ĐẠI CƯƠNG
Viêm bao hoạt dịch là tình trạng túi hoạt dịch đệm giữa các xương, dây chằng và cơ gần khớp xương bị viêm. Viêm bao hoạt dịch thường xảy ra gần khớp thực hiện các chuyển động lặp đi lặp lại thường xuyên như khuỷu tay, vai, hông, đầu gối, gót chân. Về điều trị viêm bao hoạt dịch có thể dùng một số thuốc chống viêm, giảm đau, vật lý trị liệu, phẫu thuật (khi cần thiết).
Gần đây phương pháp điều trị viêm bao hoạt dịch không do nhiễm khuẩn bằng thuốc phóng xạ đã mở ra triển vọng đối với những người bệnh sau một thời gian dài áp dụng các phương pháp điều trị khác nhau không có kết quả. Kỹ thuật này được gọi là “cắt” bao hoạt dịch bằng bức xạ (Radiation Synovectomy). Kết quả điều trị tùy thuộc vào giai đoạn bệnh, độ dày bao hoạt dịch và sự phá huỷ của xương. Với các bệnh nhân khớp không có phá huỷ xương nghiêm trọng, phương pháp “cắt” bao hoạt dịch bằng bức xạ có thể cải thiện 70 - 80% các trường hợp, gần tương tự như kết quả điều trị bằng ngoại khoa.
NGUYÊN NHÂN
Viêm bao hoạt dịch có thể do nhiễm khuẩn hoặc không do nhiễm khuẩn và do các chấn thương hay các chuyển động thường xuyên tác động lên túi hoạt dịch trong một thời gian dài gây viêm.
CHẨN ĐOÁN
Lâm sàng
Sưng, đỏ và đau khớp.
Sốt khi viêm do nhiễm khuẩn.
Hạn chế vận động.
Cận lâm sàng
Xét nghiệm máu hoặc phân tích chất lỏng từ dịch viêm để xác định nguyên nhân gây viêm và đau khớp.
Chụp X quang, CT khớp thẳng và nghiêng:
Cho các thông tin về tình trạng xương, khớp.
Siêu âm khớp:
Đánh giá về khe khớp, cấu trúc bao hoạt dịch, độ dày và mức độ tràn dịch của khớp.
Xạ hình xương với 99mTc-MDP.
Pha sớm (sau 10 phút): đánh giá tình trạng khớp viêm.
Pha muộn (sau 3 giờ): phát hiện tổn thương xương vùng khớp viêm.
Chụp cộng hưởng từ: cho những thông tin về tình trạng khớp, xương, phần mềm giúp loại trừ các bệnh lý xương khớp khác.
ĐIỀU TRỊ VIÊM BAO HOẠT DỊCH BẰNG 90Y
Nguyên tắc chung
Sau khi tiêm thuốc phóng xạ Yttrium - 90 (90Y) vào nội khớp, thuốc phóng xạ xâm nhập vào màng hoạt dịch và phân bố bên trong bề mặt của bao hoạt dịch, bức xạ bêta với mức năng lượng phù hợp có tác dụng tại chỗ gây viêm tắc các vi mạch cấp máu cho màng hoạt dịch làm giảm xung huyết và xơ hóa, phá hủy dịch viêm nhưng không ảnh hưởng đến sụn khớp.
Chỉ định
90-Y dạng keo thường được chỉ định cho các khớp có kích thước lớn (khớp gối)
Viêm đa khớp dạng thấp.
Các bệnh viêm khớp mạn không do nhiễm khuẩn và lao.
Tràn dịch khớp tái phát (sau nội soi khớp).
Tràn dịch bao hoạt dịch kéo dài (khớp gối giả).
Viêm bao hoạt dịch thể lông, nốt sắc tố.
Bệnh khớp ưa chảy máu (biến chứng của bệnh Hemophily).
Chống chỉ định
Người bệnh có thai hoặc đang cho con bú.
Các bệnh viêm khớp mạn do nhiễm khuẩn và lao.
U nang bao hoạt dịch (kén Beker).
Cứng khớp.
Các bước tiến hành
Chuẩn bị người bệnh
Người bệnh và gia đình người bệnh được giải thích kỹ về bệnh, quy trình điều trị, tiên lượng, phương pháp và thời gian điều trị.
Ngườ ibệnh, gia đình người bệnh ký giấy cam kết chấp nhận tiêm thuốc phóng xạ điều trị.
Thuốc phóng xạ và liều dùng
Thuốc phóng xạ Yttrium - 90 (90Y) dạng dung dịch keo (colloid) tiêm nội khớp, có thời gian bán hủy vật lý 64 giờ, phát tia bêta với mức năng lượng cực đại (Emax) 2,23 MeV, đường đi trung bình trong mô mềm 3,4mm, tối đa 11,0 mm.
Liều dùng tùy theo tuổi, liều tiêm 01 lần cho 01 khớp như sau:
Người lớn: 5-7,5 mCi (185-277,5 MBq).
Trẻ 6 tuổi liều dùng là 1,5-2,5 mCi (60 -92,5 MBq), 1/3 liều người lớn.
Trẻ 6 -10 tuổi: 2,5-3,75 mCi (92 -138,75 MBq), 1/2 liều người lớn.
Từ 10 -16 tuổi: 3,5-5,5 mCi (138-203,5 MBq), 2/3 liều người lớn.
Quy trình thực hiện
Bước 1: Sát khuẩn. Tiêm thuốc gây tê lidocain hoặc xylocain. Dùng kim số 19 hoặc 21 tiêm nội khớp, hút dịch hoặc máu và để lại dịch đủ để trộn lẫn 90Y. Tiêm thuốc phóng xạ. Vận động khớp để phân bố tốt thuốc phóng xạ.
Bước 2: Rút kim (khi rút kim phải khóa van ba chiều để tránh viêm xung quanh và thoát mạch). Dán băng vô khuẩn và nẹp. Đặt túi đá trên khớp gối. Bất động khớp ít nhất 48 - 72 giờ để giảm nguy cơ rò. Theo dõi yếu tố VIII trong 48 giờ.
Đánh giá kết quả điều trị
Kết quả điều trị được đánh giá qua các chỉ số:
Triệu chứng đau bằng thang điểm VAS.
Đo chu vi khớp.
Khả năng đi lại và vận động.
Xạ hình xương với 99mTc-MDP.
Chụp X quang, siêu âm khớp, chụp MRI.
Biến chứng và xử trí
Chảy máu: dùng thuốc cầm máu.
Nhiễm trùng: dùng thuốc kháng sinh, chống viêm.
Viêm sưng đau khớp do bức xạ: dùng các thuốc chống viêm, giảm đau.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Mai Trọng Khoa. (2012). Y học hạt nhân. Sách dùng cho sau đại học. Nhà xuất bản Y học.
Clunie G., Fischer M. (2003). EANM procedure guidelines for radiosynovectomy. Eur J Nucl Med 30.
Ell P.J., S.S. Gambir. (2004). Nuclear Medicine in Clinical Diagnosis and Treatment. Churchill Livingstone.
Hans. Jyrgen Biersack Leonard. M. Freeman. (2007). Clinical Nuclear Medicine; Springer - Verlag Berlin Heidelberg.
Modder G., Langer H. E. (2006). Evidence of the efficacy of radiation synovectomy with yttrium-90. Arthritis Rheum.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh