Vận động sau đột quỵ

Đột quỵ có thể làm ảnh hưởng đến một phần não bộ điều khiển hoạt động của tay và chân, dẫn tới liệt hoặc yếu vận động tay chân. Tập luyện sẽ giúp bạn duy trì vận động sau đột quỵ và góp phần làm giảm nguy cơ đột quỵ tái diễn.

Mối quan hệ giữa vận động và đột quỵ?

Não bộ điều khiển mọi hoạt động, bao gồm cả việc di chuyển. Đột quỵ có thể làm ảnh hưởng đến một phần não bộ điều khiển hoạt động của tay và chân, dẫn tới liệt hoặc yếu vận động tay chân.

Đột quỵ ảnh hưởng đến toàn bộ não bộ nói chung chứ không chỉ riêng cơ bắp của chân và tay nên có thể gây ra những vấn đề về cử động tay, chân, đi bộ hoặc giữ thăng bằng, thậm chí gây tàn phế. Không tập luyện sau đột quỵ có thể làm cho tình trạng xấu đi, khi cơ bắp đang yếu lại càng trở lên yếu hơn.

 

Đánh giá vận động

Điều quan trọng là bạn cần được đánh giá đầy đủ về các chuyển động:

  • Quan sát cách vận động tay chân của bạn
  • Bạn có thể di chuyển ra xung quanh không? 
  • Cách bạn ngồi, đứng, đi bộ hoặc đi có sự trợ giúp, đi bằng xe lăn.

Các nhà vật lí trị liệu sẽ xác định các vấn đề về vận động của bạn sau đột quỵ và đưa ra những liệu pháp giúp cải thiện khả năng vận động của bạn như đi bộ, giữ thăng bằng và sử dụng tay.

 

Bạn sẽ hồi phục như thế nào?

Hồi phục sau đột quỵ có thể rất chậm, khó để mà dự đoán được tốc độ hồi phục. Nhìn chung, sự hồi phục diễn ra nhanh nhất trong vòng 6 tháng đầu nhưng vẫn có thể tiếp tục trong vòng vài năm sau nếu bạn vẫn duy trì tập luyện cũng như sử dụng tay và chân bên liệt.

Bạn luyện tập càng nhiều thì khả năng hồi phục của bạn càng lớn. Duy trì tập luyện như là một thói quen hàng ngày sẽ giúp bạn khỏe mạnh mặc dù có những ảnh hưởng sau đột quỵ. Hãy hỏi ý kiến các bác sĩ hoặc chuyên gia vật lí trị liệu của bạn trước khi bắt đầu một chương trình luyện tập mới.

 

Ảnh hưởng của đột quỵ

Khó khăn trong việc đi lại hoặc té ngã sau đột quỵ là do:

  • Yếu hoặc liệt các cơ ở tay, chân.
  • Giảm cảm giác da hoặc khớp.
  • Giảm khả năng phối hợp và thăng bằng.
  • Cứng cơ, khớp nếu như bạn không sử dụng chúng thường xuyên.
  • Co cứng (tăng trương lực cơ) cũng có thể gây khó khăn để vận động tay, chân.
  • Đau vai hoặc bán trật khớp vai do yếu các cơ ở vai.
  • Mệt mỏi. Nếu bạn khó di chuyển, bạn sẽ cần nhiều năng lượng hơn để cử động. Điều này sẽ làm tăng mệt mỏi.

 

Bạn nên thực hiện liệu pháp nào?

Vấn đề về di chuyển gây khó khăn ở mức khác nhau cho mỗi cá nhân. Vì vậy, chương trình tập luyện của bạn cũng tùy thuộc vào từng người. Hãy tham khảo ý kiến của các chuyên gia để lựa chọn chương trình tốt nhất cho bạn.

Các liệu pháp khác nhau bao gồm:

  • Tập những động tác mà bạn khó khăn khi thực hiện chúng như là: lăn trở trên giường, ngồi hay đứng dậy, đi bộ hoặc sử dụng bàn tay, cánh tay.
  • Các bài tập giúp tăng cường sức mạnh, cảm giác, phối hợp, thăng bằng. Thường thì các bài tập này được thực hiện đồng thời khi bạn làm các động tác thông thường như đứng hoặc ngồi. Các bài tập sử dụng kích thích điện hoặc các thiết bị khác cũng có thể được sử dụng để cải thiện khả năng vận động của bạn.
  • Vận động các cơ, khớp bị cứng. Tập luyện có thể giúp giảm đau, giảm cứng cơ, khớp.
  • Học cách để tập đi an toàn, ví dụ như dùng cái khung hoặc nạng tập đi.
  • Không sử dụng khung hoặc nạng tập đi nếu như chưa có sự tư vấn của các chuyên gia.
  • Hạn chế sử dụng tay bên lành, tăng cường tập luyện tay bên liệt. Nó còn được gọi là “liệu pháp luyện tập cưỡng bức”. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng tập luyện tay bên liệt sẽ giúp tăng cường khả năng hồi phục.

 

Bạn có thể làm gì khác?

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng bạn tập luyện càng nhiều thì khả năng hồi phục của bạn càng tốt. Bạn nên cố gắng hoạt động nhiều nhất có thể trong thời gian trị liệu. Các chuyên gia sẽ gợi ý cho bạn các hoạt động mà bạn có thể tự làm hoặc khi có trợ giúp bởi gia đình, bạn bè ngoài thời gian trị liệu.

Bạn cũng có thể cần tới gặp bác sĩ để kiểm tra các bệnh kèm theo (ví dụ như bệnh tim mạch) để có kế hoạch tập luyện thận trọng hơn.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top