✴️ Cảnh giác nếu đau bụng vùng thượng vị

Nội dung

Đau bụng vùng thượng vị là gì?

Đau bụng vùng thượng vị là đau vùng bụng ở khoảng trên rốn và dưới mũi xương ức. Cơn đau thượng vị thường âm ỉ, thỉnh thoảng mới xuất hiện, đau ngay sau khi ăn hoặc khi nằm xuống sau khi ăn. Một số người lại có cơn đau quằn quại, có khi đau nhói ra phía sau lưng, nếu để lâu sẽ có biến chứng nặng hơn, rất nguy hiểm.

 

Nguyên nhân gây đau bụng vùng thượng vị

Đau bụng vùng thượng vị là triệu chứng của nhiều bệnh như:

  • Đau dạ dày: cơn đau dạ dày cấp tính thường có đặc điểm: đau quằn quại, đau nhói, bụng chướng, đôi khi làm cho người bệnh vã mồ hôi, miệng khô, buồn nôn hoặc nôn…
  • Viêm dạ dày – tá tràng mạn tính hoặc loét dạ dày – tá tràng hoặc hẹp môn vị thì cơn đau thường âm ỉ, kéo dài gây khó chịu cho người bệnh, làm cho người bệnh hay cáu gắt, bộ mặt lúc nào cũng buồn chán (bộ mặt của người viêm loét dạ dày – tá tràng mạn tính).

Loét dạ dày – tá tràng gây ra các cơn đau thượng vị âm ỉ, kéo dài

  • Viêm ruột thừa: trong một số trường hợp đặc biệt, nhất là trẻ em thì sau khi đau ở thượng vị mới khu trú đau ở vùng hố chậu phải.
  • Thủng dạ dày: cơn đau như dao đâm, bụng cứng như khúc gỗ, dáng đi của người bệnh cúi lom khom và bệnh nhân có thể bị choáng.
  • Bệnh của gan hay bệnh của mật (đường dẫn mật, túi mật) cũng gây nên triệu chứng đau thượng vị như áp-xe gan, viêm gan làm cho gan sưng to, đau hoặc suy tim cũng làm gan sưng to do ứ máu ở gan cũng gây đau vùng thượng vị. Sỏi túi mật hoặc sỏi đường dẫn mật hoặc viêm đường mật cũng gây nên đau vùng thượng vị nếu không có kinh nghiệm thì rất dễ chẩn đoán nhầm là bệnh của dạ dày – tá tràng.
  • Giun chui ống mật: bệnh nhân thường đau thượng vị rất dữ dội, vã mồ hôi…
  • Viêm tụy cấp: đôi khi đau thượng vị âm ỉ gặp trong viêm tụy cấp hoặc mạn tính, ung thư đầu tụy.
  • Viêm đại tràng cấp hoặc mạn tính cũng có thể gây đau thượng vị kèm theo đầy hơi trướng bụng, đi ngoài nhiều lần nhất là viêm đại tràng cấp tính. Trong một số trường hợp viêm đại tràng mạn tính có kèm theo táo bón kéo dài thường có thể có đau vùng thượng vị một cách âm ỉ, không rầm rộ.
  • Bệnh về tim mạch tuy rất ít nhưng cũng có thể biểu hiện cơn đau vùng thượng vị như bệnh mạch vành (thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim), suy tim nặng gây gan to, tim to…
  • Ho nhiều: cũng gây đau vùng thượng vị hoặc trong bệnh áp-xe cơ hoành cũng gây nên đau vùng thượng vị.

Khi có các cơn đau thượng vị kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng bất thường kể trên, nên đến các cơ sở y tế uy tín để xác định nguyên nhân, điều trị kịp thời sẽ tránh được những biến chứng.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top