✴️ Hướng dẫn chăm sóc và hỗ trợ y tế cho người bị xâm hại tình dục (P1)

Nội dung

TỪ VIẾT TẮT

 

GIỚI THIỆU

Đặt vấn đề

Xâm hại tình dục (XHTD) đặc biệt với phụ nữ và trẻ em gái đang có chiều hướng gia tăng một cách đáng lo ngại ở Việt Nam. Khảo sát năm 2014 với 2000 phụ nữ ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cho thấy 87% trong số này đã từng bị quấy rối tình dục ở nơi công cộng. Trong một nghiên cứu tại 30 trường học ở Hà Nội, 31% học sinh nữ cho biết đã từng bị quấy rối tình dục ở nơi công cộng và trên các phương tiện giao thông công cộng và 11% từng bị xâm hại, quấy rối tình dục. Trong nhóm phụ nữ khuyết tật, cứ 10 người thì 4 người bị XHTD với các hình thức khác nhau. Mỗi năm cả nước có trên 1200 trẻ em báo cáo bị XHTD. Theo báo cáo của Tòa án Nhân dân Tối cao, trong 5 năm từ 2013-2018, tòa tiếp nhận 8254 vụ XHTD trẻ em. Nghiên cứu quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ năm 2010 cho thấy gần 58% phụ nữ được phỏng vấn cho biết đã từng bị bạo lực thể xác, tình dục hoặc/và tinh thần bởi chồng hay bạn tình lâu dài; 10% phụ nữ bị bạo lực thể xác hoặc tình dục bởi người khác ngoài chồng từ năm 15 tuổi.

XHTD thường để lại các hệ quả nghiêm trọng trước mắt và lâu dài về sức khỏe thể chất, tinh thần và xã hội, thậm chí là mất đi tính mạng. Do vậy, hệ thống y tế có vai trò quan trọng trong việc giúp giảm thiểu các hệ quả này. Bên cạnh đó, việc được thăm khám kịp thời và đầy đủ còn giúp tăng khả năng thu thập chứng cứ pháp lý, giúp đem lại công lý cho người bị XHTD và gia đình họ và dự phòng tác hại cho xã hội.

Khái niệm và thuật ngữ

Xâm hại tình dục là việc thực hiện các hành vi tình dục không có sự đồng thuận của nạn nhân. Xâm hại tình dục bao gồm: Hiếp dâm (xâm nhập âm đạo, hậu môn hay miệng) bao gồm cả hiếp dâm không thành, các đụng chạm cố ý có tính chất tình dục vào bất kì bộ phận nào của cơ thế của một người, kể cả qua quần áo, sử dụng bộ phận sinh dục, sử dụng tay hay bất kì bộ phận nào khác của cơ thể hay vật dụng mà không có sự đồng thuận của người đó. Xâm hại tình dục cũng bao gồm việc cố quan hệ tình dục hay có các đụng chạm mang tính dâm dục khi nạn nhân không thể phản đối hay không ý thức được hành vi xâm hại do tuổi, do tình trạng tâm thần, do rượu, thuốc hay các chất khác.

Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP ngày 1 tháng 10 năm 2019 của Hội đồng Thẩm phán, Tòa án Nhân dân Tối cao định nghĩa xâm hại tình dục người dưới 16 tuổi như sau “Xâm hại tình dục là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ người dưới 16 tuổi tham gia vào các hành vị liên quan đến tình dục, bao gồm hiếp dâm, giao cấu, dâm ô với người dưới 16 tuổi và sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích mại dâm, khiêu dâm dưới mọi hình thức (ví dụ: hoạt động xâm hại tình dục được thực hiện do đồng thuận với người dưới 13 tuổi); do cưỡng bức, do hứa hẹn các lợi ích vật chất (tiền, tài sản) hay các lợi ích phi vật chất (ví dụ: cho điểm cao, đánh giá tốt, tạo cơ hội tiến bộ…).

Nghị quyết này cũng qui định cụ thể các khái niệm: giao cấu, dâm ô, hành vi quan hệ tình dục khác, khiêu dâm, tình trạng không thể tự vệ, v.v (phụ lục 1b).

 

NGUYÊN TẮC CHĂM SÓC, HỖ TRỢ Y TẾ CHO NGƯỜI BỊ XÂM HẠI TÌNH DỤC

Chăm sóc y tế cho người bị XHTD ưu tiên trước hết vào các vấn đề sức khỏe của người bị hại.

Thu thập bằng chứng pháp y là ưu tiên thứ hai trừ trường hợp người bị hại được chuyển đến theo yêu cầu của cơ quan giám định.

Bảo mật thông tin: cơ sở y tế và cán bộ y tế liên quan có trách nhiệm đảm bảo bí mật các thông tin liên quan đến vụ việc và cá nhân người bị xâm hại hay gia đình của họ. Chỉ khi có yêu cầu từ cơ quan có thẩm quyền, cơ sở y tế mới được chia sẻ thông tin chi tiết về trường hợp bị XHTD.

Tôn trọng quyền của người bị XHTD, các dịch vụ cung cấp dựa trên nhu cầu và sự đồng thuận của người bị XHTD hoặc người bảo hộ khi người bị hại chưa đủ 18 tuổi.

Việc cung cấp dịch vụ y tế cho người bị XHTD được lồng ghép vào dịch vụ hiện có. Bên cạnh các qui định chung về cơ sở vật chất do ngành y tế qui định, cơ sở y tế khi cung cấp dịch vụ cho người bị XHTD cần đảm bảo tính riêng tư, kín đáo, bảo mật thông tin; môi trường thân thiện, không phán xét, không đổ lỗi.

 

CHĂM SÓC Y TẾ CHO NGƯỜI NGHI BỊ XHTD

Tiếp nhận, sàng lọc trường hợp nghi bị XHTD

Tiếp nhận:

Khi tiếp nhận một trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ, cán bộ y tế cần sàng lọc để phát hiện nạn nhân bị xâm hại tình dục. Nếu người bệnh là nữ, cần bố trí cán bộ y tế nữ cùng tham gia thăm khám hoặc chứng kiến.

Nếu người bệnh hoảng sợ, kích động hoặc lo lắng, trầm cảm, để bệnh nhân nghỉ đến khi bình tĩnh hơn mới bắt đầu việc hỏi và ghi chép thông tin. Với trường hợp người khuyết tật, bố trí người có khả năng giao tiếp, làm việc với người khuyết tật để giúp hỏi chuyện và thu thập thông tin nếu có điều kiện.

Cho người bệnh và người nhà biết: mọi thông tin về kết quả khám bệnh sẽ được bảo mật trừ khi có yêu cầu từ cơ quan chức năng hoặc nạn nhân quyết định sử dụng để trình báo, khiếu kiện.

Sàng lọc trường hợp nghi bị XHTD:

Nghi ngờ một người bị XHTD khi thấy có những dấu hiệu dưới đây:

Chảy máu, vết bầm tím, tổn thương ở cơ quan sinh dục nghi do chấn thương;

Yêu cầu khám cơ quan sinh dục mà không có lý giải rõ ràng;

Người bệnh trong tình trạng hoảng loạn, lo sợ;

Đến cơ sở y tế vào thời điểm thường xảy ra với  các trường hợp cấp cứu (ví dụ: ban đêm) trong khi các dấu hiệu lâm sàng sơ bộ không ở mức cấp cứu;

Người đến khám hoặc/và người đưa đến khám (trường hợp trẻ em) có biểu hiện bất thường, che giấu danh tính, nơi ở hay không nói rõ mối quan hệ với người nghi bị hại.

Thông báo:

Khi nghi ngờ trường hợp bị XHTD, cán bộ y tế báo cáo lãnh đạo khoa tiếp nhận người bệnh trực tiếp thăm khám. Trường hợp người bị hại đến trong giờ trực, mời trưởng kíp trực thăm khám.

Hỏi thông tin và thăm khám

Hỏi thông tin:

Cán bộ y tế cần hỏi đầy đủ sự việc đã xảy ra và tiền sử bị xâm hại;

Nếu sự việc mới xảy ra, hỏi người bị hại đã tắm, tiểu tiện, đại tiện, nôn, sử dụng dung dịch rửa vệ sinh hay thay quần áo kể từ sau sự việc đó hay chưa. Những việc này có thể ảnh hưởng đến chứng cứ pháp y. Khuyến khích bệnh nhân cố gắng nhớ và lưu lại những vật phẩm có thể lưu lại dấu tích của thủ phạm (tóc, tinh dịch, máu…) như quần áo, đồ lót hoặc các đồ vật khác để kịp thời thu thập bằng chứng.

Khám thực thể:

Người bị XHTD cần được thăm khám toàn diện để không bỏ sót tổn thương thể chất, tinh thần và tình dục;

Giải thích và cho người bị XHTD hoặc người giám hộ hợp pháp ký Phiếu đồng ý thăm khám (Phụ lục 2).

Khám thực thể toàn thân:

Khám các dấu hiệu sinh tồn: mạch, nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở; tình trạng tinh thần của người bị hại;

Khám các bộ phận cơ thể liên quan để tìm tổn thương như ngực, mông, lưng, hai đầu gối, miệng, lưỡi, họng, v.v… Tìm kiếm các dấu hiệu có thể là hậu quả của xâm hại như: các mảng tóc bị đứt/giật trên đầu; vết rách ở tai; vết lằn/dấu tay trên cổ; vết trầy xước, rách, thâm tím, tụ máu, xuất huyết ở mắt, da; vết cào, cắn, dấu hiệu khống chế trên cổ tay, gẵy xương, áp-xe, rò, điếc v.v…);

Phát hiện các dấu vết bất thường, dị vật trên cơ thể và quần áo của người bị hại như máu, nước bọt, tinh dịch, tóc, lông,…

Khám sinh dục, hậu môn và trực tràng:

Khám sinh dục:

Kiểm tra một cách hệ thống theo thứ tự: mu, mặt trong bẹn, tầng sinh môn, âm hộ, âm vật, lỗ niệu đạo, âm đạo, màng trinh, âm đạo:

Quan sát các vết sẹo do sinh đẻ hoặc phẫu thuật; tìm các dấu hiệu thương tổn (các vết thâm tím, vết xước, trầy da hoặc rách…), dấu hiệu nhiễm trùng (vết loét, dịch mủ hay các mụn rộp…) ở bộ phận sinh dục.

Kiểm tra các thương tổn ở âm đạo và màng trinh: tìm vết rách, rách cũ hay rách mới; màng trinh và âm đạo có bị giãn không; các vết thương đang lành ở bộ phận sinh dục và/hoặc các vết sẹo mới

Nếu có xảy ra việc thâm nhập của dương vật vào âm đạo: kiểm tra cổ tử cung, túi cùng sau tử cung, và niêm mạc âm đạo tìm dấu vết của sang chấn, chảy máu hoặc nhiễm trùng.

Khám bằng hai tay để kiểm tra cổ tử cung, tử cung và phần phụ nhằm tìm kiếm các dấu hiệu đau do sang chấn vùng bụng, mang thai hoặc nhiễm trùng.

Kiểm tra các dấu hiệu mang thai:

Thu thập mẫu bệnh phẩm ở tầng sinh môn, âm hộ, âm đạo, cổ tử cung để xét nghiệm tìm tinh trùng, tế bào lạ. Có thể mời cán bộ chuyên khoa xét nghiệm đã được đào tạo lấy mẫu bệnh phẩm hoặc chuyển đến cơ sở có đủ năng lực để lấy mẫu và xét nghiệm.

Khám hậu môn, trực tràng:

Tùy theo thông tin của người bị hại, tiến hành thăm khám hậu môn, trực tràng tìm dấu hiệu sang chấn như vết bầm tím, vết sẹo, vết nứt, rách hoặc rò trực tràng-âm đạo, chảy máu, chảy dịch, xem độ chắc của cơ vòng hậu môn. Thu thập mẫu bệnh phẩm từ trực tràng hoặc chuyển đến cơ sở có đủ năng lực để lấy mấu và xét nghiệm.

Nếu có chảy máu, đau hoặc nghi ngờ có dị vật trong trực tràng chuyển người bị hại tới cơ sở chuyên khoa để xử trí cầm máu và lấy dị vật.

Lưu ý:

Nếu vụ việc đã xảy ra hơn một tuần trước đó và nếu người bị hại không có vết thâm tím, vết rách, vết loét, chảy dịch, chảy máu hoặc không kêu đau, có nghĩa là có rất ít chỉ báo cho việc cần khám tiểu khung.

Không loại trừ XHTD khi không phát hiện được thương tổn vì ngay cả khi việc thăm khám cơ quan sinh dục được thực hiện trong vòng 72 giờ sau khi vụ hiếp dâm xảy ra, việc thăm khám chỉ xác định được tổn thương thực thể trong khoảng gần 50% trường hợp.

Đánh giá nguy cơ mang thai và bệnh LTQĐTD

Hỏi việc sử dụng bao cao su, thuốc tránh thai và ngày có kinh gần nhất.

Hỏi các dấu hiệu chảy mủ/máu dịch âm đạo, hậu môn.

Khám tìm các vết trợt, loét ở cơ quan sinh dục hay niêm mạc miệng.

Cận lâm sàng:

Các xét nghiệm và thăm dò cận lâm sàng có thể tiến hành:

Lấy mẫu bệnh phẩm ở dịch âm đạo, hậu môn, miệng để xét nghiệm tìm dấu vết tinh trùng, tế bào lạ (khi nghi ngờ là xâm hại tình dục có xâm nhập); Nếu cơ sở không đủ điều kiện, chuyển gửi người bệnh đến cơ sở y tế có năng lực thực hiện xét nghiệm.

Xét nghiệm sàng lọc nhiễm trùng LTQĐTD như giang mai, lậu, trùng roi, Chlamydia, HIV. Lưu ý: Xét nghiệm HIV chỉ làm khi người bệnh tự nguyện và sau khi đã được tư vấn.

Xét nghiệm máu hoặc nước tiểu tìm độc tố nếu nghi ngờ người bệnh bị ép buộc dùng ma tuý, chất kích thích hay thuốc.

X-quang hoặc siêu âm nếu nghi ngờ gẫy xương; sang chấn bụng, ngực…

Xét nghiệm nước tiểu khi người bệnh có đái buốt, đái rắt, đái ra mủ, máu...,

Phát hiện có thai bằng phương pháp xét nghiệm định lượng hCG, siêu âm nếu có nguy cơ mang thai. Lưu ý không dùng test thử thai nhanh.

Cấy bệnh phẩm nếu có chỉ định.

Lưu ý:

Cán bộ y tế cần tư vấn cho nạn nhân và người nhà về các xét nghiệm tìm dấu vết tinh trùng, tế bào lạ hay tìm độc tố. Đây là các xét nghiệm không thuộc xét nghiệm thường qui do vậy nạn nhân sẽ phải tự chi trả.

Kết quả các xét nghiệm này có thể không được cơ quan điều tra chấp nhận. Tư vấn nạn nhân và người nhà báo cáo cơ quan chức năng để làm giám định chính thức vì khi đó các xét nghiệm này sẽ được thực hiện miễn phí.

Ghi chép thông tin:

Ghi chép kết quả hỏi bệnh, thăm khám và những thông tin liên quan vào hồ sơ bệnh án. Trường hợp người bệnh ngoại trú, ghi vào Giấy xác nhận khám chữa bệnh dành cho khách hàng (Phụ lục 4.1) và Giấy xác nhận khám chữa bệnh dành cho cán bộ y tế (Phụ lục 4.2).

Đảm bảo ghi chép đầy đủ, trung thực về tình trạng người bệnh: toàn trạng; tinh thần; loại, kích thước, màu sắc, hình dáng, vị trí của các tổn thương, các dấu vết bất thường, các dị vật quan sát được. Vẽ phác tổng thể người hoặc từng bộ phận để đánh dấu vị trí tổn thương hoặc đánh dấu trên lược đồ giải phẫu in sẵn.

Giấy xác nhận khám chữa bệnh dành cho khách hàng được cấp cho tất cả các trường hợp người bị hay nghi bị XHTD đến thăm khám tại cơ sở y tế.

Cơ sở y tế lưu một bản gốc của Giấy xác nhận khám chữa bệnh dành cho khách hàng và Giấy xác nhận khám chữa bệnh dành cho cán bộ y tế.

Lưu ý:

Vì nhiều lý do, người bị XHTD và gia đình không muốn hoặc không thể tố cáo sự việc ra cơ quan pháp luật ngay, thậm chí có thể trì hoãn tới vài năm. Việc ghi chép chi tiết thông tin hỏi, khám và cấp Giấy chứng nhận khám chữa bệnh cho khách hàng là rất quan trọng vì đây có thể là cơ sở duy nhất giúp nạn nhân tố cáo thủ phạm.

Giấy xác nhận khám chữa bệnh dành cho khách hàng phải được cán bộ y tế trao tận tay cho khách hàng để tránh trường hợp giấy vô tình được giao cho người gây XHTD.

Xử trí:

Điều trị tổn thương thực thể:

Xử trí các vết thương, cố định xương gẫy, chống nhiễm trùng, cầm máu, chống phù nề… tùy theo tình trạng thương tích của nạn nhân;

Chuyển người bị XHTD đến cơ sở khác hoặc chuyển tuyến trên khi tổn thương vượt quá năng lực xử trí của cơ sở.

Dự phòng mang thai và điều trị dự phòng các bệnh LTQĐTD:

Khi nghi ngờ nguy cơ mang thai, cho người bị XHTD dùng thuốc tránh thai khẩn cấp phòng mang thai ngoài ý muốn;

Điều trị dự phòng các viêm nhiễm LTQĐTD như lậu, giang mai, chlamydia, trùng roi nếu có chỉ định. Chọn phương án điều trị ngắn nhất, dễ dùng nhất. Lưu ý việc sử dụng kháng sinh ở phụ nữ đang mang thai;

Điều trị dự phòng lây nhiễm HIV cho những người có nguy cơ: Chuyển gửi người bị XHTD đến cơ sở có chuyên môn phù hợp.

Chăm sóc sức khỏe tâm thần và hỗ trợ toàn diện:

Trường hợp người bị XHTD có những dấu hiệu bất thường về tinh thần như kích động, trầm cảm… gây ảnh hưởng đến sức khỏe, chuyển gửi người bệnh đến cơ sở chuyên khoa tâm thần để được điều trị thích hợp;

THẬN TRỌNG khi sử dụng các loại thuốc an thần nếu không có bác sĩ chuyên khoa. Việc sử dụng các loại thuốc an thần có thể nhanh chóng dẫn đến lệ thuộc thuốc, nhất là trong nhóm người bệnh có sang chấn nặng;

Kết nối người bị XHTD với cán bộ làm công tác tư vấn hoặc công tác xã hội của bệnh viện để được tư vấn, hỗ trợ về tâm lý và cuộc sống; chuyển gửi tới cơ sở tư vấn về bạo lực giới và bạo lực tình dục tại địa phương nếu có, hoặc các dịch vụ hỗ trợ khác trong trường hợp cần thiết (Phụ lục 3. Cơ sở kết nối và chuyển gửi).

Tư vấn về việc báo cáo trường hợp bị XHTD và giám định

Trường hợp người bị XHTD hoặc người giám hộ có mong muốn tố cáo, cán bộ y tế tư vấn để họ thực hiện quy trình báo cáo cơ quan chức năng, xin trưng cầu giám định càng sớm càng tốt để tăng khả năng thu được bằng chứng phục vụ việc điều tra, tố tụng. Việc giám định được thực hiện bởi cơ quan chuyên môn có chức năng nên kết quả giám định có thể chuẩn xác hơn và đầy đủ hơn so với việc thăm khám ở các cơ quan không có chức năng giám định.

Trường hợp gia đình, người thân, người giám hộ hoặc bản thân người bị XHTD không nghi ngờ/không biết bị XHTD, cán bộ y tế cần đưa ra những nghi vấn mang tính chuyên môn để thảo luận với gia đình hoặc bản thân người bị XHTD nhằm xác định vấn đề và khuyến khích họ trình báo.

Cán bộ y tế khuyến khích các trường hợp bị XHTD báo cáo cơ quan chức năng, đề nghị giám định càng sớm càng tốt để tăng khả năng thu được bằng chứng phục vụ việc điều tra, tố tụng.

Tư vấn lưu giữ vật phẩm hỗ trợ giám định:

Trong trường hợp người bệnh và người nhà quyết định không báo cáo cơ quan chức năng mà cán bộ y tế phát hiện các vật phẩm có thể là chứng cứ của XHTD, cán bộ y tế tư vấn người bệnh và người nhà giữ lại các vật phẩm để hỗ trợ cho giám định và tố cáo về sau.

Cán bộ y tế cần giải thích rõ:

Đây có thể là các chứng cứ quan trọng giúp tố cáo thủ phạm.

Các vật phẩm cần được lưu giữ theo các quy định chuyên ngành. Việc tự lưu giữ trong điều kiện không đảm bảo có thể làm mất giá trị pháp y của các vật phẩm.

Việc xử lí các vật phẩm này bởi các cơ quan chuyên ngành càng sớm càng có nhiều cơ hội tố cáo.

Các vật phẩm hỗ trợ giám định có thể bao gồm:

Quần áo bị rách hoặc có vết bám;

Tóc/lông, vật phẩm lạ (đất, lá, cỏ…) trên quần áo hoặc cơ thể của người bị hại;

Bao cao su.

Chăm sóc tiếp theo

Người bị XHTD có thể chỉ đến cơ sở y tế một lần duy nhất, do họ không thể hoặc không muốn quay lại. Vì vậy, cán bộ y tế cần cố gắng cung cấp tối đa các dịch vụ chăm sóc ngay trong lần khám đầu tiên.

Hẹn khám lại để đánh giá về tình trạng sức khỏe, mang thai và nhiễm trùng LTQĐTD, kể cả HIV; hoặc bất kỳ lúc nào nếu có câu hỏi hoặc có vấn đề gì về sức khoẻ.

Tư vấn, chuyển gửi đến cơ sở chăm sóc phù hợp nếu cần thiết.

 

Xem tiếp: Hướng dẫn chăm sóc và hỗ trợ y tế cho người bị xâm hại tình dục (P2)

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top