✴️ Phù não: Tổng quan và cách phòng ngừa

Phù não có thể xảy ra ở những vị trí đặc biệt ở não hay phù toàn bộ não, phụ thuộc vào nguyên nhân gây phù. Não bị phù sẽ làm gia tăng áp lực bên trong hộp sọ.

Phù não có thể hạn chế việc cung cấp máu cho não. Máu mang oxy đến não cần đủ và liên tục. Áp lực gia tăng này có thể chèn ép mạch máu nuôi não, làm máu không tới được các phần của não, hạn chế nguồn cung cấp oxy cho các tế bào não. Việc thiếu oxy trong não có thể làm tổn thương các tế bào não hoặc thâm chí gây chết tế bào não.

Ngoài tăng áp lực nội sọ, phù não còn có thể làm tắc các đường dẫn dịch não tủy (dịch não tủy là loại dịch trong, do mạch máu ở các não thất tạo ra, có nhiệm vụ nuôi dưỡng và bảo vệ các tế bào thần kinh trong não), làm cho tình trạng phù ngày càng tồi tệ hơn.

Áp lực nội sọ có thể ảnh hưởng đến một vùng hoặc toàn bộ não tùy thuộc vào nguyên nhân cơ bản gây nên phù não. Phù não có thể gây ra tổn thương không thể phục hồi và trong một số trường hợp có thể gây tử vong.

     phù não

Triệu chứng của phù não

Các triệu chứng của phù não có thể chồng lấp với nhiều bệnh thần kinh khác, làm cho việc chẩn đoán khó khăn trong một vài trường hợp. Thông thường, các triệu chứng của phù não xuất hiện đột ngột. Các triệu chứng phù não có thể bao gồm:

  • Đau đầu, cổ;
  • Buồn nôn hoặc nôn;
  • Chóng mặt;
  • Mất trí nhớ, ý thức;
  • Khó nói, khó di chuyển;
  • Co giật;
  • Mất thị lực.

Các triệu chứng sẽ thay đổi tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và nguyên nhân cơ bản của phù não.

Nguyên nhân

     Tăng áp lực nội sọ liên quan đến phù não có thể do một loạt các nguyên nhân khác nhau, bao gồm:

  • Chấn thương sọ não: Là một chấn thương cấp tính, chẳng hạn như do ngã hoặc tai nạn xe cộ.
  • Đột quỵ thiếu máu cục bộ: Xảy ra khi huyết khối trong mạch máu não hạn chế lưu lượng oxy đến não. Thiếu oxy có thể làm tổn thương các tế bào não và gây phù và tăng áp lực.
  • Khối u não: Một khối u não có thể chèn ép vào các khu vực khác của não. Một vài khối u của não nằm gần các lỗ thoát dịch não tủy, khi phát triển to ra sẽ che lấp các lỗ này gây tăng áp lực nội sọ.
  • Nhiễm trùng: Nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc virus có thể gây phù trong não. Ví dụ viêm não là một bệnh nhiễm trùng gây viêm trong não và kết quả là áp lực nội sọ tăng cao.
  • Xuất huyết não: Xuất huyết não xảy ra khi mạch máu trong não bị vỡ xuất huyết gây ra viêm và tăng áp lực nội sọ.
  • Độ cao: Phù não cũng có thể xảy ra trên độ cao khoảng 4.000 mét.
  • Các nguyên nhân khác: Lạm dụng các chất kích thích, ngộ độc khí CO, nhiễm độc từ vết cắn của một vài loại động vật, bò sát hay các động vật dưới nước có độc,…

​      phù não

Hình ảnh chấn thương sọ não trên phim CT-Scans

Chẩn đoán

Chẩn đoán phù não có thể khó khăn do có nhiều nguyên nhân tiềm ẩn và các triệu chứng có thể thay đổi liên tục. Để chẩn đoán xác định và chẩn đoán nguyên nhân cần kết hợp thăm khám và một số kỹ thuật cận lâm sàng khác như:

  • Khám thực thể đầu và cổ, thần kinh.
  • Chụp CT hoặc MRI sọ não.
  • Xét nghiệm máu.

Điều trị

Lựa chọn phương pháp tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và nguyên nhân cơ bản của tăng áp lực nội sọ. Các phương pháp bao gồm:

  • Liệu pháp oxy: bằng cách cung cấp oxy cho bệnh nhân thông qua máy thở hoặc các phương tiện giúp thở khác để đảm bảo máu giàu oxy được đưa lên não.
  • Thuốc: Thuốc để giảm sưng phù hoặc tan huyết khôi.
  • Phẫu thuật: Trong trường hợp nặng, phẫu thuật mở hộp sọ có thể cần thiết để giảm áp lực nội sọ. Cắt thông liên thất là một thủ thuật có thể dẫn lưu dịch  và giảm áp lực nội sọ.
  • Hạ thân nhiệt: Hình thức trị liệu này bao gồm hạ nhiệt độ cơ thể, có thể làm giảm sưng trong não.
  • Liệu pháp thẩm thấu: Liệu pháp thẩm thấu bao gồm sử dụng thuốc để kéo dịch khỏi não để giúp tăng lưu lượng máu đến não và giảm áp lực nội sọ.

Phòng ngừa

Để phòng bệnh phù não, có thể áp dụng một số phương pháp dưới đây:

  • Sử dụng mũ bảo hiểm khi đi đi xe đạp, xe máy, chơi các môn thể thao hay tham gia các hoạt động có khả năng té ngã và chấn thương đầu
  • Điều trị và kiểm soát tốt huyết áp và các bệnh tim mạch hiện có
  • Ngưng hút thuốc
  • Để cho cơ thể có đủ thời gian để thích nghi và tự điều chỉnh khi di chuyển giữa các vùng địa lý có độ cao chênh lệch lớn.​

Tổng kết

Các hội chứng, bệnh lý ở não có thể có những hậu quả nghiêm trọng và hầu như không thể phục hồi. Tiên lượng điều trị có thể phụ thuộc vào vị trí và mức độ của phù, cũng như tình trạng sức khỏe, sự đáp ứng điều trị của người bệnh.

Vì vậy, khi được chẩn đoán phù não, cần phải có những điều trị y tế ngay lập tức và phù hợp để giảm thiểu nguy cơ biến chứng.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top