U túi mật thường được biết đến ở các dạng của polyp túi mật, u nhú hoặc các u cơ mọc trên bề mặt niêm mạc của thành túi mật. U túi mật đa phần là lành tính chiếm tới 92% các trường hợp, còn lại là u ác tính.
Như đã nói ở trên, u túi mật ác tính là một dạng ít gặp của u túi mật nhưng có thể gây ra những ảnh hưởng lớn tới sức khỏe người bệnh, nguy hiểm nhất là dẫn tới ung thư.
Nếu như ở u lành, hầu hết các trường hợp đều không xuất hiện các triệu chứng cụ thể. Chỉ trong các trường hợp khi u phát triển, tiên lượng ác tính cao sẽ gây ra những triệu chứng như đau bụng, buồn nôn hoặc nôn, sốt, rối loạn tiêu hóa, vàng da,… Lúc này cũng đồng nghĩa với việc, u đã có những ảnh hưởng nhất định và bắt buộc cần tiến hành thăm khám và điều trị càng sớm càng tốt.
Ung thư túi mật là sự phân chia, phát triển một cách vô tổ chức của các tế bào tại niêm mạc thành túi mật. Ung thư túi mật là bệnh khá hiếm gặp nhưng có mức độ nguy hiểm nhất. Hơn nữa, bệnh thường khó chẩn đoán do không biểu hiện các triệu chứng đặc hiệu, đến khi phát hiện cũng đã ở giai đoạn muộn nên gây ra nhiều khó khăn trong việc điều trị bệnh.
Dựa vào tính chất của khối u cùng mức độ ảnh hưởng đến các vùng cơ quan khác mà có thể chia ung thư túi mật thành 5 giai đoạn chính như sau:
– Giai đoạn 1: Những khối u chỉ hình thành và tập trung ở túi mật, không ảnh hưởng đến các vùng hoặc các cơ quan khác.
– Giai đoạn 2: Khối u bắt đầu phát triển và có dấu hiệu xâm lấn tới các lớp mô liên kết lân cận nhưng chưa gây di căn.
– Giai đoạn 3: Các khối u dần có hiện tượng phát triển mạnh hơn và lấn ra bên ngoài túi mật. Điều này gây ra những ảnh hưởng gián tiếp tới các vùng cơ quan khác nhưng chưa gây ra di căn hạch, di căn xa.
– Giai đoạn 4: Bắt đầu phát triển thành các khối di căn hạch ở một số vùng lân cận nhưng chưa gây ảnh hưởng trực tiếp tới động – tĩnh mạch. Chưa xuất hiện di căn xa.
– Giai đoạn 5: Xuất hiện hiện tượng xâm lấn các nhóm động mạch và tĩnh mạch gần khu vực túi mật, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới các cơ quan khác và tới cả hệ thần kinh.
– Tuổi > 50
– Người bệnh mắc đái tháo đường có polyp túi mật
– Người mắc đồng thời cả polyp túi mật và sỏi bùn mật, sỏi mật
– Người bệnh polyp túi mật có xuất hiện nhiễm trùng salmonella typhi mạn tính
– Người bệnh vôi hóa thành túi mật kèm theo sỏi túi mật và polyp túi mật
– Polyp có kích thước lớn (thường lớn hơn 10mm), đặc biệt nếu polyp có kích thước > 15mm thì khả năng chứa đến 46 – 70% tế bào ung thư.
– Polyp không cuống
– Đa polyp (có nhiều hơn 3 polyp)
– Polyp có hiện tượng tăng nhanh về kích thước và số lượng trong thời gian ngắn (thường là trong khoảng thời gian giữa 2 lần thăm khám liên tiếp), polyp có bề mặt cắt xẻ, xù xì.
Trước khi thực hiện các biện pháp kiểm tra, xét nghiệm nhằm chẩn đoán, đánh giá và kết luận chính xác về ung thư túi mật, bác sĩ sẽ sàng lọc trước về yếu tố di truyền liên quan đến gia đình, tiến hành thăm khám lâm sàng tại vùng bụng:
– Kiểm tra xem có hiện tượng tích tụ dịch, đau bụng hay có u cục hay không.
– Kiểm tra màu da và màu mắt
– Khám hạch bạch huyết để xem có hiện tượng di căn hay không.
Các xét nghiệm có thể được thực hiện sau đó bao gồm:
– Xét nghiệm máu nhằm xác định nồng độ của các chất chỉ điểm khối u như CEA, CA 19-9,…
– Siêu âm để tái hiện hình ảnh cơ quan nội tạng nhằm phát hiện ra ung thư túi mật. Để tăng độ chính xác, bác sĩ có thể kết hợp đồng thời siêu âm với nội soi ổ bụng.
– Chụp cắt lớp (CT) để xác định khối u bên trong thành túi mật cũng như biết được tình trạng di căn của nó.
– Chụp cộng hưởng từ (MRI) giúp phát hiện khối u ở giai đoạn sớm hoặc ngay cả khi u đã xâm nhập vào gan.
– Nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP) phát hiện các dấu hiệu bất thường nhờ có chất cản quang được tiêm vào. Đây cũng là cách để lấy mẫu tế bào hoặc dịch của người bệnh.
– Sinh thiết tế bào được áp dụng khi các kiểm tra hoặc xét nghiệm trên không đủ căn cứ để khẳng định về ung thư túi mật.
– Ở giai đoạn đầu của bệnh: Có thể được chỉ định tiến hành phẫu thuật nhằm cắt bỏ túi mật. Trường hợp nếu ung thư đã lan rộng thì cần phải cắt cả một phần của gan.
– Ở giai đoạn muộn của bệnh: Thực hiện hoá trị, bức xạ trị liệu hoặc các thủ tục làm giảm tắc đường mật.
Trên thực tế, ung thư túi mật có thể chữa khỏi khi được phát hiện và điều trị ở giai đoạn sớm bằng cách cắt bỏ túi mật. Tuy nhiên, nếu để bệnh bước sang giai đoạn muộn, khối u xâm lấn đến lớp cơ thì tỷ lệ điều trị khỏi bệnh và sống sau 5 năm khoảng 70 – 85%, khi khối u xâm lấn tới lớp thanh mạc bên ngoài thì tỷ lệ sống sau 5 năm giảm chỉ còn dưới 5%.
U ác túi mật nếu không được phát hiện sớm và có phương án điều trị kịp thời sẽ gây ra những ảnh hưởng lớn tới sức khỏe người bệnh nhất là nguy cơ ung thư túi mật. Chính vì thế, người bệnh u túi mật cần thực hiện tốt việc thăm khám định kỳ cũng như tầm soát ung thư đối với các đối tượng có nguy cơ cao để theo dõi tình trạng sức khỏe tốt nhất.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh