Tập thể dục và cai thuốc lá

“Bệnh nhân bị trầm cảm sau đau tim có nguy cơ tái phát đau tim hoặc tử vong cao gấp hai lần so với bệnh nhân không bị trầm cảm,” tiến sĩ David Nanchen, giám đốc Trung tâm Dự phòng, Khoa Điều trị Ngoại trú và Y tế Cộng đồng, Đại học Lausanne, Thụy Sĩ cho biết.

Nghiên cứu của tiến sĩ Nanchen cho thấy tập thể dục và cai thuốc có thể giúp giảm trầm cảm sau đau tim. Ông đã nghiên cứu 1164 bệnh nhân bị Hội chứng Mạch vành Cấp ở Thụy Sĩ. Bệnh nhân được đưa vào nghiên cứu từ năm 2009 đến 2013 và được theo dõi trong một năm. Tình trạng trầm cảm được đánh giá ở thời điểm bắt đầu nghiên cứu và thời điểm một năm sau đó.

Các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu tác động của một số yếu tố về giảm trầm cảm sau đau tim. Những yếu tố này này bao gồm việc kiểm soát cholesterol, huyết áp, cai thuốc ở người hút thuốc, giảm sử dụng rượu bia ở người uống hơn 14 cốc mỗi tuần, tăng cường hoạt động thể chất và dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.

Nghiên cứu cho thấy sau một năm, 27% bệnh nhân đau tim bị trầm cảm kéo dài hoặc mới mắc và 11% giảm được tình trạng trầm cảm. Bệnh nhân trầm cảm thường ít kết hôn hơn , bị tiểu đường và hút thuốc nhiều hơn so với người không bị trầm cảm.

Sau một năm nghiên cứu, việc cai thuốc chứng tỏ tác dụng giảm trầm cảm tốt nhất khi người cai thuốc có thể giảm tình trạng trầm cảm hơn 2,3 lần so với người tiếp tục hút thuốc. Bệnh nhân trầm cảm hoạt động thể chất nhiều hơn ở đầu thời điểm nghiên cứu cũng có khả năng giảm tình trạng trầm cảm tốt hơn.

 “Bệnh nhân đau tim bị trầm cảm và hút thuốc có nhiều khả năng giảm trầm cảm nếu họ bỏ thói quen xấu của mình,” tiến sĩ Nanchen cho biết. “Mặc dù nghiên cứu quan sát của chúng tôi không thể xác định được tác động của tập thể dục sau đau tim đối với các triệu chứng trầm cảm, chúng tôi phát hiện thấy bệnh nhân vốn đã hoạt động thể chất tích cực có khả năng giảm trầm cảm tốt hơn. Chúng tôi tin rằng lợi ích của tập thể dục sau đau tim sẽ được chỉ ra trong thử nghiệm ngẫu nhiên, nhưng khó tiến hành nghiên cứu như vậy vì các lý do đạo đức.”

 “Hơn một phần tư bệnh nhân trong nghiên cứu của chúng tôi phát hiện thấy các triệu chứng trầm cảm sau đau tim, điều này cho thấy đây là một vấn đề lớn,” tiến sĩ Nanchen cho biết. “Một vài người bị trầm cảm mãn tính trước khi đau tim trong khi những người khác bị trầm cảm do sốc tâm lý khi nhập viện và điều trị.”

Các triệu chứng trầm cảm ở bệnh nhân tim mạch thường khác với bệnh nhân tâm thần. “Họ thường không nói mình cảm thấy buồn hoặc tuyệt vọng mà thay vào đó họ phàn nàn về sự mất ngủ, mệt mỏi hay đau nhức cơ thể, tiến sĩ Abreu cho biết. “Khác biệt trong biểu hiện lâm sàng có thể dẫn đến chẩn đoán sai về trầm cảm ở bệnh nhân tim mạch.” Trầm cảm sau đau tim có thể dẫn đến việc tuân thủ điều trị kém, bỏ các buổi khám với bác sĩ, hút thuốc, sinh hoạt ít vận động, chế độ ăn không lành mạnh, cách ly xã hội và tự chủ kém.

Những thay đổi về hành vi liên quan đến trầm cảm có thể là một phần nguyên nhân gây ra các hậu quả xấu ở bệnh nhân đau tim bị trầm cảm. Các cơ chế sinh học, bao gồm các thay đổi trong hệ thần kinh tự trị, các nhân tố gây viêm và biến thiên nhịp tim cũng có thể là nguyên nhân.

Tiến sĩ Nanchen khuyên bệnh nhân đau tim thảo luận việc cai thuốc với bác sĩ và tập thể dục tích cực hơn. “Bạn nên tập thể dục vừa hoặc mạnh trong 30 phút ít nhất ba lần mỗi tuần trong mức cho phép. Cần đảm bảo rằng bạn tập đủ để ra mồ hôi. Mức hoạt động thể chất này tốt cho sức khỏe tinh thần và thể chất của bạn,” ông nói.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top