CÁC CHẤT Ô NHIỄM KHÔNG KHÍ VÀ NHỮNG ẢNH HƯỞNG CỦA CHÚNG
Các chất ô nhiễm chính trong môi trường không khí bao gồm:
Các loại khí lưu huỳnh oxyd (SOx), nitơ oxyd (NOx), carbon monoxyd (CO), hydro sulfua (H2S), các loại khí halogen (clo, brom, iod).
Các hợp chất florua.
Các hợp chất hữu cơ bay hơi (VOCs).
Các loại bụi nhẹ lơ lửng như sol khí, muội khói, sương mù, phấn hoa, vi sinh vật,v.v., và các loại bụi nặng như bụi đất, đá, bụi kim loại, v.v.; ư Khói quang hoá như ozon, peroxyacetil nitrat, aldehyd, v.v.
Các chất ô nhiễm kể trên chủ yếu do quá trình đốt cháy nhiên liệu, cháy rừng, các quá trình sản xuất công nghiệp, giao thông vận tải sinh ra. Riêng khói quang hóa được tạo ra trong khí quyển do sự tương tác giữa ánh sáng mặt trời, hyđrocacbon và nitơ oxyd. Kết quả là ozon tích tụ lại và sinh ra một số chất ô nhiễm thứ cấp như fomdlehyd, aldehyd, androcarbon, PAN (peroxyacetil nitrat). Các chất ÔNKK ảnh hưởng không những lên sức khoẻ con người, sự phát triển của động thực vật mà còn ảnh hưởng đến các công trình, đến tầm nhìn và sinh hoạt của cộng đồng. Rộng hơn nữa, mang tính toàn cầu, các chất ÔNKK còn có những tác động đến khí hậu của trái đất.
Ảnh hưởng lên sức khoẻ
Những nghiên cứu dịch tễ học cho thấy một hàm lượng lớn các chất ÔNKK góp phần vào hoặc gây ra các bệnh liên quan đến đường hô hấp. Một nghiên cứu của trường Đại học Harvard cho thấy hàng năm có khoảng 60.000 người chết do các bệnh có liên quan đến ÔNKK dạng hạt bụi. Riêng tại nước Mỹ có tới 28 triệu người mắc các bệnh hô hấp mạn tính vẫn thường xuyên phải tiếp xúc với khói mù độc hại hàng ngày làm cho bệnh của họ càng trở nên trầm trọng hơn. Dưới đây là một số bệnh liên quan đến ÔNKK:
Hen suyễn
Là một dạng kích thích phế quản dẫn tới khó thở nghiêm trọng và là vấn đề y tế công cộng đang nổi cộm hiện nay. Từ 1983 đến 1993, tỷ lệ mắc bệnh này ở Mỹ đã tăng 34% (Theo Viện Y tế quốc gia Mỹ). Các khu vực đô thị, đặc biệt là các khu có nồng độ các chất ÔNKK cao là những khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất. Các chất hạt và SO2 là những chất ÔNKK có liên quan tới mắc hen suyễn.
Viêm phế quản mạn tính
Viêm phế quản mạn tính xảy ra khi trong phế quản có một lượng lớn các chất nhầy được tạo ra, dẫn tới ho kéo dài. Dường như có mối tương quan rất lớn giữa tỷ lệ tử vong do viêm phế quản mạn tính và nồng độ SO2. SO2 có thể gây kích thích mũi họng và phế quản. Việc tiếp xúc nhiều lần với nồng độ cao SO2 có thể làm cho cơ thể tạo ra quá nhiều chất nhầy như là một chất bảo vệ.
Khí phế thũng
Bệnh khí phế thũng đặc trưng bởi việc làm yếu thành các túi phổi và những túi không khí nhỏ bé trong phổi. Khi bệnh phát triển, các túi khí này tăng về kích thước, giảm tính chất đàn hồi của nó và thành các túi này bị phá huỷ. Thở ngắn, thở gấp là dấu hiệu ban đầu của bệnh này. NO2 được xác định là một trong những chất ÔNKK gây ra bệnh khí phế thũng.
Các chất ÔNKK còn gây những ảnh hưởng cấp tính, thậm chí đôi khi dẫn đến tử vong. Ví dụ, các chất hữu cơ bay hơi thường chỉ gây nhiễm độc cấp tính như suy nhược, chóng mặt, say, sưng tấy mắt, co giật, ngạt, viêm phổi, v.v. Hoặc chỉ một lượng CO nhỏ hít vào cơ thể cũng có thể tạo ra lượng cacboxyhemoglobin (COHb) đáng kể và khi 70% hemoglobin trong máu bị chuyển thành COHb có khả năng gây chết người. Hoặc tiếp xúc với khí NO2 ở nồng độ khoảng 5ppm sau một vài phút có thể ảnh hưởng xấu đến bộ máy hô hấp; ở nồng độ 15-50 ppm sau một vài giờ sẽ nguy hiểm cho phổi, tim và gan; ở nồng độ 100 ppm có thể gây tử vong sau một vài phút. Khói quang hoá thường là các chất kích thích, gây ho, đau đầu và các bệnh đường hô hấp.
Những ảnh hưởng khác của ô nhiễm không khí
SO2, CO, NOx và những chất ÔNKK khác không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ con người mà còn ảnh hưởng tới tài sản của chúng ta. Một số chất ÔNKK phá hoại cây trồng, do bao quanh thành phố. Một vài dạng ÔNKK ảnh hưởng trực tiếp tới lá cây, vụ thu hoạch, cây trồng khi những khí này xâm nhập vào lỗ khí khổng trên lá. Việc tiếp xúc kéo dài đối với các chất ÔNKK (NO2, SO2, và ozon) làm phá vỡ lớp bảo vệ bên ngoài, gây ra việc mất nước nghiêm trọng đối với các loại cây và làm cho chúng dễ dàng bị bệnh tật, sâu hại, hạn hán và sương muối tấn công. Hơn nữa, việc lắng đọng acid trong đất đã làm mất đi một số chất dinh dưỡng quan trọng đối với cây trồng như calci và gây ảnh hưởng xấu đối với một số vi sinh vật có ích như các sinh vật phân huỷ. Khói quang hoá có thể làm giảm quá trình sinh trưởng của cây, phá hoại tế bào lá và gây tổn thương nhiều loại cây.
Bảng 4.2. Các đặc trưng của một số chất ÔNKK
Hàng năm, ước tính thiệt hại do các chất ÔNKK gây ra đối với các vật liệu khác nhau tới hàng triệu đô la. Ozon làm cho cao su dễ vỡ và mất đi tính đàn hồi. SO2 làm mất độ bền và làm bề mặt của da và các loại vải sợi tự nhiên khác xấu đi. Các chất ô nhiễm có thể gây ăn mòn, xói mòn, mất màu và làm bẩn đá, kim loại, sơn, giấy và thuỷ tinh. Bảng 4.2 trình bày những tính chất cơ bản của một số chất ÔNKK.
Chất lượng không khí trong nhà /hội chứng bệnh nhà kín
Chất lượng không khí trong nhà
Trên thế giới, vấn đề chất lượng môi trường sống và làm việc đã được quan tâm đến từ những năm 1960. Nhưng đến năm 1973, để tiết kiệm năng lượng do giá dầu lửa tăng nhanh, người ta phải tăng cường các biện pháp như cách nhiệt, làm kín nhà, thay đổi một số giá trị khuyến cáo như lượng không khí trong sạch, cường độ chiếu sáng, nhiệt độ không khí,v.v. Và cũng bắt đầu từ đó, càng ngày càng phát sinh nhiều những lời kêu ca phàn nàn về chất lượng không khí bên trong nhà (Tiếng Anh là Indoor Air Quality - IAQ). ở các nước đang phát triển, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, miền núi, kết cấu nhà ở chủ yếu là kết cấu thoáng hở, chất lượng không khí trong nhà bị ảnh hưởng sâu sắc bởi mức độ ô nhiễm không khí ngoài nhà. Ngoài ra, việc đun nấu, sưởi ấm bằng các loại nhiên liệu hoá thạch như than, dầu, khí đốt hoặc các loại nhiên liệu có gốc thực vật như củi, rơm rạ cũng ảnh hưởng đến chất lượng không khí trong nhà. Chất lượng không khí trong nhà ảnh hưởng đến sức khoẻ con người sống hoặc làm việc trong đó, ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả của công việc và có thể gây những bệnh liên quan đến nhà ở (tiếng Anh là building-related illness - BRI).
Nguồn ô nhiễm không khí trong nhà
Nguồn ô nhiễm không khí trong nhà bao gồm các tác nhân hóa học, các chất ô nhiễm từ bên ngoài vào nhà.
Thông thường là bụi, SO2, NOx, HnCm, CO, O3, Pb, phấn hoa, v.v., từ các nguồn như giao thông, gara ôtô, các ống khói, khói quang hóa v.v. Thông thường, tỷ lệ các chất này giữa trong và ngoài nhà là 0,7-1,3.
Các chất ô nhiễm phát sinh từ các loại vật liệu trong nhà:
Formaldehyd từ nhựa, hồ dán, vải, v.v.
Amiăng từ các lớp cách nhiệt, cách âm.
Bụi sợi từ các lớp cách nhiệt, trần, phin lọc…
Hydrocarbon từ các lớp trải sàn, chất tẩy rửa, sát trùng, sơn…
Bụi vô cơ và hữu cơ từ các loại thảm, giấy dán tường, màn treo…
Các chất ô nhiễm phát sinh bên trong nhà từ các hoạt động của con người.
Khói thuốc lá: CO, nicotin, các sản phẩm hữu cơ, tác nhân gây ung thư…
Các hệ thống sưởi: CO, bụi, HnCm, NOx, hơi nước …
Các loại bếp đun: CO, bụi, NOx, các hợp chất hữu cơ…
Các công việc vệ sinh như làm sạch sàn, thảm: aerosol, các hợp chất hữu cơ.
Các thiết bị như máy photocopy, máy in: O3, bụi.
Các tác nhân sinh học.
Các loại ký sinh trùng, da, lông… của gia cầm và gia súc.
Các loại nấm, mốc, vi khuẩn… từ thảm, nệm, vải ẩm ướt.
Phấn hoa, các loại sâu bọ.
Các tác nhân khác:
Các ion âm -dương từ các máy hút bụi.
Tĩnh điện.
Bức xạ điện từ.
Ngoài ra, các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng không khí trong nhà còn phải kể đến là các yếu tố vi khí hậu (nhiệt độ, độ ẩm, vận tốc gió, bức xạ nhiệt, metabolisme, quần áo), chiếu sáng, tiếng ồn, rung,... và các yếu tố tâm lý như lo lắng, ý thức được tình trạng sức khỏe, mối quan tâm đến công việc, vị trí công tác, mối quan hệ, mức độ tự chủ, không gian làm việc, v.v...
Những ảnh hưởng đến sức khoẻ của ô nhiễm không khí trong nhà
Theo báo cáo của Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới, trên thế giới khoảng 30% các toà nhà mới xây hoặc mới sửa chữa có khả năng phải chịu tỷ lệ cao bất thường những lời kêu ca phàn nàn về chất lượng không khí trong nhà. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) của Mỹ thì hàng năm ở Mỹ có khoảng từ 50 đến 10.000 trường hợp bị mắc bệnh do legionella do vi khuẩn Legionella gây ra thường xuất hiện ở các hệ thống điều hoà không khí và từ 1 đến 27% trường hợp bị bệnh viêm phổi là do vi khuẩn này gây ra, trong đó từ 5 đến 10% trường hợp tử vong rơi vào những người bị suy giảm miễn dịch. Những ảnh hưởng chính đến sức khoẻ bao gồm:
Đau đầu.
Kích thích mắt, mũi, họng.
Tình trạng buồn ngủ, uể oải, thẫn thờ.
Mệt mỏi thần kinh.
Tình trạng hôn mê, ngủ lịm.
Tử vong (do CO, vi khuẩn Legionella).
Hội chứng bệnh nhà kín
Khái niệm về Hội chứng bệnh nhà kín (Sick building syndrome- SBS) được sử dụng để mô tả các trường hợp mà những người sống hoặc làm việc trong những ngôi nhà kín chịu những ảnh hưởng cấp tính đến sức khoẻ, liên quan đến thời gian ở trong toà nhà đó mà không xác định được cụ thể bệnh hoặc nguyên nhân gây bệnh. Phần lớn các triệu chứng của SBS mất đi hoặc giảm nhẹ khi rời khỏi ngôi nhà.
Theo một báo cáo của Hội đồng Môi trường Nhà ở của Anh cho biết chi phí cho Hội chứng bệnh nhà kín tại Vương quốc Anh lên tới khoảng từ 350 đến 650 triệu bảng Anh. Một số nguồn khác lại cho những giả thiết là: tại Thụy Điển, cứ 4 người dân lại có 1 người bị chịu ảnh hưởng ít nhiều của SBS; ở Mỹ, cứ 3 toà nhà thì lại có 1 nhà có khả năng gây SBS. Mặc dù chưa thực sự nổi cộm như các loại bệnh nghề nghiệp gây ra trong sản xuất công nghiệp nhưng rõ ràng SBS đã và đang đặt ra những vấn đề mà các nhà khoa học nghiên cứu về điều kiện lao động và sức khoẻ rất cần đầu tư xem xét.
Nguyên nhân gây ra các triệu chứng này chủ yếu là do các yếu tố ô nhiễm không khí trong nhà đã kể trên, ngoài ra là các yếu tố cá nhân (ví dụ như tiền sử bệnh tật, thói quen hút thuốc lá) và các yếu tố xã hội khác (ví dụ như căng thẳng nghề nghiệp, quan hệ đồng nghiệp, .v.v.).
Các triệu chứng của SBS có thể chia thành năm nhóm như sau:
Các triệu chứng ảnh hưởng đến các tuyến nhầy và hệ hô hấp trên:
Kích thích hoặc khô mắt, mũi, họng.
Ngứa mắt, chảy nước mắt, ngạt mũi.
Ho, hắt hơi, chảy máu cam.
Giọng nói khàn hoặc biến đổi.
Các triệu chứng ảnh hưởng đến hệ hô hấp sâu:
Tức ngực, thở rít.
Hen, thở dốc.
Các triệu chứng ảnh hưởng đến da:
Khô, ngứa da.
Phát ban.
Các triệu chứng ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương:
Mệt mỏi, khó tập trung, buồn ngủ.
Đau đầu.
Choáng váng, chóng mặt, buồn nôn.
Các triệu chứng khó chịu bên ngoài:
Thay đổi vị giác.
Cảm giác mùi khó chịu.
Khói quang hoá
Khói quang hóa được sinh ra trong khí quyển do sự tương tác giữa ánh sáng mặt trời với hydrocarbon và nitơ oxyd. Kết quả là ozon tích tụ lại và sinh ra một số chất ô nhiễm thứ cấp như formaldehyd, aldehyd, PAN (peroxyacetil nitrat). Các chất này thường là các chất kích thích, gây ho, đau đầu và các bệnh đường hô hấp. Chúng làm giảm quá trình sinh trưởng của cây, phá hoại tế bào lá và gây tổn thương nhiều loại cây.
Xem tiếp: Ô nhiễm không khí (P3)
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh