PHẦN THỨ NHẤT: BỐI CẢNH XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
Tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới đang diễn biến rất phức tạp. Toàn thế giới đã ghi nhận 200 triệu người nhiễm COVID-19, trong đó có trên 4 triệu người tử vong. Từ ngày 27/4/2021 đến nay, Việt Nam đang phải đối mặt với “làn sóng thứ tư” của dịch bệnh COVID-19 tấn công và gây hậu quả nghiêm trọng, số lượng ca bệnh COVID-19 trên cả nước tăng rất nhanh với trên 100 nghìn ca nhiễm mới. Dịch bệnh đã bùng phát trên diện rộng, có quy mô lớn và tính chất phức tạp, nhiều nguồn lây, ổ dịch, nhiều biến chủng, đặc biệt sự xuất hiện biến chủng Delta tốc độ lây lan rất nhanh, nguy hiểm, làm tăng ca bệnh nặng so với 3 đợt dịch trước. Số ca bệnh nguy kịch và tử vong tăng cao, đến nay đã có trên 500 trường hợp tử vong. Hệ thống khám, chữa bệnh đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn chưa từng có trong lịch sử.
Trước tình hình rất nghiêm trọng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm phương châm "4 tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ), bảo đảm sẵn sàng nguồn lực cho các tình huống dịch bệnh xảy ra. Chính phủ và Bộ Y tế đã có nhiều chỉ đạo yêu cầu các địa phương tăng cường năng lực hồi sức tích cực, tập trung cứu chữa ca bệnh nặng, giảm thiểu tử vong.
Tuy nhiên, thực tế khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, một số địa phương thiếu chủ động, chưa sẵn sàng công tác thu dung, điều trị ca bệnh nặng. Năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực ở nhiều địa phương vừa yếu và thiếu, chưa đủ khả năng đáp ứng với kịch bản biến chủng “siêu lây nhiễm”. Nhân lực trình độ cao chuyên khoa hồi sức tích cực hạn chế. Hiện nay cả nước có trên 2.000 bác sỹ làm việc tại khoa cấp cứu/hồi sức tích cực nhưng nhiều địa phương đang rất thiếu. Ví dụ một số tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trên phạm vi toàn tỉnh chỉ có một bác sỹ chuyên khoa sơ bộ hồi sức tích cực. Do tác động của chính sách tự chủ nên nhiều bệnh viện tuyến tỉnh ít chú trọng công tác hồi sức tích cực, khi có ca bệnh nặng thường chuyển về các bệnh viện tuyến Trung ương tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Điều này tạo áp lực rất lớn cho các bệnh viện tuyến cuối quá tải trong việc điều trị ca bệnh nặng, gây khó khăn cho Bộ Y tế trong việc huy động, điều phối nguồn nhân lực hỗ trợ, phân bổ trang thiết bị, vật tư, tài chính... cho các địa phương.
Bên cạnh đó, việc chuyển người bệnh nặng về các bệnh viện tuyến cuối ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có nguy cơ làm tăng lây lan dịch bệnh vào khu vực nội thành và người bệnh có xác suất tử vong cao trên đường vận chuyển. Vì vậy các trường hợp nặng này cần được điều trị ngay tại địa phương với sự tư vấn, hỗ trợ của các bác sỹ tuyến trên hoặc các chuyên gia đầu ngành của Trung tâm quản lý, điều hành hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán, điều trị người bệnh COVID-19 đặt tại Cục Quản lý Khám, chữa bệnh.
Thực tế công tác phòng chống dịch COVID-19 qua các đợt 1, 2, 3 và đợt 4 đang lây lan mạnh cho thấy nhiều bài học có giá trị sâu sắc. Khi dịch bệnh bùng phát, các tỉnh đều gặp thách thức rất lớn trong thu dung, điều trị người bệnh và gần như chưa có tỉnh nào có thể “tự lực cánh sinh” điều trị COVID-19 mà không cần sự chi viện từ trung ương và sự giúp đỡ từ các tỉnh bạn. Bài học chống dịch rút ra từ các tỉnh như Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Đồng Tháp, Bình Dương... và TP. Hồ Chí Minh đều cho thấy năng lực điều trị, cấp cứu, hồi sức tích cực ca bệnh COVID-19 nặng, nguy kịch của các địa phương còn hạn chế.
Quy mô và số giường bệnh hồi sức tích cực cũng có nhiều vấn đề tồn tại. Theo kết quả một nghiên cứu1 gần đây, ước tính năm 2021 cả nước có khoảng trên 16.000 giường bệnh hồi sức tích cực. Tuy nhiên cơ số giường bệnh và năng lực hồi sức tích cực hiện chưa thể đáp ứng nhu cầu điều trị người bệnh COVID-19 ngày càng tăng cao. Nhiều địa phương đang thiếu các trang thiết bị phục vụ điều trị người bệnh nặng. Nhiều bệnh viện có giường bệnh hồi sức tích cực nhưng không có hệ thống ô-xy trung tâm, hệ thống khí nén nên không sử dụng được máy thở; thiếu camera, thiếu hệ thống theo dõi trung tâm gây khó khăn cho các bác sỹ, điều dưỡng trong việc theo dõi sát diễn biến của người bệnh COVID-19 nặng.
Khoa hồi sức tích cực của nhiều bệnh viện chưa thực hiện được các kỹ thuật hồi sức tích cực nâng cao như thở máy xâm nhập, không xâm nhập, tim phổi nhân tạo (ECMO), lọc máu... Hiện chỉ một số ít bệnh viện thực hiện được kỹ thuật tim phổi nhân tạo như Bệnh viện: Bạch Mai, Bệnh Nhiệt đới trung ương, Việt Đức, Chợ Rẫy, Đa khoa trung ương Huế, Đa khoa trung ương Cần Thơ... Nguyên nhân do thiếu nhân lực chuyên sâu, thiếu trang thiết bị về hồi sức tích cực, đầu tư và chế độ đãi ngộ chưa thỏa đáng...
Trước những khó khăn, thách thức nêu trên, để nâng cao năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực tại các bệnh viện trên toàn quốc, đáp ứng công tác thu dung, điều trị người bệnh COVID-19 nặng ngày càng tăng trong thời gian tới; hệ thống khám, chữa bệnh cần khẩn trương thiết lập và đưa vào hoạt động các trung tâm hồi sức tích cực quốc gia, trung tâm hồi sức tích cực vùng.
Chính vì vậy, việc xây dựng Đề án “Tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực cho các bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 nặng” là nhiệm vụ hết sức cần thiết và cấp bách, đòi hỏi sự tham gia không chỉ riêng ngành y tế, Chính phủ, các Bộ, ban ngành mà còn là trách nhiệm của chính quyền địa phương và toàn xã hội.
MỘT SỐ KHÁI NIỆM
Một số từ ngữ trong Đề án này được hiểu như sau:
Trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 quốc gia: là trung tâm trực thuộc Bộ Y tế, được phân công là cơ sở điều trị cao nhất các ca bệnh nặng, nguy kịch trong phân tuyến điều trị ca bệnh COVID-19 nặng.
Trung tâm hồi sức tích cực vùng: là trung tâm đặt tại bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, được Bộ Y tế phân công nhiệm vụ thu dung, điều trị ca bệnh COVID-19 nặng cho một số tỉnh lân cận thuộc phạm vi của vùng và theo mật độ dân cư.
CĂN CỨ PHÁP LÝ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
Căn cứ Luật khám bệnh, chữa bệnh ngày 23 tháng 11 năm 2009;
Căn cứ Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm ngày 21 tháng 11 năm 2007;
Căn cứ Nghị định số 75/2017/NĐ-CP ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Căn cứ Nghị định số 109/NĐ-CP ngày 01 tháng 07 năm 2016 quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
Căn cứ Nghị định số 155/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2018 quy định sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế;
Căn cứ Quyết định số 447/QĐ-TTg ngày 01 tháng 4 năm 2020 về việc công bố dịch COVID-19.
PHẦN THỨ HAI: MỤC TIÊU VÀ PHẠM VI ĐỀ ÁN
QUAN ĐIỂM CHỦ ĐẠO
Đề án được xây dựng với quan điểm chủ đạo: Phát huy phương châm “4 tại chỗ” thông qua nâng cao năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực của bệnh viện các tuyến, đồng thời kết hợp phương châm “3 tập trung” gồm tập trung nguồn lực, tập trung chuyên gia, tập trung người bệnh COVID-19 nặng để điều trị.
MỤC TIÊU CHUNG
Nâng cao năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực của hệ thống khám, chữa bệnh, đồng thời tăng cường khả năng thu dung điều trị ca bệnh COVID-19 nặng, nguy kịch, đáp ứng kịch bản dịch bệnh gia tăng, hạn chế tối đa người bệnh tử vong.
MỤC TIÊU CỤ THỂ
Thiết lập mạng lưới các trung tâm thu dung, điều trị người bệnh mắc COVID-19 nặng trên phạm vi toàn quốc.
Đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, hạ tầng đồng bộ cho các trung tâm hồi sức tích cực được Bộ Y tế phân công thu dung, điều trị người bệnh mắc COVID-19 nặng và khoa hồi sức tích cực của bệnh viện các tuyến.
Củng cố, tăng cường năng lực điều trị COVID-19 ở khoa hồi sức tích cực của toàn bộ các bệnh viện chưa được phân công thành lập trung tâm hồi sức tích cực.
Đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn cho bác sỹ, điều dưỡng cấp cứu, hồi sức tích cực của các trung tâm và bệnh viện các tuyến.
Xây dựng bổ sung các chính sách, chế độ động viên, đãi ngộ hợp lý ở cấp trung ương và địa phương nhằm thu hút nguồn nhân lực có chất lượng tốt làm việc tại các trung tâm và khoa hồi sức tích cực, khoa truyền nhiễm.
PHẠM VI ĐỀ ÁN
Đề án được triển khai trên phạm vi toàn quốc.
THỜI GIAN TRIỂN KHAI
Giai đoạn 1: Các đơn vị lập kế hoạch triển khai ngay các hoạt động cấp bách, hoàn thành trong vòng 02 tháng sau khi Đề án được ký ban hành. Đối với các tỉnh đang bùng phát dịch cần hoàn thành ngay trong vòng 01 tháng, tận dụng tối đa các nguồn lực, cơ sở vật chất, hạ tầng, trang thiết bị... sẵn có.
Giai đoạn 2: Tiếp tục triển khai các hoạt động chưa hoàn thiện, mở rộng quy mô, nâng cấp cơ sở hạ tầng, đầu tư mua sắm trang thiết bị.
MỘT SỐ CHỈ SỐ HOẠT ĐỘNG, TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN
STT |
Tên chỉ số |
Kết quả sau 1 tháng |
Kết quả sau 2 tháng |
Kết quả sau 6 tháng |
1. |
Tổng số trung tâm HSTC quốc gia và vùng được thành lập |
|
|
|
2. |
Tổng số giường bệnh của trung tâm HSTC quốc gia và vùng |
|
|
|
3. |
Tổng số khoa HSTC được nâng cấp, củng cố |
|
|
|
4. |
Tổng số trang thiết bị được đầu tư cho trung tâm HSTC quốc gia, vùng |
|
|
|
5. |
Tổng kinh phí được đầu tư trung tâm HSTC quốc gia và vùng |
|
|
|
6. |
Tổng số bác sỹ của trung tâm HSTC quốc gia và vùng |
|
|
|
7. |
Tổng số điều dưỡng, kỹ thuật viên của các trung tâm HSTC |
|
|
|
8. |
Tỷ số bác sỹ/giường bệnh HSTC |
|
|
|
9. |
Tỷ số điều dưỡng/giường bệnh HSTC |
|
|
|
10. |
Tổng số nhân lực huy động được của các bệnh viện khác đến đào tạo, tập huấn và thực hành tại trung tâm HSTC quốc gia và vùng |
|
|
|
11. |
Tổng số người bệnh COVID-19 được điều trị tại các trung tâm |
|
|
|
12. |
Tổng số ca bệnh COVID-19 nặng, nguy kịch chuyển tuyến |
|
|
|
13. |
Tổng số ca bệnh COVID-19 nặng, nguy kịch được cứu chữa, xuất viện |
|
|
|
14. |
Tỷ lệ tử vong liên quan COVID-19 tại các trung tâm HSTC |
|
|
|
15. |
Tổng số chính sách, chế độ động viên, đãi ngộ được ban hành |
|
|
|
16. |
Tổng số tỉnh/thành phố đã ban hành chính sách, chế độ |
|
|
|
17. |
Các chỉ số khác tiếp tục được cập nhật, bổ sung để đo lường kết quả triển khai Đề án... |
|
|
|
PHẦN THỨ BA: NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG CỦA ĐỀ ÁN
A. THÀNH LẬP MẠNG LƯỚI VÀ PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ
TRUNG TÂM HỒI SỨC TÍCH CỰC COVID-19 QUỐC GIA
Bộ Y tế chỉ định và thành lập các trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 quốc gia đặt tại các bệnh viện như sau:
Bệnh viện Bạch Mai (cơ sở 2)
Bệnh viện Việt Đức (cơ sở 2)
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương
Bệnh viện Phổi trung ương
Bệnh viện Trường Đại học Y Hà Nội (cơ sở 2)
Bệnh viện Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh
Bệnh viện đa khoa trung ương Huế
Bệnh viện Chợ Rẫy
Các trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 thành phố Hồ Chí Minh (đặt tại cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu thành phố Hồ Chí Minh và các bệnh viện dã chiến)
Bệnh viện đa khoa trung ương Cần Thơ
Bệnh viện trung ương Quân đội 108
Bệnh viện Quân y 103
Trung tâm hồi sức tích cực quốc gia là trung tâm trực thuộc Bộ Y tế, chịu sự quản lý và phân công trực tiếp của Lãnh đạo Bộ và Cục Quản lý Khám, chữa bệnh. Trung tâm là cơ sở điều trị cao nhất, có nhiệm vụ thu dung, điều trị và thực hiện các kỹ thuật hồi sức tích cực cao, phức tạp nhất cho các trường hợp bệnh nặng, nguy kịch trong bậc thang điều trị ca bệnh COVID-19.
Phân công nhiệm vụ cho các trung tâm hồi sức tích cực quốc gia chủ động xây dựng mạng lưới, hướng dẫn, đào tạo, tập huấn và chỉ đạo về mặt chuyên môn với địa bàn như sau:
Bệnh viện Bạch Mai phụ trách các tỉnh từ Hà Tĩnh trở ra, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương phối hợp.
Bệnh viện đa khoa trung ương Huế phụ trách các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa, Bệnh viện Trường Đại học Y Hà Nội phối hợp.
Bệnh viện Chợ Rẫy phụ trách các tỉnh từ Ninh Thuận đến Cà Mau và các tỉnh Tây Nguyên, Bệnh viện đa khoa trung ương Cần Thơ phối hợp.
TRUNG TÂM HỒI SỨC TÍCH CỰC COVID-19 VÙNG
Tiêu chí lựa chọn trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 vùng
Các trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 vùng được Bộ Y tế lựa chọn dựa theo các tiêu chí như sau:
Tỉnh/thành phố có quy mô dân số từ 1,5 triệu người trở lên hoặc có nhiều khu công nghiệp, tập trung đông người, có nguy cơ lây nhiễm cao.
Có nhân lực hồi sức tích cực, trình độ chuyên môn tốt.
Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phù hợp đầu tư, thiết lập trung tâm.
Sẵn sàng thiết lập trung tâm và có sự cam kết của địa phương.
Vị trí địa lý tương đối thuận lợi cho việc vận chuyển người bệnh.
Danh sách các trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 vùng
Bộ Y tế chỉ định các bệnh viện đầu tư, nâng cấp, thành lập trung tâm hồi sức tích cực vùng như sau:
Bệnh viện điều trị COVID-19 tỉnh Bắc Giang
Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh
Bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái
Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ
Bệnh viện đa khoa trung ương Thái Nguyên
Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình
Bệnh viện đa khoa Đức Giang, Hà Nội
Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội
Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội
Bệnh viện đa khoa Hà Đông, Hà Nội
Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển, Uông Bí
Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh
Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp, Hải Phòng
Bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Định
Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa
Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An
Bệnh viện đa khoa thành phố Đà Nẵng
Bệnh viện Phổi Đà Nẵng
Bệnh viện đa khoa trung ương Quảng Nam
Bệnh viện Phong - Da Liễu Quy Hòa
BV Bệnh Nhiệt đới Khánh Hoà
Bệnh viện đa khoa tỉnh Gia Lai
Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên
Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai
Bệnh viện đa khoa Thống nhất Đồng Nai
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh
Bệnh viện đa khoa thành phố Cần Thơ
Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Long
Bệnh viện đa khoa trung tâm An Giang
Bệnh viện đa khoa tỉnh Sóc Trăng
Bệnh viện đa khoa tỉnh Kiên Giang
Bệnh viện Quân y 175
Bệnh viện Quân y 354
Tùy theo nhu cầu thực tế, diễn biến dịch bệnh và năng lực chuyên môn, các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, các Bộ, ngành, trường đại học và bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh khác được bổ sung vào danh sách trong trường hợp cần thiết.
Trung tâm hồi sức tích cực vùng thuộc mạng lưới hồi sức tích cực quốc gia, đặt dưới sự quản lý của Sở Y tế và chỉ đạo của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh. Trung tâm có nhiệm vụ thu dung, điều trị các ca bệnh COVID-19 nặng và rất nặng trên địa bàn của tỉnh/TP và địa bàn các tỉnh/TP trong vùng được phân công. Trong trường hợp có ca bệnh nặng, nguy kịch vượt quá khả năng chuyên môn, thực hiện chuyển tuyến người bệnh đến trung tâm hồi sức tích cực quốc gia được Bộ Y tế phân công phụ trách vùng.
Phân công trung tâm hồi sức tích cực vùng chủ động thiết lập mạng lưới, hướng dẫn, hỗ trợ về mặt chuyên môn cho khoa hồi sức tích cực của các bệnh viện trong vùng được giao phụ trách.
PHÂN CÔNG ĐỊA BÀN PHỤ TRÁCH
Bộ Y tế phân công cho các trung tâm hồi sức tích cực quốc gia và vùng phụ trách công tác điều trị ca bệnh COVID-19 tại các địa phương, thực hiện theo Phụ lục 1 của Đề án này.
B.CÁC HOẠT ĐỘNG VÀ GIẢI PHÁP CỤ THỂ
THIẾT LẬP CÁC TRUNG TÂM HỒI SỨC TÍCH CỰC
Trung tâm hồi sức tích cực quốc gia
Giao chỉ tiêu số bệnh giường hồi sức tích cực cho các trung tâm đặt tại các bệnh viện như sau:
1. Bệnh viện Bạch Mai (cơ sở 2) |
1.000 giường |
2. Bệnh viện Việt Đức (cơ sở 2) |
500 giường |
3. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương |
500 giường |
4. Bệnh viện Phổi trung ương |
200 giường |
5. Bệnh viện Trường Đại học Y Hà Nội (cơ sở 2) |
500 giường |
6. Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh |
300 giường |
7. Bệnh viện đa khoa trung ương Huế |
500 giường |
8. Bệnh viện Chợ Rẫy |
200 giường |
9. Các trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 TP. Hồ Chí Minh |
3.000 giường |
10. Bệnh viện đa khoa trung ương Cần Thơ |
200 giường |
11. Bệnh viện trung ương Quân đội 108 |
500 giường |
12. Bệnh viện Quân y 103 |
500 giường |
Trung tâm hồi sức tích cực vùng
Các bệnh viện được Bộ Y tế phân công thành lập trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 trên cơ sở lựa chọn khoa, phòng, trung tâm hoặc khu vực phù hợp trong bệnh viện, riêng biệt với các khoa/phòng khác.
Giao chỉ tiêu số giường bệnh hồi sức tích cực cho các bệnh viện có trung tâm hồi sức tích cực vùng: mỗi bệnh viện thiết lập tối thiểu từ 50 đến 100 giường bệnh và sẵn sàng mở rộng quy mô lên 150 đến 200, 300 giường (tùy theo điều kiện thực tế, diễn biến dịch bệnh và chỉ đạo của Bộ Y tế).
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh