Sán lá gan nhỏ Clonorchis sinensis (C.sinensis) là loài sán lá có kích thước nhỏ, kí sinh ở đường mật trong gan.
Bệnh phân bố chủ yếu ở châu Á: Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Đài Loan, Lào, Campuchia, Việt Nam… Theo ước tính trên thế giới có khoảng 19 triệu người mắc bệnh này (WHO, 1995).
Ở Việt Nam, bệnh phân bố chủ yếu ở vùng đồng bằng Bắc Bộ: Ninh Bình,
Nam Định, Hà Nam, Thái Bình, Hải Dương, Hải Phòng…
ĐẶC ĐIỂM HÌNH THỂ
Sán trưởng thành:
Dài, dẹp, phần sau thân hơi tròn, màu trắng đục, kích thước 10 - 25 ´ 3 - 5 mm, cơ thể không có gai phủ, giác miệng lớn hơn giác bụng (Hình 11.1).
Hình 11.1: Sán C.sinesis trưởng thành
Có hai đặc điểm đáng chú ý về mặt hình thể:
Tinh hoàn có chia nhánh, nằm phía sau buồng trứng, cái nọ sau cái kia.
Tử cung ngoằn ngoèo, nằm ở phần giữa thân có những hạt sắc tố.
Trứng sán lá gan nhỏ:
Màu vàng nâu, hình trái xoan. Phía sau tròn, bầu, có một gai nhọn. Phía trước có nắp, hơi thót, có vết nổi rõ, đường vòng của nắp không theo đường vòng của trứng. Kích thước 28 - 35 x 12 - 19 µm, trung bình 29 x 16 µm. Đây là loại trứng nhỏ nhất trong số các loại trứng giun sán kí sinh.
Đặc điểm sinh học
Sán trưởng thành kí sinh ở đường dẫn
mật trong gan, đẻ trứng, trung bình 2.400 trứng/ngày
Hình 11.2: Trứng C.sinensis.
Hình 11.3: Vòng đời sinh học của sán lá gan nhỏ C. sinensis.
Trứng theo ống dẫn mật vào ruột, theo phân ra ngoài. Sau khi rơi vào nước, trứng phát triển thành ấu trùng lông ở bên trong. Ấu trùng lông không nở ra ở trong nước, chỉ nở ra ấu trùng lông trong cơ thể ốc, sau khi ốc nuốt trứng. Các loài ốc là vật chủ phụ 1 của sán lá gan nhỏ: Melanoides tuberculatus, Bythinia, Bulimus, Barafossarulus, Alocinma…
Trong cơ thể ốc, ấu trùng lông (miracidium) phát triển qua giai đoạn nang bào tử (sporocyst), qua hai giai đoạn rê-đi, hình thành ấu trùng đuôi (cercaria).
Ấu trùng đuôi có mắt, đuôi dài, rời khỏi ốc, bơi lội tự do trong nước, chui vào kí sinh ở cơ của vật chủ phụ 2: là cá nước ngọt, thuộc họ cá chép (Cyprinidae): chép , mè, trắm, trôi… có thể ở vài loại tôm nước ngọt. Khi ấu trùng đuôi vào cá, sẽ mất đuôi phát triển thành nang ấu trùng (metacercaria) ở dưới lớp vẩy hoặc nằm ở trong da, cơ của cá. Mật độ nang ấu trùng ở cơ lưng, ở gần vây và đuôi cá nhiều hơn.
Người hoặc các vật chủ chính khác (chó, mèo…) ăn cá sống hoặc chưa nấu chín, có nang ấu trùng; khi đến tá tràng, ấu trùng thoát nang; sau 15 giờ ấu trùng đi ngược lên đường dẫn mật, hoặc đường dẫn tụy; sau 1 tháng phát triển thành sán trưởng thành và kí sinh ở đó.
Trong cơ thể người sán sống được: 15 - 25 năm.
VAI TRÒ Y HỌC
Tại nơi kí sinh ở ống mật, ống tụy, sán lá gây phản ứng viêm, tăng sinh tổ chức liên kết và có thể dẫn đến xơ chai. Thành ống mật, ống tụy dày lên, có thể gây tắc hoặc gây ung thư.
Khi người bị nhiễm sán lá gan nhỏ C.sinensis, xuất hiện các triệu chứng lâm sàng nặng nhẹ phụ thuộc vào số lượng của kí sinh trùng và sự nhiễm trùng thứ phát.
Trường hợp nhiễm ít sán: bệnh tiến triển thầm lặng, ít hoặc không có biểu hiện lâm sàng.
Trường hợp nhiễm nhiều sán (khoảng 100 sán trở lên): triệu chứng lâm sàng rõ. Trên thực tế, số lượng sán trong đường dẫn mật có thể hàng trăm hoặc hàng nghìn sán. Vị trí kí sinh thường gặp ở đường dẫn mật, gặp ở đường dẫn tụy ít hơn, hoặc có thể vừa kí sinh ở đường mật vừa kí sinh ở đường tụy.
Biểu hiện lâm sàng đa dạng, thường có những triệu chứng không đặc trưng: người mệt mỏi, kém ăn, đau vùng rốn, đi lỏng, táo xen kẽ, có thể có biểu hiện dị ứng, nổi mề đay, lên cơn hen… bạch cầu ái toan tăng cao: 15 - 25%.
Triệu chứng thường gặp: viêm túi mật, viêm đường dẫn mật mạn tính: vàng da, chảy máu cam, đau vùng gan, đầy bụng, đi lỏng, gan sưng to…
Nếu sán kí sinh ở đường dẫn tụy, có biểu hiện viêm tụy cấp hoặc mạn…
Nếu sán lá kí sinh ở cả đường mật và đường tụy biểu hiện bệnh phức tạp đa dạng, có thể xơ gan, suy mòn, cổ trướng…
Bệnh nhân thường không chết vì sán lá gan nhỏ, mà chết vì nhiễm trùng, do sức đề kháng cơ thể giảm sút.
CHẨN ĐOÁN
Thường dựa vào các yếu tố sau:
Lâm sàng:
Tuy có nhiều biểu hiện lâm sàng khá rõ nhưng không đặc hiệu.
Kí sinh trùng học:
Đây là chẩn đoán có tính chất quyết định, xét nghiệm phân hoặc dịch tá tràng, dịch mật tìm trứng. Thường sử dụng phương pháp soi tươi hoặc làm lắng bằng cốc nhọn đáy. Có thể áp dụng kĩ thuật đãi phân sau khi uống thuốc điều trị tìm sán lá gan nhỏ để định loại sán.
Miễn dịch học:
Các phản ứng ứng miễn dịch với kháng nguyên C.sinensis như miễn dịch huỳnh quang, ELISA có tính đặc hiệu cao.
Dịch tễ học:
Xác định các yếu tố dịch tễ học có vai trò rất quan trọng, như ở vùng dịch tễ sán lá gan nhỏ lưu hành, có thói quen ăn gỏi cá.
ĐIỀU TRỊ
Cloroquin diphosphate: là thuốc trước đây thường dùng, mỗi ngày uống 0,5g, trong 4 tuần hoặc 1g uống trong 3 ngày, tiếp đó 0,5g trong 20 ngày liền.
Hexachloroparaxylol (HPX, hoặc cloxyl): uống liều 50mg/kg thể trọng 1 ngày, uống liền hoặc cách ngày với sữa vào các bữa ăn, một đợt điều trị kéo dài 5 - 12 ngày.
Bithionol: 30 - 50mg/kg thể trọng 1 ngày, uống cách nhật kéo dài 2 - 3 tuần.
Praziquantel: 75mg/kg thể trọng, chia ba lần trong ngày uống 1 - 2 ngày.
DỊCH TỄ HỌC
Bệnh sán lá gan nhỏ C.sinensis được phát hiện lần đầu tiên ở Trung Quốc. Hiện nay có khoảng 5 triệu người Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam mắc bệnh này. Ở những tỉnh phía Nam Trung Quốc, đặc biệt ở Quảng Đông, có những vùng nhỏ tỉ lệ nhiễm rất cao, có nơi mèo nhiễm tới 80%, chó nhiễm 44,2%. Tỉ lệ nhiễm trên người thay đổi từ 12 - 40%. Những tỉnh phía Bắc có tỉ lệ nhiễm thấp hơn. Ngoài Trung Quốc, những nước thuộc vùng Viễn Đông thường có tỉ lệ nhiễm cao hơn các nước khác. Ở Lào, tỉ lệ nhiễm trước kia chiếm từ 15 - 22% (Bedier và Chesneau).
Ở Nhật Bản, quận Okeyama có tỉ lệ nhiễm cao nhất 67% (Katsurada).
Ở Bắc Mĩ và ở Nam Mĩ hoàn toàn không có những ốc vật chủ trung gian, chủ yếu. Tuy nhiên một số nước cũng có bệnh nhân sán lá gan nhỏ nhưng đa số bệnh nhân là những người Viễn Đông tới, hoặc đã qua thời gian cư trú ở Viễn Đông.
Ở Việt Nam, theo Mathis, Leger (1911): tỉ lệ nhiễm sán lá gan nhỏ ở miền Bắc: 50%, có người bị nhiễm 21.000 sán (Sambuc và Beaujean, 1913), có 33% mèo và 11% chó điều tra ở Hà Nội bị nhiễm sán lá gan nhỏ (Houdener,1934). Kết quả điều tra gần đây cho thấy bệnh do C.sinensis xảy ra ít nhất ở 12 tỉnh miền Bắc. Tỉ lệ nhiễm bệnh sán lá gan nhỏ thường theo địa phương và thời điểm điều tra. Tỉ lệ nhiễm trung bình ở 12 tỉnh đồng bằng Bắc Bộ là 17,23%. Đặc biệt tại một số địa phương có tập quán ăn cá gỏi như một số huyện của Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam, Thái Bình, Hải Phòng…
Nguồn bệnh:
Là người, chó, mèo. Bệnh sán lá gan nhỏ là bệnh có ổ bệnh thiên nhiên.
Mầm bệnh:
Nang ấu trùng sán lá gan nhỏ đến giai đoạn lây nhiễm (ở vật chủ phụ 2).
Đường lây:
Là đường tiêu hoá, do ăn cá sống, cá chưa nấu chín kĩ, cá hun khói. Tập quán ăn gỏi cá, nuôi cá bằng phân người, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu hành bệnh.
PHÒNG BỆNH
Không ăn gỏi cá, cá chưa nấu chín kĩ, phòng bệnh tận gốc: cần điều trị triệt để cho người bệnh, quản lí nguồn phân, không nuôi cá bằng phân người, bảo vệ nguồn nước, vệ sinh ăn uống.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh