✴️ Vị thuốc Ngũ trảo

Nội dung

1. Mô tả

  • Cây nhỏ leo, nhẵn hoặc có ít lông. Thân cành hình trụ. có khía; tua cuốn chia 2-3 nhánh.
  • Lá mọc so le, kép chân vịt gồm 5 lá chét hình trái xoan, dài 5 – 8cm, rộng 3 – 4cm, gốc tròn, đầu nhọn, lá chét tận cùng dài hơn, tất cả các lá chét đều nhẵn hoặc có lông ở mặt dưới, gân lá chằng chịt thành mạng lưới rõ, mép có răng tù hơi nhọn; cuống chung dài 2 – 5cm; lá kèm hình tam giác tù.
  • Cụm hoa mọc ở kẽ lá thành ngù hay tán, rộng 6 – 10cm; hoa màu trắng; đài hình đấu hơi có 4 răng; tràng 4 cánh; nhị 4; bầu nhẵn. Quả hình cầu, hơi thắt lại ở gốc; hạt 3-4, nhăn ở mặt lưng. Mùa hoa quả: gần như quanh năm.

2. Phân bố, sinh thái

Cayratia Juss. là chi tương đối lớn gồm các loài là dây leo phân bố rải rác khắp vùng cận nhiệt đới và nhiệt đới Bắc bán cầu. Ở Việt Nam có 15 loài, trong đó có cây ngũ trảo. Ngũ trảo chỉ thấy ở châu Á, bao gồm Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Lào, Philippin, Indonesia và Việt Nam. Ở Việt Nam, ngũ trảo phân bố rải rác khắp các vùng núi, từ độ cao 500 – 1000m ở Lạng Sơn, Cao Bằng, Yên Bái, Lai Châu, Hòa Bình, Nghệ An, Vĩnh Phúc và Thái Nguyên. Đôi khi ngũ trảo mọc lẫn trong các lùm bụi quanh làng, bờ nương rẫy của vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ. Theo Võ Vãn Chi (1997), cây phân bố đến tận vùng núi tỉnh Kon Tum, Đắc Lắc và Lâm Đồng.

Ngũ trảo là loại cây ưa ẩm, ưa sáng, có khả năng hơi chịu bóng, thường mọc trên đất ẩm, leo lên các cây bụi hay các loại cỏ cao ở ven rừng, sinh trưởng mạnh trong mùa xuân hè, ra hoa quả nhiều nhất là ở những cây được chiếu sáng nhiều. Cây được nhân giống tự nhiên chủ yếu bằng hạt và có khả năng tái sinh khi bị chặt phát nhiều lần.

3. Bộ phận dùng

Phần trên mặt đất phơi hoặc sấy khô.

4. Thành phần hóa học

  •   Toàn cây ngũ trảo chứa apigenin, lutcolin, luteolin-7-0- glucosid, lupeol, araban,gôm
  •   Rễ chứa alcaloid, tinh bột. gôm, nhựa
  •   Vỏ quả có cayratinin, delphilipin3- coumaroyl- sophorosid-5-monoglucosid

5. Tính vị, công năng

Ngũ trảo có vị đắng, chua, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, hoạt huyết tán ứ, lợi niệu, tiêu thũng.

6. Công dụng

Theo kinh nghiệm dân gian, toàn cây ngũ trảo được dùng làm thuốc chống viêm. Rễ tươi giã nát, đắp chữa sưng vú. Rễ và thân thái nhỏ, phơi khô, sao vàng, lấy 20g sắc uống làm hai lần trong ngày để chữa tê thấp. Có thể phối hợp với rễ cây nhàu (liều lượng bằng nhau) dưới dạng rượu ngâm. Dây lá ngũ trảo giã nát với lá cà độc dược, bọc lá chuối non hơ nóng đắp vào những khớp sưng đau do thấp khớp. Lá ngũ trảo tươi rửa sạch, giã nhỏ, đắp chữa vết thương, sưng tấy. Lá giã với ít gừng và rượu, gạn uống chữa viêm đường tiết niệu, đái ra máu. Lá khô (20 – 30g) sắc uống chữa mụn nhọt, hoặc phối hợp với lá đào lộn hột, lá cù đèn hạt ý dĩ (liều lượng bằng nhau) sắc uống lúc nóng để hạ nhiệt, làm ra mồ hôi.

Ở Đông Nam Á, người ta dùng những phần khác nhau của cây ngũ trảo để trị sốt. Ở Malaysia, lá ngũ trảo sắc với một củ hành tây và vôi, đắp lên đầu trị nhức đầu dữ dội. Hoa khô tán bột dùng trị sốt. Ở Indonesia, người ta dùng phần trên mặt đất của cây ngũ trảo để trị sốt và sốt rét. Ở đảo Solomon, nhân dân lại dùng lá xát vào bụng phía trên dạ dày để trị táo bón.

Ở Trung Quốc, rễ hoặc phần trên mặt đất được dùng trị sốt, làm tiêu độc tố trong bệnh quai bị, vàng da, lỵ và chống sưng tấy trong thấp khớp. Cây còn được dùng chữa viêm họng, ghẻ lở, mụn nhọt, viêm thận phù thũng, vàng da, lỵ, đòn ngã tổn thương. Rễ được dùng trị ung thư và làm thuốc lợi tiểu trị tiểu tiện ra máu. Nước sắc rễ trị viêm vú. Lá tán bột trị bọ cạp và rết cắn.

Ở Ấn Độ, quả ngũ trảo được dùng làm thuốc đắp trị sưng tấy và những chỗ đau nhức, vỏ thân là thuốc giải độc.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top