✴️ Hướng dẫn giám sát viêm phổi nặng do vi rút (P2)

Nội dung

PHỤ LỤC 2: HƯỚNG DẪN LẤY MẪU, BẢO QUẢN, VẬN CHUYỂN MẪU BỆNH PHẨM SVP

Lấy mẫu, đóng gói, bảo quản và vận chuyển bệnh phẩm

Lấy mẫu bệnh phẩm

Dụng cụ lấy mẫu

Dụng cụ lấy mẫu ngoáy dịch tỵ hầu, mẫu ngoáy dịch họng có cán không phải là calcium hay gỗ, tốt nhất là sử dụng que có đầu là sợi tổng hợp.

Que đè lưỡi;

Ống ly tâm hình chóp 15ml, chứa từ 2 đến 3 ml môi trường vận chuyển vi rút (ống đựng bệnh phẩm).

Lọ nhựa (ống Falcon 50ml) hoặc túi nylon để đóng gói bệnh phẩm;

Băng, gạc có tẩm chất sát trùng;

Cồn sát trùng, bút ghi

Quần áo bảo hộ;

Kính bảo vệ mắt;

Găng tay không bột;

Khẩu trang y tế;

Bình lạnh bảo quản mẫu.

Dây nhựa mềm (đường kính 10 FG) để lấy dịch nội khí quản.

Loại bệnh phẩm và kỹ thuật lấy mẫu bệnh phẩm

Loại mẫu bệnh phẩm

Mẫu ngoáy dịch tỵ hầu và mẫu ngoáy dịch họng; hoặc

Mẫu ngoáy dịch họng và mẫu ngoáy dịch mũi; hoặc

Dịch nội khí quản.

Trước khi tiến hành lấy mẫu cần điền đầy đủ thông tin về họ tên, tuổi và ngày lấy mẫu trên nhãn ống đựng mẫu. Đối với trường hợp lấy 02 loại mẫu bệnh phẩm trên cùng bệnh nhân thì phải lấy bằng 02 que lấy mẫu riêng biệt và được để chung vào ống chứa môi trường vận chuyển.

Kỹ thuật lấy mẫu

Kỹ thuật lấy mẫu ngoáy dịch tỵ hầu

Yêu cầu bệnh nhân ngồi yên, mặt hơi ngửa, trẻ nhỏ thì phải có người lớn giữ.

Người lấy bệnh phẩm nghiêng đầu bệnh nhân ra sau khoảng 70 độ, tay đỡ phía sau cổ bệnh nhân.

Tay kia đưa nhẹ nhàng que lấy mẫu vào mũi, vừa đẩy vừa xoay giúp que lấy mẫu đi dễ dàng vào sâu 1 khoảng bằng ½ độ dài từ cánh mũi đến dái tai cùng phía.

Lưu ý: nếu chưa đạt được độ sâu như vậy mà cảm thấy có lực cản rõ thì rút que lấy mẫu ra và thử lấy mũi bên kia. Khi cảm thấy que lấy mẫu chạm vào thành sau họng mũi thì dừng lại, xoay tròn rồi từ từ rút que lấy mẫu ra.

Giữ que lấy mẫu tại chỗ lấy mẫu trong vòng 5 giây để đảm bảo dịch thấm tối đa.

Từ từ xoay và rút que lấy mẫu ra.

Đặt đầu que lấy mẫu vào ống đựng bệnh phẩm có chứa môi trường vận chuyển vi rút. Lưu ý, đầu que lấy mẫu phải nằm ngập hoàn toàn trong môi trường vận chuyển và nếu que lấy mẫu dài hơn ống đựng môi trường vận chuyển cần bẻ/cắt cán que lấy mẫu cho phù hợp với độ dài của ống chứa môi trường vận chuyển. Que ngoáy dịch tỵ hầu sẽ được để chung vào ống môi trường chứa que lấy dịch ngoáy họng.

Đóng nắp, siết chặt, bọc ngoài bằng giấy parafilm (nếu có).

Lưu ý: Đối với trẻ nhỏ đặt ngồi trên đùi của cha/mẹ, lưng của trẻ đối diện với phía ngực cha mẹ. Cha/mẹ cần ôm trẻ giữ chặt cơ thể và tay trẻ. Yêu cầu cha/mẹ ngả đầu trẻ ra phía sau.

Kỹ thuật lấy mẫu ngoáy dịch họng

Yêu cầu bệnh nhân há miệng to.

Dùng dụng cụ đè nhẹ nhàng lưỡi bệnh nhân.

Đưa que lấy mẫu vào vùng hầu họng, miết và xoay tròn nhẹ 3 đến 4 lần tại khu vực 2 bên vùng a-mi-đan và thành sau họng để lấy được dịch và tế bào vùng họng.

Sau khi lấy bệnh phẩm, que lấy mẫu được cho vào ống đựng bệnh phẩm có chứa môi trường vận chuyển vi rút để bảo quản. Lưu ý, đầu que lấy mẫu phải nằm ngập hoàn toàn trong môi trường vận chuyển và nếu que lấy mẫu dài hơn ống đựng môi trường vận chuyển cần bẻ/cắt cán que lấy mẫu cho phù hợp với độ dài của ống chứa môi trường vận chuyển.

Đóng nắp, siết chặt, bọc ngoài bằng giấy parafilm (nếu có).

 

Hình 2: Lấy mẫu ngoáy dịch họng

Kỹ thuật lấy mẫu ngoáy dịch mũi

Yêu cầu bệnh nhân ngồi yên, trẻ nhỏ thì phải có người lớn giữ.

Người lấy bệnh phẩm nghiêng nhẹ đầu bệnh nhân ra sau, tay đỡ phía sau cổ bệnh nhân. Tay kia đưa nhẹ nhàng que lấy mẫu vào mũi khoảng 2cm, xoay que lấy mẫu vào thành mũi trong khoảng 3 giây. Sau khi lấy xong 1 bên mũi thì dùng đúng que lấy mẫu này để lấy với mũi còn lại.

Đặt que lấy mẫu vào ống đựng bệnh phẩm có chứa môi trường vận chuyển. Lưu ý, đầu que lấy mẫu phải nằm ngập hoàn toàn trong môi trường vận chuyển và nếu que lấy mẫu dài hơn ống đựng môi trường vận chuyển cần bẻ/cắt cán que lấy mẫu cho phù hợp với độ dài của ống chứa môi trường vận chuyển. Que lấy dịch ngoáy mũi sẽ được để chung vào ống môi trường chứa que lấy dịch ngoáy họng

Đóng nắp, siết chặt, bọc ngoài bằng giấy parafilm (nếu có)

 

Hình 3. Lấy mẫu ngoáy dịch mũi

Dịch nội khí quản:

Chỉ áp dụng cho những bệnh nhân đang thở máy và đặt nội khí quản. Kỹ thuật này nên phối hợp với bác sỹ hoặc điều dưỡng tại nơi điều trị cho bệnh nhân.

Dùng ống hút dịch đặt theo đường nội khí quản, và dùng bơm tiêm hút dịch nội khí quản theo đường ống đã đặt.

Chuyển dịch nội khí quản vào ống nhựa chứa môi trường vận chuyển vi rút.

Đóng nắp ống, siết chặt, bọc ngoài bằng giấy parafilm (nếu có).

Bảo quản, đóng gói, vận chuyển và nhận mẫu

Đóng gói, bảo quản bệnh phẩm

Mẫu bệnh phẩm ngay sau khi lấy phải được cho vào ống đựng bệnh phẩm có chứa môi trường vận chuyển vi rút.

Bảo quản mẫu trong điều kiện nhiệt độ +2°C đến +8°C trước khi chuyển về phòng xét nghiệm của Viện VSDT, Viện Pasteur hoặc phòng xét nghiệm của đơn vị có khả năng xét nghiệm. Nếu bệnh phẩm không được vận chuyển đến phòng xét nghiệm của Viện VSDT, Viện Pasteur hoặc phòng xét nghiệm của đơn vị có khả năng xét nghiệm trong vòng 72 giờ kể từ khi lấy mẫu, các mẫu bệnh phẩm phải được bảo quản trong âm 70°C (-70°C) và sau đó phải được giữ đông băng trong quá trình vận chuyển đến phòng xét nghiệm.

Bệnh phẩm được đóng gói theo nguyên tắc 3 lớp được quy định theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế tại Thông tư 40/2018/TT-BYT ngày 07 tháng 12 năm 2018 quy định về quản lý mẫu bệnh phẩm bệnh truyền nhiễm.

Kiểm tra thông tin trên ống mẫu bệnh phẩm với thông tin trên phiếu điều tra đảm bảo trùng khớp nhau.

Kiểm tra xem ống đựng mẫu bệnh phẩm đã được nắp chặt, bọc ống bằng giấy paraffin (nếu có) hoặc giấy thấm.

Đặt ống đựng mẫu bệnh phẩm trong túi chống thấm/ túi nylon hoặc hộp đựng có nắp và đóng kín.

Đặt túi/hộp chứa ống đựng mẫu bệnh phẩm vào phích lạnh bảo quản mẫu hoặc thùng cứng.

Bổ sung đủ túi/bình tích lạnh vào trong phích/thùng đựng mẫu để mẫu được bảo quản ở nhiệt độ từ +2°C đến +8°C, trong suốt quá trình vận chuyển mẫu.

Đối với mẫu đông, bổ sung đủ túi/bình tích lạnh đã được đặt trong tủ -70ºC để mẫu không bị tan băng trong suốt quá trình vận chuyển.

Phiếu yêu cầu xét nghiệm được đặt trong túi chống thấm/túi nylon khác (không để chung phiếu với mẫu bệnh phẩm) và đặt trong phích/thùng đựng mẫu có biểu tượng nguy hiểm sinh học được quy định bởi WHO cho việc vận chuyển mẫu phẩm sinh học.

 

Hình 4: Đóng gói và bảo quản bệnh phẩm

Vận chuyển mẫu

Các mẫu bệnh phẩm cần được gửi kèm Phiếu điều tra trường hợp bệnh viêm phổi nặng do vi rút (mẫu 1, phụ lục 4) và Phiếu yêu cầu xét nghiệm (mẫu 2, phụ lục 4) về phòng xét nghiệm của các Viện VSDT, Viện Pasteur hoặc phòng xét nghiệm của đơn vị có khả năng xét nghiệm.

Mẫu bệnh phẩm phải được bảo quản trong nhiệt độ từ +2oC đến + 8oC (hoặc tại -70oC nếu là mẫu đông) trong suốt quá trình vận chuyển.

Các cơ sở gửi mẫu cần thông báo ngay cho phòng xét nghiệm khoảng thời gian dự kiến phòng xét nghiệm sẽ nhận được bệnh phẩm để cán bộ phòng xét nghiệm có thể chuẩn bị cho việc nhận mẫu.

Lựa chọn các phương tiện, hình thức vận chuyển để đảm bảo thời gian vận chuyển ngắn nhất, trong khi vẫn phải đảm bảo điều kiện bảo quản mẫu trong suốt quá trình vận chuyển.

Nhận, bảo quản và lưu trữ bệnh phẩm tại phòng thí nghiệm

Nhận bệnh phẩm

Khi bệnh phẩm và phiếu yêu cầu xét nghiệm (mẫu 2, phụ lục 4) được chuyển đến phòng xét nghiệm của Viện VSDT, Viện Pasteur hoặc phòng xét nghiệm của đơn vị có khả năng xét nghiệm, bên giao và bên nhận phải ký xác nhận vào Sổ giao nhận bệnh phẩm.

Các mẫu bệnh phẩm sẽ không được chấp nhận nếu có một trong các vấn đề sau:

Thông tin mẫu không phù hợp với phiếu yêu cầu xét nghiệm;

Có hiện tượng rò rỉ bệnh phẩm;

Không đủ lượng bệnh phẩm yêu cầu;

Loại bệnh phẩm không phù hợp;

Ống đựng bệnh phẩm không có môi trường vận chuyển;

Ống đựng bệnh phẩm chứa môi trường vận chuyển hết hạn sử dụng;

Mẫu bệnh phẩm bị tạp nhiễm;

Nhiệt độ của phích lạnh không đảm bảo yêu cầu;

Bệnh phẩm được bảo quản ở nhiệt độ +2°C đến +8°C nhưng được chuyển

đến phòng xét nghiệm của các Viện VSDT, Viện Pasteur hoặc phòng xét nghiệm của đơn vị có khả năng xét nghiệm hơn 72 giờ sau khi lấy mẫu;

Thông tin của bệnh nhân (tên, mã số bệnh nhân, tuổi…) hoặc/và thời gian thu thập mẫu trên ống đựng mẫu bị mất hoặc không trùng với phiếu yêu cầu xét nghiệm.

Bảo quản và lưu trữ bệnh phẩm tại phòng xét nghiệm

Các dụng cụ và môi trường dùng để vận chuyển, bảo quản mẫu cần tuân thủ nguyên tắc vô trùng của thực hành vi sinh tốt.

Các mẫu bệnh phẩm phải được bảo quản tại nhiệt độ +2oC đến +8oC trong vòng 72 giờ sau khi lấy mẫu bệnh phẩm. Đối với các mẫu bệnh phẩm sau 72 giờ chưa được gửi đến các Viện VSDT, Viện Pasteur khu vực hoặc phòng xét nghiệm của đơn vị có khả năng xét nghiệm thì phải được bảo quản tại tủ -70oC hoặc thấp hơn.

Trường hợp phòng xét nghiệm của Viện khu vực hoặc phòng xét nghiệm của đơn vị có khả năng xét nghiệm không tiến hành xét nghiệm mẫu bệnh phẩm trong vòng 72 giờ sau khi lấy mẫu thì bảo quản mẫu ở tủ -70oC hoặc thấp hơn.

Các mẫu bệnh phẩm sau khi tách chiết vật liệu di truyền phải được bảo quản tại tủ -70oC hoặc thấp hơn.

Các phòng xét nghiệm bảo quản các mẫu lưu tại -70oC (bệnh phẩm dương tính: ít nhất 5 năm, bệnh phẩm âm tính: ít nhất 2 năm) tuỳ theo điều kiện và quy định của từng Viện VSDT, Viện Pasteur hoặc đơn vị có khả năng xét nghiệm.

Việc hủy mẫu cần tuân thủ các quy định hiện hành liên quan đến lĩnh vực này.

 

PHỤ LỤC 3: SƠ ĐỒ XÉT NGHIỆM MẪU BỆNH PHẨM SVP XÁC ĐỊNH TÁC NHÂN

*: Mẫu có đặc điểm lâm sàng bất thường: Các trường hợp không đáp ứng điều trị, chùm trường hợp bệnh, biểu hiện lâm sàng nặng bất thường, tử vong nhanh ...

*: Dịch tễ cần lưu ý: Chùm ca bệnh, có tiền sử tiếp xúc với bệnh nhân viêm đường hô hấp, người đi về từ vùng dịch, cán bộ y tế chăm sóc bệnh nhân SVP …

 

PHỤ LỤC 4: CÁC MẪU PHIẾU, BÁO CÁO, SỔ THEO DÕI

Mẫu 1. Phiếu điều tra trường hợp bệnh viêm phổi nặng do vi rút (SVP)

Mẫu 2. Phiếu yêu cầu xét nghiệm trường hợp bệnh viêm phổi nặng do vi rút (SVP).

Mẫu 3. Báo cáo danh sách trường hợp bệnh viêm phổi nặng do vi rút (SVP).

Mẫu 4. Sổ giao nhận bệnh phẩm, phiếu điều tra trường hợp bệnh (SVP).

                                                                                                                                 

Lưu ý cách điền thông tin phiếu điều tra trường hợp bệnh (mẫu 1)

Câu 3 và 4: Ghi ngày tháng năm sinh của bệnh nhân hoặc ghi tuổi đối với người lớn và ghi tháng nếu nhỏ hơn hoặc bằng 2 tuổi.

Câu 5.1 và 5.2: Nếu bệnh nhân khởi phát khác địa chỉ nơi ở hiện tại thì ghi rõ thêm phần 5.2.

Câu 6: Điền nghề nghiệp theo danh mục nghề nghiệp của thông tư 54

Câu 12. Là ngày lấy mẫu cùng đợt điều tra này nhằm mục đích xét nghiệm phát hiện tác nhân gây bệnh nguy hiểm. Không phải ngày lấy các mẫu xét nghiệm trong bệnh viện.

Câu 13. Khó thở xem thêm thông tin ở đầu phiều ở phần định nghĩa trường hợp bệnh.

Câu 13.2. Ghi tình trạng lúc điều tra là thở mask, sonde hay là thở máy

Câu 15Ghi chẩn đoán của bác sỹ trong bệnh án.

Câu 19Ghi tên tất cả các cơ sở y tế đã điều trị bệnh nhân trước khi đến bệnh viện/cơ sở y tế hiện tại.

Câu 21. Nơi bệnh nhân đến hoặc về từ các tỉnh, huyện, xã trong nước.

Câu 22. Tiếp xúc gần được hiểu như là chăm sóc, điều trị, nói chuyện, ngồi cạnh, đi cùng xe, tàu, máy bay…với bệnh nhân có triệu chứng viêm đường hô hấp nặng hoặc đã tử vong.

Câu 23. Chùm trường hợp bệnh tức là nơi có từ 2 trường hợp bệnh có triệu chứng giống nhau, khởi phát gần nhau và thường ở cùng một nhà, một lớp học, ký túc xá, doanh trại quân đội …

Câu 25. Ngoài các tiếp xúc với người và động vật ở các câu từ 22-24 trên, thì mô tả thêm các yếu tố dịch tễ khác nếu có.

Cách ghi mã số bệnh nhân

Mỗi bệnh nhân sẽ có một mã số riêng để quản lý thông tin dịch tễ và kết quả xét nghiệm. Mã số bệnh nhân là mã số duy nhất, không trùng lặp. Dùng danh sách mã vùng bưu điện Việt Nam, chỉ lấy hai chữ số đầu của dãy số. Cấu trúc của mỗi mã số bệnh nhân bao gồm các thành phần như sau:

SVP/Mã tỉnh, thành phố/ hai số cuối của năm/số thứ tự trường hợp bệnh của một tỉnh, thành phố (3 chữ số)

Ví dụ: SVP/48/20/016 là mã số bệnh nhân của trường hợp bệnh thứ 16, năm 2020 tại tỉnh Hà Tĩnh.

                    

MẪU 2

 

 

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top