✴️ Hướng dẫn chăm sóc người bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút SARS-CoV-2 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (P2)

TỔ CHỨC QUẢN LÝ NGƯỜI NHIỄM SARS-COV-2

Tổ chức đón tiếp, sàng lọc người bệnh SARS-CoV-2

SARS-CoV-2 có khả năng lây rất cao nên cần được sàng lọc, phát hiện sớm, điều trị kịp thời. Người nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2 phải được cách ly ngay và áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp phòng ngừa lây truyền.

Nguyên tắc chung:

  • Cơ sở KBCB cần xây dựng kế hoạch và triển khai hệ thống nhận biết, phân loại, sàng lọc và quản lý người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2 từ NB, người nhà NB, khách thăm và NVYT ngay khi đến bệnh viện. Người có triệu chứng viêm đường hô hấp (ho, sốt, chảy mũi, đau họng, tức ngực, khó thở, đau  mỏi người), người có yếu tố dịch tễ (di từ vùng dịch về, tiếp xúc với người nhiễm hoặc có nguy cơ...) cần được hướng dẫn, sàng lọc và khám riêng. Thiết lập quy trình chuyển viện cho NB nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2 nếu cơ sở không thu dung điều trị COVID-19.
  • Cơ sở KBCB cần xây dựng kế hoạch sàng lọc NB đang nằm viện, người nhà, khách thăm và NVYT đặc biệt tại các khoa có nguy cơ cao như: thận nhân tạo, hồi sức tích cực, truyền nhiễm, hô hấp, ung bướu...
  • Thực hiện các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn nghiêm ngặt (PNC và phòng dựa theo đường lây truyền).

Bố trí phân luồng, tiếp đón người bệnh đến khám.

Đối với bệnh viện có từ 2 cổng trở lên

Bước 1. Tại khu vực cổng bệnh viện (Sàng lọc ban đầu)

  • Bố trí 1 cổng duy nhất dành cho đón tiếp, phục vụ người có triệu chứng viêm đường hô hấp. Tại cổng này bố trí biển ghi rõ: “Cổng đón tiếp dành cho người bị ho, sốt, chảy mũi, đau họng, tức ngực, khó thở, đau mỏi người và có tiếp xúc người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2". Tại tất cả các cổng khác bố trí thêm biển ghi rõ: “Người bị ho, sốt, chảy mũi, đau họng, tức ngực, khó thở, đau mỏi người đi cổng số...
  • Cạnh cổng, bổ trí thêm biển bằng đèn màu (ví dụ biển đèn LED, biển hộp có đèn chiếu sáng bên trong hoặc cần có đèn chiếu sáng) để nhìn rõ vào ban đêm.
  • Bên ngoài đường cần đặt các biển chỉ dẫn tương tự, thông tin đường dây nóng... tại các vị trí dễ nhìn.
  • Bố trí nơi gửi xe tại phía ngoài cổng hoặc ngay khu vực cổng. Tập huấn đầy đủ cho nhân viên bảo vệ, trông xe về kiểm soát lây nhiễm SARS-CoV-2.
  • Bố trí bàn đăng ký và khai báo y tế tại địa điểm thông thoáng ngay sát cổng bệnh viện hoặc tiền sảnh. Nhắc nhở NB, người nhà NB đeo khẩu trang, cung cấp cho NB nếu NB không có. Tại các bàn bàn đăng ký và khai báo y tế có dung dịch VST có chứa cồn cho người đến khám.

Bước 2. Luồng đi tới buồng khám sàng lọc

  • Bố trí luồng đi riêng từ cổng đến buồng khám sàng lọc. Luồng đi riêng được chăng dây bằng giới hạn màu đỏ/vàng (có thể có phản quang). Có biển hướng dẫn yêu cầu người có triệu chứng chỉ đi trong luồng đã được chăng dây.
  • Bố trí ít nhất 1 xe vận chuyển NB chuyên dụng (nếu khoảng cách di chuyển xa) để vận chuyển người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2. Xe chuyên dụng được để vị trí riêng có biển báo, không dùng vận chuyển NB khác và phải được khử trùng sau mỗi lần sử dụng.
  • Lưu ý: luồng đi bố trí không đi qua các khoa/phòng khác, hạn chế tối đa đi dọc hành lang. Cần bố trí buồng khám sàng lọc gần nhất nếu có thể với bàn đăng ký và khai báo y tế.

Bước 3. Buồng khám sàng lọc

  • Bố trí buồng khám sàng lọc tại địa điểm riêng biệt, ở vị trí thông thoáng, biệt lập với các khoa/phòng khác.
  • Trong phòng chỉ có một bàn khám trong buồng khám, không được khám 2 người cùng một thời điểm trong buồng khám.
  • Bàn khám cần được bổ trí đầy đủ các vật tư, thiết bị phục công phòng ngừa lây nhiễm SARS-CoV-2. Trong phòng chỉ có một bàn khám trong buồng khám.

Bước 4. Phân luồng sau sàng lọc

Sau khi người đến khám đã được sàng lọc, nếu xác định chắc chắn  không có yếu tố dịch tễ hoặc không có triệu chứng lâm sàng liên quan đến COVID-19 thì hướng dẫn chuyển người đến khám sang khu khám thông thường. Ngược lại tại khu khám thông thường nếu lại phát hiện yếu tố nghi ngờ (yếu tố dịch tễ và/hoặc triệu chứng lâm sàng) cần chuyển ngược lại buồng khám sàng lọc.

Bước 5. Chuyển viện hoặc vào khu cách ly điều trị COVID-19

Sau khi khám sàng lọc, nếu xác định NB nghi nhiễm SARS-CoV-2, bệnh viện chuyển NB sang 1 trong 2 vị trí sau:

  • Phòng cách ly tạm thời tại bệnh viện: chuyển NB sang phòng cách ly tạm thời nếu cơ sở không được giao thu dung điều trị COVID-19. Cơ sở liên hệ với Trung tâm Y tế dự phòng/CDC và bệnh viện (gần nhất) được giao nhiệm vụ thu dung, điều trị COVID-19 để chuyển tuyến đúng, bảo đảm không lây nhiễm trong quá trình chuyển viện.

Cơ sở không được tự chuyển viện, cần liên hệ ngay với cơ quan quản lý trực tiếp và bệnh viện tuyến trên để được hướng dẫn chuyển viện đúng.

  • Khu cách ly điều trị COVID-19:

Bệnh viện được cơ quan quản lý giao nhiệm vụ điều trị COVID-19 bố trí khu cách ly để tiếp nhận NB. Khu cách ly thực hiện theo đúng các hướng dẫn của Bộ Y tế nguyên tắc chia làm 3 loại đối tượng NB, bố trí vào các phòng khác nhau:

    • Cách ly người nghi nhiễm.
    • Cách ly người bị bệnh thể nhẹ;
    • Cách ly người bị bệnh thể nặng.

Lấy mẫu xét nghiệm (có thể thực hiện tại cơ sở hoặc chuyển sang nơi khác).

Nếu có chỉ định, NB được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 tại khu cách ly hoặc phòng cách ly tạm thời. Từng điều kiện thực tế bệnh viện có thể lấy mẫu tại phòng khám hô hấp. Bệnh viện liên hệ với CDC/YTDP để lấy mẫu hoặc tự thực hiện nếu bệnh viện đã được Bộ Y tế cho phép xét nghiệm SARS-CoV-2.

 Đối với bệnh viện có từ 2 cổng trở lên

Thực hiện theo hướng dẫn tương tự như bệnh viện có 2 cổng, tuy nhiên cần bố trí khác các điểm sau:

  • Có biển chỉ dẫn từ cổng bệnh viện tới thẳng bàn/buồng đăng ký và sàng lọc phân luồng.
  • Bàn/buồng đăng ký và sàng lọc phân luồng cần bố trí ngay sát cổng bệnh viện, tại sân hoặc sảnh chính theo nguyên tắc càng gần cổng càng tốt. Tuyệt đối không bố trí bàn/buồng đăng ký và sàng lọc phân luồng ở bên trong khối nhà chính và gần các khoa, phòng để giảm tối đa nguy cơ lây nhiễm.
  • Phòng khám sàng lọc được bố trí ngay sát bàn/buồng đăng ký và sàng lọc phân luồng (trong phạm vi 10m tính từ cổng).

Lưu ý: Nếu phát hiện NB nhiễm SARS-CoV-2 tại các khoa nội trú thì NB phải được cách ly tạm thời ngay tại phòng cách ly tạm thời tại các khoa.

Hình 2: Sơ đồ phân luồng, sàng lọc đối với bệnh viện 1 cổng

Trong thời gian có dịch, cần treo các bảng hướng dẫn ngay khu vực ra vào và phòng khám để hướng dẫn NB, người nhà NB có dấu hiệu sốt, ho đến ngay khu vực khám sàng lọc, tránh để họ đi đến các khu vực khác.

Cần hướng dẫn NB, người nhà mang khẩu trang y tế, hạn chế tối đa tiếp xúc với người khác, thực hiện tốt VST, vệ sinh hô hấp.

Người nhà đi kèm với người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2 cần phải được xem như là có phơi nhiễm với SARS-CoV-2 và cũng phải được tầm soát cho đến hết thời gian theo dõi theo quy định để giúp chẩn đoán sớm SARS-CoV-2.

Trường hợp cần vận chuyên, nhân viên vận chuyển phải sử dụng phương tiện PHCN và xe chuyên dụng. Các vật dụng ô nhiễm, phương tiện vận chuyển, đồ thải bỏ và chất thải của NV cần phải được thu gom và xử lý theo đúng quy định.

Tổ chức các khu vực điều trị SARS-CoV-2

Khu vực điều trị cần có các phòng sau: phòng khám, phòng xét nghiệm, phòng theo dõi điều trị và phòng hồi sức tim phổi.

Bố cục của tòa nhà và luồng vận hành phải đảm bảo các tiêu chuẩn về khu cách ly trong bệnh viện.

Nếu có thể, bố trí người nhiễm SARS-CoV-2 tại phòng áp lực âm.

Việc ra vào khu điều trị cách ly phải được kiểm soát nghiêm ngặt.

Sắp xếp người bệnh

NB nghi nhiễm và người được xác định nhiễm phải được tách biệt ở các khu vực khác nhau trong khoa, không xếp vào chung phòng bệnh.

NB nhiễm SARS-CoV-2 có tình trạng bệnh nặng được xếp vào buồng chăm sóc đặc biệt (phòng áp lực âm nếu có) tại khu cách ly hoặc phòng cách ly có đầy  đủ máy thở, máy lọc máu.

NB nhiễm SARS-CoV-2 có tình trạng nhẹ xếp vào buồng riêng trường hợp khó bố trí buồng riêng có thể sắp xếp những người triệu chứng nhẹ chung buồng.

Người nghi nhiễm phải được cách ly trong từng phòng đơn hoặc xếp chung phòng với khoảng cách giường tối thiểu là 1.2 mét.

Mọi hoạt động của NB phải được giới hạn trong Khu điều trị cách ly.

Chuẩn bị nguồn nhân lực

Các cơ sở khám bệnh chữa bệnh cần chủ động nguồn lực và kế hoạch nhân sự đảm bảo sẵn sàng tiếp nhận, thu dung điều trị khi có dịch bùng phát, nhằm hạn chế thấp nhất tỉ lệ tử vong và kiểm soát sự lây nhiễm trong cơ sở y tế và cộng đồng.

Dựa trên công suất hoạt động hiện tại của Khoa/Đơn vị lâm sàng và cận lâm sàng (gọi tắt là đơn vị) so với cùng kì năm trước, các cơ sở KBCB phân loại các đơn vị theo ít nhất 3 nhóm hoạt động:

  • Nhóm làm việc tại nhà
  • Nhóm làm việc tại các khoa phòng điều trị
  • Nhóm làm việc tại khu vực sàng lọc, vùng đệm, khu vực điều trị NB nhiễm SARS-CoV-2.

Lên kế hoạch chi tiết về các tình huống điều động nhân lực theo biến động của dịch, các tình huống có thể bị cách ly, tránh điều động nhân lực số lượng lớn ngay từ đầu.

Tất cả NVYT phải sẵn sàng làm việc trong các tình huống không quen thuộc: làm việc với đội nhóm mới, tình huống mới với lãnh đạo là những người thuộc khu vực hồi sức, cấp cứu, truyền nhiễm.

Đặt ra mục tiêu ngay từ ban đầu: giảm thiểu nguy cơ và biến chứng cho NB, giảm thiểu khả năng lây nhiễm chéo cho NVYT. Chăm sóc có thể không hoàn hảo và bị chậm lại do NVYT thiếu trang phục PHCN và mệt mỏi, căng thẳng kéo dài.

Mỗi nhóm chăm sóc chỉ làm việc tối đa 1 ca/ngày tại khu vực điều trị NB nhiễm SARS-CoV-2.

Trước khi hết ca làm việc, NVYT phải thay trang thiết bị bảo hộ và vệ sinh cá nhân cần thiết để phòng ngừa nguy cơ nhiễm vi rút trong quá trình làm việc.

Quản lý sức khỏe nhân viên y tế

Nhân viên tuyến đầu trong khu vực điều trị cách ly, bao gồm bác sỹ, điều dưỡng, kỹ thuật viên, hộ lý phải sống tại khu vực cách ly và không được tự ý ra khỏi khu vực này.

Nhân viên y tế cần một chế độ ăn giàu dinh dưỡng để tăng cường miễn dịch.

Theo dõi, ghi chép và giám sát tình trạng sức khỏe của tất cả NVYT tuyến đầu, bao gồm đo thân nhiệt và triệu chứng hô hấp. Nếu nhân viên có bất kì triệu chứng nào như sốt, họ nên được cách ly ngay lập tức và XN xác định vi rút.

Các điều dưỡng chăm sóc trực tiếp NB nhiễm SARS-CoV-2 cần được hỗ trợ và chuẩn bị tâm lý để làm việc và chăm sóc số lượng NB ngày càng tăng cũng như nguy cơ bị lây nhiễm chéo từ NB.

Khi các NVYT tuyến đầu hoàn thành nhiệm vụ trong khu vực điều trị cách ly và được trở về với cuộc sống thường ngày, họ nên được xét nghiệm tìm SARS- CoV-2. Nếu âm tính, NVYT cần cách ly tại một khu vực riêng theo quy định trước khi được về nhà.

Chuẩn bị trang thiết bị, vật tư y tế, phương tiện phòng hộ cá nhân

Lập danh mục và số lượng các loại thiết bị y tế (máy thở chức năng cao, máy thở xâm lấn/không xâm lấn, bơm tiêm điện, truyền dịch, máy monitor, bộ đèn đặt nội khí quản,…); vật tư y tế tiêu hao (phương tiện PHCN, dung dịch vệ sinh  tay có chứa cồn…) cần trang bị tại các vị trí phòng sàng lọc, phòng cách ly, khoa điều trị tích cực phù hợp với quy mô, phạm vi hoạt động của cơ sở theo từng giai đoạn diễn biến của dịch SARS-CoV-2.

Định mức phương tiện PHCN cho từng vùng nguy cơ (lây nhiễm từ thấp, trung bình, cao) theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Phân loại cấp độ cần trang bị phương tiện PHCN phù hợp. Tất cả NVYT, người nhà NB , khách thăm bệnh viện (nếu có), những người có tiếp xúc với người hoặc mẫu bệnh phẩm từ người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2 đều được trang bị phù hợp theo khuyến cáo (xem Bảng 1).

Phối hợp với các khoa/phòng dự trù vật tư thiết yếu đảm bảo cho hoạt động của bệnh viện và đơn vị phụ trách mua sắm kịp thời lập kế hoạch dự trữ hàng thiết yếu theo tình hình diễn biến của dịch và cam kết của nhà cung ứng về tiến độ giao hàng.

Tất cả nhân viên tại cơ sở y tế phải mang khẩu trang.

Bảng 1: Lựa chọn sử dụng bộ trang phục phòng chống dịch SARS-CoV-2 theo khu vực, đối tượng và hoạt động chuyên môn tại các cơ sở KBCB

Xây dựng các quy trình thường quy liên quan đến SARS-CoV-2

Các cơ sở y tế tìm các hướng dẫn của BYT hoặc xây dựng các hướng dẫn, quy trình cho NVYT để đảm bảo thực hành an toàn trong chăm sóc người nhiễm SARS-CoV-2.

Quy trình tiếp đón, phân loại, sàng lọc NB.

Hướng dẫn, quy trình sử mặc và cởi phương tiện PHCN.

Lấy bệnh phẩm SARS-CoV-2, bảo quản, đóng gói, vận chuyển và xử lý mẫu bệnh phẩm của người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2.

Quy trình khử trùng cho khu vực sàng lọc, cách ly SARS-CoV-2

Quy trình xử lý dịch tiết, máu của NB nghi hoặc nhiễm SARS-CoV-2

Quy trình xử lý rác thải y tế liên quan SARS-CoV-2

Quy trình xử lý phơi nhiễm với SARS-CoV-2 cho NVYT

Quy trình xử lý tử thi của người nghi ngờ hoặc xác định nhiễm SARS- CoV-2.

Quy trình xử lý dụng cụ, đồ vải y tế.

Tập huấn, đào tạo

Thành lập Ban đào tạo liên quan đến SARS-CoV-2 có trách nhiệm biên soạn và tập huấn cho toàn bệnh viện.

Các quy trình nên được chuẩn hóa (quay video) để thuận tiện tập huấn trực tuyến, E-learning.

Chương trình tập huấn tập trung cho 3 nhóm đối tượng:

  • Nhóm cốt lõi (điều dưỡng, kỹ thuật y làm việc trong khu vực sàng lọc, cấp cứu, hô hấp, hồi sức): tập huấn kiến thức, kỹ năng chuyên sâu, chăm sóc người nhiễm SARS-CoV-2 nặng, có thở máy, có thể chạy ECMO…
  • Nhóm mở rộng (ĐD thuộc các khoa lâm sàng có khả năng tham gia điều trị người nhiễm SARS-CoV-2 mức độ nhẹ đến trung bình trong trường hợp quá tải bệnh ở hồi sức và các khu chuyên biệt cho người nhiễm SARS-CoV-2): tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản, nguyên tắc chung trong chăm sóc NB nghi ngờ hoặc nhiễm SARS-CoV-2, các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm (sử dụng phương tiện PHCN, phòng cách ly áp lực âm,..), tư vấn giáo dục sức khỏe cho người nhà, NB.
  • Nhóm ngoại vi (hộ lý, bảo vệ, nhân viên vệ sinh, và các đối tượng khác): tập huấn kiến thức phòng ngừa lây nhiễm, nguyên tắc tiếp cận NB nghi ngờ hoặc nhiễm SARS-CoV-2 và các biện pháp phòng ngừa cơ bản.

Diễn tập: Tổ chức diễn tập nhằm kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm những nội dung còn hạn chế để bổ sung, khắc phục và hoàn thiện kế hoạch phòng chống dịch của cơ sở.

Kiểm tra, giám sát

Thành lập Tổ kiểm tra thực hiện quy định phòng, chống dịch SARS-CoV-2 trong cơ sở KBCB về công tác hành chính.

Phòng Điều dưỡng phối hợp với khoa KSNK, Phòng KHTH và Điều dưỡng trưởng các khoa lâm sàng, Kỹ thuật viên trưởng các khoa cận lâm sàng kiểm tra, giám sát thực hiện các quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng ngừa lây nhiễm SARS-CoV-2.

Tổ chức chăm sóc toàn diện cho người nghi hoặc nhiễm SARS-CoV-2

Dấu hiệu sinh tồn của NB nên được theo dõi liên tục, đặc biệt là những thay đổi về tri giác, nhịp thở và độ bão hoà oxy. Quan sát các triệu chứng như ho, khạc đàm, đau ngực, khó thở và tím tái. Theo dõi phân tích khí máu động mạch chặt chẽ. Nhận biết kịp thời bất cứ tình trạng xấu đi nào để điều chỉnh thở oxy hoặc thực  hiện những biện pháp khẩn cấp khác.

Chú ý đến tổn thương phổi liên quan đến thở máy (VALI) khi chịu áp lực dương cuối thì thở ra cao (PEEP) và hỗ trợ áp lực cao. Theo dõi chặt chẽ thay đổi trong áp lực đường thở, thể tích khí lưu thông và nhịp thở.

Phòng ngừa hít sặc:

Theo dõi tình trạng ứ đọng dạ dày. Đánh giá tình trạng ứ đọng dạ dày mỗi 4 giờ. Truyền lại dịch hút nếu thể tích còn lại của dạ dày < 100 ml; nếu không hãy báo với bác sĩ điều trị.

Ngăn ngừa hít sặc trong khi vận chuyển NB: trước khi di chuyển, ngưng cho ăn qua ống thông mũi, hút dịch cặn của dạ dày và nối ống dạ dày với túi áp lực âm. Trong suốt quá trình vận chuyển, nâng đầu NB cao 30 độ.

Ngăn ngừa hít sặc trong HFNC: kiểm tra độ ẩm mỗi 4 giờ để tránh độ ẩm cao hoặc thấp quá mức. Loại bỏ nước đọng lại trong ống kịp thời để tránh ho và hít sặc do ngưng tụ hơi nước trong đường thở gây ra. Giữ vị trí của ống thông mũi cao hơn máy và ống. Loại bỏ kịp thời hơi nước ngưng tụ trong hệ thống.

Thực hiện các chiến lược để ngăn ngừa nhiễm trùng máu liên quan đến catheter và nhiễm trùng tiểu liên quan đến ống thông.

Phòng ngừa tổn thương da do áp lực, bao gồm tổn thương do tì đè liên quan đến thiết bị y tế, viêm da kích ứng do bài tiết không tự chủ và tổn thương da liên quan đến băng keo y tế.

Xác định NB có nguy cơ cao với về té ngã và thực hiện các biện pháp phòng ngừa.

Đánh giá tất cả NB với rủi ro thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch (VTE) để xác định những người có nguy cơ cao và thực hiện các chiến lược phòng ngừa. Theo dõi chức năng đông máu, mức độ Ddimer và các biểu hiện lâm sàng liên quan đến VTE.

Hỗ trợ ăn uống cho những NB yếu, khó thở hoặc những người có chỉ số oxy hóa dao động rõ rệt. Tăng cường theo dõi chỉ số oxy hóa trên những NB này trong bữa ăn. Cung cấp dinh dưỡng qua đường ruột ở giai đoạn đầu cho những người không thể ăn bằng miệng. Trong mỗi ca trực, điều chỉnh liều lượng và tốc độ dinh dưỡng qua đường ruột theo khả năng dung nạp của NB.

 

Xem tiếp: Hướng dẫn chăm sóc người bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút SARS-CoV-2 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (P3)

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top