Bệnh lao lây truyền như thế nào?
Khi một người bị lao phổi chưa được điều trị hoặc điều trị không đúng cách, ho khạc, hắt hơi ra vi khuẩn lao trong không khí, người lành hít phải sẽ bị nhiễm lao. Nếu cơ thể khỏe mạnh, hệ miễn dịch sẽ ngăn vi khuẩn lao sinh sôi nảy nở, chúng sẽ không hoạt động và tồn tại vô hại trong cơ thể. Nhiễm lao sẽ trở thành bệnh lao khi hệ miễn dịch không thể ngăn vi khuẩn sinh sôi nảy nở.
Bệnh lao lây truyền qua đường hô hấp khi người bệnh ho, hắt hơi…
Người nhà bệnh nhân lao là một trong những đối tượng có khả năng mắc bệnh lao cao hơn các đối tượng khác vì phải thường xuyên tiếp xúc với người bệnh. Chính vì thế để bảo vệ bản thân và những người xung quanh cần có cách phòng bệnh lao hiệu quả.
Cách phòng bệnh lao
Thực tế cho thấy, những người đang tiếp xúc gần gũi (sống cùng hoặc làm việc cùng) với những người bị bệnh lao thì có nguy cơ cao mắc bệnh. Người nghiện rượu, sử dụng các thuốc bất hợp pháp và các chất gây mê, những người có cân nặng thấp hơn 10% so với mức cân chuẩn cũng có nguy cơ bị bệnh.
Mặc dù đây là một bệnh truyền nhiễm nhưng vẫn có thể dự phòng bệnh bằng những cách sau đây:
Tránh tiếp xúc gần với người bệnh
Tránh tiếp xúc gần với những người bị bệnh lao. Nên cách ly với người bệnh ngay khi được phát hiện mắc bệnh lao ít nhất 2 tuần (tính từ khi dùng thuốc chống lao đúng theo phác đồ). Người bệnh phải đeo khẩu trang, khi ho, hắt hơi phải che miệng, khạc đờm vào chỗ quy định.
Nếu bạn không thể tránh tiếp xúc với người bệnh lao, bạn hãy đeo khẩu trang và găng tay bảo vệ. Nếu bạn làm ở bệnh viện, hãy đeo khẩu trang chất lượng tốt. Rửa tay với chất sát trùng sau khi tiếp xúc với bệnh nhân. Tránh những nơi đông đúc, ngột ngạt và thiếu vệ sinh.
Cần đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh lao hoặc ra những nơi đông người nhằm phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh
Tăng cường khả năng miễn dịch
Tăng cường khả năng miễn dịch bằng cách duy trì chế độ ăn giàu chất chống oxy hóa. Ăn ít nhất 4-5 khẩu phần rau xanh và hoa quả mỗi ngày. Các chất chống oxy hóa giúp chống lại các gốc tự do sản sinh trong tế bào do bệnh tật, căng thẳng và giúp tái tạo tế bào.
Duy trì bữa ăn giàu dinh dưỡng
Cần đảm bảo nhận được đầy đủ các chất dinh dưỡng, các chất chống oxy hóa/vitamin qua khẩu phần ăn hàng ngày. Các nhóm dinh dưỡng gồm carbohydrat, protein, vitamin và chất béo đều có vai trò trong việc duy trì hệ miễn dịch của cơ thể.
Tạo thói quen tập thể dục thường xuyên
Hãy tập luyện hàng ngày. Bạn có thể đi bộ thường xuyên ít nhất 45 phút mỗi ngày. Tập luyện sẽ cải thiện tuần hoàn máu và cải thiện hệ miễn dịch. Bạn cũng có thể áp dụng phương pháp ngồi thiền mỗi ngày. Cách này giúp bạn giảm căng thẳng hàng ngày và tăng cường hệ miễn dịch.
Luôn giữ vệ sinh sạch sẽ
Giữ gìn vệ sinh tốt ở bất cứ nơi nào bạn đến. Rửa tay với xà phòng khử trùng thường là một thói quen rất có lợi. Khi phải tiếp xúc nhiều với người bệnh, bạn càng không thể bỏ qua thói quen đơn giản này.
Tiêm vắc xin phòng ngừa
Tiêm vắc xin cũng là biện pháp phòng bệnh lao hiệu quả mà cha mẹ nên áp dụng cho trẻ
Phòng bệnh hơn chữa bệnh, nên ngay từ khi còn nhỏ, bạn nên đưa trẻ đi tiêm vắc xin để phòng bệnh lao. Cách này sẽ đảm bảo phát triển các kháng thể chống lại vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis và do vậy làm giảm nguy cơ mắc bệnh lao.
Ngủ đủ giấc hàng ngày, tránh xa căng thẳng
Mất ngủ không phải là chuyện hiếm gặp trong cuộc sống tuy nhiên việc ngủ đủ giấc là rất quan trọng để duy trì sức khỏe và ngăn ngừa bệnh tật. Hãy tránh xa những thực phẩm cản trở giấc ngủ, đồng thời cố gắng ăn những thực phẩm giúp phục hồi chu kì thức ngủ.
Bạn có thể không nhận thức được rằng stress làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh trong đó có bệnh lao. Do vậy, một trong những cách phòng bệnh lao là nên tránh xa mọi căng thẳng.
Khám sức khỏe định kỳ
Việc thường xuyên thăm khám và kiểm tra sức khỏe đều đặn là việc làm vô cùng cần thiết giúp bạn phát hiện sớm những bệnh lý tiềm ẩn trong cơ thể để kịp thời điều trị, tránh lây lan bệnh ra cộng đồng.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh