✴️ Đau ngực: Thường gặp nhưng không thể coi thường!!!

Đau ngực bao gồm những triệu chứng như thế nào?

Đau ngực có thể xuất hiện dưới nhiều mức độ, tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra, từ đau âm ỉ đến cảm giác như một cú đấm mạnh, trong đó khiến đe dọa tính mạng nhất thường liên quan đến tim hoặc phổi.

Mặc dù đau ngực thường liên quan đến bệnh tim, nhưng nhiều người mắc bệnh tim nói rằng họ gặp phải một sự khó chịu mơ hồ không nhất thiết phải được xác định là đau. Nói chung, khó chịu ở ngực có thể được mô tả bằng một hoặc nhiều điều sau đây:

  • Nặng ngực, bóp nghẹt, nóng ran trong ngực của bạn.
  • Đau lan tỏa đến lưng, cổ, hàm, vai và một hoặc cả hai cánh tay của bạn.
  • Cơn đau kéo dài một vài phút, trở nên tệ hơn khi vận động, biến mất và quay trở lại, hoặc thay đổi cường độ.
  • Khó thở.
  • Vã mồ hôi lạnh.
  • Chóng mặt, xây xẩm.
  • Buồn nôn hoặc nôn mửa.
  • Cảm giác vị chua hoặc thức ăn trào ngược vào miệng của bạn.
  • Khó nuốt.
  • Cơn đau trở nên tốt hơn hoặc tồi tệ hơn khi bạn thay đổi vị trí cơ thể.
  • Cơn đau tăng lên khi bạn hít sâu hoặc ho.
  • Đau kéo dài liên tục trong nhiều giờ.

Vậy những bệnh lý nào khiến tôi đau ngực?

Đau ngực có nhiều nguyên nhân, tất cả đều cần được chăm sóc y tế.

Nguyên nhân liên quan đến tim:

Ví dụ về các nguyên nhân gây đau ngực liên quan đến tim bao gồm: đau thắt ngực, bóc tách động mạch chủ, viêm màng ngoài tim...

Nguyên nhân liên quan đến phổi:

Nhiều bệnh lí ở phổi có thể gây đau ngực, bao gồm: thuyên tắc phổi, tràn khí màng phổi, tràn dịch màng phổi, viêm phổi màng phổi, xẹp phổi...

Nguyên nhân tiêu hóa:

Đau ngực có thể do rối loạn hệ thống tiêu hóa, bao gồm: bệnh lí thực quản, dạ dày, các rối loạn nuốt, các vấn đề về túi mật hoặc tuyến tụy cũng có thể gây đau bụng lan tỏa lên ngực của bạn...

Nguyên nhân cơ và xương:

Một số loại đau ngực có liên quan đến chấn thương và các vấn đề khác ảnh hưởng đến các cấu trúc tạo nên thành ngực, bao gồm: viêm khớp sụn sườn, đau cơ thành ngực, bị chấn thương ở ngực, gãy xương sườn...

Nguyên nhân khác:

Đau ngực cũng có thể được gây ra bởi: bệnh Zona (một dạng hoạt động khác của virus thủy đậu) và cũng có thể do sự lo âu của chính bạn. 

     đau tức vùng ngực

Các xét nghiệm nào có thể giúp chẩn đoán bệnh tình đau ngực của tôi khi vào cơ sở y tế?

Đau ngực không phải lúc nào cũng báo hiệu một cơn đau tim. Nhưng đó là những gì các bác sĩ sẽ kiểm tra trước vì nó có khả năng là mối đe dọa trực tiếp nhất đối với cuộc sống của bạn. Họ cũng có thể kiểm tra các tình trạng phổi đe dọa tính mạng – chẳng hạn như phổi bị xẹp hoặc cục máu đông trong phổi của bạn.

Kiểm tra ngay: Một số xét nghiệm đầu tiên mà bác sĩ của bạn có thể yêu cầu bao gồm:

  • Điện tâm đồ (ECG): xét nghiệm này ghi lại hoạt động điện của tim thông qua các điện cực gắn trên da của bạn.
  • Xét nghiệm máu: để kiểm tra mức độ tăng của một số protein hoặc enzyme thường thấy trong cơ tim bị tổn thương.
  • X-quang ngực: cho thấy tình trạng của phổi, kích thước và hình dạng của tim và các mạch máu chính của bạn.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT scan): có thể phát hiện các bệnh lí về mạch máu và phổi tổn thương của bạn.

Kiểm tra theo dõi sau đó: Tùy thuộc vào kết quả từ các xét nghiệm ban đầu trên, bạn có thể cần làm một số xét nghiệm tiếp theo, có thể bao gồm: siêu âm tim, điện tâm đồ gắng sức, đặt ống thông mạch vành (chụp động mạch)...

Sau khi được chẩn đoán, tôi sẽ được điều trị ra sao? Có những phương pháp như thế nào?

Điều trị khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra đau ngực của bạn.

Phương pháp không dùng thuốc:

Tùy thuộc vào bệnh lý gây ra đau ngực mà các bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên chính xác nhất cho bạn như: tập thể dục, chế độ ăn thích hợp (giảm mặn, giảm mỡ, hạn chế thức ăn cay, nóng, …) mà còn cảnh báo cho bạn những hành động gây tổn hại đến sức khỏe (hút thuốc lá, sử dụng chất kích thích, …)

Thuốc:

Các loại thuốc được sử dụng để điều trị một số nguyên nhân gây đau ngực phổ biến nhất bao gồm: thuốc kiểm soát huyết áp, thuốc làm giảm mỡ máu, thuốc giãn mạch, thuốc tan huyết khối...

Ngoài ra với các nguyên nhân không đến từ tim, các bác sĩ có thể kê các thuốc cho bạn như: thuốc điều trị viêm dạ dày, thuốc chống trào ngược, thuốc chống trầm cảm...

Phẫu thuật và các thủ thuật khác

Trong một số trường hợp, các bác sĩ buộc phải tiến hành một số thủ thuật để điều trị nguyên nhân gây đau ngực nguy hiểm nhất bao gồm:

  • Đặt giá đỡ (stent) nong mạch vành.
  • Phẫu thuật sửa chữa hoặc tạo mạch máu...

Khi có cơn đau ngực, tôi nên làm gì?

Sẽ thật hữu ích nếu như bạn biết mình phải làm gì khi có cơn đau ngực hoặc chứng kiến điều đó xảy đến với người thân của bạn, thế nên, việc của bạn cần làm là:

Gọi xe cứu thương hoặc nhờ ai đó đưa bạn đến phòng cấp cứu nếu bạn gặp phải cơn đau ngực mới hoặc không giải thích được hoặc cơn kéo dài hơn một vài phút. Đừng lãng phí thời gian vì ngại dù bạn không biết đó có phải là một cơn đau tim hay không. Nới lỏng quần áo. Sử dụng một số thuốc đặc biệt mà có thể bạn đã được bác sĩ dặn khi lên cơn đau ngực (ví dụ: Nitrat ngậm/xịt dưới lưỡi)

Nếu đang ở gần cơ sở y tế, hãy ngay lập tức hỗ trợ bệnh nhân đến đó sớm nhất có thể. Nếu việc di chuyển khó khăn hoặc tình trạng bệnh nhân nguy kịch hãy gọi cấp cứu ngoại viện hỗ trợ ngay hoặc tiến hành hồi sức tim phổi nếu bạn đã được huấn luyện. Cả người giúp lẫn bệnh nhân đều phải thật bình tĩnh.

Chuẩn bị cho cuộc hẹn của bạn với bác sĩ!

Ngay cả khi có một nguyên nhân khác gây đau ngực, bạn cũng cần được chẩn đoán và theo dõi ngay lập tức. Hãy chia sẻ thông tin sau với các bác sĩ như:

Triệu chứng. Mô tả chi tiết các dấu hiệu và triệu chứng của bạn, lưu ý khi chúng bắt đầu và bất cứ điều gì làm cho cơn đau tốt hơn hoặc tồi tệ hơn.

Tiền sử bệnh. Bạn đã bao giờ bị đau ngực trước đây? Cái gì gây ra nó? Bạn hoặc bất kỳ thành viên thân thiết trong gia đình có tiền sử bệnh tim hoặc tiểu đường?

Thuốc đang dùng. Có một danh sách tất cả các loại thuốc và chất bổ sung bạn thường xuyên sử dụng sẽ hữu ích cho các nhân viên cấp cứu.

      gặp bác sĩ khi có tình trạng đau tức ngực

Khi bạn đang ở bệnh viện, có khả năng đánh giá y tế của bạn sẽ diễn ra nhanh chóng. Dựa trên kết quả từ điện tâm đồ (ECG) và xét nghiệm máu, bác sĩ có thể nhanh chóng xác định xem bạn có bị đau tim hay không – hoặc đưa ra lời giải thích khác cho các triệu chứng của bạn. Có lẽ bạn sẽ có một số câu muốn hỏi tại thời điểm này, ví dụ:

  • Nguyên nhân có thể gây đau ngực nhất là gì
  • Có những nguyên nhân nào khác cho các triệu chứng hoặc tình trạng của tôi
  • Tôi cần những loại xét nghiệm nào?
  • Tôi có cần phải nhập viện không?
  • Những phương pháp điều trị nào tôi cần ngay bây giờ?
  • Có bất kỳ rủi ro liên quan đến các phương pháp điều trị?
  • Các bước tiếp theo trong chẩn đoán và điều trị của tôi là gì?
  • Những quyền lợi mà tôi được hưởng khi sử dụng bảo hiểm y tế?
  • Tôi có cần tuân theo bất kỳ hạn chế nào sau khi trở về nhà không?
  • Tôi có nên đi khám bác sĩ chuyên khoa?

Ngoài những câu hỏi mà bạn đã chuẩn bị để hỏi bác sĩ, đừng ngần ngại đặt câu hỏi trong lần khám của bạn về những điều không hiểu. Và các bác sĩ cũng có thể đặt một số câu hỏi nhằm phục vụ quá trình điều trị. Vì thế đừng ngại ngần chia sẻ tất cả các thông tin của bạn với bác sĩ.

Kết luận:

Theo các nghiên cứu gần đây, triệu chứng đau ngực ngày càng trở nên phổ biến. Vì vậy, việc tự trang bị cho bản thân một lượng kiến thức đúng đắn cũng như cách xử trí phù hợp sẽ giúp ích cho chính bản thân và những người xung quanh.

Đau ngực rất thường gặp, đúng thế, nhưng bạn nhớ đừng bao giờ coi thường !!!

 

Tìm hiểu thêm về Các nguyên nhân phổ biến gây đau sườn

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top