho đĩa đệm. Chú ý, người bệnh phải thư giãn, làm mềm cơ hoàn toàn mới có tác dụng.

2. Các biện pháp dùng máy

(Thực hiện ở các khoa Phục hồi chức năng do các bác sĩ và KTV chuyên khoa thực hiện)

- Kéo giãn cột sống thắt lưng bằng máy kéo kiểu xung lực:

Đây là phương pháp kéo giãn cột sống thắt lưng hiện đại với máy kéo giãn được lập trình theo chương trình kéo mà các bác sĩ chỉ định. Máy kéo kiểu xung lực có lực nền, thời gian duy trì lực nền, lực kéo, thời gian duy trì lực kéo, điều chỉnh thời gian tăng giảm lực (độ dốc) và tổng thời gian một lần kéo. Phương pháp kéo giãn này rất hiệu quả với bệnh nhân thoái hóa cột sống thắt lưng, đặc biệt đối với bệnh nhân đã có lồi đĩa đệm hoặc thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng mức độ nhẹ và trung bình. Kéo giãn cột sống thắt lưng có tác dụng làm giảm áp lực đĩa đệm cột sống.

- Giảm áp đĩa đệm cột sống bằng máy Hill DT:

Ưu điểm của phương pháp giảm áp cột sống bằng máy kéo giãn Hill DT so với giảm áp cột sống bằng máy kéo giãn kiểu xung lực thông thường là:

Giường giảm áp cột sốt Hill DT là thiết bị đặc biệt: Các cảm biến tích hợp trong giường liên tục theo dõi bệnh nhân để đảm bảo liệu trình điều trị thích hợp. Máy đã được cài đặt sẵn các chương trình giảm áp cho từng thể bệnh cụ thể, chỉ cần chọn chương trình phù hợp với thể bệnh của người bệnh nên rất thuận tiện cho người sử dụng máy.

return to top