5 sai lầm của phụ huynh khiến bệnh tay chân miệng lâu khỏi

Nội dung

Bệnh tay chân miệng sẽ sớm khỏi và không để lại biến chứng gì nếu trẻ được chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều cha mẹ lại mắc khá nhiều sai lầm khi chăm sóc con bị tay chân miệng. Điều này vô tình khiến bệnh của con trở nặng hơn. Cụ thể:

 

Nhầm lẫn giữa bệnh tay chân miệng với thủy đậu, nhiệt miệng

Những điểm giống nhau trên lâm sàng đôi khi làm nhiều cha mẹ nhầm lẫn giữa bệnh tay chân miệng với thủy đậu hay nhiệt miệng. Sự nhầm lẫn có thể dẫn tới việc điều trị muộn hoặc sai.

Phụ huynh có thể phân biệt nhanh bệnh tay chân miệng với thủy đậu thông qua nốt mụn nước trên cơ thể:

  • Tay chân miệng: Mụn nước vòm dày, không gây đau ngứa, xuất hiện ở vị trí đặc hiệu như tay, chân, miệng, gối…
  • Thủy đậu: Nốt ban đỏ và sần sau chuyển thành mụn nước vòm mỏng, lõm giữa và khô thành những nốt có vảy. Các nốt này gây đau ngứa và có thể xuất hiện ở bất cứ vị trí nào.

Còn để phân biệt tay chân miệng với nhiệt miệng thì phụ huynh có thể thấy, nhiệt miệng chỉ gây tổn thương tại miệng, không sốt. Trong khi đó, tay chân miệng vừa gây loét miệng và các vị trí khác trên da, đồng thời gây sốt.

Ngoài ra, dựa vào thời điểm bùng dịch, tuổi mắc bệnh,… mà phụ huynh cũng có thể dễ dàng phân biệt các bệnh này.

 

Quấn kín và không tắm rửa cho trẻ

Một số phụ huynh quan niệm rằng, trẻ bị tay chân miệng thì nên ủ trẻ và hạn chế tắm rửa để các nốt ban phát ra càng nhiều và mau lành hơn. Tuy nhiên, đây là quan niệm hoàn toàn sai bởi việc quấn trẻ quá kỹ sẽ khiến da của các con bị nhiễm trùng, dễ để lại sẹo. Cách làm đúng là tắm, lau rửa sạch sẽ các thương tổn bằng nước ấm, mặc đồ thoáng mát sẽ giúp các nốt ban mau lành và tránh bị sẹo.

 

Sử dụng kháng sinh quá sớm

Nhiều cha mẹ bị “nghiện” kháng sinh, cứ thấy con bị viêm nhiễm, lở loét là cho uống. Điều này không đúng vì dùng sai thuốc vừa gây kháng thuốc, loạn khuẩn, rối loạn tiêu hóa lại không “đánh” đúng bệnh. Tay chân miệng là bệnh do virus, việc uống kháng sinh hoàn toàn không thể trị bệnh. Việc cần làm là cha mẹ cần tăng cường miễn dịch cho trẻ để tự cơ thể bé chống lại virus. Còn việc khi nào nên dùng kháng sinh, bác sĩ khuyến cáo chỉ cho trẻ uống thuốc khi có bội nhiễm.

 

Điều trị cho bé quá muộn

Trẻ bị bệnh tay chân miệng điển hình sẽ có biểu hiện loét miệng kèm nổi ban đỏ/ mụn nước ở lòng bàn tay, bàn chân. Tuy nhiên, khi phát bệnh, có những trẻ chỉ có biểu hiện nổi mẩn ngoài da hoặc loét miệng đơn thuần, đặc biệt nếu chỉ nổi ban ở mông sẽ rất dễ nhầm lẫn với hăm tã. Nhiều cha mẹ cứ chờ cho con đủ các dấu hiệu ở tay, chân, miệng mới khẳng định đó là bệnh và bắt đầu điều trị là không đúng vì như vậy là quá muộn.

 

Chỉ điều trị triệu chứng bên ngoài

Khi con bị bệnh, phụ huynh thường chỉ chú ý các tổn thương ngoài da rồi bôi thuốc lên chứ chưa chú ý tăng đề kháng để bảo vệ con từ bên trong. Hệ miễn dịch của trẻ vốn còn non nớt và chưa hoàn thiện nên có thể mắc bệnh với tần suất nhiều hơn người lớn. Vì vậy, cha mẹ cần chủ động tăng cường hệ miễn dịch cho con hằng ngày, nhất là thời điểm dịch đang bùng phát, ngay cả khi con chưa mắc bệnh. Điều này giúp cơ thể của con tăng khả năng chống chọi với tác nhân gây bệnh. Việc phòng bệnh luôn dễ và tốt hơn chữa bệnh nhiều. Cha mẹ cần nhớ, một giải pháp toàn diện cho bệnh tay chân miệng của con chính là kết hợp trong uống ngoài bôi.

return to top